Bộ 5 đề kiểm tra 1 tiết HK2 môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2018-2019

TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI                         Bài thi: NGỮ VĂN

        ĐỀ THI THAM KHẢO                            Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng và hành động của nhân vật người vợ nhặt, trong truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân), kể từ khi chị đi theo Tràng về làm vợ.

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

  • Yêu cầu về kĩ năng:
    • Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, nắm vững kĩ năng phân tích một vấn đề trong tác phẩm văn xuôi; vận dụng tốt các thao tác lập luận; văn viết có cảm xúc.
    • Bài làm không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
    • Khuyến khích những bài viết thể hiện cá tính, sáng tạo.
  • Yêu cầu về kiến thức:
    • Học sinh có thể cảm nhận và trình bày theo nhiều cách khác nhau, song phải tập trung thể hiện được những diễn biến trong tâm trạng cũng như hành động của người vợ nhặt kể từ khi quyết định đi theo Tràng. Cụ thể:
    • Mở bài (1 điểm)
      • Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt”.
      • Giới thiệu nhân vật người vợ nhặt và yêu cầu của đề.
    • Thân bài (8 điểm)
      • Nêu ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác và nội dung cốt truyện (1 điểm)
      • Phân tích tâm trạng và hành động của người vợ nhặt (5 điểm)
        • Trên đường về nhà, chị ngượng ngùng, xấu hổ
        • Khi về đến nhà:
          • Thất vọng trước gia cảnh nhà Tràng.
          • Ngượng  ngùng, lúng túng.
          • Lễ phép chào hỏi mẹ Tràng.
          • Khép nép trước cái nhìn quan sát của bà cụ Tứ.
        • Sau đêm tân hôn, người đàn bà  là vợ hiền dâu thảo: đảm đang vén khéo, cư xử đúng mực, tỏ ra có hiểu biết.
      • Đánh giá (2 điểm)
        • Thành công của Kim Lân khi miêu tả tâm trạng của nhân vật người vợ nhặt.
        • Người vợ nhặt chính là điển hình cho những người phụ nữ lao động nghèo trong xã hội cũ đặc biệt là lúc nạn đói Ất Dậu xảy ra: số phận nổi trôi, tính cách có lúc bị méo mó vì cái đói nhưng bản chất lương thiện và có nhiều đức tính tốt đẹp.
    • Kết bài (1 điểm)                                                                                              
      • Đánh giá chung về tác phẩm và nhân vật
      • Phát biểu cảm nghĩ

 

     TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÂN                                         Bài thi: NGỮ VĂN

       ĐỀ THI THAM KHẢO                             Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần 1: Đọc - hiểu (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Xin đừng vội nghĩ cứ có học vấn, bằng cấp cao là nghiễm nhiên trở thành người có văn hóa. Trình độ tri thức văn hóa cũng mới chỉ là tiền đề. Nếu sự rèn luyện nhân cách kém thì tiềm năng hiểu biết đó sẽ tạo nên thói hợm hĩnh, khinh đời; phong cách sống càng xấu đi, càng giảm tính chất văn hoá. Trong thực tế, ta thấy không hiếm những người có học mà phong cách sống lại rất trái ngược. Họ mở miệng là văng tục, nói câu nào cũng đều có kèm từ không đẹp. Mặt vênh vênh váo váo, coi khinh hết thảy mọi người. Trò chuyện với ai thì bao giờ cũng hiếu thắng, nói lấy được, nhưng khi gặp khó khăn thì chùn bước, thoái thác trách nhiệm. Trong lúc đó, có người học hành chưa nhiều, chưa có học hàm, học vị gì nhưng khiêm tốn, lịch sự, biết điều trong giao tiếp, khéo léo và khôn ngoan trong cách ứng xử trước mọi tình huống của cuộc sống. Rõ ràng là chất văn hóa trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.

(2) Tất nhiên, tác động của trình độ học vấn đến sự nâng cao phong cách văn hoá của một người rất lớn. Cách suy nghĩ, cách giải quyết mâu thuẫn, sự ước mơ, kì vọng và sự trau dồi lí tưởng có liên quan mật thiết đến tiềm năng hiểu biết. Đa số những người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp. Không thể phủ nhận thực tế đó, chỉ có điều cần nhớ là trình độ học vấn và phong cách sống văn hóa không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.

(Trích “Học vấn và văn hóa”- Trường Giang)

Câu 1: Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào? (0,5điểm)

Câu 2: Theo tác giả, có trường hợp người có học nhưng phong cách sống của họ như thế nào? (1.0 điểm)

Câu 3: Trong văn bản, tác giả cho biết trình độ học vấn có tác động như thế nào đến phong cách văn hóa của một con người? (0.5 điểm)

Câu 4: Trong đoạn văn (1), người viết sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đó. (1.0 điểm)

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu văn được gợi ra từ phần Đọc – hiểu “Rõ ràng là chất văn hóa trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.”

Câu 2: (5.0 điểm)

Về nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Đó là một người phụ nữ liều lĩnh, thiếu lòng tự trọng.

Nhưng ý kiến khác thì khẳng định: Đó là một người phụ nữ tự trọng, có ý thức về phẩm giá của mình.

Từ cảm nhận về hình tượng nhân vật người vợ nhặt, anh/ chị hãy bình luận các ý kiến trên.

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - hiểu (3.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

  • Có trường hợp người có học nhưng phong cách sống của họ lại rất trái ngược: Họ mở miệng là văng tục, nói câu nào cũng đều có kèm từ không đẹp. Mặt vênh vênh váo váo, coi khinh hết thảy mọi người. Trò chuyện với ai thì bao giờ cũng hiếu thắng, nói lấy được, nhưng khi gặp khó khăn thì chùn bước, thoái thác trách nhiệm.

Câu 3:

  • Trình độ học vấn tác động đến phong cách văn hóa của một con người rất lớn:
    • Cách suy nghĩ, cách giải quyết mâu thuẫn, sự ước mơ, kì vọng và sự trau dồi lí tưởng có liên quan mật thiết đến tiềm năng hiểu biết.
    • Đa số những người có học vấn cao thường có phong cách sống đẹp.

Câu 4:

  • Trong đoạn (1), người viết sử dụng các biện pháp nghệ thuật:
    • Liệt kê
    • Tương phản, đối lập
  • Tác dụng:
    • Liệt kê: Có tác dụng trình bày rõ những biểu hiện thiếu văn hóa trong phong cách sống của một số người có học; đồng thời trình bày rõ những biểu hiện có văn hóa của một số người học hành chưa nhiều.
    • Tương phản, đối lập: Có tác dụng nhấn mạnh sự trái ngược giữa hai đối tượng (những người có học và những người học hành chưa nhiều).

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

  • Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu văn được gợi ra từ phần Đọc – hiểu “Rõ ràng là chất văn hóa trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.”
  • Đảm bảo thể thức của đoạn văn:
    • Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
    • Có đủ các phần: mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
  • Xác định đúng vấn đề nghị luận: chất văn hóa trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.
  • Nội dung đoạn văn:
    • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục hiện tượng.
    • Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề cần nghị luận: Chất văn hoá trong phong cách sống phụ thuộc nhiều vào ý thức tu dưỡng tính nết, học tập trường đời và kết quả của giáo dục gia đình.
    • Các câu phát triển đoạn.
    • Giải thích:
      • Văn hoá là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra.
      • Phong cách sống là những nét điển hình, được lặp đi lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc hay là cả một nền văn hóa.
      • ⇒ Ý cả câu: Con người có văn hóa là nhờ sự kết hợp của ba yếu tố: tự thân rèn luyện, từng trải trong đời và sự giáo dục của gia đình.
    • Bàn luận:
      • “Ý thức tu dưỡng tính nết” là yếu tố quan trọng nhất để hình thành phong cách sống văn hóa.
      • Trường đời là môi trường thực tế tôi luyện con người.
      • Gia đình là cái nôi hình thành văn hoá trong phong cách sống mỗi người. Nhờ có gia đình, mỗi người không những được nuôi dưỡng mà còn được dạy dỗ về tình thương, cách ứng xử trong quan hệ…
      • ⇒ Ba yếu tố trên có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, hình thành nên chất văn hoá trong phong cách sống của mỗi người. (dẫn chứng thực tế)
    • Phê phán những người tuy có trình độ học vấn nhưng văn hoá sống thấp, nhất là trong ứng xử giao tiếp, trong nhận thức và hành động.
    • Câu kết đoạn: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân: Ý thức được văn hóa của con người rất quan trọng. Bản thân không ngừng học tập và tu dưỡng để có lối sống đẹp.
  • Sáng tạo: có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với những chuẩn mực về đạo đức
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Câu 2: (5.0 điểm)

  • Về nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Đó là một người phụ nữ liều lĩnh, thiếu lòng tự trọng. Nhưng ý kiến khác thì khẳng định: Đó là một người phụ nữ tự trọng, có ý thức về phẩm giá của mình. Từ cảm nhận về hình tượng nhân vật “người vợ nhặt”, anh/ chị hãy bình luận các ý kiến trên.
  • Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.
  • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
    • Hai ý kiến đánh giá về nhân vật người vợ nhặt: Đó là một người phụ nữ liều lĩnh, thiếu lòng tự trọng; đó là một người phụ nữ tự trọng, có ý thức về phẩm giá của mình.
  • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
    • Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Kim Lân, về tác phẩm “Vợ nhặt” và về nhân vật người vợ nhặt.
    • Thân bài:
      • Giải thích các ý kiến:
        • Ý kiến thứ nhất cho rằng: nhân vật người vợ nhặt là một người phụ nữ liều lĩnh, thiếu lòng tự trọng.
        • ⇒ Ý kiến trên có lẽ đã căn cứ vào một thực tế của truyện là người phụ nữ này đã theo không nhân vật Tràng chỉ sau hai lần gặp, nghe vài ba câu nói đùa, ăn bốn bát bánh đúc...
        • Ý kiến thứ hai khẳng định: nhân vật người vợ nhặt là một người phụ nữ tự trọng, có ý thức về phẩm giá.
        • ⇒ Người nêu lên ý kiến này đã nghiêng về góc độ nhìn nhân vật như là một nạn nhân của nạn đói, cảm thông với tình thế đặc biệt của nhân vật và có cái nhìn yêu thương, trân trọng đối với những biểu hiện đáng quý của người vợ nhặt như: khi theo Tràng về nhà “đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt; thị có vẻ rón rén, e thẹn; thị có vẻ khó chịu, thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo; thị ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia; ngồi mớm ở mép giường khi vào nhà, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”…
      • Cảm nhận về hình tượng người vợ nhặt:
        • Học sinh có thể có những cảm nhận khác nhau nhưng vẫn cần nhận ra những đặc điểm cơ bản gắn với cảnh ngộ và phẩm chất của nhân vật - được Kim Lân khắc họa đầy chân thực và cảm động:
          • Bị nạn đói dồn vào cảnh ngộ bi thảm nên thị trở nên liều lĩnh, trơ trẽn, chấp nhận theo không Tràng.
          • Trong bi thảm, người vợ nhặt vẫn có biểu hiện ý tứ, mực thước, có ý thức giữ gìn phẩm  giá.
          • Trong bi thảm, nhân vật người vợ nhặt vẫn âm thầm nuôi dưỡng niềm khát khao cuộc sống gia đình, niềm mong mỏi chính đáng về cuộc sống ngày mai.
      • Bình luận về các ý kiến
        • Cả hai ý kiến đều có cơ sở dù cách đánh giá về nhân vật có sự trái ngược nhau.
          • Ý kiến thứ nhất thiên về hiện tượng, về biểu hiện của nhân vật.
          • Ý kiến thứ hai vẫn có cơ sở từ biểu hiện và hành động nhân vật nhưng đã có sự lưu ý về bản chất nhân vật.
          • Có thể đề xuất thêm ý kiến thứ ba: con người là một thực thể đa đoan, trong nhân vật người vợ nhặt có cả hai điều được nêu trên nhưng điều thứ hai mới là bản chất.
    • Kết bài:
      • Khẳng định phẩm chất của nhân vật
      • Thấy được giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm thông qua nhân vật.
  • Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

 

     TRƯỜNG THPT XUÂN TÔ                                             Bài thi: NGỮ VĂN

         ĐỀ THI THAM KHẢO                          Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Đề bài:

Nguyễn Minh Châu viết về nhân vật chánh án Đẩu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa: “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trong Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Câu văn này gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì về tình huống nhận thức trong tác phẩm?

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

  • Yêu cầu chung:
    • Học sinh phải biết kết hợp các kiến thức kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ, văn có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
  • Triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp.
    • Yêu cầu cụ thể
      • Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:
        • Trình bày đủ mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài phải bao gồm nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ và làm sáng tỏ vấn đề; phần kết khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
      • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
        • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: mối liên hệ giữa câu nói và tình huống truyện.
    • Chia vấn đề nghị luận phù hợp; các vấn đề nghị luận triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các lập luận triển khai các luận điểm (phải có sử dụng các thao tác phân tích, so sánh, bình luận); biết kết hợp nêu lí lẽ và dẫn chứng. Có thể trình bày theo cách sau:
      • Mở bài:
        • Giới thiệu sơ lược về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm.
        • Giới thiệu vấn đề nghị luận: mối liên hệ giữa câu nói và tình huống truyện.
        • Dẫn đề.
      • Thân bài:
        • Sơ lược nội dung văn bản, tóm tắt tác, vị trí câu nói:         
        • Giải thích nội dung câu nói:      
          • Câu văn thể hiện suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật Đẩu; cũng có thể hiểu là suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng sau khi đã trực tiếp chứng kiến chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài và câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện. Nhận thức mới xuất hiện trong tâm trí chánh án Đẩu - con người tốt bụng, chính trực (vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển), tạo nên dáng vẻ suy tư, trăn trở (trong Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ).
          • Suy nghĩ về tình huống nhận thức trong tác phẩm: Câu văn có mối liên hệ với tình huống nhận thức trong tác phẩm. Có thể hiểu đây là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức: từ lầm lẫn, ngộ nhận đến thấu hiểu, cảm thông,… Cả Phùng, Đẩu đã hiểu ra được nhiều điều: hiểu được cuộc sống từ cảnh ngộ đến tâm tư của những người dân hàng chài, thông cảm với họ, trân trọng phẩm chất tốt đẹp của họ và hiểu cả chính mình; hiểu được mối quan hệ phức tạp, đa chiều của đời sống.
      • Kết bài
        • Khẳng định lại vấn đề: Tình huống nhận thức trong truyện có một vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Qua đó, nhà văn đã gửi gắm thông điệp: đừng nhìn cuộc sống, con người dễ dãi, một chiều; hãy dõi ánh nhìn trĩu nặng yêu thương về cuộc sống, con người để thấu hiểu, cảm thông,trân trọng.
        • Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân.          
    • Sáng tạo
      • Có nhiều diễn đạt sáng tạo, độc đáo (câu, từ ngữ, hình ảnh, yếu tố biểu cảm,...); thể hiện được suy nghĩ riêng sâu sắc phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp.
    • Chính tả, dùng từ, đặt câu (1,0 điểm)
      • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

TRƯỜNG THPT THĂNG LONG 2                                             Bài thi: NGỮ VĂN

         ĐỀ THI THAM KHẢO                          Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Đọc câu chuyện sau:

HAI HẠT LÚA

“Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai”.

(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

Từ nội dung câu chuyện trên, Anh(Chị) bình luận về cách sống không nhỏ nhen, ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân của con người trong cuộc sống hiện nay?

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

  • Mở bài:
    • Dẫn dắt vấn đề, giới thiệu câu chuyện trong đề bài
    • Nêu vấn đề cần nghị luận
  • Thân bài:
    • Giải thích:
      • Tóm tắt thật ngắn gọn truyện: “Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.  Người chủ đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.  Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...  Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai”.  Mượn câu chuyện hai hạt lúa, tác giả đã nêu lên và khẳng định một quan niệm nhân sinh đúng đắn, tích cực
    • Lí giải vấn đề:
      • Cách sống không nhỏ nhen, ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân là lối sống đẹp, biết sẻ chia, sẵn sàng chấp nhân hi sinh, thiệt thòi về mình   
      • Hai hạt lúa nêu lên hai quan niệm sống, hai lối sống trái chiều nhau: một bên luôn sẵn sàng cho đi, một bên ích kỷ chỉ biết giữ lại những điều tốt đẹp cho bản thân mình.
      • Hạt lúa muốn giữ lại chất dinh dưỡng cho riêng mình trong một hình hài nguyên vẹn tuy không nát tan trong đất nhưng lại tan nát trong cuộc đời, lại bị tuyệt diệt.
      • Hạt giống tưởng rằng đã tan nát trong đất rồi nhưng lại được hồi sinh thành những bông lúa vàng trĩu hạt.
      • Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cần phải biết hi sinh, sống vì người khác, sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi, không nên ích kỉ, hẹp hòi, chỉ biết bản thân...
      • Dầu biết rằng trong cuộc đời, ai cũng có những phút giây chỉ muốn sống cho bản thân mình. Chỉ có điều, khi có cơ hội, bạn đừng ngần ngại mà hãy cho đi, thậm chí cho đi một cách rất nhẹ nhàng như lời cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi... ”
      • Đừng tự hủy diệt mình bằng sự ích kỷ. Cứ sẵn sàng dâng hiến cho cuộc đời những gì mình có.
      • Con người sống cần phải dấn thân, chấp nhận gian khó, thử thách, dám sống, không ích kỉ, nhỏ nhen, chủ nghĩa cá nhân vì mục đích cao cả, tốt đẹp.
      • Phải biết sống vì người khác, dám chấp nhận cả những thiệt thòi, hi sinh về phía bản thân mình. Đó cũng chính là một trong những cách sống của mỗi con người cần hướng đến trong cuộc đời. (Trong quá trình lí giải cần chọn dẫn chứng minh họa)
    • Bàn luận, bác bỏ
      • Bên cạnh những người sống biết vì người khác, biết cống hiến, sẻ chia, cũng còn không ít người ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết có bản thân như hạt lúa thứ nhất. (Dẫn chứng minh họa)
      • Câu chuyện gợi cho chúng ta cần phải lựa chọn cho mình một lối sống tích cực: không nhỏ nhen, ích kỉ.
      • Chúng ta cần phải tu dưỡng, rèn luyện, bồi dưỡng đời sống tâm hồn phong phú hơn, sống phải vị tha, chan hòa, biết vì mọi người, không nên tư lợi cá nhân..
  • Kết bài: Liên hệ rút ra bài học về nhận thức và hành động.
  • Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh đạt được cả yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, bài làm phải có dẫn chứng minh họa. Đề cao tính sáng tạo của học sinh.

 

TRƯỜNG THPT BẾN TRE                                                       Bài thi: NGỮ VĂN

    ĐỀ THI THAM KHẢO                              Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Đề bài:

Trong một bộ phim truyền hình Việt Nam có một nhân vật đã nhắc nhở con cháu mình: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt”.

Anh/chị suy nghĩ như thế nào về lời nhắc nhở trên? (10 điểm)

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

  • Lập dàn ý.
    • Mở bài
      • Văn hóa rất cần thiết trong cs của con người, song con đường, cách thức để tích lũy, làm đầy lên vốn văn hóa lại là vấn đề cần suy nghĩ, xem xét.
      • Trích dẫn ý kiến.
    • Thân bài
      • Giải thích:
        • Gói tiền: lượng vật chất có giá trị
        • Có thể nhặt được gói tiền: giải thiết con người có thể có một lượng vật chất có giá trị mà không phải mất nhiều công sức để tích lũy. Đây là việc ít gặp song không phải là tuyệt đối không thể xảy ra.
        • Văn hóa: trình độ học vấn, vốn tri thức, kiến thức KH và trình độ sống biểu hiện qua sinh hoạt và ứng xử của con người trong đời sống xã hội.
        • Không ai đánh rơi gói văn hóa cho ta nhặt: cách nói hình ảnh để phủ nhận khả năng có được văn hóa một cách ngẫu nhiên, tình cờ, ngoài ý thức nỗ lực cố gắng của con người.
        • ⇒ Khái quát ý nghĩa: Có thể tự nhiên có được một lượng vật chất song không phải tự nhiên mà có văn hóa. Mỗi người cần tự tích lũy, hình thành và bồi đắp văn hóa cho mình.
      • Bình luận
        • - Có thể nhặt được gói tiền:
          • Tiền là vật ngoài thân, không thể đồng nhất với con người.
          • Khi là vật ngoài thân nên phải giữ gìn và bảo quản. Nhưng có thể vì một lí do nào đó, người ta sẽ làm thất lạc. → Có thể nhặt được gói tiền vì ai đó bất cẩn mà đánh rơi.
        • Không thể nhặt được gói văn hóa. Vì:
          • Văn hóa ở đây là biểu hiện của trình độ, nó thuộc về con người, làm nên diện mạo, tinh thần con người, nó không tồn tại ở dạng vật chất nên không thể đánh rơi và cũng không thể nhặt.
          • Văn hóa là kết quả của một quá trình tích lũy, chọn lọc và hoàn thiện dần bằng nhận thức và ý thức nên không thể tự xuất hiện ở con người.
          • Văn hóa là kết tinh năng lực và phẩm chất của con người văn minh nên khi đạt đến trình độ học vấn và có trình độ sống của con người văn minh mới được coi là văn hóa.
        • Làm thế nào để có văn hóa?
          • Học tập bằng những phương thức, con đường khác nhau.
          • Học hỏi với ý thức vươn lên tự hoàn thiện mình về cách sống, cách sinh hoạt, cách ứng xử để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống văn minh.
          • Luôn trau dồi, rèn luyện và củng cố những gì đã học được để nó thuộc về mình, trở thành tố chất trong con người mình, làm nên diện mạo tinh thần của mình trong cuộc sống.
        • Bài học nhận thức và hành động:
          • Là một bài học tư tưởng, đạo lí về cách sống cho con người: Văn hóa không bỗng dưng mà có, mỗi người cần chủ động, tích cực trong học tập, học hỏi để bồi đắp và nâng cao vốn văn hóa cho chính mình.
          • Là lời nhắc nhở có ý nghĩa với tất cả mọi người đặc biệt cần thiết với tuổi trẻ - tuổi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc sống, rất cần chú ý tới việc tích lũy vốn sống, vốn văn hóa để xây dựng tương lai.
    • Kết bài
      • Vốn văn hóa không chỉ thể hiện ở bằng cấp, trình độ kiến thức mà là tổng thể tất cả những giá trị tinh thần tạo nên tầm vóc một con người. Không có kiến thức, con người sẽ khó khẳng định được mình; nếu không có văn hóa, con người dễ sống cẩu thả, tầm thường, vô nghĩa.
      • Ở tuổi học đường, ngoài việc tích lũy kiến thức cần quan tâm đến cuộc sống xung quanh để học hỏi về mọi mặt “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Mời các em làm bài thi trực tuyến tại:

Đề kiểm tra 1 tiết HK2 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?