Bộ 4 ĐỀ ĐỌC HIỂU ÔN TẬP HỌC KÌ 2 NGỮ VĂN 9
VĂN BẢN MÙA XUÂN NHO NHỎ
Đề 1:
Hình ảnh mùa xuân được khắc hoạ thật đẹp trong đoạn thơ sau:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Câu 1: Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào, của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời tác phẩm ấy?
Câu 2: Dựa vào đoạn thơ trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 10-12 câu theo cách lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp, trong đó có sử dụng phép nối và một câu chứa thành phần tình thái với chủ đề: vẻ đẹp của mùa xuân, thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy (gạch dưới thành phần tình thái và những từ ngữ dùng làm phép nối).
Câu 3: Cũng trong bài thơ trên có câu:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng”
Trong câu thơ trên từ “lộc” được hiểu như thế nào? Theo em, vì sao hình ảnh “người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng”?
Đề 2:
Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải có đoạn:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.
a. Hãy chỉ ra hàm ý của đoạn thơ?
b.Viết một đoạn văn ngắn ( 5 – 10 câu ) phân tích được biện pháp tu từ và nội dung chính của đoạn thơ, trong đó có sử dụng thành phần cảm thán.
Đề 3:
Mở đầu bài thơ Thanh Hải viết:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc.”
1. Câu thơ trên sử dụng biện pháp tu từ gì? Hãy nêu hiệu quả của biện pháp tu từ ấy trong văn cảnh?
2. Chép 5 dòng thơ tiếp theo để hoàn thiện khổ thơ?
3. Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”?
4. Trong chương trình Ngữ văn 9, có bài thơ cũng có hình ảnh con chim, bông hoa. Chép nguyên văn những câu thơ mang hình ảnh đó? Cho biết đó là bài thơ nào, của ai?
----- Nội dung đầy đủ chi tiết, vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy-----
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Đề 1:
Câu 1: Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải.
Bài thơ được viết vào tháng 11-1980, không bao lâu trước khi tác giả qua đời, thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện được cống hiến của tác giả.
Câu 2: Đoạn văn viết phải đảm bảo được những yêu cầu sau:
a. Về hình thức: Là đoạn văn tổng - phân - hợp, đúng số câu dề bài quy định (khoảng từ 10-12 câu), không sai lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, chữ viết sạch sẽ, rõ nét.
b. Về nội dung:
* Câu mở đoạn: Giới thiệu khổ thơ nằm ở phần đầu bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
- Ý chính: Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của mùa xuân xứ Huế và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy.
* Thân đoạn: Đảm bảo được rõ hai mạch ý:
- Ý 1: Mùa xuân thiên nhiên xứ Huế được miêu tả qua vài nét khắc hoạ: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời.
Qua vài nét khắc hoạ nhưng tác giả vẽ ra được cả không gian mênh mông, cao rộng cùa dòng sông xanh, hoa tím biếc - màu tím đặc trưng cho xứ Huế; cả âm thanh rộn rã của chim chiền chiện hót vang trời vọng từ trên cao, bông hoa mọc lên từ nước, giữa dòng sông xanh. Bức tranh xuân còn tràn trề sức sống được thể hiện qua nghệ thuật đảo ngữ. Từ “Mọc” lên trước chủ ngữ và đứng đầu khổ thơ.
- Ý 2: Cảm xúc của tác giả sâu sắc, say xưa, ngây ngất trước vẻ đẹp tươi sáng tràn trề sức sống của mùa xuân được bộc lộ qua lời gọi, lời gọi chim “Ơi”, “hót chi”; qua sự chuyển đổi cảm giác, cảm nhận âm thanh tiếng chim từ chỗ: cảm nhận âm thanh bằng thính giác chuyển thành “từng giọt”, có hình, khối, cảm nhận bằng thị giác. “Từng giọt long lanh” ấy có ánh sáng, màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác: “Tôi đưa tay tôi hứng”.
*Kết đoạn: Hình ảnh mùa xuân được khắc hoạ thật đẹp ở khổ 1 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, được viêt vào tháng 11, thời tiết lúc đó là mùa đông giá rét. Tác giả đang bị bệnh nặng, chỉ hơn một tháng ông qua đời. Vì vậy qua khổ thơ, bạn đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ - người có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
c. Về ngữ pháp:
- Sử dụng đúng, thích hợp thành phần tình thái và phép nối trong đoạn.
- Gạch chân, chú thích rõ ràng thành phần tình thái được sử dụng trong một câu và những từ ngữ dùng làm phép nối trong đoạn văn
Câu 3: Từ “lộc” trong câu thơ là từ có tính nhiều nghĩa.
- Nghĩa chính: là những mầm non nhú lên ở cây khi mùa xuân đến.
Nghĩa chuyển: sức sống, sức phát triển của đất nước, với nhiệm vụ bào vệ đất nước trong những ngày đầu xuân.
- Hình ảnh “Người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng” là vì: Trên đường hành quân, trên lưng người lính lúc nào cũng có những cành lá để nguỵ trang, trên đó có những lộc non mới nhú lên khi mùa xuân đến. Với nghĩa chuyển của từ “lộc”, ta cảm nhận anh bộ đội như mang trên mình mùa xuân của đất nước. Anh cầm súng để bảo vệ mùa xuân tươi đẹp đó. Cách diễn đạt sức sống của một đất nước vào mùa xuân với nhiệm vụ lớn lao: Bảo vệ đất nước thật cụ thể và sinh động.
Đề 2:
a) Hàm ý trong đoạn thơ là: Tác giả muốn được sống có ích, dâng hiến cho đất nước, cho cuộc đời dù là những đóng góp cá nhân nhỏ bé, khiêm nhường.
b)
* Yêu cầu về kĩ năng: Trình bày đúng hình thức đoạn văn, diễn đạt mạch lạc, không lỗi chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức:
HS có thể trình bày đoạn văn theo các ý sau:
- Nhà thơ muốn làm “con chim hót”, “một cành hoa”, làm “nốt trầm
xao xuyến” trong bản hòa ca cuộc đời. Đó là một sự dâng hiến lặng lẽ và khiêm nhường, một khát vọng tha thiết của một con tim luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống.
- Tác giả dùng điệp từ “ta” vừa thể hiện được ý nghĩ riêng của cá nhân vừa khơi gợi sự đồng cảm của mọi người: Chúng ta hãy cống hiến hết mình cho đất nước.
- Thành phần cảm thán.
Đề 3:
1. Nêu đúng biện pháp tu từ: Đảo ngữ (0,5 đ)
Tác dụng: Nhấn mạnh vẻ đẹp của bông hoa mọc lên từ dòng nước trong xanh, khoe sắc màu tươi sáng và tràn đầy sức sống (0,75 đ)
2. Chép đúng 5 dòng tiếp theo của khổ thơ. (0,5 đ)
3. Nêu đúng hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Tháng 11/ 1980 khi ông đang nằm trên gường bệnh chỉ còn vài tuần trước khi ông qua đời. (0,5 đ)
4. Chép đúng 2 câu thơ: “Muốn làm… tỏa hương đâu đây” (0,25 đ)
Bài thơ cũng có hình ảnh con chim, bông hoa là bài “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương. (0,5 đ)
Trên đây là trích dẫn một phần đề kèm thang điểm Bộ 4 đề đọc - hiểu ôn tập HK2 môn Ngữ Văn 9. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi giữa học kì sắp tới.
Ngoài ra. các em có thể thao khảo thêm
Bộ 4 đề đọc- hiểu ôn tập HK2 môn Ngữ Văn 9 - Văn bản Viếng lăng Bác
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---