Bộ 2 đề kiểm tra ôn tập tổng hợp HK2 môn Ngữ Văn 9

                                             BỘ 2 ĐỀ ÔN TẬP TỔNG HỢP HỌC KÌ 2 MÔN NGỮ VĂN 9

 

ĐỀ 1:

Phần I: Đọc hiểu

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

                          "Bỗng nhận ra hương ổi

                           Phả vào trong gió se

                           Sương chùng chình qua ngõ

                           Hình như thu đã về"

                                              (Sang thu, Hữu Thỉnh)

Câu 1. Đoạn thơ trên chủ yếu được viết theo phương thức biểu đạt nào?  Tìm nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)

Câu 2. Trong đoạn thơ có sử dụng một thành phần biệt lập. Hãy chỉ rõ đó là thành phần biệt lập nào và nêu tác dụng của thành phần biệt lập đó? (0,75 điểm)

Câu 3. Hãy chỉ ra điểm giống và khác nhau về ý nghĩa của từ chùng chình trong:

          "Sương chùng chình qua ngõ"

                     (Sang thu, Hữu Thỉnh)

   và

 "Không khéo thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày, Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình…"

                                 (Bến quê, Nguyễn Minh Châu)

Câu 4. Nêu cảm nhận sâu sắc của em về nội dung đoạn thơ trên bằng một đoạn văn từ 5-7 câu.   

Phần II: Tập làm văn

Câu 1: Nghị luận xã hội.

Từ phần ngữ liệu đọc hiểu, trình bày suy nghĩ của em (bằng một đoạn văn 200 chữ) về ý chí, nghị lực của tuổi trẻ ngày nay để vượt qua những điều vòng vèo, chùng chình mà Nguyễn Minh Châu đề cập trong văn bản Bến quê.

Câu 2: Nghị luận văn học.

Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ( SGK Ngữ văn 9, tập 2) nhà thơ Thanh Hải viết:

                     Ta làm con chim hót

                     Ta làm một cành hoa

                     Ta nhập vào hòa ca

                     Một nốt trầm xao xuyến.

 

                     Một mùa xuân nho nhỏ

                     Lặng lẽ dâng cho đời

                     Dù là tuổi hai mươi

                     Dù là khi tóc bạc.

 Một học sinh lớp 9 lại viết trong nhật kí như sau: “ Mình rất trân trọng ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải nhưng mình sẽ không là “một nốt trầm” mà muốn là một nốt nhạc thánh thót vút cao trong bản nhạc dâng cho đời”.

 Hãy trình bày ý kiến của em về hai ước vọng sống nói trên.

ĐỀ 2:

Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

  “Các ngươi chớ quên, chính nước lớn mới làm điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đằng, làm một nẻo… Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải.Các việc trên khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta thì gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ đã biến giang sơn của ta từ cái tổ đại bàng thành tổ chim chích. Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tai kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu.”

      (Bản di chúc của vua Trần Nhân Tông (1258-1308) 

Câu 1: Trong đoạn văn bản tác giả sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính? Chỉ ra các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn bản?

Câu 2: Tìm nội dung chính của đoạn văn bản trên? 

Câu 3: Nêu cách hiểu của em về các cụm từ "gặm nhấm đất đai","cái tổ đại bàng","tổ chim chích"? Từ đó chỉ ra hiệu quả diễn đạt của các từ đó trong đoạn văn?

Câu 4: Thông điệp mà Trần Nhân Tông muốn gửi gắm đến các thế hệ cháu con muôn đời: "Vậy nên các ngươi phải nhớ lời ta dặn: "Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". (Trình bày trong khoảng 7 đến 10 dòng).

Phần II: Tập làm văn

Câu 1:

 Từ phần ngữ liệu đọc hiểu, trình bày suy nghĩ của em (bằng một đoạn văn 200 chữ) về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc thực hiện lời di chúc của Trần Nhân Tông?

Câu 2:

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Phương Định trong truyện “ Những ngôi sao xa xôi “ của Lê Minh Khuê. Từ đó nêu suy nghĩ của em về tuổi trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ và nhiệm vụ của thế hệ trẻ hôm nay.

.............HẾT...........

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

ĐỀ 1:

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1.

- Đoạn thơ trên chủ yếu được viết theo phương thức biểu đạt biểu cảm.

-Nội dung chính của đoạn thơ:

+ Dấu hiều thu sang qua làn hương ổi , gió se, sương chùng chình…

+Tâm trạng ngỡ ngàng của con người khi nhận ra dấu hiệu sang thu.

Câu 2:

-Thành phần biệt lập: Tình thái "Hình như"

-Tác dụng: Diễn tả tâm trang ngỡ ngàng, chưa tin chưa dám chắc dù đã nhận ra dấu hiệu thu sang ở một chốn làng quê.

Câu 3:

-Điểm giống: chỉ một sự dịch chuyển rất chậm.

- Điểm khác:

+Từ chùng chình trong câu "Sương chùng chình qua ngõ" là nghệ thuật nhân hóa chỉ làn sương thu nhẹ, mỏng manh, giăng mắc, nửa muốn đi, nửa muốn níu dừng lại nơi ngõ xóm.

+ Từ chùng chình trong câu "…con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình…" là nghệ thuật ẩn dụ chỉ sự lặp lại những điều đáng tiếc như của người bố ở người con: Đó là lãng quên gia đình quê hương. Lỗi sai này bố đã hối hận và đến con cũng không có sự tiến triển đổi thay.Con cũng giống như bố.

Câu 4 :

Thí sinh thể hiện được những nội dung sau:

-Những dấu hiệu sang thu ở một chốn làng quê qua những hình ảnh rất đỗi mộc mạc, gần gũi quen thuộc:

+ Hương thu…

+Gió thu…

+Sương thu…

-Tâm trạng của con người ngỡ ngàng, bất ngờ, bối rối chưa dám tin vào những điều đã nhìn thấy, cảm thấy.

=> Đó chính là giây phút giao mùa sang thu đang diễn ra ở một chốn làng quê.

Phần II: Tập làm văn

Câu 1: Nghị luận xã hội.

Câu 2: Nghị luận văn học.

* Yêu cầu về hình thức

- Xác định đúng kiểu bài nghị luận xã hội

- Bố cục linh hoạt: bài văn nghị luận thông thường hoặc nhật kí hoặc một bức thư…

* Yêu cầu về nội dung

A. Mở bài

- Giới thiệu về ước vọng, lí tưởng sống của con người.

- Dẫn dắt nêu ước vọng sống của Thanh Hải trong “Mùa xuân nho nhỏ” và ước vọng sống của bạn học sinh lớp 9 trong nhật kí.

B. Thân bài

1.Giải thích

-Ước vọng, lí tưởng sống: đích đến, mục tiêu phấn đấu trong cuộc đời của mỗi con người.

-“Một nốt trầm xao xuyến”: cống hiến thầm lặng.

-“Một nốt nhạc thánh thót vút cao”: cống hiến với sự nổi bật.

-So sánh hai ước vọng sống.

+ Giống nhau: mục đích dâng hiến tài năng, trí tuệ cho cuộc đời.

+ Khác nhau: cách thực hiện

Thanh Hải: lặng lẽ, khiêm nhường- quan điểm sống truyền thống

Bạn học sinh lớp 9: muốn làm việc nhiệt tình, sôi nổi, muốn nổi bật trở thành trung tâm- quan điểm sống khá hiện đại

->Hai ước vọng sống đều đúng đắn khi chúng ta biết thực hiện nó bằng cả Tài và Tâm.

2. Chứng minh

- Chứng minh những “nốt trầm xao xuyến” trong cuộc sống. ( Dẫn chứng trong thực tế và trong văn học)

- Chứng minh những nốt cao thánh thót trong cuộc sống. (Dẫn chứng trong thực tế và trong văn học)

3. Bình luận

- Khẳng định cả hai ước vọng sống đều đúng đắn, đáng trân trọng, tôn vinh.

-Nguyên nhân dẫn tới sự khác nhau: tính cách, hoàn cảnh sống, thời đại…

4. Liên hệ bản thân

- Ngày nay một bộ phận thanh niên chưa có lí tưởng sống hoặc có lí tưởng sống sai lệch: nhắc nhở, giáo dục, định hướng…

- Bài học về lí tưởng sống: Dù chọn nốt trầm hay nốt cao, mỗi người cần tâm niệm: Sống trong đời cần có một tấm lòng (Trịnh Công Sơn) để cái tôi cá nhân hòa vào tập thể cộng đồng.

-Cách đánh giá con người: Giá trị của con người không phụ thuộc vào sự nổi tiếng hay thầm lặng mà nằm ở chất lượng của những cống hiến.

C.Kết luận

-Khẳng định vai trò của khát vọng, lí tưởng trong cuộc đời mỗi con người.

-Nêu lên ước vọng của bản thân và đặt câu hỏi gợi mở với người đọc.

Đề 2:

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: 

-Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

-Phép liên kết:

+Phép thế: "họ" thay thế cho "nước lớn","các việc trên" thay thế cho"chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải".

+Phép nối: "Tức là","vậy nên".

Câu 2: 

-Nội dung chính:

 Đoạn văn đề cập đến những việc làm bậy bạ, trái đạo cũng như dã tâm gặm nhấm, thôn tính nước bé của các nước lớn. Đồng thời, nhà vua cũng căn dặn các thế hệ cháu con phải trân trọng giữ từng tấc đất của tiền nhân để lại, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

Câu 3: 

- Gặm nhấm đất đai: xâm chiếm dần dần, từng ít một đất đai của nước láng giềng.

- Cái tổ đại bàng: Chỉ giang sơn rộng lớn của các nước nhỏ.

- Tổ chim chích: Giang sơn rộng lớn bị thu hẹp, nhỏ dần của các nước nhỏ.

=>Hiệu quả: Nhờ các cụm từ trên, văn bản trở nên giàu hình ảnh và giàu sức biểu cảm. Hơn thế, các cụm từ trên cũng vạch trần dã tâm xâm lược rất nham hiểm của nước lớn và cho thấy nguy cơ giang sơn của nước nhỏ sẽ bị thu hẹp dần nếu không bảo vệ giữ gìn.

Câu 4:

-Nội dung câu nói: căn dặn các thế hệ cháu con phải giữ gìn bảo vệ toàn vẹn giang sơn Tổ quốc.

=>Trách nhiệm của công dân bản thân với Tổ Quốc.

Phần II: Tập làm văn

Câu 1: Nghị luận xã hội.

-Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Sự trọn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc là kết quả giữ gìn và đấu tranh của cha ông ta từ ngàn năm trước.

- Con cháu thế hệ ngày nay trước tiên phải biết ơn công lao đó của cha ông đi trước để lại, tiếp nối và phát huy thành quả mà cha ông ta để lại.

- Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận thanh niên sa vào ăn chơi, tệ nạn, không có ý thức cống hiến tuổi trẻ bảo vệ và xây dựng đất nước.

- Hành động: Bên cạnh việc học tập, xây dựng cống hiến cho đất nước giàu mạnh, thế hệ trẻ còn biết đứng lên bảo vệ Tổ Quốc.

- Bản thân: Cần nhận thức được ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ để biết cống hiến tốt nhất.

- Khẳng định lại vấn đề và cảm xúc của người viết.

Câu 2: Nghị luận văn học:

a, Yêu cầu về kĩ năng:

  Biết cách làm bài nghị luận văn học.Bố cục 3 phần.  Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.(0,5đ)

b, Yêu cầu về nội dung:

 *Trên cơ sở hiểu biết về tác phẩm" Những ngôi sao xa xôi" của nhà văn Lê Minh Khuê, thí sinh trình bày đ­ược những cảm nhận của mình về nhân vật Phương Định qua nhiều cách. Như­ng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nhân vật Ph­ương Định(0,5đ)

- Vẻ đẹp của nhân vật Phư­ơng Định gắn với vẻ đẹp của tập thể nữ tổ trinh sát mặt đường và được đặt trong tình huống thử thách của một vùng trọng điểm trên tuyến đư­ờng Tr­ường Sơn.(0,5đ)

- Là cô gái Hà Nội vô tư­, hồn nhiên, nhạy cảm, trong sáng hay mơ mộng, thích hát, quan tâm đến hình thức... ( 0,5 điểm)

- Phương Định cô gái Hà Nội dũng cảm trong lửa đạn, giàu tình yêu thương đồng đội, (1 điểm)

*Nghệ thuật xây dựng nhân vật ( chủ yếu là miêu tả tâm lí): Truyện kể ở ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính nên tác giả có điều kiện tập trung miêu tả làm nổi bật thế giới nội tâm phong phú, cao đẹp của nhân vật...(1,0đ)

*Đánh giá: Nhân vật Ph­ương Định tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ…Hình dung & cảm nghĩ của em về tuổi trẻViệt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ:  Tuổi trẻ Việt Nam thật dũng cảm, em yêu mến tự hào. Tuổi trẻ hôm nay cần nối bước cha anh học tập tốt để góp phần xây dựng quê hương đất nước…(1,0đ)

Trên đây là trích dẫn một phần Bộ 2 đề kiểm tra ôn tập tổng hợp HK2 môn Ngữ Văn 9 . Để xem được đầy đủ nội dung, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi học kì sắp tới.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm Bộ 40 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 9

---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?