TRƯỜNG THCS CÁCH LINH | ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
(Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
1. Đoạn thơ nằm trong tác phẩm nào? Của ai?
2. Tìm hai điển cố trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của cách sử dụng điển cố đó?
3. Trong đoạn thơ trên, tại sao khi nói tới nỗi nhớ của Kiều hướng tới Kim Trọng, tác giả sử dụng từ “tưởng”, còn khi nói tới nỗi nhớ của Kiều dành cho cha mẹ, nhà thơ lại dùng từ “xót”
4. Viết một đoạn văn khoảng 12- 15 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ những phẩm chất của Kiều được thể hiện ở đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động (gạch dưới câu bị động)
Phần II. Làm văn (7.0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
… Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
- Tôi sẽ mang về trao tận tay cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Trích Chiếc lược ngà- Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục)
1. Người kể chuyện trong đoạn trích trên là ai? Cách chọn vai kể như vậy có tác dụng gì?
2. Cụm từ “nhắm mắt đi xuôi” trong đoạn văn trên có ý nghĩa gì? Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn này.
3. Bằng đoạn văn ngắn, hãy nêu ý nghĩa của hình tượng chiếc lược ngà trong đoạn trích trên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu
1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích, của tác giả Nguyễn Du.
2. Hai điển tích điển cố được sử dụng:
- Quạt nồng ấp lạnh: nói về người con có hiếu, phụng dưỡng cha mẹ, mùa hè trời nóng nực thì quạt cho cha mẹ ngủ, mùa đông trời giá lạnh thì vào nằm trong giường trước cho ấm.
- Sân Lai: sân nhà Lão Tử người nước Sở thời Xuân Thu rất có hiếu với cha mẹ, tuy đã già mà còn nhảy múa ngoài sân cho cha mẹ xem để mua vui cho cha mẹ.
- Sử dụng điển tích điển cố nhằm thể hiện, nhấn mạnh nỗi nhớ nhà, nhớ mong, lo lắng cho cha mẹ của Thúy Kiều.
3. Nỗi nhớ Kiều dành cho Kim Trọng sử dụng động từ “tưởng” (hồi tưởng, nhớ lại) để nói về những kỉ niệm đẹp đẽ trong quá khứ. Trong nỗi nhớ của Thúy Kiều về tình yêu đẹp có cả hình dung về không gian đêm trăng thề nguyền, sự khắc khoải trông chờ của Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy… Tưởng là vừa nhớ, vừa hoài niệm. Nhớ về cha mẹ Nguyễn Du dùng từ “xót” thể hiện nỗi khổ tâm đau xót của người con giàu lòng vị tha hiếu thảo khi không chăm sóc được cha mẹ.
4. Viết đoạn văn:
- Chữ “tưởng” nhớ lại, hồi tưởng lại:
+ Nhớ đêm trăng thề nguyền.
+ Nhớ về Kim Trọng nên đau đớn hình dùng ra khi chàng trở về không hề biết Kiều đã bán mình chuộc cha.
- Động từ “gột rửa” diễn tả tấm lòng son sắt, thủy chung của mối tình đầu, nhưng cũng xót thương cho tấm thân không còn gột rửa được nữa. Nỗi nhớ người yêu tha thiết, đau đáu.
- Sử dụng thành ngữ, điển tích, điểm cố để nói tới nỗi nhớ cha mẹ.
- Kiều xót xa khi nghĩ tới cảnh cha mẹ già yếu mà hằng ngày vẫn tựa cửa ngóng tin con.
- Kiều lo lắng cho cha mẹ khi cha mẹ đã già không biết có ái chăm sóc, đỡ đần. Kiều là người con hiếu thảo, tình nghĩa.
- Sử dụng được câu bị động.
Phần II. Làm văn
1. Đoạn trích sử dụng ngôi kể thứ nhất - nhân vật ông Ba kể chuyện, xưng “tôi”. Ngôi kể này có tác dụng tạo ra độ chính xác, tin tưởng cao, khi nhân vật trực tiếp thuật lại câu chuyện bản thân chứng kiến.
2. Cụm từ “nhắm mắt đi xuôi” để chỉ cái chết nhẹ nhàng, thanh thản. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn “Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi”: biện pháp nói giảm nói tránh được sử dụng nhằm giảm bớt sắc thái đau đớn khi diễn tả cái chết của ông Sáu.
3. Ý nghĩa hình tượng chiếc lược ngà:
- Chiếc lược ngà ở đây được lựa chọn làm tên nhan đề tác phẩm. Câu chuyện cảm động về tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu được trong hoàn cảnh chiến tranh đã làm rõ tư tưởng của tác phẩm.
- Nêu tóm tắt lại nội dung câu chuyện, trước khi trở về mặt trận ông Sáu hứa tặng bé Thu chiếc lược ngà.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“... Vua Quang Trung lại nói:
- Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến lúc ấy chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?”.
(Trích Hồi thứ mười bốn “Hoàng Lê nhất thống chí”- Ngô gia văn phái)
Câu 1: (1.0 điểm): Những lời trên là lời của vua Quang Trung nói với ai? Nói trong hoàn cảnh nào?
Câu 2: (1.0 điểm): Giải thích nghĩa của từ Phương lược.
Câu 3: (1.0 điểm): Lời nói của vua Quang Trung trong đoạn trích trên được dẫn theo cách dẫn trực tiếp hay cách dẫn gián tiếp? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ đoạn trích trong phần Đọc - Hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (Khoảng 5-7 câu) nêu lên cảm nhận của em về vẻ đẹp của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Câu 2: (5.0 điểm)
Dựa vào văn bản “Cảnh ngày xuân” (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), hãy đóng vai Thúy Kiều kể về buổi đi chơi cùng các em nhân tiết Thanh minh.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1:
- Đây là lời vua Quang Trung nói với các tướng lĩnh: Sở, Lân và Ngô Thì Nhậm.
- Hoàn cảnh: Vua Quang Trung kéo quân từ Phú Xuân ra đến Tam Điệp gặp hai vị tướng võ (Sở, Lân) và Ngô Thì Nhậm.
Câu 2: Phương lược: Phương hướng chiến lược.
Câu 3:
- Lời nói của vua Quang Trung trong đoạn trích trên được dẫn theo cách dẫn trực tiếp.
- Dấu hiệu nhận biết: Nằm sau dấu hai chấm, có sử dụng dấu gạch ngang ở đầu lời dẫn.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng một đoạn văn, đảm bảo số lượng từ 5 – 7 câu.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.
b. Yêu cầu về nội dung: Nêu được cảm nhận về vẻ đẹp của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ: Là một vị vua yêu nước thương dân, có trí tuệ sáng suốt - sáng suốt trong việc dùng người, có ý chí quyết chiến quyết thắng và có tầm nhìn xa trông rộng...
Câu 2:
a. Yêu cầu chung:
- Học sinh có kĩ năng làm một bài văn tự sự, kết hợp linh hoạt với yếu tố miêu tả và miêu tả nội tâm. Đặc biệt, học sinh cần dựa vào văn bản “Cảnh ngày xuân”, nhập vai Thúy Kiều để kể lại câu chuyện theo ngôi kể mới - kể theo ngôi thứ nhất.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; diễn đạt trôi chảy, mạch lạc; văn viết có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu cụ thể: Học sinh có thể kể theo nhiều cách, nhưng phải đảm bảo được các ý cơ bản sau:
- Thúy Kiều giới thiệu đôi nét bản thân và buổi du xuân của ba chị em trong tiết Thanh minh.
- Kể về việc đi chơi trong buổi sáng mùa xuân, kết hợp miêu tả khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp:
+ Thời gian thấm thoát trôi mau...
+ Miêu tả khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp trong buổi sáng mùa xuân.
- Kể và miêu tả khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh:
+ Giới thiệu khái quát về các hoạt động lễ hội trong ngày Thanh minh.
+ Kể về việc tham dự hội du xuân đông vui, náo nhiệt cùng các nam thanh nữ tú, các tài tử giai nhân...
+ Kể về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta qua phần lễ và hội (lễ tảo mộ và hội đạp thanh).
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Tết
Tết năm kia bố mẹ già tất bật nhặt lá mai, trang hoàng nhà đón chờ con cháu.
Chợt xe bưu phẩm dừng trước cửa, người ta ôm vào đủ loại quà kèm bưu thiếp ghi: “Bố mẹ ăn tết vui vẻ, sang năm chúng con sẽ về”.
Tết năm sau lại hăm hở dọn nhà. Lại xe đỗ cửa. Lại quà ngổn ngang. Và lời chúc quen thuộc.
Tết năm này con cháu về, thấy nhà mình thiếu tết. Cây mai nguyên lá. Mái nhà xanh rêu. Quà năm cũ còn nguyên, vương bụi.
Thế mà bố mẹ rưng rưng nói: “Năm nay có tết rồi!”.
(Trần Hoàng Trúc)
Câu 1: (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2: (0.5 điểm): Tìm yếu tố miêu tả trong văn bản.
Câu 3: (1.0 điểm): Tìm lời dẫn trực tiếp trong văn bản, cho biết dấu hiệu để em nhận ra đó là lời dẫn trực tiếp.
Câu 4: (1.0 điểm): Cho biết một thông điệp có ý nghĩa em rút ra sau khi đọc văn bản trên (viết trong khoảng 5 – 7 dòng).
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (3.0 điểm): Từ nội dung đoạn trích, em hãy viết một đoạn văn nêu suy nghĩ của mình về tình cảm gia đình.
Câu 2: (4.0 điểm): Tưởng tượng sau 20 năm nữa em có dịp về thăm trường cũ. Hãy kể lại buổi thăm trường xúc động đó.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Phương thức: tự sự
Câu 2: Yếu tố miêu tả: tất bật nhặt lá mai, trang hoàng nhà, hăm hở dọn nhà, quà ngổn ngang, cây mai nguyên lá, mái nhà xanh rêu, quà năm cũ còn nguyên, vương bụi, bố mẹ rưng rưng.
Câu 3:
- “Bố mẹ ăn tết vui vẻ, sang năm chúng con sẽ về”.
- “Năm nay có tết rồi!”.
- Đặt sau dấu hai chấm và trong ngoặc kép.
Câu 4:
- Là con cái, dù đi đâu thì tết cũng nên về sum họp cùng gia đình.
- Tết không quan trọng ở vật chất đủ đầy, điều quan trọng là cả gia đình được sum họp đầm ấm.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Có thể trình bày theo hướng sau:
- Giới thiệu về tình cảm gia đình.
- Giải thích: Tình cảm gia đình là gì? Tình cảm gia đình là mối liên hệ khăng khít, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình với nhau (ông bà - bố mẹ - con cái, anh - chị - em), được biểu hiện thông qua lời nói và hành động, cách ứng xử của từng thành viên.
- Vai trò của tình cảm gia đình:
+ Đối với cá nhân: tạo động lực, lan tỏa yêu thương.
+ Đối với xã hội: tạo nên một xã hội vững mạnh, tràn đầy niềm vui, yêu thương.
- Chúng ta cần làm gì để xây dựng tình cảm gia đình bền chặt? trong hành động và ứng xử.
- Khẳng định vị trí, tầm quan trọng của tình cảm gia đình.
d. Sáng tạo: Học sinh có cách viết độc đáo, linh hoạt.
e. Chính tả: dùng từ, đặt câu, đảm bảo chuẩn ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
Câu 2:
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.
c. Triển khai hợp lí nội dung bài viết: Có thể trình bày theo hướng sau:
- Giới thiệu tên trường xưa, tưởng tượng đến trường vì lí do nào? đi bằng phương tiện gì?
- Miêu tả con đường đến trường: hãy so sánh con đường lúc đó và sau này.
- Miêu tả sân trường? (so sánh xưa – nay), các cây xanh trong trường thay đổi thế nào?
- Miêu tả các phòng lớp (phòng vi tính,dụng cụ…). Các dãy phòng: phòng giám hiệu, phòng bộ môn, phòng đoàn đội. So sánh trước kia với hiện tại.
- Tả những hình ảnh, sự vật gắn với kỉ niệm thời xưa, nêu lên cảm xúc lúc đó của em.
- Nói về gặp lại thầy cô, những ai còn vẫn đang còn dạy, những ai đã nghỉ hưu. Kể về kỉ niệm gắn bó với những thầy cô thân thiết nhất.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Cách Linh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !