Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 môn Ngữ Văn - Trường THCS Nà Bao

TRƯỜNG THCS NÀ BAO

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình. Một đôi mắt đen thâm quầng vì thức đêm nhưng bao giờ đến với mình cũng là niềm vui và sôi nổi. Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin. Th. ơi! Đó phải chăng là hạnh phúc mà chỉ Th mới được hưởng mà thôi? Hãy vui đi, hãy giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và đề màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười nghe Thùy!

(Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005)

Câu 1 (0,5 điểm): Tại thời điểm viết những dòng nhật kí trên, tác giả ước mơ điều gì ?

Câu 2 (1,0 điểm): Gọi tên các phép liên kết hình thức và chỉ ra từ ngữ làm phương tiện của các phép liên kết ấy trong hai câu văn sau: "Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin."

Câu 3 (1,0 điểm): Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu sau: "Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường." Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn đó thuộc kiểu câu nào? (1.0)

Câu 4 (0,5 điểm): Nêu tác dụng của điệp ngữ “tuổi trẻ của mình” trong những câu văn sau: "Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường Tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt."

Câu 5 (1,0 điểm): Nhận xét về hoàn cảnh sống, chiến đấu và vẻ đẹp tâm hồn của tác giả Đặng Thùy Trâm qua đoạn nhật kí trên.

II. PHẦN LÀM VĂN (6.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn diễn dịch (khoảng 8 đến 10 câu), trong đó có sử dụng thành phần biệt lập tình thái, với câu chủ đề: Thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống của con người. (Lưu ý: Gạch chân thành phần tình thái).

Câu 2 (4,0 điểm):

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi,

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lệ trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh,

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2020, tr. 84 - 85)

Phân tích đoạn thơ trên và nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1 (0,5 điểm): Tại thời điểm viết những dòng nhật kí trên, tác giả ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước.

Câu 2 (1,0 điểm): Các phép liên kết hình thức

- Phép nối: và

- Phép lặp: "đôi mắt"

Câu 3 (1,0 điểm):

- Cấu tạo ngữ pháp của câu: "Tuổi trẻ của mình (cn) đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường (vn)."

- Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu văn đó thuộc kiểu câu: đơn

Câu 4 (0,5 điểm):

Tác dụng của điệp ngữ “tuổi trẻ của mình”:

- Nhấn mạnh ý nghĩa của tuổi trẻ tác giả: tuổi trẻ đã sống và chiến đấu vì Tổ quốc, đã cùng với thế hệ mình và thế hệ cha anh quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Khẳng định niềm tự hào được cống hiến cho dân tộc.

- Tạo nhịp điệu hùng hồn, thiết tha cho câu văn.

Câu 5 (1,0 điểm):

Qua đoạn nhật kí, ta thấy hoàn cảnh sống, chiến đấu vô cùng cực khổ, đầy nguy hiểm: phải trải qua bom rơi, đạn nổ, thấm đượm mồ hôi, nước mắt và xương máu... Dù hoàn cảnh sống, chiến đấu đầy gian lao, cực khổ nhưng vẫn ánh lên trong tâm hồn tác giả là niềm tin yêu, mơ ước, là tình yêu thương vẫn ánh lên trong đôi mắt.

II. Phần làm văn

Câu 1.

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: thái độ lạc quan là điều cần thiết trong cuộc sống

- Bàn luận về tinh thần lạc quan

+ Lạc quan là gì? Lạc quan là thái độ sống tốt, có cách nhìn, tin tưởng và luôn hướng về những điều tốt đẹp ở tương lai.

  • Biểu hiện của tinh thần lạc quan
  • Luôn tươi cười dù có chuyện gì xảy ra
  • Luôn yêu đời
  • Luôn bình tĩnh xử lí mọi tình huống dù có chuyện gì xảy ra

+ Ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống

  • Lạc quan sẽ tạo nên cuộc sống tươi đẹp cho tất cả mọi người
  • Giúp chúng ta biết sống một cách có ý nghĩa hơn
  • Giúp con người tránh khỏi những hiểm họa trong cuộc sống
  • Những người lạc quan thường thành công trong cuộc sống và công việc

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

A. PHẦN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI MỌI THÍ SINH

Câu I (3 điểm)

1. Trắc nghiệm (1 điểm)

Chọn một trong bốn phương án A, B, C, D để trả lời các câu hỏi sau:

a) Tác giả của bài thơ “Ánh trăng” là ai?

A. Hữu Thỉnh

B. Thanh Hải

C. Huy Cận

D. Nguyễn Duy

b) Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê được viết theo thể loại gì?

A. Truyện ngắn

B. Tiểu thuyết

C. Tùy bút

D. Hồi kí

c) Bài thơ nào sau đây kết thúc bằng hình ảnh “trái tim”?

A. Bếp lửa

B. Đồng chí

C. Đoàn thuyền đánh cá

D. Bài thơ về tiểu đội xe không kính

d) Từ nào không cùng nhóm nghĩa với các từ còn lại?

A. Thánh thót

B. Thưa thớt

C. Lưa thưa

D. Lác đác

2. Tiếng Việt (2 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

Cả đời ra bể vào ngòi

Mẹ như cây lá giữa trời gió rung

Cả đời buộc bụng thắt lưng

Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng

(Đồng Đức Bốn, Trở về với mẹ ta thôi)

a) Xác định thể thơ của đoạn trích trên.

b) Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong những câu thơ trên.

Câu II (2 điểm)

Trong bài “Bàn luận về phép học” (Luận học pháp), La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp viết: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo”.

Từ ý kiến trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 đến 15 câu, trình bày suy nghĩ của mình về mục đích chân chính của việc học. Trong đó, có sử dụng một phép nối để liên kết cấu (gạch chân dưới phương tiện liên kết mà em đã sử dụng).

B. PHẦN TỰ CHỌN (Thí sinh chọn một trong hai câu III a hoặc III b để làm bài)

Câu III a (5 điểm) Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

(Theo Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 58-59)

Câu III b (5 điểm)

Suy nghĩ của em về hình tượng nhân vật ông Sáu trong đoạn trích truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017).

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

A. PHẦN BẮT BUỘC ĐỐI VỚI MỌI THÍ SINH

Câu I (3 điểm)

1. Trắc nghiệm (1 điểm)

a - D

b - A

c - D

d - A

2. Tiếng Việt (2 điểm)

a. Thể thơ lục bát

b. Biện pháp tu từ được sử dụng là: biện pháp so sánh - "mẹ như", điệp cấu trúc: "cả đời"

Tác dụng: diễn tả sự lam lũ vất vả nhọc nhằn, lam lũ, chịu thương chịu khó chắt chiu của người mẹ để dành cho con những gì tốt đẹp nhất.

Câu II (2 điểm)

Yêu cầu về hình thức: một đoạn văn khoảng 12 đến 15 câu.

Gợi ý về nội dung:

- “Ngọc không mài, không thành đồ vật”: Ngọc nếu không được người thợ mài giũa sẽ mãi chỉ là một viên đá thô, không có giá trị. Ngọc được mài giũa chăm chút sẽ toả ra muôn vàn ánh sáng lấp lánh hấp dẫn, đem lại nhiều giá trị cho con người.

-“Người không học, không biết rõ đạo”: “Đạo” trong cả xưa và nay còn là đạo lí, đạo đức làm người.

=> So sánh việc mài giũa một viên ngọc với việc học của con người thì ngưòi xưa thật có lí: Ngọc không mài, không có giá trị. Người không học thì kém hiểu biết và không thể làm được những điều lớn lao.

* Tầm quan trọng của việc học

- Học rất quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Học để làm người.

- Học để có kiến thức, học để làm, để khẳng định mình, để hội nhập, để xây dựng nhân cách đạo đức cho mình sống tốt hơn.

- Học để theo kịp thời đại của công nghệ, khoa học có nhiều bước tiến nhảy vọt trong tương lai.

- Học không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình mình mà còn góp phần xây dựng đất nước. "Dân giàu nước mạnh."

* Rút ra bài học nhận thức của bản than

- Luyện cho bản thân một thái độ học tập nghiêm túc, tự giác.

- Phê phán thói lười học, ỷ lại, ham chơi, học hành chống đối, gian lận, thiếu trung thực.

B. PHẦN TỰ CHỌN (Thí sinh chọn một trong hai câu III a hoặc III b để làm bài)

Câu III a (5 điểm) Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương.

a) Mở bài

- Giới thiệu về tác giả và tác phẩm:

+ Viễn Phương là nhà thơ gắn bó với cuộc sống chiến đấu của bà con quê hương trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ xâm lược.

+ Bài thơ Viếng lăng Bác thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động của nhà thơ đối với Người khi vào lăng viếng Bác với giọng trang trọng, tha thiết thể hiện niềm yêu thương, biết ơn Bác.

b) Thân bài

* Cảm xúc khi đứng trước lăng

- Tình cảm chân thành giản dị, chân thành của tác giả Viễn Phương cũng chính là tấm lòng đau đáu thương nhớ Bác của người con miền Nam nói chung

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

+ Câu thơ gợi ra tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam bao nhiêu năm mong mỏi bây giờ được ra lăng viếng Bác

+ Đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thân mật, diễn tả tâm trạng của người con ra thăm cha sau nhiều năm mong mỏi

+ Cách nói giảm nói tránh, cùng việc sử dụng từ “thăm” để giảm nhẹ nỗi đau mất mát, cũng là cách nói thân tình của diễn tả tâm trạng mong mỏi của tác giả

Câu III b (5 điểm)

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn “Chiếc lược ngà” sáng tác năm 1966 ca ngợi tình cha con, tình đồng chí trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh.

- Dẫn dắt tới: nhân vật ông Sáu đã để lại cho người đọc rất nhiều ấn tượng.

II. Thân bài:

* Phân tích hình tượng ông Sáu trong Chiếc lược ngà:

1. Tâm trạng của ông Sáu

- Khi đi bộ đội thì con gái ông mới được 1 tuổi, niềm yêu thương con và nhớ con da diết

- Khi về đến nhà bé Thu không nhận ra mình vì vết thẹo không giống người trong hình. Con bé chạy đi, xa lánh, không nhận ông Sáu là cha, thậm chí còn hỗn, nói trổng khiến ông cảm thấy buồn tủi.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Câu 1 (3,0 điểm):

“Do tình cờ, trước khi bước vào Sơn Đoòng, tôi đang nghĩ về một mẫu người trong cuộc tiếp xúc Đông Tây suốt mấy trăm năm qua (1). Ấy là mẫu những nhà khai sáng xuyên qua những rào cản cố hữu của đời này (2). Họ là những tri thức có tình yêu con người vô sở cầu, vô bờ bến (3). Nhờ họ mà sự tăm tối ở chốn này được đẩy lùi, sự dã man ở nơi kia được giảm thiểu (4). Đường biển quốc gia không cản được chân họ, giới hạn quê hương không nhất được lòng họ và đời họ (5). Họ thuộc về nhân loại khổ đau (6). Họ thuộc về nhân loại tiến bộ (7).

(Chu Văn Sơn, “Sơn Đoòng, Tự tình cùng cái đẹp, Nxb Hội Nhà văn, 2019, trang 119)

1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là gì? (0,5 điểm)

2. Xác định chủ đề của văn bản trên. (0,5 điểm)

3. Từ “vô sở cầu” trong câu (3), “giảm thiểu” trong câu (4) nghĩa là gì? (0,5 điểm)

4. Từ “Ấy” trong câu (2) thuộc từ loại gì và thay thế cho cái gì trong câu trước đó?(0,5 điểm)

5. Câu (6) và câu (7) sử dụng thủ pháp nghệ thuật gì? Nêu ý nghĩa của thủ pháp đó (0,5 điểm). Theo anh chị hai câu này có mâu thuẫn nhau hay không? (0,5 điểm)

Câu 2 (3,0 điểm):

Trong văn bản trên, Chu Văn Sơn viết về Howard Limbert, chuyên gia đến từ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, người dành cho Sơn Đoòng một tình yêu lớn. Chu Văn Sơn cũng nhắc đến Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã có công hình thành chữ Quốc ngữ, Victor Tardieu, họa sĩ Pháp sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương; Yersin, nhà y học Thụy Sĩ tìm ra vaccine phòng dịch hạch, lập ra Viện Pasteur Nha Trang,...

Từ cảm hứng đó, anh/chị hãy viết một bài nghị luận nói về những nhà trí thức không biên giới - những người đem lại ánh sáng tri thức cho con người, giúp con người thoát khỏi tăm tối, ngu dốt, bệnh tật,... đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày nay.

Câu 3 (4,0 điểm): Chọn một trong hai đề sau:

“Có thể nói, trong cái lặng lẽ của mây trời Sa Pa, Nguyễn Thành Long đã vẽ nên chân dung của những niềm yêu sống, luôn rạo rực, luôn sinh sôi. Anh thanh niên làm công tác khí tượng, cô kĩ sư trẻ, ông họa sĩ già, cả bác lái xe, đều là những con người hạnh phúc. Họ hạnh phúc bởi họ được làm những việc mà họ yêu thích, tiếp xúc với những con người mà họ cảm mến, phấn đấu cho lí tưởng mà họ lựa chọn. Cả tác phẩm là một niềm vui, cái lặng lẽ của thiên nhiên cũng như cái im lặng của con người không khuất lấp được niềm vui rạo rực, sinh sôi ấy".

(Đoàn Ánh Dương, “Lặng lẽ Sa Pa – lặng lẽ mà trỗi sống", Tạp chí Nhà văn số 4/2013)

Anh/ chị có cho rằng những nhân vật trong truyện là những con người hạnh phúc? Hãy chọn một nhân vật để phân tích. Trong thời đại ngày nay, anh/ chị có lựa chọn hạnh phúc theo cách của nhân vật trong truyện hay không?

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Câu 1 (3,0 điểm):

1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là tự sự

2. Chủ đề của văn bản trên: những nhà trí thức không biên giới - khai sáng xuyên qua những rào cản cố hữu

3.

- Vô sở cầu nghĩa là làm gì đó mà không xuất phát từ tâm truy cầu, không phải vì danh lợi mà làm

- “Giảm thiểu” là giảm đến mức thấp nhất (có thể được).

4.

- “Ấy” thuộc từ loại là đại từ.

- “Ấy” thay thế cho “một mẫu người ”.

5.

- Câu (6) và câu (7) sử dụng biện pháp điệp cấu trúc "họ thuộc về nhân loại ..." có ý nghĩa nhấn mạnh vào chủ thể và tạo nhịp điệu cho đoạn văn, giúp người đọc hình dung rõ hơn về "họ" - những nhà tri thức.

- Theo anh chị hai câu này có mâu thuẫn nhau hay không? - Nêu quan điểm cá nhân của em!

Câu 2 (3,0 điểm):

- Yêu cầu về hình thức: một bài nghị luận có đầy đủ bố cục 3 phần (mở - thân - kết)

- Nội dung bàn luận: nói về những nhà trí thức không biên giới - những người đem lại ánh sáng tri thức cho con người, giúp con người thoát khỏi tăm tối, ngu dốt, bệnh tật,... đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày nay.

- “Trí thức” lại là “người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”

- Người có trí thức là người đã tích lũy được một lượng tri thức đủ lớn để làm việc và sáng tạo trong lĩnh vực mà mình am hiểu.

- Những nhà trí thức không biên giới - những người đem lại ánh sáng tri thức cho con người, giúp con người thoát khỏi tăm tối, ngu dốt, bệnh tật,... đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày nay.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Nà Bao. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?