BỘ 3 ĐỀ ÔN TẬP ĐỌC – HIỂU HK2 MÔN NGỮ VĂN 9
VĂN BẢN CHUẨN BỊ HÀNH TRANG VÀO THẾ KỈ MỚI
ĐỀ 1:
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
"Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo còn bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề”.
Câu 1: Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? của ai?
Câu 2: Nêu hoàn cảnh sáng tác của văn bản đó?
Câu 3: Từ nhận định trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 15 – 20 câu trình bày suy nghĩ của em về tình trạng học chay, học vẹt của học sinh hiện nay. (Bài làm có đánh số thứ tự câu)
ĐỀ 2:
Bước vào thế kỉ mới, muốn "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy, khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ - những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới - nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.
(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, trang 28)
Câu 1. Đoạn trích trên được rút ra từ văn bản nào? Của ai?
Câu 2. Trong đoạn văn, tác giả viết: "Bước vào thế kỉ mới, muốn sánh vai cùng các cường quốc năm châu thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu".
Vậy những điểm mạnh và điểm yếu của người Việt Nam được tác giả trình bày trong văn bản trên là gì?
ĐỀ 3:
Cho đoạn văn:
“… Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội”.
( Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới – Vũ Khoan, Ngữ văn 9, Tập 2, NXBGD – 2006)
Câu 1. Câu chủ đề của đoạn văn trên nằm ở vị trí nào? Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết nào là chủ yếu? Từ được in đậm trong câu “Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.” là thành phần biệt lập gì ?
Câu 2. Trong văn bản tác giả chỉ ra một trong những cái mạnh của con ngời Việt Nam là " Thông minh nhạy bén với cái mới" còn cái yếu là " khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề".
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 10 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên?
Câu 3. Em đã và sẽ làm gì để chuẩn bị hành trang cho bản thân mình để vững bước vào thế kỷ XXI ?
.................HẾT...........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
ĐỀ 1:
Câu 1:
- Tên văn bản: " Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới"
- Tên tác giả: Vũ Khoan
Câu 2:
Nêu hoàn cảnh sáng tác:
- Bài viết đăng trên tạp chí "Tia sáng" năm 2001 - được in vào tập "Một góc nhìn của trí thức"
- Bài viết ra đời trong thời điểm những năm đầu thế kỉ XXI - thời điểm quan trọng trên con đường phát triển và hội nhập thế giới.
Câu 3:
* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Học sinh viết được đoạn văn ngắn nghị luận về hiện tượng đời sống có nội dung như yêu cầu, biết dùng lí lẽ, dẫn chứng cụ thể, có vận dụng các thao tác lập luận để làm sáng tỏ một vấn đề.
* Yêu cầu về kiến thức
- Dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận
- Giải thích:
+ Học chay là lối học thiên về sách vở, xa rời thực tế, không thực hành chỉ là lối học xuông về lí thuyết...
+ Học vẹt là lối học thuộc lòng câu chữ, học mà không hiểu bản chất của vấn đề chỉ như một con vẹt nói theo…
- Biểu hiện: một bộ phận sinh viên chỉ học lí thuyết, không thực hành ra thực tế không đáp ứng được nhu cầu công việc; Trong một số nhà trường thiếu thiết bị, GV không sử dụng thiết bị thường xuyên…; 1 số HS không tìm hiểu cặn kẽ kiến thức chỉ học thuộc lòng …
- Học chay, học vẹt gây hậu quả nghiêm trọng:
+ Tư duy, năng lực suy nghĩ không phát triển
+ Không hiểu sâu, nắm chắc vấn đề
+ Thụ động trong tiếp thu tri thức
+ Khả năng ứng dụng, thực hành kém
+ Từ đó nảy sinh các vấn đề tiêu cực như quay cóp, gian lận khi thi cử....
- HS học chay học vẹt do nhiều nguyên nhân:
+ Do chương trình học nặng về lí thuyết khô khan, cứng nhắc nên một bộ phận HS chán học, học chống đối...
+ Một số phụ huynh tạo áp lực cho con cái mà chưa có định hướng cụ thể
+ HS chưa có ý thức, chưa có phương pháp học đúng đắn, chưa có động cơ học tập rõ ràng, trong khi game, Facebook ...chiếm khoảng thời gian lớn của họ...
- Giải pháp khắc phục hiện tượng trên:
+ Gia đình, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ để bài trừ kiểu học tiêu cực này. Phụ huynh cần có những định hướng cụ thể trong việc học của con cái
+ Nhà trường - người thầy cần có những phương pháp giảm áp lực cho HS trong từng bộ môn, tăng cường thực hành ...
+ HS tự giác học tập, xác định động cơ, phương pháp học rõ ràng...
- Khái quát, khẳng định vấn đề. Mở đoạn, kết đoạn làm tốt
Đề 2:
Câu 1:
- Những câu văn trên được rút ra từ tác phẩm “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”
- Tác giả là Vũ Khoan
Câu 2:
- HS nêu được những điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam được tác giả trình bày trong văn bản:
+ Thông minh, nhạy bén với cái mới, nhưng hổng kiến thức cơ bản và thiếu kĩ năng thực hành
+ Cần cù sáng tạo nhưng thiếu tỉ mỉ, không tôn trọng quy trình công nghệ, làm tắt
+ Đoàn kết trong chiến tranh nhưng đố kị trong làm ăn, thích ứng nhanh nhưng khôn vặt, không trọng chữ “tín”, sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức…
ĐỀ 3:
Câu 1
Câu chủ đề nằm ở đầu đoạn. Đoạn văn trên sử dụng phép liên kết chủ yếu là: phép lặp.
Có lẽ là thành phần biệt lập tình thái trong câu
Câu 2
a. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b, Yêu cầu về nội dung:
Thí sinh cần làm rõ các nội dung sau:
- Nêu được vấn đề cần nghị luận
- Suy nghĩ về cái mạnh của con người Việt nam: Thông minh, nhạy bén với cái mới (Vận dụng các thao tác nghị luận để làm rõ cái mạnh của con người Việt Nam; ý nghĩa, tác dụng của nó) (0,5đ)
- Suy nghĩ về cái yếu của con người Việt nam: Khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề ( Vận dụng các thao tác nghị luận để làm rõ cái yếu của con người Việt Nam; ý nghĩa, tác dụng của nó)
- Liên hệ bản thân: Thấy được cái mạnh của bản thân để từ đó có hướng phát huy, Khắc phục những cái yếu, nhất là lối học chay, học vẹt; tăng cường kĩ năng thực hành và vận dụng... 1đ
Câu 3. Em đã và sẽ làm gì để chuẩn bị hành trang cho bản thân mình để vững bước vào thế kỷ 21?
+ Liên hệ những hành động việc làm để chở thành con ngoan trò giỏi, tích lũy kiến thức.
+ Rèn luyện về đạo đức, sức khỏe để trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Trên đây là trích dẫn một phần đề kèm thang điểm Bộ 4 đề đọc - hiểu ôn tập HK2 môn Ngữ Văn 9. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi giữa học kì sắp tới.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
Bộ 4 đề đọc- hiểu ôn tập HK2 môn Ngữ Văn 9 - Văn bản Mùa xuân nho nhỏ
Bộ 4 đề đọc- hiểu ôn tập HK2 môn Ngữ Văn 9 - Văn bản Viếng lăng Bác
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---