BÀI TẬP ÔN TẬP CHUYÊN ĐỀ QUY LUẬT DI TRUYỀN CỦA MENĐEN
ÔN THI HỌC SINH GIỎI SINH 9
A. Bài tập có lời giải
Câu 1: Trình bày phương pháp phân tích các thế hệ lai của Menđen?
+ Lai các cặp bố mẹ thuần chủng khác nhau về một hoặc một số tính trạng tương phản rồi theo dõi các đời con cháu, phân tích sự di truyền của mỗi cặp tính trạng, trên cơ sở đó phát hiện quy luật di truyền chung của nhiều cặp tính trạng.
+ Dùng toán thống kê và lý thuyết xác suất để thống kê kết quả và rút ra các quy luật di truyền cơ bản của sinh vật.
Câu 2: Phát biểu nội dung định luật phân li? Menđen đã giải thích kết quả về phép lai một cặp tính trạng trên cây đậu Hà Lan như thế nào?
- Nội dung quy luật phân li: Trong quá trình phát sinh giao tử, mỗi nhân tố di truyền đã phân li về một giao tử và giữ nguyên bản chất như ở cơ thể thuần chủng P.
- Menđen đã giải thích kết quả như sau:
+ Mỗi tính trạng do một cặp nhân tố di truyền quy định (sau này gọi là gen).
+ Trong quá trình phát sinh tạo giao tử, mỗi nhân tố di truyền trong cặp nhân tố di truyền đã phân li về một giao tử.
+ Trong quá trình thụ tinh, các nhân tố di truyền tổ họp lại trong hợp tử thành từng cặp tương ứng và quy định kiểu hình của cơ thể.
- Như vậy, sự phân li và tổ hợp của cặp nhân tố di truyền (gen) quy định cặp tính trạng thông qua quá trình phát sinh giao tử và thụ tinh chính là cơ chế di truyền các tính trạng.
Câu 3: Muốn xác định kiểu gen cơ thể mang tính trạng trội cần phải làm gì? Nêu cách làm và giải thích kèm theo sơ đồ lai minh họa?
- Muốn xác định kiểu gen cơ thể mang tính trạng trội cần phải dùng phép lai phân tích.
- Cách làm như sau:
+ Cơ thể mang tính trạng trội có kiểu gen đồng hợp tử (AA) hoặc dị hợp tử (Aa).
+ Ta đem cơ thể mang tính trạng trội cần xác định kiểu gen lai với cơ thể mang tính trạng lặn. Rồi sau đó dựa vào kiểu hình con lai cần xác định:
- Nếu con lai phân tích đồng tính, chứng tỏ cơ thể mang tính trạng trội chi tạo ra một loại giao tử (A) tức là đồng hợp (AA).
- Nếu con lai phân tích đều phân tính, chứng tỏ cơ thể mang tính trạng trội đã tạo ra hai loại giao tử (A) và (a) tức là dị hợp (Aa).
- Sơ đồ lai minh họa:
+ P: AA (tính trạng trội) x aa (tính trạng lặn)
GP: A a
F1: Aa (con lai đồng tính – có 1 kiểu hình)
+ P: Aa (tính trạng trội) x aa (tính trạng lặn)
GP: A, a a
F1: 1Aa : 1aa (con lai phân tính tỉ lệ 1 trội : 1 lặn)
Câu 4: Căn cứ vào đâu mà Menđen lại cho rằng các tính trạng màu sắc và hình dạng hạt đậu trong các thí nghiệm của mình di truyền độc lập với nhau? Giải thích?
- Menđen đã dựa vào sự phân tích kết quả thu được ở F2 trong thí nghiệm lai 2 cặp tính trạng về màu sắc và hình dạng hạt như sau:
F2 có 315 Vàng, trơn : 101 Vàng, nhăn : 108 Xanh, trơn : 32 Xanh, nhăn
Xấp xỉ tỷ lệ: 9 Vàng, trơn : 3 Vàng, nhăn : 3 Xanh, trơn : 1 Xanh, nhăn.
+Về màu sắc hạt: \(\frac{{Vang}}{{Xanh}} = \frac{{315 + 101}}{{108 + 32}} = \frac{{2,97}}{1} \approx \frac{{3Vang}}{{1Xanh}}\)
+Về hình dạng hạt: \(\frac{{Tron}}{{Nhan}} = \frac{{315 + 108}}{{101 + 32}} = \frac{{3,18}}{1} \approx \frac{{3Tron}}{{1Nhan}}\)
- Như vậy: Nếu xét riêng từng cặp tính trạng thì mỗi cặp tính trạng độc lập cho kết quả 3 trội : 1 lặn của định luật phân li.
- Nếu xét cả 2 cặp tính trạng: tỷ lệ: 9 Vàng, trơn : 3 Vàng, nhăn : 3 Xanh, trơn : 1 Xanh, nhăn = (3 vàng : 1 xanh)(3 trơn : 1 nhăn).
- Tỉ lệ kiểu hình ở F2 chính bằng tích số tỉ lệ của hai tính trạng hợp thành nó.
- Từ những phân tích trên, Menđen cho rằng các tính trạng màu sắc và hình dạng hạt đậu trong các thí nghiệm của mình di truyền độc lập với nhau.
Câu 5: Nêu nội dung và ý nghĩa quy luật phân li độc lập?
+ Nội dung: Các cặp nhân tố di truyền (cặp gen) đã phân li độc lập trong quá trình phát sinh giao tử.
+ Ý nghĩa: Giải thích nguyên nhân làm xuất hiện biến dị tổ hợp phong phú ở các loài giao phối. Loại biến dị này là nguồn nguyên liệu cho tiến hóa và chọn giống.
Câu 6: Vì sao biến dị tổ hợp lại xuất hiện phong phú ở những loài sinh sản hữu tính?
- Do ở những loài giao phối là phương thức sinh sản hữu tính có sự kết hợp giữa 2 quá trình giảm phân và thụ tinh:
+ Trong giảm phân có sự phân li độc lập và tổ hợp tự do của các cặp NST tương đồng khác nhau đã tạo ra vô số loại giao tử khác nhau về nguồn gốc NST.
+ Trong thụ tinh có sự tổ hợp ngẫu nhiên giữa các giao tử của bố và mẹ đã tạo ra nhiều tổ hợp NST khác nhau về nguồn gốc NST => Xuất hiện nhiều biến dị tổ hợp.
- Trong khi đó, ở loài sinh sản vô tính dựa vào cơ chế nguyên phân của 2 tế bào có sự nhân đôi của NST và AND => Các đặc điểm di truyền được sao chép nguyên vẹn từ thế này sang thế hệ khác mà không có khả năng tạo biến dị tổ hợp.
-(Nội dung đầy đủ phần bài tập có lời giải chi tiết vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
...
B. Bài tập tự luyện
Bài 1: Khi khảo sát tính trạng hình dạng quả, do một gen quy định. Người ta đem lai giữa cây quả tròn với cây quả bầu, thu được F1 đồng loạt quả tròn.
- Từ kết quả trên, ta có thể kết luận điều gì? Cho biết kết quả F2?
- Dựa vào kiểu hình cây quả tròn đời F2 ta có thể biết chắc chắn kiểu gen của chúng hay không? Vì sao?
Bài 2: Xác định kiểu gen của P và lập sơ đồ lai khi bố mẹ đem lai đều lá chẻ, quả đỏ: con lai có 64 lá chẻ, quả đỏ; 21 lá chẻ, quả vàng; 23 lá nguyên, quả đỏ; 7 lá nguyên, quả vàng.
Bài 3: Ở lúa tính trạng than cao (A), tính trạng thân thấp (a); chin muộn (B), chín sớm (b); hạt dài (D), hạt tròn (d). Các gen trên phân li độc lập.
Cho thứ lúa dị hợp tử về cả 3 tính trạng thân cao, chin muộn, hạt dài lai với lúa đồng hợp tử về thân cao, dị hợp tử về tính trạng chin muộn và hạt tròn, Hãy xác định:
- Số loại và tỉ lệ phân li KG ở F1.
- Số loại và tỉ lệ phân li KH ở F1.
Bài 4: Ở lúa tính trạng thân cao tương phản với tính trạng thân thấp; tính trạng hạt tròn tương phản với tính trạng hạt dài. Trong một phép lai, ở F1 người ta thu được kết quả như sau:
- Phép lai 1: 75% lúa thân cao, hạt tròn : 25% lúa thân thấp, hạt tròn.
- Phép lai 2: 75% lúa thân thấp, hạt dài : 25% lúa thân thấp, hạt tròn.
Biện luận và xác định kiểu gen, kiểu hình của P. Lập sơ đồ lai minh họa.
Bài 5: Ở đậu Hà Lan, khi cho lai hai cây hoa đỏ lưỡng bội với nhau, người ta hấy ở F1 xuất hiện cây hoa trắng. Biết rằng mỗi gen quy định một tính trạng, gen nằm trên NST thường và không xảy ra hiện tượng đột biến.
- Hãy biện luận và viết sơ đồ lai.
- Nếu cho các cây hoa đỏ F1 tự thụ phấn thì tỉ lệ phân li kiểu hình sẽ như thế nào?
- Nếu cho các cây hoa đỏ ở F1 giao phối ngẫu nhiên với nhau. Xác định kết quả ở F2?
Bài 6: Thí nghiệm trên một dòng đậu, người ta cho F1 tự thụ phấn được F2 gồm 4 loại kiểu hình phân li theo tỉ lệ: 56,25% cây cao, hạt tròn; 18,75% cây cao, hạt dài; 18,75% cây thấp, hạt tròn; 6,25% cây thấp, hạt dài. Cho biết mỗi gen quy định một tính trạng.
- Xác định quy luật di truyền chi phối phép lai trên.
- Biện luận và viết sơ đồ lai từ F1 đến F2.
Bài 7: Từ hai dạng lúa có một cặp dị hợp (kiểu Aabb và aaBb), người ta muốn tạo ra giống lúa có hai cặp dị hợp (kiểu gen AaBb). Hãy trình bày các bước để tạo giống lúa đó?
Bài 8: Ở một loài thực vật, gen A qui định tính trạng thân cao là trội hoàn toàn so với gen a qui định tính trạng thân thấp. Gen B qui định tính trạng hạt vàng là trội hoàn toàn so với gen b qui định tính trạng hạt xanh.
Cho cây thân cao, hạt vàng lai với cây cùng loài khác thu được các cây F1 trong số đó thấy xuất hiện cây có kiểu gen đồng hợp tử trội và cây có kiểu gen đồng hợp tử lặn về 2 cặp gen. Hãy xác định kiểu gen của P và tỉ lệ kiểu gen, kiểu hình của F1.
Bài 9: Trong một phép lai ở một loài thực vật, người ta thu được kết quả tỉ lệ phân li kiểu hình như sau:
1 cây hạt vàng, vỏ trơn
1 cây hạt vàng, vỏ nhăn
1 cây hạt xanh, vỏ trơn
1 cây hạt xanh, vỏ nhăn
Xác định kiểu gen và kiểu hình của P. Cho biết đâu là biến dị tổ hợp trong các kiểu hình thu được ở phép lai trên?
Bài 10: Xét một loài thực vật, một cá thể F1 cho giao phấn với 3 cây khác:
- Với cây nhất thu được thế hệ lai, trong đó có 6,25% kiểu hình cây thấp, hạt dài.
- Với cây thứ hai thu được thế hệ lai, trong đó có 12,5% kiểu hình cây thấp, hạt dài.
- Với cây thứ ba thu được thế hệ lai, trong đó có 25% kiểu hình cây thấp, hạt dài.
Cho biết mỗi gen qui định một tính trạng và nằm trên một NST khác nhau. Tính trạng thân cao tương phản so với tính trạng thân thấp; tính trạng hạt tròn tương phản với tính trạng hạt dài.
Biện luân và viết sơ đồ lai của 3 trường hợp nêu trên.
Bài 11: Ở người, có các nhóm máu A, B, AB, O. Hai an hem sinh đôi cùng trứng, người anh lấy vợ có nhóm máu A, con của họ có nhóm máu A và AB; người em lấy vợ có nhóm máu B, con của họ có nhóm máu B và AB.
- Hãy xác định kiểu gen của hai an hem.
- Nếu hai an hem lấy vợ có cùng nhóm máu thì xác suất sinh con có nhóm máu khác với bố mẹ là bao nhiêu?
Bài 12: Một cặp vợ chồng có cùng kiểu gen AaBbDd. Cho biết không xảy ra đột biến. Tính theo lý thuyết, xác suất sinh 1 con có 2 gen trội và 2 người con có 3 gen lăn của cặp vợ chồng này là bao nhiêu?
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bài tập ôn tập chuyên đề quy luật di truyền của Men Đen ôn thi HSG Sinh học 9 năm 2020. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tài liệu cùng chuyên mục tại đây: