Bài 12: Thực hành cắt may áo tay liền

Áo liền tay là kiểu áo đơn giản, dễ may, dễ mặc, nếu lựa chọn cổ áo thích hợp thì áo tay liền sẽ là thời trang cho nhiều lứa tuổi, từ sơ sinh đến trung niên, các cụ già,... mặc ấm cúng về mùa đông, thoải mái, mát mẻ về mùa hè,... Để nắm vững quy trình cắt may áo tay liền và chọn được một trong số kiểu cổ áo không bâu và bâu lá sen đã học để may vào áo, cắt may được một áo tay liền cho bản thân với kiểu cổ tùy chọn, chúng ta cùng làm bài thực hành: "Cắt may áo tay liền".

Tóm tắt lý thuyết

1.1. CHUẨN BỊ

1.1.1. Lấy số đo

Tay trái cầm đầu thước đặt vào đầu vị trí cần đo, tay phải đưa thước đến cuối vị trí cần đo. Đo sát êm các kích thước của cơ thể.

  • Dài áo (Da): Đo từ chân cổ sau đến ngang mông hoặc dài ngắn tùy ý.
  • Hạ eo (He): Đo từ chân cổ sau đến trên eo 2÷3 cm.
  • Rộng vai (Rv): Đo từ đầu vai trái sang đầu vai phải.
  • Dài tay (Dt): Đo từ đầu vai xuống tay; dài ngắn tùy ý.
  • Cửa tay (Ct): 1/2 số đo vòng tay tại điểm dài tay.
  • Vòng cổ (Vc): Đo vừa sát quanh chân cổ.
  • Vòng ngực (Vn): Đo vòng quanh ngực chỗ nở nhất.
  • Vòng mông (Vm): Đo vòng quanh mông chỗ nở nhất.

1.1.2. Tính vải

  • Khổ vải 0,8÷0,9 m: (Da + gấu + đường may) x 2.
  • Khổ vải 1,15÷1,2 m:
    • Dài tay + 1/2 Rv > 27 cm: (Da + gấu + đường may) x 2.
    • Dài tay + 1/2 Rv < 27 cm: Da + gấu + đường may.
  • Khổ vải 1,4÷1,6 m: Da + gấu + đường may.

Lưu ý: Nếu vải có độ co nhiều, khi mua cần tính thêm 5÷10 cm và ngâm, giặt vải trước khi cắt.

1.1.3. Lựa chọn kiểu cổ áo, kiểu trang trí

  • Kiểu áo không bâu:
    • Áo tay liền cổ thuyền, nẹp viền ngoài (hình 1.a).
    • Áo tay liền cổ trái tim, nẹp viền ngoài (hình 1.b).
  • Kiểu áo có bâu:
    • Áo tay liền cổ có bâu lá sen nằm (hình 1.c).
    • Áo tay liền cổ có bâu sen tim (hình 1.d)

Hình 1. Một số mẫu áo gợi ý thực hành

1.1.4. Các dụng cụ cắt may

  • Thước dây (150cm), thước gỗ (50cm)
  • Phấn may, bút chì, vạch.
  • Dụng cụ sang dấu
  • Kéo to, kéo vừa, kéo nhỏ, kéo bấm.
  • Kim khâu, gối cắm kim, đê.
  • Dụng cụ xâu kim, tháo chỉ.
  • Bàn là, gối là, cầu là hoặc chân là.

1.2. QUY TRÌNH THỰC HÀNH

1.2.1. Vẽ và cắt

a) - b). Vẽ và cắt thân trước và thân sau
  • Áo tay liền cổ thuyền, nẹp viền ngoài (hình 1.a):
    • Thân trước: Lấy dấu vòng cổ thân trước, từ điểm rộng cổ lấy xuống 3cm có điểm N, từ điểm sâu cổ lấy xuống 10cm có điểm A2. Nối hai điểm với nhau (NA2) ta có nẹp viền thân trước AA1NA2.
    • Thân sau: Lấy dấu vòng cổ thân sau, từ điểm rộng cổ lấy xuống 3cm có điểm N, từ điểm sâu cổ lấy xuống 3cm có điểm A2. Nối hai điểm N với A2 cách đều AA1 (3cm) ta có nẹp viền thân sau AA1NA2.

Hình 2. Cách vẽ thân trước và thân sau áo tay liền cổ thuyền, nẹp viền ngoài

  • Áo tay liền cổ trái tim, nẹp viền ngoài (hình 1.b):
    • Thân trước: 
      • Lấy dấu vòng cổ thân trước (ED), từ điểm E lấy EE1 = 3cm. Từ điểm D lấy DD1 = 3cm.
      • Vẽ cong E1D1 cách đều ED (3cm).
    • Thân sau:
      • Lấy dấu vòng cổ thân sau(ED), từ điểm E lấy EE1 = 3cm. Từ điểm D lấy DD1 = 3cm.
      • Vẽ cong E1D1 cách đều ED (3cm).

Hình 3. Cách vẽ thân trước và thân sau áo tay liền cổ trái tim, nẹp viền ngoài

  • Áo tay liền cổ có bâu lá sen nằm (hình 1.c):
    • Vẽ dựa theo vòng cổ thân áo:
      • Đặt đường sườn vai thân trước trùng nhau ở điểm vào cổ và chườm qua 2,5cm ở phía đầu vai, ghim cố định.
      • Gấp đôi vải dùng để vẽ vẽ bâu.
      • Đặt 1/2 vòng cổ thân áo lên vải là bâu áo, đường gấp đôi của thân áo trùng với đường gấp đôi của vải dùng để vẽ bâu.
      • Vẽ chân bâu theo vòng cổ bắt đầu từ đường gấp đôi của thân trước.
      • Lấy thân áo ra, vẽ vòng ngoài của bâu áo. Rộng bản bâu M1N = 6÷7cm.
      • Vẽ đầu bâu dạng tròn: vẽ cong NN1 cách đều đường chân bâu MM1 một khoảng bằng rộng bản bâu. Nối MN1. I là điểm giữa của MN1. Từ điểm I lấy ra II1 = 2cm. Vẽ cong N1I1M.
    • Cách cắt:
      • NM1 là đường vải gấp đôi.
      • Cắt hai miếng vải bâu chừa đều 1cm đường may xung quanh.
      • Cắt vải nền chân bâu theo canh xéo:
        • Chiều dài = chiều dài chân bâu + 2cm.
        • Chiều rộng = 2,5cm.

Hình 4. Cách vẽ thân trước và thân sau áo tay liền cổ có bâu lá sen nằm

  • Áo tay liền cổ có bâu sen tim (hình 1.d):
    • ​Vòng cổ thân áo: vẽ như cổ trái tim.
    • Vẽ vòng cổ cơ bản sau đố điều chỉnh các chi tiết:
      • Rộng cổ = Rộng cổ cơ bản (AA1) + 1(cm).
      • Sâu cổ = Sâu cổ cơ bản (AA2) + 8(cm).
      • Nối ED. O là điểm giữa của ED, OO1 = 1cm. Vẽ cong AO1D.
      • Bâu áo: Cách vẽ theo các dạng sau:
        • Bâu lá sen tim dạng đứng, vải thẳng:
          • Cách vẽ:
            • Gấp đôi vải, mặt phải ở trong.
            • AB = 1/2Vc thân áo - 2cm.
            • AA1 = 10cm.
            • A1C = 7cm (bản bâu).
            • Nối A1B; O là điểm giữa của A1B. Từ O lấy lên OO1 = 2cm. Vẽ đường chân bâu cong đều từ A1 qua O1 đến B.
            • Từ B kẻ đường vuông góc với A1B và lấy BD = 7cm.
            • Nối CD. I là điểm giữa CD. Từ I lấy lên II1 = 2cm.
            • Vẽ đường cong CI1D kéo dài thêm một đoạn DD1 = 3cm. Nối D1B.

Hình 5. Cách vẽ bâu lá sen tim dạng đứng, vải thẳng

  • Bâu lá sen tim dạng đứng, vải chéo sợi:
    • Cách vẽ như sau:
      • Vẽ hình chữ nhật ABCD
      • AB = CD = Vc thân áo.
      • AD=CB = 6÷8cm (tùy ý).
      • DD1 = CC1 = 0,5cm.
      • DD2 = CC2 = 8cm.
      • AA1 = BB1 = 2cm (tùy ý)
      • Vẽ bâu A1D1O2C2C1B1 (vẽ cong nhẹ D1D2 và C1C2).

Hình 6. Cách vẽ bâu lá sen tim dạng đứng, vải chéo sợi

  • Bâu lá sen tim dạng nằm:
    • Vẽ dựa theo vòng cổ thân áo.
    • Đặt đường sường vai thân trước trùng nhau ở điểm vào cổ và chườm qua 2,5cm ở phía đầu vai, ghim cố định.
    • Gấp đôi vải dùng để vẽ bâu.
    • Đặt 1/2 vòng cổ thân áo lên vải làm bâu áo, đường gấp đôi của thân sau áo trùng với đường gấp đôi của vải dùng để vẽ bâu.
    • Vẽ chân bâu theo đường vòng cổ bắt đầu từ đường giao khuy thân trước.
    • Lấy thân áo ra, vẽ vòng ngoài của bâu áo. Rộng bản bâu 6÷7cm.

Hình 7. Cách vẽ bâu lá sen tim dạng nằm

Lưu ý 1: Có thể vẽ đầu bâu dạng tròn, hoặc vẽ đầu bâu dạng nhọn giống như bâu lá sen.

c) Cách cắt vải viền nách áo
  • Chiều dài = chiều dài cửa tay + 2cm.
  • Chiều rộng = 2÷3cm (tùy ý).

Lưu ý 2:

  • Có thể cắt vải viền cùng màu với cổ áo.
  • Phải dùng vải chéo sợi vải viền sẽ đẹp hơn, không bị bai, vênh.

1.2.2. May

  • Trước khi may cần tiến hành kiểm tra và chỉnh sửa cho khớp kích thước của thân trước và thân sau: dài áo, sườn áo từ nách đến gấu, vòng cổ.
  • Kiểm tra vải viền đã cắt đủ và chính xác chưa.
a. Áo kiểu cổ không bâu
  • Ráp đường sườn vai và tay liền.
  • Viền cổ thân trước, thân sau riêng.
  • Viền cửa tay.
  • Ráp sườn áo và sườn tay.
  • May gấu áo.
  • Là (ủi) và đính khuy, thùa khuyết (nếu cần).
b. Áo kiểu cổ có bâu lá sen
  • Ráp đường sườn vai và tay liền.
  • May bâu và ráp bâu vào thân cổ.
  • Viền cửa tay.
  • Ráp sườn áo và sườn tay.
  • May gấu áo.

Hoàn thiện sản phẩm: Là (ủi) và đính khuy, thùa khuyết.

1.3. ĐÁNH GIÁ

Các tiêu chỉ đánh giá thực hành:

  • Sự chuẩn bị thiết bị, dụng cụ, vật liệu.
  • Quy trình may sản phẩm.
  • Chất lượng sản phẩm: Kích thước, đường may, hoàn thiện.
  • Thời gian hoàn thành sản phẩm.

2. Luyện tập Bài 12 Công Nghệ 9 

Sau khi học xong Bài 12: Thực hành cắt may áo tay liền, các em cần ghi nhớ:

  • Nắm vững quy trình cắt may áo tay liền và chọn được một trong số kiểu cổ áo không bâu và bâu lá sen đã học để may vào áo.
  • Cắt may được một áo tay liền với kiểu cố áo tùy chọn.

Các em có thể hệ thống lại nội dung kiến thức đã học được thông qua bài kiểm tra Trắc nghiệm Công nghệ 9 Bài 12 cực hay có đáp án và lời giải chi tiết. 

Câu 2- Câu 5: Xem thêm phần trắc nghiệm để làm thử Online 

3. Hỏi đáp Bài 12 Quyển 1 Công Nghệ 9

Trong quá trình học tập nếu có thắc mắc hay cần trợ giúp gì thì các em hãy comment ở mục Hỏi đáp, Cộng đồng Công Nghệ Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các em một cách nhanh chóng!

Chúc các em học tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?