Đề bài: Em hãy tả lại một nhân vật có hành động và ngoại hình khác thường mà em đã quan sát được dưới dạng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
“Ôi, con xin lỗi”, đó là câu nói đầu tiên trong cuộc đời mà Linh Chi – một cô bé không chân không tay thốt lên. Dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng cô bé ấy lại đầy nghị lực, cô không bao giờ chịu bỏ cuộc trước những khó khăn của cuộc sống.
Linh Chi quê ở Yên Bái, sinh năm 2005, từ khi sinh ra cô đã bị dị tật bẩm sinh. Khác với những người bình thường, Linh Chi không có bàn tay và bàn chân. Chân tay của em cũng ngắn hơn rất nhiều so với người bình thường. Dù bị khuyết tật nhưng cô bé luôn tràn đầy nghị lực sống. Khuôn mặt cô thật xinh xắn với đôi mắt rất trong và sáng, ánh mắt của cô luôn tràn đầy sự hy vọng. Linh Chi có vầng trán cao và rộng thể hiện sự thông minh và nhanh nhẹn. Đôi má em lúc nào cũng ửng hồng. Cũng giống như những đứa bé gái, Linh Chi cũng vẫn muốn làm duyên, cô bé vẫn để mái tóc đen dài và mượt. Hằng ngày Linh Chi vẫn tết tóc đuôi sam thật xinh xắn. Vì bị mất đi đôi chân nên dáng người Linh Chi trông càng nhỏ bé hơn. Linh Chi có một nụ cười thật tươi. Nhìn nụ cười hồn nhiên của Linh Chi không ai nghĩ rằng đây là cô bé đã phải trải qua nhiều nỗi đau đớn.
Cô bé ấy không bao giờ từ bỏ trước hoàn cảnh, không chịu thua số phận. Bị khiếm khuyết chân tay nhưng Linh Chi luôn có ý thức tự tạo giá trị cho bản thân. Cô bé vẫn có ý thức đi học, em đã xin mẹ cho em cơ hội được đến trường như bao bạn nhỏ khác. Ban đầu Linh Chi luôn cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình nhưng nhờ sự động viên của người thân và bạn bè mà em đã xóa bỏ những mặc cảm ấy.
Đến trường, Linh Chi vẫn chơi đùa với bạn bè cùng trang lứa theo cách riêng của em. Cô đã rất nỗ lực dùng đôi tay của mình để viết chữ. Làm bất cứ việc gì Linh Chi cũng rất cẩn thận. Không ai có thể ngờ rằng từ đôi tay ấy của em lại có thể viết được những con chữ tròn trịa như vậy. Cô cũng tự tin múa cùng các bạn trong các giờ ra chơi. Cô rất tự lập, em luôn cố gắng tự làm mọi việc trong khả năng của mình. Mọi người biết đến Linh Chi đã gọi cô bé là “Nick Vujicic của Việt Nam”.
Nghị lực sống của Linh Chi chính là tấm gương của mỗi chúng ta. Đừng bao giờ đầu hàng trước số phận. Hãy làm chủ số phận của mình.
2. Bài văn mẫu số 2
Mỗi chúng ta, ai cũng có số phận của riêng mình. Một lần tình cờ, em đã được nghe chị gái kể về một người đàn ông mang ngoại hình và hành động khác thường nhưng đáng kính vô cùng - đó là một người lính thương binh trở về từ chiến trường.
Chiến tranh khốc liệt đã lùi xa vào quá khứ, song những nỗi đau, những con người bước ra từ cuộc chiến vẫn còn đó. Họ vẫn sống, dù cuộc sống không bình thường như bao người khác. Chị gái em là một nhà báo trẻ. Chị đi khắp mọi nẻo đường, về khắp mọi miền quê để tìm và ghi lại những câu chuyện đã qua - những mảnh ghép quá khứ ngày ấy. Sau chuyến đi từ Quảng Trị trở về, chị cầm bức ảnh chụp một người đàn ông, lặng lẽ kể cho em nghe về người đó.
Trong bức ảnh ngược nắng và giọng kể đều đều của chị, em nhìn thấy một người đàn ông đã ngoài bảy mươi tuổi, mái tóc bạc trắng như cước. Khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị, chất phác. Thời gian đã làm những nếp nhăn trên khuôn mặt, trên khóe mắt ông dày thêm xen những nốt đồi mồi ở làn da của những người đến tuổi xế bóng. Nụ cười bên miệng móm mém cùng ánh mắt lóe sáng lấp lánh. Vành mắt hơi cong cong tạo cho người xem ảnh cảm giác rất khó tả. Lưng ông đã còng xuống, có lẽ vì gánh nặng bao năm của cuộc đời. Chị bảo người dân xung quanh gọi ông là ông Hai Bình.
Nhưng em đã không kìm được xúc động khi nhìn đến bàn tay đang giơ lên trong bức ảnh. Trên đôi bàn tay ấy chỉ có duy nhất một ngón cái tay lành lặn, những ngón khác đều đã cụt hết. Ông cong cong ngón cái cùng mái đầu hơi gật xuống. Chị em bồi hồi nhớ lại khung cảnh chị chụp bức ảnh này, chị nói ông là một người cựu chiến binh của chiến trường miền Nam hơn năm mươi năm về trước. Bom đạn quân thù đã tàn phá nặng nề cột sống và cướp đi bốn ngón tay trên bàn tay phải của ông. Một điều đặc biệt nữa là ông không nói được, một loại chất độc ngày xưa rải xuống Trường Sơn đã khiến ông mất đi khả năng giao tiếp. Trong suốt quá trình trò chuyện với đoàn chị tôi, ông dùng ngôn ngữ của người câm và những nét chữ viết bằng tay trái.
Chiến tranh đã mang đến cho ông - người thanh niên năm ấy mới ngoài hai mươi tuổi những nỗi đau không thể tưởng tượng nổi. Nhưng khi chị em hỏi về những năm tháng ấy, trên khóe miệng ông luôn thường trực một nụ cười và ánh mắt sáng xa xăm đầy hoài niệm đầy tự hào. Trong lá thư gửi chị em - cô nhà báo mà ông thực sự cảm ơn, ông nói ông chưa bao giờ hối hận vì năm đó đã xung phong đi chiến đấu. Dù mất mát, dù đau thương, nhưng đó là lý tưởng của tuổi trẻ, là điều vô cùng ý nghĩa với cuộc đời ông. Ngón cái cong cong xuống trong ngôn ngữ của người câm, chị em nói đó là lời cảm ơn. Người đàn ông đã chịu đủ đau thương vẫn lạc quan vào cuộc đời, vẫn chân thành cảm ơn cuộc sống đã cho ông cơ hội để hoàn thành lý tưởng của mình. Ở Quảng Trị thân yêu của tổ quốc, ông một mình sống trong ngôi nhà nhỏ, lặng lẽ nhìn ngắm nước nhà đổi thay mà tự hào, hài lòng. Dù cho nhắc lại tên những người đồng chí cùng kề vai sát cánh ngày xưa, ông vẫn không nén được mà trào nước mắt. Trở về cuộc sống bình thường với hình hài và hành động khác thường, song ông chưa bao giờ cảm thấy đau khổ, chán nản. Ông chia sẻ, còn sống để trở về là một may mắn, Tổ quốc đã cho ông cơ hội trở về, trở về để tiếp tục cuộc đời còn đang tiếp diễn, để chứng kiến Tổ quốc sau chiến tranh.
Chị em rời Quảng Trị, tạm biệt ông trong một ngày nắng rực rỡ. Nụ cười ngược nắng của ông, một người khác thường mà vô cùng phi thường đã tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ chúng em. Chúng em phải sống xứng đáng với nỗi đau mà thế hệ ông Hai Bình đã trải qua, xứng đáng với niềm tin của thế hệ anh hùng bất khuất, những chiến binh đã viết lên trang sử vàng chói lói của Tổ quốc như ông.
3. Bài văn mẫu số 3
Trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, có không ít người có hoàn cảnh khó khăn và éo le. Đặc biệt là những chiến sĩ đã bị nhiễm chất độc màu da cam khi tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đáng thương thay, chất độc quái ác đó không chỉ làm những người lính bị nhiễm mà còn đời sau của họ cũng bị di truyền... Một lần, em đã được xem trên truyền hình một câu chuyện về gia đình có người bố bị nhiễm chất độc màu da cam. Câu chuyện đã để lại trong em nỗi xúc động sâu xa.
Một gia đình nông dân nghèo có người chồng bị nhiễm chất độc màu da cam. Họ sinh được ba cậu con trai có hình dạng khác thường. Người chồng nguyên là chiến sĩ đã tham gia chiến đấu để giữ nền độc lập cho nước nhà và trở về quê khi chiến tranh kết thúc. Người chồng này yếu ớt, người gầy sạm, chỉ có thể ngồi ở nhà trông con và nương tựa vào người vợ mà thôi.
Nhà có ba cậu con trai thì cậu thứ nhất lúc nào cũng ngửa mặt lên trời mà cười, mồm miệng méo xệch, nước bọt trào ra, không những thế đôi vai của cậu còn bị lệch một bên nên một cánh tay lúc nào cũng lòng thòng. Có lẽ cũng bởi vậy mà khi mặc áo, cậu ta có cảm giác khó chịu và xé rách áo. Đến cậu thứ hai thì béo ục ịch nhưng lại rất lùn nên mỗi bước đi của cậu chậm chạp. Cậu ta còn có đôi mắt to, cái đầu to, nhìn rất xấu. Cuối cùng là cậu út. Cậu này rất thương mẹ nhưng lại giúp mẹ lúc được, lúc không. Bởi cậu bị mắc căn bệnh động kinh nên cậu có thể bị ngất bất cứ lúc nào trong từng giờ, từng ngày.
Thật khổ sở cho hai vợ chồng này: Có ba cậu con trai hình dạng khác thường đã không giúp được gì nay chúng còn phá đồ đạc trong nhà. Nhà của gia đình này bụi bặm, có con ngõ nhỏ trước nhà cũng toàn những đống gạch ngổn ngang, cùng những cành cây bề bộn. Khi xem thì em còn được biết: Cứ mỗi lần hai vợ chồng cố gắng thu dọn ngăn nắp thì những đứa con lại phá tanh bành. Cậu con trai đầu lúc nào cũng chơi ngoài vườn, lúc thì dùng những viên gạch để xếp từng đống, lúc lại dùng những cành cây để chơi trò trận giả. Có những lúc các cậu còn vật nhau ngoài vườn hay dùng que đánh nhau, đến bố mẹ cũng không ngăn được, mỗi lần ngăn là các cậu lại dùng gạch đánh bố mẹ như người không có trí khôn...
Người bố thì yếu, không làm được việc gì nên người mẹ phải gánh vác tất cả những công việc nhà nông, đã thế ban đêm lại phải làm thêm bánh để mang ra chợ bán buổi sáng. Với số tiền ít ỏi nhận được cũng chỉ đong được gạo đủ cho một đến hai bữa cơm để chia đều cho bố con. Có những lúc người bố còn không được ăn vì thương các con. Nhiều lúc những đứa con lên cơn, chúng còn đuổi đánh bố mẹ. Người bố cũng có một chút tiền trợ cấp thương binh, nhưng số tiền ít ỏi đó chỉ đủ mua thuốc khi phải vào bệnh viện. Cuộc sống kham khổ cứ thế trôi đi từng ngày, từng ngày một mà không biết bao giờ sẽ kết thúc. Gia đình đã nghèo nhưng ba cậu con trai mỗi khi lên cơn lại luôn phá phách nên cuộc sống càng trở nên khó khăn.
Qua câu chuyện trên, em muốn nói với mọi người rằng: Hãy cùng nhau chung sức giúp đỡ những người bị nhiễm chất độc màu da cam vượt qua cuộc sống khốn khổ. Chất độc quái ác đó đã phá hoại thiên nhiên, môi trường mà không những thế nó còn để lại rất nhiều di chứng cho con người từ đời này sang đời khác. Chúng ta hãy lên án bọn đế quốc Mỹ, lên án chiến tranh và hãy ngăn chặn để chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra với cả thế giới.
4. Bài văn mẫu số 4
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người có hoàn cảnh sống khác nhau. Tôi còn nhớ trong kì nghỉ hè vừa rồi tôi cùng gia đình đến Quảng Nam, chuyến tôi đã gặp một con người có nghị lực phi thường, dù bản thân không được lành lặn như những người khác. Anh là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt lên số phận.
Đợt ấy vào tháng bảy, sau một năm học tập và làm việc vất vả cả gia đình tôi đã có một chuyến du lịch đến vùng đất Quảng Nam. Tôi đã được đi thăm nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Hội An bình dị, xinh đẹp; Cù Lao Chàm với sóng biển xanh biếc và những tháp chăm cổ kính của thánh địa Mỹ Sơn… nhưng để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là anh Bảy Văn, cái tên thân thương do mọi người đặt cho anh. Anh là trẻ mồ côi, ngay từ khi sinh ra đã khuyết tật mất hai chân do di chứng của chất độc màu da cam, anh được đưa về nuôi tại cô nhi viện. Trong chuyến thăm Hội An tôi đã tình cờ nhìn thấy anh đang dạy trẻ con học, điều đó đã làm tôi vô cùng bất ngờ, ngưỡng mộ và tôi đã được những người dân nơi đây kể lại câu chuyện cuộc đời anh.
Anh Bảy Văn người nhỏ thó, vì đã mất đi đôi chân nên nhìn anh lại càng trở nên nhỏ bé hơn. Anh có làn da ngăm rám nắng đặc trưng của những người miền Trung. Khuôn mặt anh vuông vức, cùng chiếc mũi cao khiến cho đường nét trên khuôn mặt trở nên hài hòa hơn. Anh có chiếc trán rộng và cao thể hiện rõ sự thông minh, nhanh nhẹn. Mái tóc anh được cắt gọn gàng, màu đen mượt. Đôi mắt anh sáng, tinh anh cùng đôi lông mày rậm khiến cho cái nhìn trở nên cương nghị, chính trực hơn. Tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười của anh, đó là nụ cười tỏa ra một sức hút mãnh liệt, hàm răng đều tăm tắp cùng với nụ cười sảng khoái khiến mọi người đều thoải mái khi nghe tiếng cười ấy. Giọng nói của anh trầm ấm và rất truyền cảm.
Anh ăn mặc giản dị, chỉ có hai bộ quần áo duy nhất, một chiếc áo sơ mi trắng và một chiếc sơ mi xanh da trời. Mỗi lần mặc xong anh luôn giặt sạch sẽ và là cẩn thận. Ngôi nhà anh ở đơn sơ chỉ có bộ bàn uống nước, cái tủ đứng, giường ngủ và một bàn học nhưng luôn được anh sắp xếp hết sức ngăn nắp, gọn gàng.
Mặc dù ngày từ khi sinh ra đã bị tật nguyền nhưng chưa bao giờ anh chịu thua số phận. Anh luôn tự mình làm mọi việc, chỉ khi gặp khó khăn anh mới nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Anh là người thông minh, sáng dạ, mọi thứ anh học rất nhanh, lại là người ngoan ngoãn nên được thầy cô và bạn bè hết mực yêu mến. Khi học xong cấp ba, anh quyết tâm thi đỗ sư phạm để có thể mang tri thức về cho những trẻ em nghèo khuyết tật như mình. Học xong anh trở về quê hương và đi dạy cho những đứa trẻ mồ côi.
Anh giảng say sưa, nhiệt huyết, giọng giảng truyền cảm và chứa chan tình yêu thương. Nét chữ anh viết trên bảng luôn ngay ngắn, thẳng hàng. Anh đứng hơi nghiêng người để tất cả lũ trẻ đều có thể nhìn thấy những gì mình viết trên bảng. Những đứa bé ngồi dưới lớp cũng mê mải nghe những lời anh giảng, chúng như nuốt từng lời anh nói ra. Từng khuôn mặt ngây thơ, non nớt như được tiếp thêm sức mạnh khi nghe những bài giảng của anh. Theo nghề này đã được gần mười năm, nhưng anh chưa bao giờ nhận tiền của bất cứ học sinh nào, thù lao của anh đơn giản chỉ là những nụ cười, cái ôm thật chặt, đôi khi là ít trứng gà nhưng anh chưa bao giờ thôi nhiệt huyết với nghề. Nghe những điều hàng xóm của anh kể lại và chứng kiến những việc anh làm tôi càng thêm kính phục và yêu quý anh hơn.
Chuyến đi này quả thực đã cho tôi rất nhiều, nó không chỉ cho tôi mở mang tầm mắt trước vẻ đẹp của quê hương, mà quan trọng hơn nó còn cho tôi những bài học giá trị trong cuộc sống. Anh Bảy Văn sẽ mãi là tấm gương sáng chói để tôi học tập và noi theo, không bao giờ đầu hàng, lùi bước trước số phận.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------