1. Bố cục đoạn trích
- Văn bản được chia làm 3 phần:
- Phần 1 (4 câu đầu): Khung cảnh ngày xuân
- Phần 2 (8 câu tiếp theo): Khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh Minh
- Phần 3 (6 câu còn lại): Cảnh du xuân trở về.
2. Hướng dẫn soạn văn Cảnh ngày xuân
Câu 1: Bốn câu thơ đầu gợi lên khung cảnh mùa xuân. Những chi tiết nào gợi lên đặc điểm riêng của mùa xuân? Em có nhận xét gì về cách dùng từ ngữ và bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Du khi gợi tả mùa xuân?
- Khung cảnh mùa xuân: chim én chao liệng, trời xuân cao rộng, trong sáng, thảm cỏ non, vài bông lê trắng.
- Cách dùng từ chọn lọc, tinh tế đầy sức gợi cùng bút pháp hội họa: chấm phá, lấy tĩnh tả động.
Câu 2: Tám câu thơ tiếp theo gợi lên khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh. Thống kê những từ ghép là tính từ, động từ, danh từ. Những từ ấy gợi lên không khí và hoạt động cả lễ hội như thế nào? Thông qua buổi du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa hình ảnh một lễ hội truyền thống xa xưa. Em hãy đọc các chú thích, kết hợp với đoạn thơ để nêu những cảm nhận về lễ hội truyền thống ấy?
- Không khí rộn ràng của lễ hội mùa xuân được gợi lên bởi hàng loạt các từ ghép:
- Từ ghép danh từ: yến anh, chị em, tài từ, giai nhân
- Từ ghép động từ: sắm sửa, dập dìu
- Từ ghép tính từ: gần xa, nô nức
- Lễ hội truyền thống: lễ tảo mộ để nhớ người thân đã khuất và hội đạp thanh.
Câu 3: Sáu câu cuối gợi lên cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về. Cảnh vật, không khí mùa xuân trong 6 câu thơ cuối có gì khác so với 4 câu thơ đầu? Vì sao? Những từ ngữ tà tà, thanh thanh, nao nao chỉ có tác dụng miêu tả sắc thái cảnh vật hay còn bộc lộ tâm trạng con người? Vì sao?
- Sáu câu cuối là cảnh chị em Kiều du xuân trở về. Khung cảnh mùa xuân ở đây đã mang một sắc thái khác với bức tranh rộn ràng, nhộn nhịp. Khung cảnh toát lên vẻ vương vấn khi cuộc du xuân đã hết.
- Các từ tà tà, thanh thanh, nao nao vừa tả sắc thái cảnh vật vừa gợi ra tâm trạng con người: sắc thái vấn vương, man mác của con người.
Câu 4: Thành công về nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du trong đoạn trích Cảnh ngày xuân?
- Kết cấu hợp lí theo trình tự thời gian của cuộc du xuân ⇒ phác họa được toàn cảnh bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân.
- Từ ngữ giàu chất tạo hình, những từ láy gợi hình, tính từ tả màu sắc.
- Bút pháp tả cụ thể, chi tiết và bút pháp gợi có tính chất chấm phá, điểm xuyết.
Trên đây là bài soạn tóm tắt văn bản Cảnh ngày xuân. Ngoài ra, để tham khảo hệ thống kiến thức của văn bản Cảnh ngày xuân, các em có thể xem chi tiết tại đây: Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều).
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----