Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Qua bài học giúp các em hiểu được nội dung, ý nghĩa và một số hình thức nghệ thuật tiêu biểu của những bài ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Tóm tắt bài

1.1. Tìm hiểu chung

  • Tình yêu quê hương, đất nước, con người là một trong những chủ đề góp phần thể hiện đời sống tâm hồn, tình cảm của người Việt Nam

1.2. Đọc - hiểu văn bản

a. Đọc, tìm hiểu từ khó

b. Tìm hiểu văn bản

Bài 1

  • Lời của 2 người (người hỏi – người đáp).
    • Phần đầu. Lời ngư­ời hỏi (Phần đối): "Ở đâu năm cửa nàng ơi/ Sông nào sáu khúc.................."
    • Phần sau. Lời ngư­ời đáp (Phần đáp ): "Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi/ Sông Lục đầu sáu khúc..........."
  • Đặc sắc của mỗi vùng nhưng đều là những di sản văn hoá lịch sử nổi tiếng của nước ta.

 → Bộc lộ những hiểu biết và tình cảm yêu quý tự hào vẻ đẹp văn hoá lịch sử dân tộc.

Bài 2

                "Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

         Xem cầu Thê Húc,.....

                Đài Nghiên, Tháp Bút....

         Hỏi ai gây dựng nên non nư­ớc này?"

  • "Hồ Gư­ơm, Thê Húc, chùa Ngọc Sơn, Đài nghiên, Tháp bút"

→ Kết hợp không gian thiên tạo và nhân tạo trở thành một bức tranh thơ mộng và thiêng liêng.

  • "Rủ nhau": Phản ánh không khí tấp nập, khách tham quan HN.

→ Bài ca gợi nhiều hơn tả. Gợi về một Thăng Long đẹp, giàu về truyền thống lịch sử, văn hoá.

  • Câu hỏi tu từ
    • Khẳng định công lao xây dựng non nư­ớc của cha ông và nhắc nhở các thế hệ con cháu phải biết tiếp tục giữ gìn và phát huy.

⇒ Yêu mến, tự  hào và muốn đư­ợc đến thăm Hà Nội, thăm Hồ Gư­ơm.

Bài 3

       "Đ­ường vô xứ Huế quanh quanh

 Non xanh nư­ớc biếc như­ tranh hoạ đồ

       Ai vô xứ Huế thì vô..."

  • Gợi nhiều hơn tả

→ Gợi vẻ đẹp t­ươi mát, nên thơ.

  • Đại từ phiếm chỉ “Ai"  trong lời mời, lời nhắn gửi

→ Ân tình chứa niềm tự hào và thể hiện tình yêu đối với cảnh đẹp xứ Huế.

Bài 4

  • Hai câu đầu: Phép đảo, lặp và đối xứng

→ Vẻ đẹp mênh mông, bát ngát của đồng quê

  • Hai câu sau: Cô gái được so sánh với chẽn lúa đòng đòng dưới nắng hồng ban mai

→ Vẻ đẹp và sức sống thanh xuân đầy hứa hẹn của người thôn nữ.

⇒ Biểu hiện tình cảm yêu quí, tự hào, lòng tin vào cuộc sống tốt đẹp nơi quê hương. Sự hài hòa giữa cảnh và người.

  • Tổng kết

    • Nghệ thuật

      • Sử dụng kết cấu lời hỏi đáp, lời chào mời, lời nhắn gửi...thường gợi nhiều hơn tả.
      • Có giọng điệu tha thiết, tự hào.
      • Cấu tứ đa dạng, độc đáo.
      • Sử dụng thể thơ lục bát và lục bát biến thể
    • Nội dung

      • Ca dao bồi đắp thêm tình cảm cao đẹp của con người đối với quê hương đất nước
    • Ghi nhớ: SGK/40

      • Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người thường gợi nhiều hơn tả, hay nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh trí, lịch sử, văn hóa của từng địa danh.
      • Đằng sau những câu hỏi, lời mời, lờ đáp, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh là tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với quê hương, con người và đất nước.

Bài tập minh họa

 
 

Ví dụ

Đề bài 1: Sưu tầm thêm các bài ca dao có cùng chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, con người.

Gợi ý làm bài

"Ai lên Biên Thượng, Lam Sơn,
Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh".

"Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu,
Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm.
Nào ai đi chợ Thanh Lâm,
Mua anh một áo vải thâm hạt dền".

"Ai lên nhắn chị hàng bông,
Có muốn lấy chồng thì xuống Nguyệt Viên.
Nguyệt Viên lắm thóc nhiều tiền,
Lại có sông liền tắm mát nghỉ ngơi.
Chiều chiều ba dãy cá tươi,
Chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng hoài."

"Ai về Bình Định mà nghe,
Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam.
Ai về đến huyện Đông Anh,
Ghé thăm phong cảnh Loa thành Thục Vương".

"Ai về Hà Tỉnh thì về,
Mặc lụa chợ Hạ, uống chè Hương Sơn".

"Ai về Hậu Lộc Phú Điền,
Nhớ đây bà Triệu trận tiền xung phong".

"Ai về Phú Thọ cùng ta,
Vui ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười.
Dù ai đi ngựợc về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba".

"Bạch Đằng giang là sông cửa ải,
Tống Hà Nam là bãi chiến trường".

"Chiều chiều én lượn truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành".

"Chiều chiều trước bến Vân Lâu,
Ai ngồi, ai câu.
Ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm.
Ai nhớ, ai trông.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Nhớ câu mái đẩy chạnh lòng nước non".

"Dịu dàng nết đất An Dương,
Xưa nay là chốn văn chương nổi tài".

"Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng mười tháng chín chọi trâu thì về".

"Dù ai xấu xí như ma,
Tắm nước Đồng Lãm cũng ra con người."

"Đất Châu Thành anh ở,
Xứ Cần Thơ (nọ) em về
Bấy lâu sông cận biển kề,
Phân tay mai trúc dầm dề hột châu".

"Đi bộ thì khiếp Hải Vân,
Đi thuyền thì sợ sóng thần Hang Dơi".

"Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,
Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã Ba Sình.
Lờ đờ bóng ngã trăng chênh,
Tiếng hò xa vọng, nhắn tình nước non".

"Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Ngó lên Diệu Đế bốn lầu hai chuông".

"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có đền Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mãi vui quên hết lời em dặn dò".

"Đức Thọ gạo trắng nước trong,
Ai về Dức Thọ thong dong con người".

"Đường vô xứ Nghệ loanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương em anh những muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm".

"Gà nào hay bằng gà Cao lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu.
Anh thương em chẳng ngại sang giàu,
Mứt hồng đôi lạng, trà tàu đôi cân".

Đề bài 2: Em hãy chứng minh ca dao, dân ca Việt Nam thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.

Gợi ý làm bài

1. Mở bài

  • Dẫn dắt vào đề
    • Ca dao là lời ru êm ái, quen thuộc
    • Là tiếng nói gia đình, đằm thắm, tình yêu quê hưong đất nước

2. Thân bài

  • Quê hương là người mẹ thứ hai của mỗi người, nó nuôi dưỡng tâm hồn ta. Chính vì thế nên dù khi phải xa quê hương, ta cũng không thể nào quên được những hình ảnh thân thương của quê hương, dù nó chỉ là những hình ảnh, những sự vật rất bình dị. Họ yêu những gì thân thuộc trên mảnh đất quê hương:

"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng,

mênh mông bát ngát

Đứng bền tê đồng ngó bên ni đồng

bát ngát mênh mông

Thân em như chẽn lúa đòng đòng

Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai."

  • Xa quê, họ nhớ những gì bình dị của quê hương, nhớ người thân:

"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao."

  • Thể hiện lòng tự hào dân tộc của người dân đất Việt thường được hát trong những buổi lao động

"Em đố anh từ nam chí Bắc
Sông nào là sông sâu nhất
Núi nào là núi cao nhất nước ta?"

  • Nhớ cảnh đẹp và nghề truyền thống của quê hương

"Gió đua cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ"

  • Đặc điểm riêng của từng địa danh được đưa vào những lời hát một cách thú vị
     

“Sông nào bên đục bên trong
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?”


“Nước sông Thương bên đục bên trong
Núi Đức Thánh Tản thắt cổ bồng lại có thánh sinh”.

  • Dù đi đâu, về đâu họ cũng luôn nhỡ đến quê hương, nơi "chôn nhau cắt rốn" của bản thân. Đó chính là nỗi nhớ về một xứ Huế đẹp và thơ mộng:

“Lờ đờ bóng ngả trăng chênh

Tiếng hò xa vắng nặng tình nước non”

Hoặc là một miền Nam sông nước mở rộng mênh mang:

"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về"

3. Kết Bài

  • Ca dao chất lọc những vẻ đẹp bình dị, bồi đắp tâm hồn tình yêu cuộc sống.

Bài văn mẫu

     Có lẽ đối với tất cả những người dân Việt Nam, ca dao đã trở thành một cái gì đó rất đỗi quen thuộc, thân thương. Trải qua bao bước thăng trầm của lịch sử, những câu ca dao vẫn còn đó với một sức sống mãnh liệt đến diệu kỳ. Ca dao được thể hiện đầy đủ dưới nhiều phong cách, cung bậc khác nhau nhưng có lẽ đề tài được nhân dân ta chú ý đến nhiều nhất chính là tình yêu quê hương đất nước.
     Quê hương! Tiếng gọi thật giản dị mà sao thiêng liêng, tha thiết! Quê hương chính là nơi ta đã sinh ra, "oa, oa" khóc chào đời. Đó cũng là nơi mà chúng ta trưởng thành. Có thể nói rằng quê hương là người mẹ thứ hai của mỗi người, nó nuôi dưỡng tâm hồn ta. Chính vì thế nên dù khi phải xa quê hương, ta cũng không thể nào quên được những hình ảnh thân thương của quê hương, dù nó chỉ là những hình ảnh, những sự vật rất bình dị:

"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao."


Thời gian và không gian chẳng thể nào chia cắt được tình cảm của người con nhớ về đất mẹ, nhớ về quê hương mà ngược lại nó chính là nguồn nuôi dưỡng tình cảm ấy ngày càng lớn mạnh thêm. Người ta nhớ về quê hương không phải bởi những gì xa hoa, lộng lẫy mà lại nhớ đến những thứ rất bình dị: "Canh rau muống", "cà dầm tương". Hương vị đó quả là đậm đà, không thể trộn lẫn với bất kỳ hương vị nào khác: Hương vị của món ăn đồng quê, những món ăn đó thật bình dị nhưng đậm đà hương vị quê hương và cũng tràn ngập tình yêu thương. Câu ca dao còn đưa ta về với làng xóm, ở đó, có những người "dãi nắng dầm sương", "tát nước bên đường". Chắc chắn rằng những hình ảnh thân thương, trìu mến của quê hương đó sẽ mãi mãi sống trong tim của mỗi người.
Rồi lại có những câu ca dao thể hiện lòng tự hào dân tộc của người dân đất Việt thường được hát trong những buổi lao động:

"Em đố anh từ nam chí Bắc
Sông nào là sông sâu nhất
Núi nào là núi cao nhất nước ta?"


Hình ảnh núi sông đã đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam và trải qua bao thế kỷ, những lời ca về một thời oanh liệt như vẫn còn đó, ngân vang mãi mãi không thể nào quên.
Ca dao cũng có những bài rất hay nói đến khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của đất nước:

"Gió đua cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ"


Bài ca dao dựng lên trước mắt ta một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, bình yên của Hồ Tây buổi sáng sớm. Trong bức tranh đó, người nghệ sĩ dân gian đã khéo léo đan xen cả hai không gian: Động và tĩnh. Một cành trúc mơ màng, mềm mại trong gió sớm, một hồi chuông ngân nga, một thoáng khói sương huyền ảo cùng nhịp chầy giã giấy nhịp nhàng:"Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương" như hòa quyện với "nhịp chày Yên Thái" tạo nên một khung cảnh thật bình ên, êm đềm. Làn "khói tỏa ngàn sương" mơ màng như xua đi mọi ưu phiền, những bon chen tất bật của cuộc sống, đưa ta đến với thiên nhiên tươi sáng, đẹp đẽ, đưa ta trở lại về là ta, những công dân Việt Nam với phẩm cách tuyệt vời đáng quý.
Từ miền Bắc, ta bước chân vào xứ Nghệ miền Trung:
 

"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ."


Đường vào xứ Nghệ nước non nhộm màu xanh tươi mát, còn đường vào miền Nam là sông nước mở rộng mênh mang:

"Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về"


     Mỗi địa danh, mỗi dòng sông, mỗi cánh đồng, ngọn núi đã in đạm bóng hình trong trái tim người Việt Nam. Người ta gắn bó với quê hương bằng một tình yêu sâu đậm, nồng nàn và ca dao chính là bức thông điệp dể gửi gắm những tình cảm thiết tha, nồng nàn đó.

3. Soạn bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Văn bản Những câu hát về tính yêu quê hương, đất nước, con người đích thực là những viên ngọc trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam. Đây là những bài ca về tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương đất nước. Hình tượng mĩ lệ, vần điệu nhạc điệu du dương. Để nắm được những cái hay cái đẹp của những bài ca dao này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn tại đây: Bài soạn Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người.

4. Một số bài văn mẫu về văn bản Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

Ca dao, dân ca viết về quê hương, đất nước, con người với những tình cảm yêu thương, tự hào vốn đã có từ lâu đời trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Để cảm nhận được cái hay, cái đẹp của quê hương, đất nước, con người trong ca dao, dân ca được thể hiện như thế nào, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

 

-- Mod Ngữ văn 7 Chúng tôi

MGID

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?