A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
B. Dàn bài chi tiết
1. Mở đoạn
- Giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần nghị luận: Đức tính nhường nhịn trong xã hội hiện nay.
2. Thân đoạn
a. Giải thích
- Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, không tranh chấp hơn thiệt, được thua (Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Phê)
- Người biết nhường nhịn cư xử cao thượng, coi trọng hòa khí, không cố chấp, luôn biết coi trọng chữ "hòa" trong giao tiếp, ứng xử.
b. Phân tích, chứng minh
- Biểu hiện của người biết nhường nhịn
- Trước bất cứ tình huống nào, người biết nhường nhịn có ý thức cao độ làm chủ bản thân mình, lời nói, cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng. Không tranh chấp hơn thiệt, được thua.
- Phương châm ứng xử của người biết nhường nhịn: "Một điều nhịn, chín điều lành".
- Người biết nhường nhịn coi trọng hòa khí, lúc nào cũng đặt tình người, sự đoàn kết lên trên hết.
- Ví dụ: Trong gia đình, ngoài xã hội…
- Vì sao phải sống nhường nhịn?
- Khi ta biết nhường nhịn sẽ tránh được những tranh chấp không đáng có, tránh tai vạ vào thân.
- Biết nhẫn nhịn sẽ được mọi người yêu mến và quý trọng bởi sự điềm đạm, nhỏ nhẹ và có văn hóa của bạn.
- Trong gia đình, biết nhẫn nhịn thì con cháu sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, anh nhường em, em kính anh.
- Nhường nhịn sẽ biết thông cảm, tha thứ cho nhau, cùng nhau sống chan hòa, thân ái.
- Nhường nhịn là nhân tố cực kì quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết nội bộ hóa, gia đình hạnh phúc.
c. Bình luận
- Mở rộng và phản đề
- Xã hội ngày nay vẫn còn những con người đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả nên coi thường mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp, ứng xử. Họ coi nhường nhịn là sự thua thiệt, thất bại, nhục nhã, mất mặt. Ví dụ: nạn ùn tắc giao thông…
⇒ Lối sống cần lên án và phê phán gay gắt.
d. Bài học rút ra
- Đức tính nhường nhịn phải rèn luyện lâu dài
- Cuộc sống ngày một sôi động hơn, dữ dội hơn, chúng ta càng cần phải coi trọng sự nhường nhịn và rèn luyện đức tính nhường nhịn.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề: Nhường nhịn là khởi đầu cho mọi sự thành công, là chìa khóa vạn năng để mở rộng cánh cửa cuộc đời.
Đoạn văn mẫu
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về đức tính nhường nhịn của con người trong cuộc sống.
Gợi ý làm bài
Cuộc sống thời buổi kinh tế thị trường ngày một sôi động quyết liệt. Cuộc mưu sinh diễn ra vô cùng khẩn trương, dữ dội đến chóng mặt. Trong hoàn cảnh ấy mà đề cập hai chữ "nhường nhịn" có gì lạc điệu chăng? Vậy để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng ta cùng bàn luận. Trước hết, ta cần biết nhường nhịn là gì? Nhường nhịn là chịu phần thiệt thòi về mình, để cho người khác được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử. Người biết nhường nhịn là người cao thượng, không cố chấp, lúc nào cũng coi trọng chữ "hòa" trong giao tiếp, ứng xử. Trước bất cứ tình huống nào, người biết nhường nhịn có ý thức cao độ làm chủ bản thân mình, lời nói, cử chỉ từ tốn, nhẹ nhàng. Không tranh chấp hơn thiệt, được thua. Nếu gặp phải một người nào đó nóng nảy, to tiếng, thô lỗ… thì người có đức tính nhường nhịn vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng, không lời qua tiếng lại, tranh chấp. "Một điều nhịn, chín điều lành" đó là phương châm ứng xử của người biết nhường nhịn. Đi đường dù có việc cần vội vàng cũng biết nhường trước, không chen lấn. Người biết nhường nhịn coi trọng hòa khí, lúc nào cũng đặt tình người, sự đoàn kết lên trên hết. Trong gia đình văn hóa, con cháu sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh nhường em, em kính anh. Anh chị em trong gia đình có yêu thương, đùm bọc nhau mới biết "chị ngã, em nâng", mới biết "rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần". Nhường nhịn sẽ biết thông cảm, tha thứ cho nhau, cùng nhau sống chan hòa, thân ái. Nhường nhịn là nhân tố cực kì quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết nội bộ hóa, gia đình hạnh phúc. Nhưng thực trạng ngày nay, con người thường đặt quyền lợi các nhân lên trên tất cả nên coi thường mọi thứ lễ nghĩa trong lĩnh vực giao tiếp xử thế. Hơn nữa họ chẳng những không coi trọng việc nhường nhịn là sự tha thứ, thông cảm cho nhau mà coi đó là sự thua thiệt, thất bại, nhục nhã, mất mặt. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy cảnh ùn tắc giao thông hàng mấy giờ liền ở một ngã tư đường chỉ vì không xe nào nhường nhịn xe nào. Đức tính nhường nhịn phải rèn luyện lâu dài. Cuộc sống ngày một sôi động hơn, dữ dội hơn, chúng ta càng cần phải coi trọng sự nhường nhịn và rèn luyện đức tính nhường nhịn. Nhường nhịn là khởi đầu cho mọi sự thành công, là chìa khóa vạn năng để rộng cánh cửa cuộc đời.
Trên đây là sơ đồ tư duy, dàn bài chi tiết và đoạn văn mẫu bàn đức tính nhường nhịn trong xã hội hiện nay. Tài liệu này sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2017 phần nghị luận xã hội. Bên cạnh đó, tài liệu còn giúp các em ôn lại kiến thức và kĩ năng làm bài để có bước chuẩn bị thật tốt và đạt được kết quả thật cao trong kì thi quan trọng sắp tới.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý để củng cố kiến thức và kĩ năng một cách khái quát hơn đối với dạng đề này.
--MOD Ngữ văn Chúng tôi (tổng hợp và biên soạn)