Nghị luận xã hội bàn về lòng hiếu thảo

A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

Sơ đồ tư duy - Nghị luận xã hội bàn về lòng hiếu thảo

B. Dàn bài chi tiết

1. Mở đoạn

  • Giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần nghị luận: Lòng hiếu thảo.

2. Thân đoạn

a. Giải thích

  • Lòng hiếu thảo là gì?
    • Đối xử và chăm sóc tốt cha mẹ của mình.
    • Hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu và thờ phụng sau khi họ qua đời.

b. Phân tích, chứng minh

  • Biểu hiện của lòng hiếu thảo?
    • Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính, vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn.
  • Vì sao sống phải có lòng hiếu thảo?
    • Ông bà cha mẹ là những người sinh thành và nuôi dưỡng ta khôn lớn, luôn dành cho ta những điều tốt đẹp nhất trên đời này.
    • Lòng hiếu thảo là  chuẩn mực trong đời sống văn hóa Việt Nam.
    • Người có lòng hiếu thảo được mọi người trân trọng, yêu mến.
    • Giá trị của một người con được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý mà nó được thể hiện qua chữ “hiếu”.
    • Lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong gia đình.

c. Mở rộng

  • Trong xã hội còn nhiều người sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi.

⇒ Những người như thế thật đáng chê trách.

d. Bài học rút ra

  • Sống phải có lòng hiếu thảo.
  • Thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ ngay từ hôm nay.

3. Kết đoạn

  • Khẳng định lại vấn đề: Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa, là nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam.

Đoạn văn mẫu

Đề bài: Anh (chị) hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về lòng hiếu thảo của con người trong xã hội.

Gợi ý làm bài

      Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ vốn là một truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc ta, là một trong những phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi con người. Lòng hiếu thảo có nghĩa là kính trọng ông bà, cha mẹ và tổ tiên của mình. Hiếu thảo còn là hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi già yếu và thờ phụng sau khi họ qua đời. Hiếu thảo vốn là trung tâm trong hệ thống đạo đức của Nho giáo. Lòng hiếu thảo của con người không những được thể hiện trong thái độ, tình cảm mà còn được biểu hiện qua hành động cụ thể. Người có lòng hiếu thảo là người luôn biết cung kính ông bà, cha mẹ; biết vâng lời và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn. Họ luôn biết sống đúng chuẩn mực, thực hiện lễ nghi hiếu nghĩa đối với các bậc sinh thành. Lúc cha mẹ còn khỏe mạnh, họ hiếu thuận vâng lời, lắng nghe dạy bảo. Lúc cha mẹ ốm đau, già yếu, họ hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng. Khi cha mẹ qua đời, họ thành tâm thờ cúng. Con người sống phải có lòng hiếu thảo vì ông bà, cha mẹ là những người đã sinh thành và dưỡng nuôi ta khôn lớn, luôn dành cho ta những gì tốt đẹp nhất trên cuộc đời này. Mỗi con người sinh ra đều có nguồn cội, thân tộc. Bởi thế, ta phải biết ơn những người đã sinh thành, dưỡng nuôi và giáo dục ta nên người. Hiếu thảo còn là một lối sống tốt đẹp đã trở thành chuẩn mực trong truyền thống văn hóa Việt Nam. “Nhị thập tứ hiếu” luôn là bài học giáo dục đạo đức ngàn đời còn mãi. Sống có lòng hiếu thảo là lối sống cao đẹp, biết quý trọng công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo thể hiện sự bao dung, sống có trách nhiệm. Người có lòng hiếu thảo luôn được mọi người yêu mến, trân trọng và thành công trong cuộc sống. Nhờ có lòng hiếu thảo giúp gắn kết các thế hệ trong một gia đình, mọi người sống trong môi trường tràn ngập lòng yêu thương, sự kính trọng cùng lòng biết ơn với các bậc sinh thành. Giá trị của một người con được nhìn nhận không phải ở sự giàu sang, quyền quý, mà nó thể hiện qua chữ “Hiếu”. Nhưng hiện nay còn tồn tại nhiều người có lối sống bất hiếu, vô lễ, đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Họ thể hiện một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi. Những người như thế thật đáng chê trách. Qua đây, bản thân chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước cùng nhìn nhận lại đạo đức của bản thân, sống phải có lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo thể hiện lối sống trọng tình trọng nghĩa, là nét đẹp cao quý trong nền văn hóa Việt Nam và qua đó, giúp ta thấm thía rằng: “Tội lớn nhất của đời người là bất hiếu”.

Trên đây là sơ đồ tư duy, dàn bài chi tiết và đoạn văn mẫu bàn về lòng hiếu thảo. Tài liệu này sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2017 phần nghị luận xã hội. Bên cạnh đó, tài liệu còn giúp các em ôn lại kiến thức và kĩ năng giải quyết dạng đề này để có bước chuẩn bị thật tốt và đạt được kết quả thật cao trong kì thi quan trọng sắp tới.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý để củng cố kiến thức và kĩ năng một cách khái quát hơn đối với dạng đề này.

--MOD Ngữ văn Chúng tôi (tổng hợp và biên soạn)

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?