Nghị luận xã hội bàn về lòng khiêm tốn trong xã hội hiện nay

A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

Sơ đồ tư duy - Nghị luận xã hội bàn về lòng khiêm tốn

B. Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn

  • Giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần nghị luận: Khiêm tốn không đơn thuần là bài học mà nó còn là thái độ sống, một nghệ thuật về cách đối nhân xử thế trên đường đời.

2. Thân đoạn

a. Giải thích

  • Khiêm tốn là thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác.
  • Người có lòng khiêm tốn luôn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử; luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác.

b. Phân tích, chứng minh

  • Tại sao sống cần phải có lòng khiêm tốn?
    • Có lòng khiêm tốn, con người ta mới có tinh thần cầu tiến, mới không ngừng học hỏi và tiến bộ.
    • Khiêm tốn sẽ được mọi người yêu quý và bớt người ghanh ghét đi.
    • Khiêm tốn giúp con người ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang.

c. Bình luận, mở rộng

  • Nếu tự mãn, đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập nên những thành quả mới.
  • Những người đó sẽ dễ gặp thất bại và bị người đời xa lánh.
  • Lên án, phê phán lối sống kiêu căng, tự mãn.

d. Bài học  nhận thức và hành động

  • Mỗi chúng ta hãy tự ý thức và nuôi dưỡng cho mình một thái độ khiêm tốn, để có thể đạt được những thành công trong cuộc sống.
  • Rèn luyện tính khiêm tốn đôi khi bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt trong đời thường.

3. Kết đoạn

  • Khẳng định lại vấn đề: Khiêm tốn là nhân tố thiết yếu tạo nên sự thành công và góp phần xây dựng những mối quan hệ bền vững trong xã hội.

Đoạn văn mẫu

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Lòng khiêm tốn.

Gợi ý làm bài

        Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại”. Câu nói đó đã dạy cho chúng ta bài học luân lí làm người về lòng khiêm tốn. Đúng vậy, khiêm tốn không đơn thuần là bài học mà nó còn là thái độ sống, một nghệ thuật về cách đối nhân xử thế trên đường đời. Vậy khiêm tốn được hiểu như thế nào? Khiêm tốn là thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác. Người có lòng khiêm tốn luôn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử, và quan trọng hơn, họ luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Trong công việc và trong cuộc sống, những người có thái độ khiêm tốn thường không thỏa mãn với những gì mình đạt được mà ngược lại, họ luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để có thể đạt được những thành quả cao hơn và những thành công mĩ mãn. Có lòng khiêm tốn, con người ta mới có tinh thần cầu tiến, mới không ngừng học hỏi và tiến bộ. Khiêm tốn chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ thái độ kiêu căng tự mãn, và giúp ta biết bình tĩnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Sống khiêm tốn sẽ được mọi người yêu quý và bớt người ghanh ghét đi. Đồng thời, khiêm tốn giúp con người ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang, và người khiêm tốn sẽ lấy thành công đó làm động lực thúc đẩy họ tiến lên phía trước. Nếu tự mãn, đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập nên những thành quả mới. Những người đó sẽ dễ gặp thất bại và bị người đời xa lánh. Thực chất thì chúng ta không có đủ tư cách để tỏ ra kiêu ngạo trước những người khác, trí tuệ của chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ giữa một sa mạc trí thức rộng lớn. Mỗi chúng ta hãy tự ý thức và nuôi dưỡng cho mình một thái độ khiêm tốn, khiêm tốn trước người, khiêm tốn trước đời, để có thể đạt được những thành công trong cuộc sống. Qua đây, chúng ta thấy rằng rèn luyện tính khiêm tốn đôi khi bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt trong đời thường. Tính khiêm tốn chính là bài học đạo đức đầu tiên và cần thiết cho mỗi con người. Nó còn là nhân tố thiết yếu tạo nên sự thành công và góp phần xây dựng những mối quan hệ bền vững trong xã hội.

Trên đây là sơ đồ tóm tắt gợi ý, dàn bài chi tiết cùng đoạn văn nghị luận xã hội mẫu bàn về lòng khiêm tốn. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi nghị luận xã hội trong kì thi THPT Quốc gia 2017. Đồng thời, giúp các em ôn lại kiến thức cũng như rèn luyện kĩ năng làm bài để có bước chuẩn bị thật tốt trước khi bước vào kì thi quan trọng này. Chúc các em đạt được kết quả thật cao trong kì thi sắp tới.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Nghị luận về một tư tưởng đạo lý để ôn lại kiến thức một cách khái quát hơn đối với dạng đề này.

-- MOD Ngữ văn Chúng tôi (tổng hợp và biên soạn)

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?