1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Tài và đức là hai khái niệm có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, một cá thể muốn thành công trong cuộc sống nhất thiết phải có cả tài và đức.
- "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó". Thiết nghĩ đó là lời dạy thấm thía và biểu đạt thật chính xác mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cái tài và cái đức trong mỗi một con người.
b. Thân bài:
* Khái niệm tài và đức:
- Tài được hiểu là tài năng, năng khiếu, thế mạnh của con người trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Đó là khả năng tìm tòi, khai thác, sáng tạo hoặc làm một công việc nào đó đạt đến trình độ mà khó có ai có thể làm được, đó là phạm trù năng lực riêng biệt của từng cá nhân.
- Đức là viết tắt của từ đạo đức, thể hiện khía cạnh nhân phẩm, tư cách, thái độ sống, tâm hồn của một con người trong xã hội, được hình thành trong quá trình sống, sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
* Biểu hiện:
- Cái tài của con người biểu hiện ở khả năng tư duy, sáng tạo, làm ra những điều tốt đẹp, những phát minh có tầm quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội.
- Người có đức thể hiện ở tâm hồn trong sáng, suy nghĩ tích cực, luôn hướng đến lợi ích chung của xã hội, tấm lòng nhân hậu lương thiện, một người vì mọi người, luôn sống đúng với những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Không có những suy nghĩ xấu xa, trục lợi, tâm địa ích kỷ,...
- Một ví dụ sáng rõ về con người vừa có tài lại có đức đó là Hồ Chí Minh. Trong xã hội hiện đại không thiếu người tài đức, đó là các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu để cho ra những thành tựu vĩ đại, cống hiến cho nhân loại, đó là những vị bác sĩ tài năng đang ngày đêm cứu chữa cho bệnh nhân, là những nhà giáo tâm huyết, ngày ngày truyền dạy kiến thức, sáng tạo ra những bài giảng hấp dẫn cho học sinh của mình,...
* Mối quan hệ giữa tài và đức:
- Tài năng và đạo đức là hai khái niệm song hành và có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau.
- Người có tài nhưng không có đức thì dễ có suy nghĩ lệch lạc, hướng đi sai trái gây hại cho xã hội,
- Người có đức nhưng không có tài thì khó có thể có những cống hiến có ích, xây dựng và phát triển đất nước.
=> Nếu chúng ta có thể dung hòa và phát triển một cách đồng đều cả tài và đức thì sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc cống hiến và hành động vì xã hội. Đồng thời người vừa có tài lại vừa có đức luôn khiến người khác phải ngưỡng mộ, trân trọng, yêu quý.
* Bài học:
- Nhận thức được tầm quan trọng của tài và đức, mỗi học sinh chúng ta cần có ý thức rèn luyện đồng đều cả tài năng và đạo đức bằng việc chăm chỉ tham gia học tập, thường xuyên tư duy, suy nghĩ, sáng tạo và phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực.
- Tu dưỡng đạo đức, sống chân thành hòa nhập, yêu thương con người, có tấm lòng lương thiện, bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
c. Kết bài:
- Tài và đức là nhân tố chính làm nên nhân cách của một công dân trong xã hội mới, xã hội của sự phát triển, với những biến đổi liên tục.
- Nếu con người không ý thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân, rèn luyện những tư cách phẩm chất thích hợp, dung hòa giữa tài và đức thì sẽ rất khó để tồn tại và cống hiến cho đất nước ngày một giàu đẹp.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn bàn về mối quan hệ giữa tài và đức.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó" để ta có thể thấy rằng mối quan hệ tài đức là vô cùng quan trọng. Và để trở thành công dân có ích đòi hỏi cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong số đó có sự kết hợp của cả tài và đức.
Thật vậy, lời nói của Bác thì luôn luôn giản dị, nhưng ý tưởng của Bác lại vô cùng sâu sắc, không thể nghe qua mà hiểu ngay được. Chúng ta sẽ tìm hiểu từng phần một rồi sẽ tìm hiểu căn cứ sâu xa của lời khuyên này.
Tài là trình độ, năng lực, khả năng sáng tạo cũng như nắm bắt tình huống giỏi và biết cách xử lý khéo. Tuy nhiên tài năng không chỉ là năng khiếu bẩm sinh, nó còn là kết hợp của nhiều yếu tố năng khiếu, sự cần cù trong học tập, sự rèn luyện chăm chỉ trong cuộc sống và lao động. Tài biểu hiện cả trong lao động trí óc, lao động chân tay và và các ngành nghệ thuật.
Cái tài của con người biểu hiện ở khả năng tư duy, sáng tạo, làm ra những điều tốt đẹp, những phát minh có tầm quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội. Người có tài đối với lĩnh vực mà mình am hiểu, không chỉ dừng lại ở việc làm tốt, mà còn phát triển, sáng tạo, tìm ra những cái mới, hoàn thành công việc ở mức điêu luyện, tài hoa tựa như một người nghệ sĩ. Người có tài, có những suy nghĩ và cách tư duy khác hẳn so với người thường, điều người thường thấy chỉ có một thì người tài đã nhìn ra mười, thậm chí là một trăm, thêm nữa họ không ưa thích những gì đã cũ kỹ nhàm chán, mà lại mong muốn tìm ra được những cái mới có ích hơn, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc lặp đi lặp lại những cái đã có sẵn. Còn người có đức, có đạo đức thể hiện ở tâm hồn trong sáng, suy nghĩ tích cực, luôn hướng đến lợi ích chung của xã hội, tấm lòng nhân hậu lương thiện, một người vì mọi người, luôn sống đúng với những quy tắc chuẩn mực của xã hội. Không có những suy nghĩ xấu xa, trục lợi, tâm địa ích kỷ,... Người có tài và đức mà tôi ngưỡng mộ nhất chính là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong xã hội hiện đại cũng có không ít những tấm gương tiêu biểu về con người hội tụ cả hai yếu tố tài và đức, đó là các nhà khoa học đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu để cho ra những thành tựu vĩ đại, cống hiến cho nhân loại, đó là những vị bác sĩ tài năng đang ngày đêm cứu chữa cho bệnh nhân mà chẳng màng đến sức khỏe của bản thân, là những nhà giáo tâm huyết, ngày ngày truyền dạy kiến thức, sáng tạo ra những bài giảng hấp dẫn cho học sinh của mình,... Dù là trong bất kỳ lĩnh vực nào thì người hội tụ cả hai yếu tố tài và đức đều đem đến cho nhân loại những cống hiến tốt đẹp, không kể đó là cống hiến to hay nhỏ, được mọi người biết đến hay không.
Tài và đức có mối quan hệ khăng khít với nhau. Tài là kỹ năng, đức là phẩm chất. Rèn luyện được tài và đức là điều kiện cần và đủ cho lý tưởng phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn. Đặc biệt, cần có sự dung hòa giữa hai yếu tố này vì có tài mà không có đức sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, thiếu sự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Người có tài mà không biết đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước, tài mà chỉ biết thu vén cho lợi ích cá nhân thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà vô đạo đức thậm chí sẽ gây ra nhiều tác hại xấu cho bản thân và cộng đồng khi họ tài năng, thong minh và có thể giải quyết được mọi chuyện một cách dễ dàng. Ví dụ như những những lãnh đạo cấp cao trong bộ máy quản lý nhà nước hoặc doanh nghiệp rất có tài nhưng lại tham ô tư lợi thì cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc chung, ảnh hưởng xấu cho cộng đồng.
Người có đức thường được mọi người kính mến, quý trọng, nhưng có đức mà không có tài thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành nhiệm vụ, kết quả đạt được nhiều khi không được như mong đợi, ví dụ như cán bộ có tư chất đạo đức tốt nhưng lại kém năng lực trong cách nắm bắt, xử trí công việc hay không hiểu thấu đáo am tường nghiệp vụ chuyên môn thì sẽ kéo theo sự thụt lùi trong cơ cấu chung mà anh ta quản lý.
Nếu chúng ta có thể dung hòa và phát triển một cách đồng đều cả tài và đức thì sẽ dễ dàng hơn hơn trong việc cống hiến và hành động vì xã hội, vì sự phát triển đi lên của dân tộc của đất nước. Đồng thời người vừa có tài lại vừa có đức luôn khiến người khác phải ngưỡng mộ, trân trọng, yêu quý, nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của những người xung quanh, từ đó cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn cả. Nhận thức được tầm quan trọng của tài và đức mỗi học sinh chúng ta cần có ý thức rèn luyện đồng đều cả tài năng và đạo đức bằng việc chăm chỉ tham gia học tập, thường xuyên tư duy, suy nghĩ, sáng tạo và phát triển bản thân ở nhiều lĩnh vực. Song song đó là ý thức tu dưỡng đạo đức, sống chân thành hòa nhập, yêu thương con người, có tấm lòng lương thiện, bác ái, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Tài và đức không còn là những khái niệm xa lạ, mà nó là nhân tố chính làm nên nhân cách của một công dân trong xã hội mới, xã hội của sự phát triển, với những biến đổi liên tục. Nếu con người còn không ý thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân, rèn luyện những tư cách phẩm chất thích hợp, dung hòa giữa tài và đức thì sẽ rất khó để tồn tại và cống hiến cho đất nước ngày một giàu đẹp.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Tài và đức là những nhân tố, phẩm chất quan trọng làm nên giá trị của một con người. Nhấn mạnh đến vai trò song hành của tài và đức, bác Hồ vĩ đại của chúng ta từng nói “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Là một người công dân trong xã hội hiện đại, bên cạnh khẳng định tài năng, mỗi người cần có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.
“Tài” ở đây là tài năng, trình độ, khả năng thích nghi và ứng biến đối với cuộc sống đời thường. “Đức” là đạo đức, giá trị, phẩm chất nhân cách của con người. Tài và đức là biểu hiện của vẻ đẹp tài năng và nhân cách trong cùng một con người, chỉ khi có cả tài và đức con người mới có thể thực sự hoàn thiện, khẳng định được giá trị của bản thân đối với xã hội.
Tài và đức là hai mặt quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người. Vì tài năng giúp con người có tầm nhìn chiến lược, khả năng phán đoán, suy luận về hiện thực để có kế hoạch phù hợp, khả năng thực hiện công việc một cách khoa học, hiệu quả, khả năng giải quyết vấn đề… Tài năng giúp cuộc sống của người phát triển tiến bộ một cách nhanh chóng. Đức giúp con người sống tốt, có lí tưởng cao cả, có lẽ sống cao đẹp, là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn. Phẩm chất đạo đức giúp mối quan hệ giữa người và người tốt đẹp hơn, cuộc sống có chất lượng hơn. Những người tài đức vẹn toàn thật sự là những người có phẩm chất tốt đẹp và có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội. Nhà nông học Lương Định Của là một tấm gương như thế. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông được công nhận là bác sĩ nông học. Đây là học vị cao nhất của ngành nông học Nhật Bản, kể từ thời Minh Trị thiên hoàng, và ông là người thứ 96 trên toàn nước Nhật giành được học vị này. Mặc dù được chính phủ Nhật Bản đãi ngộ nhưng với tấm lòng của một người con đất Việt, ông đã tình nguyện trở về phục vụ nên nông nghiệp của quê nhà ngay trong những năm tháng khó khăn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Trong quá trình sống và làm việc, ông đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho ngành công nghiệp nước nhà, nghiên cứu và lai tạo được nhiều giống cây trồng có năng suất cao. Không chỉ miệt mài nghiên cứu mà ông luôn cố gắng hòa mình vào cuộc sống và công việc trực tiếp của người nông dân vì ông hiểu rằng phải trực tiếp lội ruộng, giăng cấy, bón phân, có trực tiếp hiểu hết những nỗi nhọc nhằn của người nông dân mới có thể toàn tâm toàn ý với công việc. Với cái tài và cái đức của mình, Lương Định Của đã trở thành nhà khoa học của người nông dân.
Tài và đức có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhau. Nếu chỉ chú trọng đến tài mà không quan tâm đến đức sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, thiếu sự phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Người có tài mà không biết đem tài để phục vụ nhân dân, làm giàu đất nước thì cái tài đó hoàn toàn vô ích. Người có tài mà chỉ nhằm thu vén lợi ích cá nhân, phản bội tổ quốc, đi ngược lại lợi ích nhân dân thì người đó cũng trở thành vô dụng, thậm chí là có tội. Người có tài mà không có đức thường kiêu căng hợm hĩnh, thậm chí xảo quyệt, gian ngoa và dễ trở thành kẻ xấu xa; dẫn đến những suy nghĩ và hành động gây tác hại cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Người có tài mà vô đạo đức bao nhiêu thì tác hại đối với xã hội càng lớn lao bấy nhiêu. Một cán bộ nhà nước, tổ chức và quản lý giỏi nhưng lại tư túi, tham ô, hối lộ thì thiệt hại lớn cho tài sản xã hội chủ nghĩa. Một học sinh có khả năng học tập tốt nhưng vô kỷ luật, đạo đức kém thì trước sau gì cũng hư hỏng, không thể nào là một tấm gương sáng cho các bạn trong lớp noi theo.
Tài và đức đều là phẩm chất tốt đẹp của con người. Nhưng có tài mà không có đức há chẳng phải vô dụng sao? Thật đáng chê trách cho những kẻ có tài mà tiếp tay cho kẻ ác, làm những việc trái đạo lý thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Có thể rằng họ sẽ được nhiều người nể phục trước tài năng của mình, nhưng rồi chính điều đó sẽ dễ khiến họ trở nên kiêu căng, và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.Cũng như một cán bộ giỏi nhưng tham ô, nhận hối lộ thì sẽ gây hậu quả lớn cho Nhà nước. Hay đơn giản một học sinh giỏi nhưng vô kỷ luật thì khó trở thành một con người tốt, một người có ích cho xã hội sau này.
Hay cái tài và đức thể hiện ở những người lớn cũng thế. Một doanh nhân thành đạt có tài kinh doanh buôn bán thì cũng phải có một cái đức đó là không nhập lậu, không thấy lợi nhuận trước mắt mà quên đi sự an toàn thực phẩm của những người xung quanh.
Đặc biệt tài và đức còn được thể hiện ở rất rõ và rất cần thiết đối với một người cán bộ cách mạng. Họ coi cái đức là gốc cho cái tài, nếu không có đức mà có tài thì chỉ hại cho nhân dân nhà nước mà thôi.
Qua đây ta thấy được khái niệm đức và tài là như thế nào. Đồng thời ta biết được những mối quan hệ của chúng. Người có đức có tài sẽ được người khác trân trọng kính yêu và nể phục. Còn những người có tài mà không có đức thì lại không thể làm được điều gì, trở nên vô dụng. Những người như thế dễ bị dụ dỗ mà trở thành người có hại cho đất nước. Vì vậy mỗi chúng ta không những đi học để tiếp thu tri thức mà bên cạnh đó phải xây dựng một con người có đạo đức bên trong mình.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----