Luyện từ và câu: Câu kể

Qua bài giảng Luyện từ và câu: Câu kể, giúp các em biết được chức năng của câu kể. Đồng thời biết vận dụng kiến thức đã học để tìm câu kể trong đoạn văn, cũng như đặt câu kể theo những nội dung khác nhau.

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Nhận xét

Câu 1Câu in đậm trong đoạn văn sau đây được dùng làm gì? Cuối câu ấy có dấu gì?

Bu-ra-ti-nô là một chú bé bằng gỗ. Chú có cái mũi rất dài. Chú người gỗ được bác rùa tốt bụng Toóc-ti-la tặng cho chiếc chìa khóa vàng để mở một kho báu. Nhưng kho báu ấy ở đâu?

Gợi ý:

  • Câu in đậm trong đoạn văn đã cho là câu hỏi về một điều chưa biết. Cuối câu có dấu chấm hỏi (?).

Câu 2: Những câu còn lại trong đoạn văn trên được dùng làm gì? Cuối mỗi câu có dấu gì?

Gợi ý:

  • Các câu còn lại trong đoạn được dùng để:

    • Giới thiệu (Bu-ra-ti-nô là một chú bé bằng gỗ).

    • Miêu tả (chú có cái mũi rất dài).

    • Kể về một sự việc liên quan đến Bu-ra-ti-nô (chú người gỗ được bác rùa tốt bụng Toóc-ti-la tặng cho chiếc chìa khóa vàng để mở một kho báu.)

  • Cuối các câu này có dấu chấm. Đó là các câu kể.

Câu 3:  Ba câu sau đây cũng là câu kể. Theo em, chúng được dùng làm gì?

Ba-ra-ba uống rượu đã say. Vừa hơ bộ râu, lão vừa nói:

- Bắt được thằng người gỗ, ta sẽ tống nó vào cái lò sưởi này.

Gợi ý:

  • Ba-ra-ba uống rượu đã say: kể về Ba-ra-ba;
  • Vừa hơ bộ râu, lão vừa nói: kể về Ba-ra-ba
  • Bắt được thằng người gỗ ta sẽ tống cổ nó vào cái lò sưởi này: nêu suy nghĩ của Ba-ra-ba

1.2. Ghi nhớ

1. Câu kẻ (còn gọi là câu trần thuật) là những câu dùng để:

- Kể, tả hoặc giới thiệu về sự vật, sự việc.

- Nói lên ý kiến hoặc tâm tư, tình cảm của mỗi người.

2. Cuối câu kể thường có dấu chấm.

1.3. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1 (trang 161 sgk Tiếng Việt 4): Tìm câu kể trong đoạn văn sau đây. Cho biết mỗi câu dùng để làm gì.

Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,... như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

 Theo TẠ DUY ANH

Gợi ý:

  • Chiều chiều trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi: kể sự việc.
  • Cánh diều mềm mại như cánh bướm: tả cánh diều.
  • Chúng tôi vui sướng đến phát dại trên trời: kể sự việc và nói lên tình cảm.
  • Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng: tả tiếng sáo diều.
  • Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè... như gọi thấp xuống những vì sao sớm: nêu ý kiến, nhận định.

Câu 2 (trang 161 sgk Tiếng Việt 4): Đặt một vài câu kể để:

a) Kể các việc em làm hằng ngày sau khi đi học về.

b) Tả chiếc bút em đang dùng.

c) Trình bày ý kiến của em về tình bạn.

d) Nói lên niềm vui của em khi nhận điểm tốt.

Gợi ý:

a) Hàng ngày, sau khi đi học về em thường giúp mẹ tưới rau. Sau đó, em cùng mẹ nấu cơm tối và đợi ba về ăn cùng.

b) Em được ba tặng cho một cây bút mực rất đẹp. Cây bút được bao phủ một màu hồng cánh sen với cái chi tiết lá trúc nhỏ nằm phía thân bút. 

c) Một trong những mối quan hệ đẹp của con người là tình bạn. Tình bạn là một thứ tình cảm gắn bó keo sơ giữa những con người có chung sở thích và tính cách. Nhờ có tình bạn mà chúng ta luôn cảm thấy vui vẻ.

d) Hôm nay là ngày em rất vui. Đây là lần đầu tiên thầy gọi em đứng lên đọc bài văn của mình cho cả lớp nghe. Bài văn của em được điểm chín, điểm cao nhất lớp. Về nhà em phải khoe điều này với bố mẹ mới được.

 

  • Thông qua bài giảng Luyện từ và câu: Câu kể, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng cơ bản và trọng tâm nhất như:
    • Nắm được chức năng của câu kể (còn gọi là câu trần thuật).
    • Bước đầu biết vận dụng kiến thức đã học để đặt câu kể.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập làm văn: Luyện tập miêu tả đồ vật để chuẩn bị thật tốt cho tiết học sau.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?