Kể chuyện: Búp bê của ai?

Qua bài giảng Kể chuyện: Một nhà thơ chân chính, giúp các em rèn luyện kĩ năng kể chuyện một cách tự nhiên, phối hợp với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ. Hiểu được ý nghĩa của truyện. Đồng thời, biết đánh giá, nhận xét bạn kể chuyện.

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hướng dẫn kể chuyện

  • Chú ý giọng kể thong thả, rõ ràng.
  • Nhấn giọng những từ ngữ miêu tả sự đáng thương, hạnh phúc của búp bê.
  • Đoạn cuối kể với giọng vui vẻ.
  • Vừa kể, vừa chỉ vào tranh minh họa trong SGK.

1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi

Câu 1 (trang 138 sgk Tiếng Việt 4): Dựa vào lời kể của cô giáo (thầy giáo), em hãy tìm lời thuyết minh cho các tranh dưới đây:

Gợi ý:

  • Bức tranh 1: Nga là cô bé ham chơi và chóng chán. Dạo hè, Nga đòi bằng được mẹ mua cho một con búp bê khá đẹp. Nhưng chơi được ít lâu Nga đã bỏ mặc búp bê trên nóc tủ cùng với các đồ chơi khác cho bụi bám.
  • Bức tranh 2: Một đêm, trời trở rét búp bê lạnh vì không có quần áo ấm để mặc, bộ váy duy nhất của búp bê đã bị Nga lột ra từ trước. Khi các đồ chơi khác an ủi thì búp bê càng tủi thân hơn, quyết định rời khỏi ngôi nhà đó.
  • Bức tranh 3: Đêm hôm trước, thoát được ra ngoài búp bê sung sướng quá, chạy một mạch sang phố bên. Nhưng đêm tối, trời lạnh, không thể đi tiếp được, búp bê phải tìm đến một gốc cây to, chui vào đống lá khô ai đã quét vun lại để trốn rét.
  • Bức tranh 4: Sáng hôm sau có cô bé đi qua thấy búp bê nằm lăn lóc trong đống lá, hỏi xung quanh  lại chẳng ai nhận nên đem về nhà mình để chăm sóc
  • Bức tranh 5: Cô bé đem búp bê về tắm giặt sạch sẽ, thấy búp bê không có quần áo mặc nên hí hoáy cả buổi tối ngồi cắt may quần áo cho búp bê
  • Bức tranh 6: Cô bé ôm búp bê đi ngủ, trong vòng tay ấm áp của chủ mới, búp bê vô cùng hạnh phúc thỏ thẻ với cô bé rằng muốn ở với cô bé suốt đời.

Câu 2 (trang 138 sgk Tiếng Việt 4): Kể lại câu chuyện bằng lời kể của búp bê.

Gợi ý:

Nga là cô bé ham chơi và chóng chán. Dạo hè, Nga đòi bằng được mẹ mua cho một con búp bê khá đẹp là tôi. Nhưng chơi được ít lâu Nga đã bỏ mặc tôi trên nóc tủ cùng với các bạn đồ chơi khác cho bụi bám.

Trời trở rét, tôi chỉ có độc nhất một chiếc quần lót. Bộ váy của tôi đã bị Nga nghịch lột ra, vứt đi đâu không rõ. Một đêm, lạnh quá, tôi khóc thút thít. Chị Lật Đật tròn xoay đang ngủ, tỉnh dậy hỏi:

- Sao em khóc?

- Em không có áo quần. Em rét lắm. Còn chị, may mà mũ áo gắn liền với người nên chị Nga không tháo ra được.

- Cô ấy tệ thật - Chị Lật Đật chép miệng - Cô ta bắt bọn mình làm trò vui, nhưng chẳng bao giờ chú ý tới chúng mình.

Tôi nức nở:

- Em không muốn sống với chị ấy nữa. Em đi đây.

Nói đoạn, tôi tụt xuống khỏi tủ, tìm cách leo lên tường, chui qua lỗ thông hơi trên cửa ra vào, nhảy ra phố. Chị Lật Đật gọi lại thế nào cũng không được. Chị gọi Nga. Nhưng Nga vẫn ngủ vùi trong chăn. Chị Lật Đật tiếc rằng mình tròn xoay, không có chân. Nếu có, chị cũng sẽ bỏ đi nốt.

Sáng hôm sau, bảy giờ hơn, Nga mới thức dậy. Nhìn về phía tủ thấy trống trơn. Nga kêu rầm lên: “Ai lấy búp bê của con rồi?” Mẹ bảo Nga hãy chịu khó tìm búp bê ở góc tủ, trong gầm giường. Nga miễn cưỡng làm theo. Nhưng còn tìm đâu ra búp bê nữa!

Đêm hôm trước, thoát được ra ngoài tôi sung sướng quá, chạy một mạch sang phố bên. Nhưng đêm tối, trời lạnh, không thể đi tiếp được, tôi phải tìm đến một gốc cây to, chui vào đống lá khô ai đã quét vun lại để trốn rét. Sáng hôm sau, có một cô bé đi ngang qua nom thấy tôi trong đống lá, reo lên:

- Ôi con búp bê xinh quá, ai vứt đi thế này, hoài của.

Hỏi mấy nhà xung quanh không có ai nhận, cô bé ôm tôi về, lau rửa cẩn thận. Cô bảo:

- Búp bê sao không có áo? Tội nghiệp, chị sẽ may váy áo cho em.

Thế rồi, ngay tối đó, cô bé hí hoáy cắt may cho tôi một bộ váy áo rất đẹp. Rồi cô ôm cả tôi đi ngủ. Trong vòng tay âu yếm của cô, dưới chăn len ấm áp, tôi vô cùng sung sướng. Tôi thỏ thẻ bên tai cô bé đang mơ màng trong giấc ngủ:

- Chị ơi. Em muốn ở với chị suốt đời. 

Câu 3 (trang 138 sgk Tiếng Việt 4): Kể phần kết của câu chuyện với tình huống: cô chủ cũ gặp lại búp bê trên tay cô chủ mới.

Gợi ý:

Sau khi tôi đến ở với chủ mới được hơn một tuần. Vào một lần ra phố, cô chủ có bế tôi theo, vô tình cô bé Nga đã nhận ra tôi. Lúc ấy Nga đã chạy lại và hỏi người chủ mới về tôi. Cô chủ mới đã kể lại việc nhặt được tôi ở bên đống lá khô trong tình trạng đáng thương. Nga nghe kể đến đây đã khóc và hối hận vì sự vô tâm của mình. Kể từ đó, cô chủ mới và Nga trở thành bạn thân. Còn tôi, tôi vẫn ở nhà cô chủ mới và được sự cưng chiều, yêu thương của cả hai cô chủ.

  • Thông qua bài giảng Kể chuyện: Búp bê của ai?, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng, thái độ sống và học tập sau:
    • Kiến thức
      • Hiểu được ý nghĩa của truyện: Tâm trạng của búp bê khi bị cô chủ bỏ rơi và sự vui sướng của búp bê khi được có chủ mới nâng niu, quí trọng.
    • Kĩ năng
      • Rèn kĩ năng nói
      • Dựa vào lời kể của giáo viên và tranh minh họa trong SGK, trả lời được các câu hỏi về nội dung.
      • Kể lại được toàn bộ câu chuyện một cách tự nhiên, phối hợp với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ.
    • Rèn kĩ năng nghe
      • Chăm chú nghe giáo viên và các bạn kể chuyện, nhớ chuyện
      • Theo dõi bạn kể chuyện, nhận xét đúng lời kể của bạn, kể tiếp được lời bạn.
    • Thái độ
      • Giáo dục các em biết yêu thương, quý trọng những món đồ vật.
      • Rèn luyện đạo đức, tác phong.
  • Ngoài ra, các em có thể xem thêm bài giảng Tập đọc: Chú Đất Nung (tiếp theo) để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?