Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2019 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

     BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                              CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI                            Độc lập – Tự do –Hạnh phúc

                                                                                                    ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI TUYỂN SINH

VÀO TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN 2019

Môn thi: Ngữ văn

(dùng cho mọi thí sinh vào Trường Chuyên)

Đề thi gồm có 02 trang

Thời gian làm bài: 120 phút

     

Câu 1.

“Tôi qua A Sao vào cuối mùa xuân. Miền Tây xa xôi đang trải qua những tháng ngày tương đối yên tĩnh sau khi căn cứ địch bị quét khỏi thung lũng. Trong lúc A Pách lúi húi nhóm bếp để làm thêm thức ăn, tôi ngồi tựa nửa người trên võng, hơi tay vòng dưới gáy, yên lặng ngắm vẻ đẹp của rừng tùng trải rộng chung quanh. Rừng thoáng, nhẹ nhõm, mặt đất sạch quang như có người quét tước, những đám rêu xanh lục trải rộng mịn như nhung, trên đó hơi ẩm kết những hạt cườm tấm mưa bụi mát rượi. Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như diệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vẳng lại từ núi cao. Tâm hồn tôi tự buông thả trong một trạng thái nghi ngơi hoàn toàn. Tôi nhắm mắt để nhìn thấy tỏa ra cái vừng sáng dịu dàng của giấc mơ nhẹ, nghe trong tiếng hát kia của loại tùng bách một điều gì đấy thật xa xôi, như là thuộc về muôn đời. Con chim gõ kiến ẩn sĩ vẫn gõ đều nhịp thời gian, tiếng trầm và đục, trên một cây tùng nào đó.”

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đời rừng
trong Ai đã đặt tên cho dòng sông. NXB Kim Đồng, 1999, tr. 30-31)

a. Trong đoạn văn bản trên, tác giả đã kết hợp những phương thức biểu đạt nào?

b. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vâng lại từ núi cao.”

Câu 2.

“...Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất.”

(Trích Bức thư của thủ lĩnh da đỏ,

dẫn theo SGK Ngữ văn 6, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.138)

Viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 12 câu) theo cách lập luận quy nạp trình bày suy nghĩ của em về những điều câu văn trên gợi ra.

Câu 3.

“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa

 

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:

“Bố ớ chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!

[…]

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm  nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?... ”

(Bằng Việt, Bếp lửa, SGK Ngữ văn 9,

Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 144 - 145)

Cảm nhận của em về ba khổ thơ trên.

---Hết---

 

ĐÁP  ÁN ĐỀ THI VÀO LỚP 10 MÔN NGỮ VĂN NĂM 2019 TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

Câu 1.

a. Các phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

b. Học sinh nêu được một trong hai biện pháp nghệ thuật sau:

- Nhân hóa: rừng vẫn reo

- So sánh: như mạch suối ngầm mùa xuân; như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vẳng lại từ núi cao.

- Tác dụng:

  + Sử dụng biện pháp nhân hóa “rừng vẫn reo” giúp cho khu rừng trở nên sinh động, có hồn, như một cơ thể sống; Tăng hiệu quả cho sự diễn đạt.

  + Sử dụng biện pháp so sánh âm thanh của rừng tùng với tiếng khèn, với mạch suối ngầm cho thấy khung cảnh rừng vô cùng náo nhiệt, giàu âm thanh và sức sống; tăng sự gợi hình, gợi cảm cho đoạn văn. Qua đócũng thể hiện tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của tác giả.

Câu 2. Thí sinh viết bài theo đúng yêu cầu của đề:

Hình thức:

- Đoạn văn khoảng 12 câu

- Cách lập luận quy nạp.

Nội dung:

1. Giải thích vấn đề:

- Đất là thuật ngữ chung chỉ các vật chất nằm trên bề mặt Trái Đất, có khả năng hỗ trợ sự sinh trưởng của thực vật và phục vụ như là môi trường sinh sống của các dạng sự sống động vật từ các vi sinh vật tới các loài động vật nhỏ.

- Đất là Mẹ: quan hệ giữa đất đai và con người là quan hệ không thể tách rời. Đó là quan hệ cộng sinh giữa con người và môi trường.

- Điều gì xảy ra đối với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất: lời cảnh báo về việc tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác một cách cạn kiệt, môi trường bụi bẩn, lũ lụt, hạn hán,…

→ Câu trích muốn khẳng định quan hệ giữa con người và môi trường sống, đồng thời khuyên nhủ chúng ta cần phải biết bảo vệ môi trường sống trong đó có môi trường đất. Bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

2. Bàn luận vấn đề

- Tại sao nói Đất là Mẹ?

  + Đất đai là không gian, môi trường sống: cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng và các loài vi sinh vật. Cây trồng và các loại vi sinh vật có phần đóng góp quan trọng vào đời sống con người.

  + Đất đai là địa bàn thực hiện các hoạt động sinh sống, làm việc vủa con người.

Đất cũng như môi trường sống là mái nhà chung của nhân loại.

- Thực trạng về việc sử dụng tài nguyên đất cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác: đang bị sử dụng và khai thác không hợp lí.

  + Trong quá trình phát triển để đáp ứng nhu cầu cần thiết của mình, con người đã thu hẹp diện tích đất tự nhiên để xây dựng các khu công nghiệp, khu du lịch, nhà ở.

  + Sự phát triển của đời sống công nghiệp làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.

- Quá trình canh tác sử dụng phân bón hóa học không đúng kĩ thuật đã làm dư thừa lượng phân bón gây ô nhiễm môi trường (50% lượng đạm, 50% lượng kali, 80% lượng lân)

- Hậu quả:

  + Việc ô nhiễm đất cũng như nước và không khí đã làm cho con người phải đối mặt với nhiều đại dịch trong đó có đại dịch ung thư đang là vấn đề nhức nhối.

  + Việc chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp làm con người đứng trước nguy cơ thiếu lương thực…

  +…

- Giải pháp:

  + Mỗi cá nhân cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức và ý thức để bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là môi trường đất.

  + Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có kế hoạch để sử dung hiệu quả tài nguyên đất.

  + Cần tuyên truyền, giáo dục các phương pháp sử dụng đất hiệu quả.

3. Liên hệ bản thân

Câu 3.

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng.

- Sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

- Bằng Việt làm thơ từ đầu những  năm 60 của thế kỉ XX và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

- Phong cách sáng tác: Thơ Bằng Việt thường nghiêng về một lời tâm sự, một sụ trao đổi suy nghĩ, gây được một cảm giác gần gũi, thân thiết đối với người đọc. Thơ ông thường sâu lắng, trầm tư.

- Giải thưởng: Tác giả đã được nhận giải nhất văn học – nghệ thuật Hà Nội năm 1967 với bài thơ “Trở lại trái tim mình”; giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa Bình (Liên Xô) trao tặng năm 1982.

Tác phẩm:

- Bài thơ được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành luật ở nươc ngoài.

- Bài thơ được đưa vào tập “Hương cây – Bếp lửa” (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt in chung với Lưu Quang Vũ.

- Ba khổ thơ nói về kỉ niệm giữa bà và cháu, bên cạnh đó là nỗi nhớ bà, bếp lửa khi cháu đã đi xa.

2. Phân tích

2.1 Khổ đầu: chuỗi kỉ niệm về 8 năm ròng kháng chiến sống cùng bà

- Kỉ niệm tuổi thơ là tám năm ròng cháu cùng bà nhóm ngọn lửa của sự sống và tình yêu.

- Từ ngọn lửa ấy, trong lòng tác giả sống dậ một hồi ức khắc khoải, hồi ức về tiếng chim tu hú. Bốn lần tiếng chim tu hú điệp lại gợi những âm sắc khác nhau:

  + Tiếng chim tu hú trên cánh đồng như giục lúa chín.

  + Tiếng chim tu hú gọi về những buổi sớm mai khi bà dậy nhóm lửa trong không gian vắng lặng mênh mông của làng quê.

  + Tiếng chim tu hú tha thiết như giục giã, khắc khoải khiến lòng người trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong, tiếng chim tu hú gợi cháu nhớ đến những câu chuyện của bà.

Tiếng tu hú như lời đồng vọng của đất trời trở thành điệp khúc vhur âm của hoài niệm.

- Trong khói bếp chập chờn, trong khắc khoải tiếng chim tu hú, hình ảnh bà hiện ra như một bà tiên:

“Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”

- Kháng chiến gian lao, chỉ có hai bà cháu côi cút, nương tựa vào nhau bởi mẹ cùng cha bận rộn công tác ngoài chiến trường. Những đối với cháu, đó vẫn là một quãng thời gian ngập tràn hạnh phúc bởi cháu vẫn được sống trong tình yêu thương trọn vẹn, trong sự cưu mang, bảo ban, chăm sóc của bà. Bằng một loạt những động từ: “kể”, “bảo”, “dạy”, “chăm” người đọc cảm nhận được công lao của bà đối với cháu. Bà đã thay cha mẹ chăm sóc, yêu thương cháu, thay thầy dạy dỗ, bảo ban cháu. Bà luôn ở bên cạnh cháu, nuôi dạy cháu nên người. Bà là kết tinh của “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.

- Chỉ một khổ thơ với 11 dòng mà hai từ “bà” – “cháu” đuộc nhắc đi nhắc lại nhiều lần gợi lên hình ảnh bà cháu sóng đôi, quấn quýt, gắn bó không rời.

2.2 Khổ thơ 2: Kí ức về năm giặc đốt làng

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp liều tranh

Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh

Bố ở chiến khu bố còn việc bố

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên.”

- Hoàn cảnh đất nước có chiến tranh biết bao đau thương mất mát và trong đó có một kí ức người cháu không thể nào quên. Cuộc sống càng khó khăn, cảnh ngộ càng nhặt nghèo, nghị lực của bà càng bền vững, tấm lòng bà càng mênh mang:

  + Dù túp liều tranh nơi nương thân của hai bà cháu đã không còn bởi sự tàn phá của quân thù những bà vẫn “vững lòng”. Sự dũng cảm, kiên định ấy của bà đã thực sự trở thành chỗ dựa cho cháu.

  + Không chỉ có vậy, bà cnf dặn cháu “đinh ninh”, lời dặn của bà nôm na, giản dị được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Gian khổ thiếu thốn, nhọc nhằn, bà phải nén lại trong lòng, một mình chịu đựng để vững dạ người nơi tiền tuyến. Bà đã trở thành hậu phương vững chắc cho ba mẹ.

Hình ảnh bà lúc này không còn là của riêng cháu nữa mà là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.”

- Đối lập với ngọn lửa hung tàn, thiêu rụi sự sống của giặc là ngọn lửa hi vọng và niềm tin của bà.

2.3 Khổ cuối: Nỗi nhớ của cháu đối với bà và bếp lửa

- Suốt dọc bài thơ, 10 lần hình ảnh bếp lửa xuất hiện là 10 lần cháu nhớ tới bà và khổ thơ kết thúc này nỗi nhớ đó càng trào dâng mãnh liệt được tác giả trực tiếp bộc lộ:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở

Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

- Dấu chấm xuất hiện ở giữa dòng tạo thành một sự ngắt nhịp dài, giống như quá khú đã trôi đi quá xa so với hiện tại.

- Tác giả sử dụng điệp từ “trăm” với ý nghĩa khái quát như khẳng định giờ đây đứa cháu năm xưa đã khôn lớn, trưởng thành, được chắp cánh bay cao, bay xa tới những khung trời rộng lớn với những niềm vui rộng mở. Xong vẫn không nguôi quên bếp lửa giản dị của bà.

- Âm điệu dòng thơ nanh, mạnh như từng đợt sóng tình cảm dâng trào để cháu phải tự hỏi lòng mình “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Bếp lửa đã trở thành tấm lòng, niềm tin thiêng liêng kì diệu nâng bước cháu trên hành trình dài rộng của cuộc đời, có nghĩa là từ một bếp lửa đơn sơ, giản dị của bà, nhiều bếp lửa đã được nhóm lên.

3. Tổng kết

- Nội dung

  + Tình cảm bà cháu bình dị, gần gũi và thiêng liêng.

  + Vấn đề ý nghĩa muôn đời, kỉ niệm tuổi thơ luôn tỏa sáng và nâng đỡ con người trên hành trình cuộc sống. Tình cảm gia đình là cơ sở, là cội ngnguoonfho tình yêu quê hương, đất nước.

- Nghệ thuật

  + Sự kết hợp hài hòa các phương thức biểu cảm, tự sự, miêu tả và bình luận.

  + Hình ảnh vừa chân thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng.

  + Cảm xúc mãnh liệt.

  + Triết lí sâu sắc.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?