Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2017 - Phòng GD&ĐT

ĐỀ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

(Không kể thời gian giao đề)

1. Đọc – Hiểu (3 điểm)

    Đọc văn bản trả lời các câu hỏi sau:

“Hôm qua em đi tỉnh về 
Đợi em ở mãi con đê đầu làng 
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng 
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi! 
Nào đâu cái yếm lụa sồi? 
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? 
Nào đâu cái áo tứ thân? 
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? 
Nói ra sợ mất lòng em 
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
Như hôm em đi lễ chùa 
 Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.”

                         (Chân quê – Nguyễn Bính)

   Câu 1: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?Nêu khái quát tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ

   Câu 2: Trong những câu thơ sau, nhà thơ sử dụng những biện pháp tu từ gì?Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó

“Nào đâu cái yếm lụa sồi

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân

Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen?”

  Câu 3: Qua bài thơ em hiểu nghĩa của từ chân quê như thế nào?

  Câu 4: Từ bài thơ, em có suy nghĩ gì về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? (trả lời trong khoảng 10 dòng)

2. Làm văn (7 điểm)

Câu 1: (2 điểm)

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa gợi ra từ câu chuyện sau:

       “Một chiếc lá vàng tự bứt khỏi cành rơi xuống gốc. Cái gốc tròn mắt ngạc nhiên hỏi:

          - Sao sớm thế?

      Lá vàng giơ tay lên chào, cười và chỉ vào những lộc non”

                (Theo những câu chuyện ngụ ngôn chọn lọc- NXB Thanh Niên – 2003)

Câu 2 (5 điểm):

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau:


Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”


           (Quang Dũng; Tây Tiến)

“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”

                    

(Tố Hữu; Việt Bắc)

 

ĐÁP ÁN – BIỂU ĐIỂM

1. Đọc – Hiểu (3 điểm)

    Câu 1. (0,5 điểm)

  • Nhân vật trữ tình trong bài thơ là nhân vật “anh”- một chàng trai thôn quê.
  • Qua bài thơ, nhân vật trữ tình thể hiện tâm trạng bồn chồn, mong đợi người yêu; bất ngờ đến ngỡ ngàng trước sự thay đổi trong cách ăn mặc của cô gái; trách móc, xót xa, đau khổ tiếc nuối trước sự thay đổi ấy và thiết tha, mong muốn nhắc nhở khuyên nhủ người yêu hãy giữ lấy cái truyền thống tốt đẹp, cái gốc mộc mạc, đằm thắm của quê hương (trong cách ăn mặc) mà cha ông ta đã tạo nên

     Câu 2 (0,5 điểm)

  • Nhà thơ sử dụng biện pháp liệt kê (trang phục của cô gái) và câu hỏi tu từ kết hợp với điệp ngữ “Nào đâu”
  • Tác dụng: Nhấn mạnh sự thay đổi trong cách ăn mặc của cô gái làm mất đi cái gốc mộc mạc, đằm thắm của chốn thôn quê và tâm trạng xót xa trách móc, tiếc nuối trước sự thay đổi ấy

     Câu 3: (0,5  điểm)

  • “Chân quê” nghĩa là hồn quê đích thực, là tính cách, vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm của quê hương

    Câu 4: (1,5 điểm)

  • HS có thể nêu quan điểm của mình về việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Nội dung cần hợp lý có sức thuyết phục. Có thể tham khảo theo gợi ý sau:
  • Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Đó là kết tinh những giá trị văn hóa gốc, căn bản, cốt lõi của dân tộc đã được thử thách qua tháng năm.
  • Nhưng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không có nghĩa là từ chối tiếp nhận tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác.
  • Muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phải có bản lĩnh văn hóa, một mặt phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc, mặt khác tiếp thu có chọn lọc những gí trị của các nền văn hóa khác để làm giàu có thêm nền văn hóa nước nhà

Chú ý: Có thể chấp nhận cách diễn đạt khác nhưng phải hợp lý

2. Làm văn

   Câu 1: (2 điểm)

  • Đây là dạng đề nghị luận về tư tưởng đạo lý thông qua một câu chuyện, HS cần rút ra bài học, ý nghĩa sâu sắc được gửi gắm qua hình ảnh chiếc lá vàng “Tự bứt khỏi cành”, “Cười và chỉ vào những lộc non”

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm nổi bật các ý sau:

Giải thích ý nghĩa của câu chuyện: (0,5 điểm)

  • Cần chú ý đến cách chiếc lá vàng rời khỏi cành, tự nguyện rời khỏi cành sớm hơn thời gian mà nó có thể tồn tại để nhường chỗ cho lộc non đâm chồi khiến cho cái gốc phải ngạc nhiên bật ra câu hỏi: ”Sao sớm thế”
  • Điều quan trọng là cách chiếc lá nhìn nhận sự ra đi của nó ”mỉm cười” vào những lộc non. Đó là sự thanh thản khi chiếc lá tìm thấy được ý nghĩa cho cuộc sống của mình, tự nguyện hi sinh để nhường chỗ cho một thế hệ mới ra đời.

  => Câu chuyện cho ta bài học về lẽ sống ở đời. Phải biết sống vì người khác, chấp nhận cả những thiệt thòi, hi sinh về phía bản thân. Đó cũng là một trong những cách sống đẹp của con người.

 Bàn bạc- đánh giá- chứng minh: (1 điểm)

  • Câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đối với mọi người:
  • Từ mối quan hệ giữa “Lá vàng” và “Lộc non” câu chuyện đưa ra một quy luật của sự sống. Cuộc sống là sự phát triển liên tục mà ở đó cái mới thay thế cái cũ là điều tất yếu
  • Hình ảnh chiếc lá vàng rơi là quy luật của tự nhiên, lá lìa cành là quy luật tất yếu của đời sống, có bắt đầu thì có kết thúc để bắt đầu một cuộc sống khác. Mỗi chúng ta cần phải nhận thức rõ quy luật đó để tránh trở thành  vật cản của bánh xe lịch sử. Đồng thời phải biết đặt niềm tin và tạo điều kiện cho  thế hệ trẻ
  • Mỗi phút giây được sống trên cõi đời này là niềm hạnh phúc nhưng giá trị sự sống không phải chúng ta sống được bao lâu mà là chúng ta sống như thế nào
  • Lá rơi để bắt đầu, lá rơi vì đã đi hết một quãng đường đời, đã hoàn thành sứ mệnh của đời mình

Bài học rút ra: (0,5 điểm)

  • Phê phán lối sống vị kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân
  • Thế hệ trẻ phải biết sống, phấn đấu và cống hiến sao cho xứng đáng với những gì được “trao”và “nhận”
  • Khẳng định lối sống tích cực, động viên cổ vũ con người nỗ lực vươn lên.

 Câu 2.

  • Yêu cầu chung:
    • Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản.
    • Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận và cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25)

  • Trình bày đầy đủ các phần (0,25)
    • Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề
    • Phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề
    • Phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. 
  • Điểm 0:
    • Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

  • Điểm 0,25: nêu được giá trị nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ, chỉ ra được nét tương đồng và tương phản của hai đoạn thơ ấy.
  • Điểm 0: làm lạc đề hoặc không làm bài.

c.  Nội dung (4 điểm)

  • Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Trên đây chỉ trich dẫn một phần đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2017 theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để xem được đầy đủ đáp án chi tiết và thang điểm, các em vui lòng tải về máy. Hy vọng tài kiệu này sẽ giúp các em có bước chuẩn bị thật tốt về kiến thức và kĩ năng để có thể đạt được kết quả thật cao trong kì thi Trung học phổ thông quan trọng sắp tới. 

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm tài liệu sau:

Bộ 10 đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2017

--MOD Ngữ văn Chúng tôi (Tổng hợp) 

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?