SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA TRƯỜNG THPT YÊN LẠC MÔN: Ngữ Văn
NĂM HỌC: 2019-2020
( Đề gồm 02 trang )
I. ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Khi bị những người mình tin tưởng, thân thiết trở mặt sau lưng, ai cũng cảm thấy tổn thương, thậm chí dằn vặt rằng mình đã làm gì để xứng đáng nhận được điều đó. Thế nhưng bạn cần ngưng suy nghĩ như vậy đi, càng không nên căm ghét, mắng chửi đối phương mà hãy cố gắng bỏ qua. Dù có tiếp tục trở lại làm bạn hay không thì cũng hãy tha thứ cho họ, tha thứ không phải để tỏ ra cao thượng mà tha thứ để hạnh phúc, an yên hơn, việc oán hận đối phương chỉ càng đào sâu vào vết thương lòng của bạn mà thôi.
Cuộc sống không hề phẳng lặng như dòng sông, những kẻ không ưa bạn sẽ trực chờ lúc bạn sơ hở để “đâm bị thóc, chọc bị gạo” khi bạn gặp khó khăn hay sa cơ lỡ vận, khiến bạn buồn, bạn khóc, bạn tổn thương, với mục đích là khiến bạn gục ngã không thể gượng dậy. Đó lại chính là lúc bạn phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết để kẻ xấu có muốn chế nhạo, hả hê cũng không được. Nếu họ khiến bạn tổn thương một, hãy cố gắng tìm kiếm niềm vui cho bản thân gấp mười lần vì chỉ có cuộc sống tràn đầy niềm vui, tiếng cười của bạn mới là công cụ trả thù ngọt ngào mà chí mạng nhất đối với những kẻ thù.
(Theo Trí Thức Trẻ )
Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ được dùng trong đoạn trích ?.
Câu 2: Theo tác giả, chúng ta cần làm những gì “Khi bị những người mình tin tưởng, thân thiết trở mặt sau lưng”?
Câu 3: "Dù có tiếp tục trở lại làm bạn hay không thì cũng hãy tha thứ cho họ". Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?
Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm):
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến được gợi ra ở phần Đọc – hiểu.
"Nếu họ khiến bạn tổn thương một, hãy cố gắng tìm kiếm niềm vui cho bản thân gấp mười lần"
Câu 2 (5,0 điểm):
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
(Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD VN, 2018, tr39-40)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về tài viết văn chính luận của Hồ Chí Minh.
..................HẾT................
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Phần I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật.
Câu 2:
- Theo tác giả, chúng ta cần làm những gì “Khi bị những người mình tin tưởng, thân thiết trở mặt sau lưng”?
+ Ngừng tổn thương, dằn vặt mình
+ Không căm ghét, mắng chửi đối phương.
+ Cố gắng bỏ qua, tha thứ cho họ.
Câu 3:
HS có thể trả lời đồng tình/ không đồng tình/đồng tình một phần tùy theo suy nghĩ nhưng cần có lý giải phù hợp, sau đây là gợi ý:
- Đồng tình: tha thứ để cho đối phương cơ hội sửa đổi. Tha thứ để dung hòa, tránh căng thẳng, xung đột. Tha thứ để bản thân thấy thanh thản, vui vẻ, cao thượng…Tha thứ cũng là cách để trả thù ngọt ngào.
- Không đồng tình: Tha thứ cho kẻ trở mặt với mình là lối sống vị tha, nhân hậu. Tuy nhiên phải tùy đối tượng và mức độ bị tổn thương của mình để quyết định tha thứ hay không. Thẳng thắn chỉ ra tính xấu của kẻ hại mình để họ sửa đổi…
- Đồng tình một phần: dung hòa hai ý trên
Câu 4:
- H/S tự rút ra thông điệp mà mình tâm đắc nhất và có lý giải phù hợp.
Gợi ý:
+ Thông điệp:
* Mỗi người thường phải đối diện với muôn vàn nghịch cảnh, nhưng cần có thái độ sống tích cực: lạc quan, cao thượng, vị tha, có bản lĩnh …
* Chọn bạn mà chơi….
+ Vì: thái độ sống tích cực sẽ tạo ra sự vui vẻ, an yên; tạo ra giá trị bản thân, tìm được ý nghĩa của cuộc sống…
Phần II. LÀM VĂN
Câu 1:
1.Yêu cầu chung: đoạn văn phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết.
2.Yêu cầu cụ thể
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn, không mắc lỗi chính tả.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tìm kiếm niềm vui cho bản thân là thái độ sống tích cực.
c. Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ…
Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
* Giải thích:
- Ý kiến gợi ra ở phần Đọc – hiểu nhấn mạnh vào thái độ sống tích cực: lạc quan, vui vẻ, khoan dung khi bị người mình tin tưởng làm tổn thương.
* Bàn luận
- Trong cuộc sống, con người luôn phải đối diện với vô vàn kiểu người khác nhau: có người tốt, kẻ xấu; người yêu mến, kẻ luôn ganh ghét đố kỵ, trở mặt làm tổn thương mình dù đó là người mình tin tưởng.
- Khi bị tổn thương, nếu chúng ta dằn vặt, đau khổ, khóc lóc, oán hận…sẽ khiến bản thân gục ngã, căng thẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống. Trong hoàn cảnh này, điều cần làm là cố gắng tìm kiếm niềm vui cho mình bằng công việc, bằng những mối quan hệ mới…. Bởi vì khi đó:
+ Kẻ xấu sẽ không có cơ hội hả hê, cười nhạo mình.
+ Niềm vui sẽ giúp ta quên đi thù hằn, hiềm khích cá nhân
+ Niềm vui sẽ giúp ta vui vẻ, hạnh phúc, thanh thản, bình yên…
+ Vui vẻ cũng là công cụ trả thù ngọt ngào và trí mạng đối với kẻ thù.
- Biết tạo dựng niềm vui cũng là thái độ sống tích cực, rèn luyện bản lĩnh, sự cao thượng…
- Mở rộng: Vui vẻ và tha thứ cho kẻ làm tổn thương mình không đồng nghĩa với sự cam chịu, nhẫn nhịn.
* Bài học nhận thức:
- Cuộc sống của chúng ta không bẳng phẳng mà luôn có những khó khăn, trở ngại và mất mát, nên cần có cách để vượt qua nó.
- Luôn tạo dựng cho mình cuộc sống vui vẻ, hướng thiện, có ý nghĩa…
Câu 2:
1.Yêu cầu chung.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận.
- Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết thúc được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Tác giả phơi bày tội ác về nhiều mặt của thực dân Pháp với nhân dân ta, đập tan mọi luận điệu bịp bợm, xảo trá của chúng bằng tài viết văn chính luận mẫu mực.
c. Triền khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận văn học. Bài viết có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả…
2.Yêu cầu cụ thể
a. Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh, tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập, đoạn trích.
b. Cảm nhận đoạn trích.
* Nội dung:
- Hồ Chí Minh đã nêu lý lẽ và lập luận hết sức thuyết phục nhằm bác bỏ luận điệu bịp bợm của thực dân Pháp. Người nêu rõ: hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
- Với luận điệu pháp đến Việt Nam để khai hóa:
+ Chủ tịch HCM đã bóc trần luận điệu này bằng hai vũ khí rất lợi hại của văn chính luận là lí lẽ và dẫn chứng. Người đã tố cáo tội ác của pháp trên tất cả các phương diện từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến giáo dục
+ Pháp rêu rao “khai hóa tự do” cho Việt Nam nhưng “lập ra nhà tù nhiều hơn trường học”
+ Pháp rêu rao “khai hóa bình đẳng” cho Việt Nam nhưng lại “lập ra ba chế độ khác nhau ở Bắc, Trung, Nam để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”
+ Pháp rêu rao “khai hóa bác ái” cho Việt Nam nhưng “chúng thi hành những luật pháp dã man”…
- Với luận điệu Pháp đến Việt Nam để bảo hộ, Chủ tịch HCM đã dùng sự thật lịch sử để bác bỏ luận điệu này của chúng:
+ “Năm 1940, Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”.
+ Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp “Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”.
+ Khẳng định “Trong 5 năm Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.
- Thái độ của ta trái hẳn với Pháp:
+ Khoan hồng, độ lượng, giúp đỡ người Pháp chạy qua biên thùy, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
+ Việt Minh kêu gọi Pháp liên minh chống Nhật thì Pháp không đồng tình lại còn đàn áp dã man: nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng, thẳng tay khủng bố Việt Minh.
- Với luận điệu Việt Nam là thuộc địa của Pháp, HCM một lần nữa đã đập tan luận điệu này bằng giọng điệu chắc nịch, hào hùng. Người khẳng định: “ Sự thật là từ mùa thu năm 1940 nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa” và “ sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ ko phải từ tay Pháp”. Cụm từ :“sự thật là” đặt ở đầu 2 câu văn đã gián tiếp tô đậm, nhấn mạnh bộ mặt giả dối, bịp bợm của chúng.
* Nghệ thuật
- Như vậy, bằng những lý lẽ sắc sảo, bằng những dẫn chứng điển hình, bằng giọng điệu hào hùng và một vài hình ảnh giàu sức gợi… HCM đã phơi bày bản chất giả dối, mị dân, xảo trá và bịp bợm của thực dân Pháp. Khai hóa và bảo hộ chỉ là chiêu bài để chúng dễ bề xâm lược nước ta.
c. Nhận xét về tài viết văn chính luận của Hồ Chí Minh.
- Hố Chí minh có tài viết văn chính luận đạt đến độ mẫu mực:
+ Lập luận chặt chẽ; lý lẽ đanh thép; ngôn ngữ được chọn lọc; giọng điệu hùng hồn; bằng chứng được lấy từ thực tế lịch sử…tác động đến lý trí và tình cảm của người đọc, người nghe. Ngòi bút của người vừa tố cáo mạnh mẽ tội ác của bọn thực dân Pháp, vừa ngăn chặn âm mưu tái chiếm nước ta của các thế lực thù địch và các nhóm phe hội quốc tế, vừa thể hiện tình cảm yêu nước thương dân và khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do.
d. Chính tả, ngữ pháp.
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
- Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ, phù hợp
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn của trường THPT Yên Lạc. Để xem đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng đây sẽ là tài liệu bổ ích cho quý thầy cô tham khảo cũng như các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề hiệu quả.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Trường THPT Quang Hà
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---