ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
TRƯỜNG THPT TRẦN BÌNH TRỌNG NĂM HỌC: 2019 - 2020 MÔN: Ngữ Văn 12
( Đề gồm 02 trang )
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
GỬI CON
…..
Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng.
Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu.
Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.
…..
Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.
Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ
Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay
May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may
Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều – những điều có nghĩa của trái tim.
Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công.
…..
Hãy hân hoan với điều nhân nghĩa
Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân
Và hãy tin vào điều có thật:
Con người – sống để yêu thương.
( Theo Bùi Nguyễn Trương Kiên, Ru con một thuở, NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2015)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.
Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa các câu thơ sau:
“Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng người ấy hai đồng.
Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu.
Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.”.
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả nói rằng:
“ Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.”
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:
“Và hãy tin vào điều có thật:
Con người – sống để yêu thương.”
Câu 2 (5,0 điểm):
Trong truyện Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã hai lần nói về việc Mị “vùng bước đi” và “băng đi” ở hai đoạn văn sau:
Đoạn 1:
“...Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi - Em yêu người nào, em bắt pao nào... Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa... ”
Đoạn 2:
“...Mị đứng lặng trong bóng tối.
Rồi Mị cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưnng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc. Mị nói, thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
A Phủ cho tôi đi.
A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:
Ở đây chết mất...
(Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, sách Giáo khoa Ngữ văn 12, cơ bản,
Nxb Giáo dục Việt Nam, 2008, tr 9-11)
Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật khát vọng sống của nhân vật này.
...........HẾT...........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I.ĐỌC HIỂU. (3,0 điểm)
Câu 1.
Phương thức biểu đạt: Nghị luận và biểu cảm.
Câu 2.
Ý nghĩa các câu thơ: Người cha muốn nhắc nhở con về việc giúp đỡ người khác trong cuộc sống. Cần giúp đỡ mọi người song phải biết giới hạn, và đôi khi từ chối cũng là một cách giúp đỡ. Học cách giúp đỡ người khác, nhiệt tình, đúng mực để sự giúp đỡ ấy phát huy giá trị tốt đẹp.
Câu 3.
Vì sao tác giả cho rằng: “Tiến bước mà đánh mất mình. ........ Để biết mình chưa cao”
Bởi vì: Cuộc sống của mỗi người luôn cần có ước mơ, khát vọng, nỗ lực vươn lên và phải biết khẳng định mình. Tuy nhiên, “tiến” và “ngước lên” không phải để ganh đua, bon chen, không vì vật chất, danh lợi bản thân mà bán rẻ lương tâm, phẩm giá. Điều cần thiết là “tiến” và “ngước lên” để biết “lùi”, biết “nhìn xuống”, biết nhìn nhận, suy ngẫm, đánh giá về chính mình để giữ gìn nhân cách. Đó là cuộc sống thanh thản, hạnh phúc.
Câu 4.
Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía của bản thân về thông điệp ấy:
– Chúng ta cần biết giúp đỡ người khác, nhiệt tình, đúng mực để sự giúp đỡ ấy phát huy giá trị tốt đẹp.
– Không nên tự cao, tự đại mà phải biết tự đánh giá và nhận ra tài năng, vị trí xã hội của mình.
– Bình tâm trước những vấn đề được- mất, thăng tiến bằng chính tài năng của mình và luôn giữ gìn đức độ, nhân cách.
– Cuộc sống luôn cần có tình yêu thương. Tình yêu thương đem đến hạnh phúc cho nhân loại.
(HS trả lời một trong số các thông điệp được 0,5 điểm, trình bày suy nghĩ: 0,5 điểm)
II. LÀM VĂN. (7,0 điểm)
Câu 1:
a.Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận
Có đủ ba phần câu mở đoạn, các câu thân đoạn và câu kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sống để yêu thương.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sống để yêu thương. Có thể triển khai theo hướng:
* Giải thích: Yêu thương là sự quan tâm, thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia, quý mến, trân trọng… con người. Đây là một lối sống đẹp xuất phát từ trái tim chân thành của con người.
* Bàn luận:
- Sống yêu thương hiện hữu ở khắp nơi, muôn màu muôn vẻ. Đó là sự cảm thông, quan tâm, giúp đỡ những người bất hạnh hoặc là tình cảm yêu mến và trân trọng những người có phẩm chất đạo đức… Sống yêu thương cuộc sống sẽ đẹp đẽ hơn.
– Sống yêu thương mang lại những điều kì diệu cho cuộc đời. Người cho đi yêu thương được nhận bình yên và hạnh phúc. Người được nhận yêu thương là nhận được rất nhiều.
- Cuộc sống không có yêu thương sẽ vô cùng tẻ nhạt, lạnh lẽo. Cần phê phán những hiện tượng sống thờ ơ, vô cảm, ích kỉ trong xã hội hiện nay. Chúng ta hãy mở rộng cánh cửa trái tim, tấm lòng yêu thương, mang tình yêu đến với mọi người. Bởi yêu thương chính là hạnh phúc của con người, của nhân loại!
* Bài học nhận thức và hành động
- Ý kiến trên là bài học về cuộc sống: sống để yêu thương.
- Hãy học cách sống chân thực và lòng yêu thương.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo quy tắc chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
Câu 2:
a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nhân vật Mị qua hai lần miêu tả trong văn bản và làm nổi bật khát vọng sống của nhân vật.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Thí sinh triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm “ Vợ chồng A Phủ” và đoạn trích
* Giới thiệu nhân vật Mị: người con gái miền cao trẻ trung, xinh đẹp, tài hoa, hiếu thuận. Vì món nợ truyền kiếp, Mị đã bị bắt về cúng ma và làm con dâu gạt nợ nhà thống lí. Từ cô gái yêu tự do, tràn đầy sức sống, Mị trở thành nô lệ, dần dần tê liệt về tinh thần.
* Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả trên
* Đoạn 1:
- Sau khi uống rượu, lắng nghe tiếng sáo trong không khí đêm tình mùa xuân đang về, tâm trạng Mị có sự thay đổi. Từ kiếp sống nô lệ, cam chịu, Mị muốn đi chơi. Đúng lúc đó, A Sử về và trói đứng Mị suốt đêm trong buồng tối, Mị vùng dậy như không biết mình đang bị trói, vẫn thả hồn theo tiếng sáo. Đoạn văn thể hiện sức sống tiềm tàng, mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị và khát vọng vượt thoát khỏi hiện thực.
* Đoạn 2:
- Sau khi cắt dây trói cho A Phủ và thấy A Phủ băng đi trong đêm tối, Mị đã nghĩ đến mình bèn băng đi, chạy theo A Phủ để trốn khỏi Hồng Ngài. Đó là sự phản kháng mạnh mẽ: tình thương, sự đồng cảm giai cấp, niềm khát khao tự do mãnh liệt...đã thôi thúc Mị cắt dây trói cứu A Phủ và tự giải thoát cho cuộc đời mình.
* Nhận xét về khát vọng sống của nhân vật.
- Cả hai đoạn văn đều tập trung làm nổi bật khát vọng sống chân chính của nhân vật: Đó là khát vọng giải thoát khỏi kiếp nô lệ, khát vọng được sống tự do, sống trong tình yêu, hạnh phúc;
- Nếu khát vọng đó ở đoạn 1 chỉ dừng lại ở những diễn biến trong tâm trạng và cũng nhanh chóng bị nghịch cảnh chi phối thì ở đoạn 2 nó đã chuyển hoá thành hành động mạnh mẽ, quyết liệt của nhận vật;
- Vì vậy nhân vật Mị hiện lên không chỉ có khát vọng sống cao đẹp mà còn thể hiện ở tinh thần phản kháng, đấu tranh để được thoát khỏi nô lệ, về với cách mạng.
- Xây dựng nhân vật có nhiều điểm đặc sắc, cách giới thiệu nhật vật đầy bất ngờ, giá trị hiện thực; giá trị nhân đạo; câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ.
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn trường THPT Trần Bình Trọng. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào HỌC 247. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho quý thầy cô làm tài liệu ra đề thi thử cho các em. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi thử THPT QG sắp tới. Chúc quý thầy cô và các em có buổi luyện thi sôi động và hấp dẫn.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Trường THPT Nguyễn Trung Thiên.
đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Trường THPT Trần Suyền
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn--