SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
TRƯỜNG THPT QUAN HÓA NĂM HỌC: 2019-2020
MÔN: Ngữ Văn
( Đề gồm 02 trang )
I.ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
…Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.
Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.
Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn.
(Trích Tuổi trẻ.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)
Câu 1. Chỉ ra tác dụng của bản lĩnh sống được nêu trong đoạn trích. (0.5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, những cách thức nào giúp bạn xây dựng được bản lĩnh sống? (0.5 điểm)
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả lại cho rằng: “Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích của cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh”? (1.0 điểm)
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm “Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào bản lĩnh” không? Vì sao? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề: Bản lĩnh sống
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong tác phẩm Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả về cây xà nu:
- Mở đầu tác phẩm: Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
- Cuối tác phẩm: Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê. Ba người đứng đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
Cảm nhận của anh chị về hình tượng cây xà nu qua hai lần miêu tả trên. Từ đó làm nổi bật ý nghĩa biểu tượng của cây xà nu.
(Nguyễn Trung Thành – Rừng xà nu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 38 và 48)
...............Hết.................
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Tác dụng của bản lĩnh sống: vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh
Câu 2: Theo tác giả, cách thức xây dựng bản lĩnh sống là: Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm… Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn.
Câu 3: Vì:
- Có bản lĩnh mới thực hiện được mục đích, ước mơ, hoài bão... Đó là chìa khóa để thành công trong cuộc sống.
- Có bản lĩnh sẽ góp phần bảo vệ và giúp đỡ những người xung quanh, mang lại niềm tự hào, hạnh phúc cho người thân, gia đình và xã hội
Câu 4: Thí sinh đưa ra quan điểm riêng của mình: đồng tình hay không đồng tình và đưa ra lý lẽ thuyết phục
Ví dụ:
- Đồng ý. Vì, bản lĩnh là một trong những tiêu chí để đánh giá một người mạnh hay yếu, thành công hay thất bại, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống hay không...
- Không đồng ý. Vì, bên cạnh bản lĩnh, muốn đánh giá một người mạnh hay yếu, thành công hay thất bại còn phải phụ thuộc vào năng lực, sở trường, sở thích, cơ hội, sự may mắn....
II. LÀM VĂN
Câu 1: Đoạn văn trình bày về bản lĩnh sống
Mỗi chúng ta trong cuộc đời của mình sẽ gặp muôn vàn những khó khăn thử thách. Những lúc như vậy, nếu chúng ta bình tĩnh xử lý, kiên cường nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn thì chúng ta được xem là người có bản lĩnh. Ngược lại, nếu chúng ta bỏ cuộc nhanh chóng buông xuôi đầu hàng số phận thì chúng ta là người thiếu ý chí, thiếu bản lĩnh.
Vậy bản lĩnh sống của con người là gì? Nó chính là thái độ sống, khả năng ứng biến của con người trước những hoàn cảnh khó khăn, thử thách của cuộc sống. Người có bản lĩnh sống là người dù trong hoàn cảnh nào cũng bình tĩnh, kiên cường, nỗ lực hết sức mình để chèo lái con thuyền của đời mình đi đúng hướng, đi theo con đường tích cực, đúng pháp luật, chuẩn mực đạo đức, chứ không buông xuôi, bỏ mặc cho muốn ra sao thì ra, hoặc thỏa hiệp với cái xấu, cái ác để tìm lối thoát cho riêng mình còn mặc kệ người khác chịu thiệt thòi cay đắng. Chúng ta khi còn nhỏ được bố mẹ nuôi dưỡng che chở, nhưng khi trưởng thành khôn lớn chúng ta phải rời khỏi vòng tay cha mẹ. Khi một mình bước đi trên con đường đời của mình sẽ có những lúc chúng ta gặp những khó khăn thử thách, những cám dỗ trong cuộc sống khiến chúng ta cảm thấy lôi cuốn hấp dẫn. Những lúc đó, nếu con người đủ bản lĩnh sẽ không dễ bị cám dỗ, tha hóa biến chất, không dễ bị lôi cuốn bởi thói hư tật xấu, biến chúng ta thành người tha hóa, hư hỏng làm buồn lòng thầy cô cha mẹ.
Bản lĩnh sống của chúng ta cần phải được phát huy đúng lúc. Nếu như có ai đó rủ chúng ta bỏ học đi chơi thì chúng ta phải biết cách từ chối đó chính là bản lĩnh sống. Bản lĩnh sống đôi khi là khả năng dám nghĩ dám làm của một con người. Khi chúng ta có ước mơ hoài bão, chúng ta có thể nỗ lực theo đuổi ước mơ của chính mình để hiện thực hóa ước mơ của mình đó cũng chính là bản lĩnh sống. Trước một tập thể toàn những người sai trái, nếu chúng ta dám tố cáo những điều sai thì đó cũng là bản lĩnh. Giống như việc chúng ta đi đường gặp người móc túi của người khác nếu có bản lĩnh chúng ta sẽ hô hoán để mọi người cùng xúm lại bắt tên móc túi. Nhưng có nhiều người lại chọn cách im lặng vì cho rằng chẳng liên quan tới mình. Tên móc túi móc của người khác có móc túi mình đâu, kêu lên nhỡ nó trả thù mình thì lại mang họa.
Bản lĩnh sống sẽ giúp chúng ta có những quyết định sáng suốt tích cực, không thỏa hiệp dung túng bao che cho điều xấu. Chúng ta sẽ biết bênh vực bảo vệ cho sự chính nghĩa, cho những điều tích cực của cuộc sống. Có như thế cuộc sống này mới phát huy những điều tốt đẹp.
Là một học sinh bản lĩnh sống của chúng ta là việc nói không với gian lận, quay cóp trong thi cử dù thầy cô có người dễ người khó. Nhưng ngay cả khi có cơ hội gian lận chúng ta cũng không làm như vậy thì đó chính là bản lĩnh của một người học sinh. Bản lĩnh sống của con người không phải dễ dàng có được trong ngày một ngày hai mà nó cần có một quá trình rèn luyện một cách lâu dài theo thời gian, qua từng sự việc cụ thể, từ đó chúng ta rèn cho mình cách sống có bản lĩnh tự lập trong cuộc sống.
Khi chúng ta có bản lĩnh sống vững vàng chúng ta có thể làm chủ bản thân trước những khó khăn thử thách của cuộc sống, dám nghĩ dám làm biến ước mơ của mình thành hiện thực. Đấu tranh chống lại những cái xấu, cái ác, những thứ tiêu cực tồn tại trong xã hội. Những người sống bản lĩnh luôn được người khác tôn trọng, yêu quý và kính nể là tấm gương sáng để người khác trông vào noi theo.
Câu 2: Hướng dẫn làm bài
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm Rừng xà nu và vấn đề cần nghị luận
b. Cảm nhận về hình tượng cây xà nu ở hai đoạn văn:
- Mở đầu tác phẩm:
+ Hình tượng cây xà nu ngày ngày phải hứng chịu những đợt bắn phá của kẻ thù, bị tàn phá một cách dã man, không thương tiếc.
+ Thủ pháp liệt kê, so sánh, nhân hóa, ngôn ngữ giàu tính tạo hình
- Kết thúc tác phẩm:
+ Khẳng định sức sống bất diệt của cây xà nu. Dù bị đại bác kẻ thù bắn phá thường xuyên nhưng cây xà nu vẫn sinh sôi nảy nở, vẫn kiên cường, bất khuất trước kẻ thù.
+ Thủ pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ.
- Ý nghĩa biểu tượng cây xà nu:
+ Hình tượng cây xà nu trở thành một hình ảnh ẩn dụ cho con người Tây Nguyên trong chiến tranh cách mạng:
+ Cây xà nu chịu thương tích bởi đại bác kẻ thù, cũng như người dân làng Xô Man bị giặc giết hại, tra tấn một cách dã man (bà Nhan, anh Xút, mẹ con Mai, Tnú ...)
+ Cây xà nu có sức sống mãnh liệt, bất diệt, cũng giống như người dân Xô Man kiên cường, bất khuất. Thế hệ này ngã xuống, thế hệ khác đứng lên nối tiếp nhau chống giặc
c. Kết:
+ Hai đoạn trích cùng làm nổi bật vẻ đẹp biểu tượng của cây xà nu – loài cây biểu tượng cho mảnh đất, con người Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ – Diệm.
+ Thể hiện sự gắn bó mật thiết của nhà văn Nguyễn Trung Thành với mảnh đất Tây Nguyên qua việc xây dựng thành công bức tranh thiên nhiên hùng vĩ giàu tính tạo hình, đậm màu sắc Tây Nguyên.
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn của trường THPT Quan Hóa. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi THPT QG sắp tới.
Ngoài ra, để học tập và ôn luyện tốt hơn, các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn trường THPT Quỳnh Thọ
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---