SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN NĂM HỌC: 2019-2020
MÔN: Ngữ Văn
( Đề gồm có 01 trang)
I. ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
… Vàng bạc uy quyền không làm ra chân lí
Óc nghĩ suy không thể mượn vay
Bạch Đằng xưa, Cửu Long nay
Tắm gội lòng ta chẳng bao giờ cạn.
Ta tin ở sức mình, vô hạn
Như ta tin ở tuổi 25
Của chúng ta là tuần trăng rằm
Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái.
Ta tin ở loài người thúc nhanh thời đại
Những sông Thương bên đục, bên trong
Chảy về xuôi, càng đẹp xanh dòng
Lịch sử vẫn một sông Hồng vĩ đại...
(Trích Tuổi 25 của Tố Hữu, sách Tố Hữu Từ ấy và Việt Bắc, NXB văn học, tr332)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định thể thơ của đoạn thơ trên?
Câu 2 (0,5 điểm). Anh/chị hiểu như thế nào về hai câu thơ “Của chúng ta là tuần trăng rằm; Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái”?
Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ thứ 2. Hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ ấy?
Câu 4 (1,0 điểm). Nhà thơ đã tâm sự gì qua đoạn thơ trên?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về niềm tin của tuổi trẻ vào chính mình được gợi ra từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.
.....................HẾT................
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I.ĐỌC- HIỂU
Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do
Câu 2: Hai câu thơ nói lên sức mạnh của tuổi trẻ: dám ước mơ và hành động để thực hiện những lí tưởng cao đẹp của mình- sẽ làm chủ tương lai của đất nước….
Câu 3:
- Biện pháp tu từ được sử dụng:
+ So sánh: “Như ta tin ở tuổi 25; tuổi 25 Của chúng ta là tuần trăng rằm”.
+ Điệp ngữ: Ta tin
+ Liệt kê: Dám khám phá, bay cao, tự tay mình bẻ lái
- Hiệu quả: Nhấn mạnh và biểu đạt sâu sắc, sinh động, gợi cảm sức mạnh, niềm tin của tuổi trẻ vào hành động, lý tưởng và ước mơ.
Câu 4:
- Nhà thơ đang tâm sự về tuổi trẻ của mình và thế hệ mình: mang tất cả sức mạnh tâm huyết, niềm tin của tuổi trẻ để dâng hiến đấu tranh, bảo vệ tổ quốc …
- Từ tâm sự cá nhân, nhà thơ nhắn gửi tới thế hệ trẻ sống phải có lí tưởng cao đẹp, có niềm tin vào chính mình và mọi người để tạo nên những trang sử hào hùng của dân tộc…
II. LÀM VĂN
Câu 1: Dàn ý tham khảo
I. Mở bài:
- Giới thiệu và nêu vấn đề cần nghị luận: niềm tin của tuổi trẻ vào chính mình
II. Thân bài:
* Giải thích:
- Niềm tin vào bản thân: Đó là niềm tin vào chính mình, tin vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, giá trị của mình trong cuộc sống. Đó còn là mình hiểu mình và tự đánh giá được vị trí, vai trò của mình trong các mối quan hệ của cuộc sống.
- Câu nói "Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thức quý giá khác nữa" là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy có niềm tin vào bản thân. Đó cũng là bản lĩnh, là phẩm chất, là năng lực của mỗi người, là nền tảng của niềm yêu sống và mọi thành công. Khi đánh mất niềm tin là ta đánh mất tất cả.
* Phân tích, chứng minh ý nghĩa câu nói:
- Vì sao đánh mất niềm tin vào bản thân là sẽ đánh mất nhiều thứ quý giá khác?
+ Bởi niềm tin vào bản thân là niềm tin cần thiết nhất trong mọi niềm tin. Nó không chỉ đem lại niềm tin yêu cuộc sống, yêu con người, hi vọng vào những gì tốt đẹp mà còn là nền tảng của mọi thành công. Để đạt được điều đó, con người phải biết dựa vào chính bản thân mình chứ không phải dựa vào ai khác, khách quan chỉ là điều kiện tác động, hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định thành công.
+ Đánh mất niềm tin hoặc không tin vào chính khả năng của mình thì con người sẽ không có ý chí, nghị lực để vươn lên và tất nhiên: “Thiếu tự tin là nguyên nhân của phần lớn thất bại” (Bovee).
+ Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đầy những dư vị đắng cay, ngọt ngào, hạnh phúc và bất hạnh, thành công và thất bại, và có những lúc sa ngã, yếu mềm… Nếu con người không có ý chí, nghị lực, niềm tin vào bản thân sẽ không đủ bản lĩnh để vượt qua, không khẳng định được mình, mất tự chủ, dần buông xuôi, rồi dẫn đến đánh mất chính mình. Khi đã đánh mất chính mình là đánh mất tất cả, trong đó có những thứ quý giá như: tình yêu, hạnh phúc, cơ hội… thậm chí cả sự sống của mình. Vì vậy, con người biết tin yêu vào cuộc sống, tin vào sức mạnh, khả năng của chính mình, biết đón nhận những thử thách để vượt qua, tất yếu sẽ đạt đến bến bờ của thành công và hạnh phúc.
+ Trong cuộc sống, có biết bao con người không may mắn, họ phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, bất hạnh. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh của họ càng vững vàng. Họ tin vào ý chí, nghị lực, khả năng của bản thân và họ đã vượt lên, chiến thắng tất cả.
* Đánh giá, bàn bạc:
- Phê phán: Trong thực tế cuộc sống, có những người mới va vấp, thất bại lần đầu nhưng không làm chủ được mình, không tin vào mình có thể gượng dậy mà từ đó dẫn đến thất bại:
+ Một học sinh nhút nhát, e sợ, không tin vào năng lực bản thân mình khi đi thi sẽ dẫn đến làm bài không tốt. Cũng có những học sinh thi trượt, tỏ ra chán nản, không còn niềm tin vào bản thân nên sẽ dễ bỏ cuộc.
+ Một người khi làm việc, không tự tin vào mình, không có chính kiến của mình mà phải thực hiện theo ý kiến tham khảo của nhiều người khác thì dẫn đến tình trạng “đẽo cày giữa đường”, “lắm thầy thối ma”.
+ Có những người từ nhỏ được sống trong nhung lụa, mọi việc đều có người giúp việc hoặc bố mẹ lo, khi gặp khó khăn họ có thể làm chủ được bản thân, tự mình độc lập để vượt qua?
- Bàn bạc mở rộng:
+ Khẳng định: Tuy nhiên, đừng quá tự tin vào bản thân mình mà dẫn đến chủ quan, đừng quá tự tin mà bước sang ranh giới của tự kiêu, tự phụ sẽ thất bại. Tự tin, khiêm tốn, cẩn trọng là những đức tính đáng quý của con người. Nó dẫn con người ta đến bến bờ thành công và được mọi người quý trọng.
+ Bài học nhận thức, hành động: Học sinh, sinh viên, những người trẻ tuổi phải làm gì để xây dựng niềm tin trong cuộc sống? Phải cố gắng học tập và rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Việc học phải đi đôi với hành, dám nghĩ, dám làm, tự tin, yêu đời, yêu cuộc sống. Phải biết tránh xa các tệ nạn xã hội, phải luôn làm chủ bản thân.
III. Kết bài:
- Liên hệ bản thân.
Câu 2: Dàn ý tham khảo
I. Mở bài: Giới thiệu tác giả và tác phẩm
- Sông Đà là tập tùy bút hay nhất của Nguyễn Tuân viết về cảnh và người Tây Bắc. Đó kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1958 của nhà văn.
- Phong cảnh Tây Bắc dưới ngòi bút Nguyễn Tuân vừa hùng vĩ uy nghiêm, vừa tuyệt vời, thơ mộng. Trong bài Người lái đò sông Đà rút từ tập tùy bút Sông Đà, nhà thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn hết lời ngợi ca vẻ đẹp của con người Tây Bắc, nhất là những người lái đò trên con sông dữ dội và thơ mộng ấy.
II. Thân bài:
1. Phân tích nhân vật người lái đò sông Đà
* Vài nét về hình ảnh con sông Đà
- Hình ảnh sông Đà hiện lên thật hung dữ nhưng cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình.
- Hình ảnh sông Đà vừa “hung bạo” vừa “trữ tình” là nền để người lái đò xuất hiện.
* Nhân vật người lái đò sông Đà
- Ông lái đò:
+ Ông là người anh hùng sông nước.
+ Ông lái đò là nghệ sĩ tài hoa.
-> Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét, ông lái đò là một “tay lái đò tài hoa”.
=> Nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Tuân rất tài hoa. Nhà văn lược bỏ hầu hết các chi tiết về đời tư của ông lái đò để đi sâu vào khắc họa ngoại hình, hành động của nhân vật.
2. So sánh nhân vật người lái đò với nhân vật Huấn Cao
- Nhân vật Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là một con người tài hoa, khí phách hiên ngang bất khuất, “thiên lương” trong sáng.
- Vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao là vẻ đẹp lãng mạn, có sức chinh phục, cảm hóa mãnh liệt đối với những con người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”.
=> Từ việc tìm hiểu vài nét về vẻ đẹp hình tượng của nhân vật Huấn Cao chúng ta dễ thấy được những nét chung và điểm khác biệt trong cách tiếp cận con người của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám.
* Nét chung:
- Nguyễn Tuân tiếp cận con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ.
- Vẫn là ngòi bút tài hoa, uyên bác, lịch lãm, vận dụng tri thức tổng hợp của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật khác nhau trong miêu tả và biểu hiện.
- Vẫn sử dụng vốn ngôn từ hết sức tinh lọc, phong phú, độc đáo. Khả năng tổ chức câu văn đầy giá trị tạo hình, có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhàng. Các phép tu từ được nhà văn phối hợp vô cùng điêu luyện.
* Khác biệt:
- Chữ người tử tù ca ngợi cái đẹp của tài hoa, khí phách và thiên lương, qua đó phủ nhận thực tại phàm tục của xã hội thực dân phong kiến trước Cách mạng. Người lái đò sông Đà ca ngợi con sông Đà và người lái đò sông Đà, bày tỏ niềm yêu mến thiết tha thiên nhiên đất nước, niềm tin yêu cuộc sống mới, con người mới.
+ Huấn Cao là con người của quá khứ, của lịch sử, nay chỉ còn “vang bóng"; ông lái đò là con người của hiện tại, của hôm nay.
+ Huấn Cao là người đặc biệt, siêu phàm; ông lái đò là con người bình thường của cuộc sống thường nhật.
+ Huấn Cao đối lập sâu sắc với xã hội, trở thành kẻ tử tù của xã hội bất công; ông lái đò là một con người đang ngày đêm đem sức lực và trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.
- Về cảm hứng thẩm mĩ:
+ Qua nhân vật Huấn Cao: tài hoa nghệ sĩ chỉ có ở những con người kiệt xuất thuộc quá khứ “vang bóng một thời’’
+ Qua nhân vật ông lái đò: tài hoa nghệ sĩ có cả ở nhân dân đại chúng, thể hiện trong lao động và chiến đấu.
- Về cách tiếp cận con người:
+ Trong Chữ người tử tù: ca ngợi những “con người đặc tuyển, những tính cách phi thường”, ca ngợi cái đẹp và nhấm nháp những cảm giác mới lạ.
+ Trong Người lái đò sông Đà: ca ngợi những nhân vật tài hoa có thể tìm thấy ngay trong cuộc chiến đấu, lao động hàng ngày của nhân dân, ca ngợi cái đẹp gắn với nhân dân lao động, với cuộc sống đang nảy nở sinh sôi đồng thời lên án, tố cáo chế độ cũ, khẳng định bản chất nhân văn của chế độ mới.
III. Kết bài
- Qua Người lái đò sông Đà và nhân vật người lái đò, ta thấy nổi lên một Nguyễn Tuân tài hoa độc đáo, uyên thâm, tâm huyết, có tấm lòng yêu thương, tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên, và con người.
- Hai tác phẩm Người lái đò sông Đà và Chữ người tử tù đã nói lên phần nào đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân với sự ổn định lẫn sự vận động trong phong cách ở hai giai đoạn trước và sau Cách mạng
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn của trường THPT Liễn Sơn. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi THPT QG sắp tới.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn trường THPT Đoàn Thượng
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---