ĐỀ THI THỬ THPT QG NĂM 2020 MÔN NGỮ VĂN – ĐỀ SỐ 35
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Cuộc sống của chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào thói quen, nhiều lúc, ta tưởng như mình bị chính những thói quen điều khiển. Những thói quen ấy và ảnh hưởng của chúng là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của bạn. Bạn có thể chọn cách để tâm trí mình luôn ở thế chủ động, không bị những suy nghĩ u mê khống chế. Bạn cũng có thể thay thế những thôi thúc tiêu cực bằng ý nghĩ tích cực. Nhờ những thói quen tích cực tác động, đầu óc bạn sẽ thêm tỉnh táo, trí tưởng tượng thêm phong phú, lòng nhiệt tình, sự đam mê sẽ thêm cháy bỏng và ý chí sẽ được tiếp thêm sức mạnh.
Thái độ tích cực tạo ra một lực hút lớn đối với những điều tốt đẹp. Tương tự, người sở hữu tinh thần tích cực sẽ có sức cuốn hút người khác bằng chính sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống của mình.
Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng. Chúng ta sẽ không cảm thấy quá căng thẳng, nặng nề khi phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, để từ đó biết rút ra bài học kinh nghiệm.
Thái độ tích cực luôn tạo nên những phản ứng tinh thần chính xác đối với mỗi tác động bên ngoài. Khi đó, bạn sẽ biết cách suy nghĩ, hành động và có cách cư xử đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Tâm hồn bạn và cuộc sống này là những điều bạn được tùy nghi sử dụng để đem lại ích lợi tuyệt đối cho chính mình. Do đó, sử dụng nó thế nào để đem lại hiệu quả chỉ phụ thuộc vào bạn mà thôi.
Thái độ tích cực giúp bạn suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, luôn biết hướng về một tương lai xán lạn, mà nơi đó ước mơ và khát vọng của bạn có thể trở thành hiện thực. Bất kỳ khó khăn nào của cuộc sống, tiềm ẩn trong nó cũng là cơ hội cho những ai đủ sáng suốt nhận ra. Đúng như triết lý mà Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã từng phát biểu: “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”.
Một trong những cách giúp bản thân suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm. Đó có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa để nhắc nhở bạn bền bỉ thực hành sống tích cực cũng như kiên tâm theo đuổi mục đích đã đặt ra. Khi bạn nhắc đi nhắc lại trong đầu mình một suy nghĩ tích cực, đặc biệt là vào thời điểm phải đối diện với khó khăn, bạn sẽ thêm mạnh mẽ và kiên quyết để vượt qua tất cả nhằm đạt được điều tốt nhất có thể.
(Michael J. Ritt- Chìa khóa tư duy tích cực, Nhà xuất bản trẻ)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả làm thế nào để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực?
Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến cho rằng“Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”?
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến cho rằng “Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng”? vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc suy nghĩ tích cực để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm) Trong đoạn trích Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã cho thấy ý nghĩ của Mị khi làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí PáTra: “Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.” và trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, Mị muốn đi chơi, Mị vùng bước đi nhưng không được vì đã bị A Sử trói đứng trong buồng tối: Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa
Phân tích tâm trạng nhân vật Mị qua hai cảnh ngộ trên, từ đó cảm nhận về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
.............HẾT............
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC HIỂU( 3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức nghị luận/nghị luận
Câu 2:
Cách để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm (có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa).
Câu 3:
Con người có thể làm chủ bản thân, thay đổi hoàn cảnh, tạo cơ hội cho chính bản thân mình, không lệ thuộc vào hoàn cảnh
Câu 4:
Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình; lí giải hợp lí, thuyết phục.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1
o yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ tích cực để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
- Suy nghĩ tích cực: là khi chúng ta nhìn mọi sự, mọi vật, mọi vấn đề ta luôn luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt của vấn đề. Và, nếu gặp cái xấu ta luôn luôn hướng đến hành động để làm mọi sự tốt hơn.
- Cuộc sống luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nếu không suy nghĩ tích cực rất dễ rơi vào bi quan, chán nãn và thất bại.
- Hãy biết “nghĩ đến những điều tốt đẹp” để củng cố tinh thần và có động lực tiến lên phía trước. Hãy biết biến những suy nghĩ tích cực thành hành động
- Suy nghĩ tích cực cũng sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua căng thẳng, stress trong cuộc sống.
- Nhìn nhận vấn đề thật lạc quan, quyết tâm hướng đến mục tiêu của mình với sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ chúng ta có thể đạt được thành công cũng như những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt
e. Sáng tạo
Suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ
Câu 2:
a. Ðảm bảo cấu trúc của một bài nghị luận.
Có đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm; Thân bài triển khai được các luận điểm thể hiện cảm nhận về nhân vật với hai đặc điểm; Kết bài khái quát được nội dung nghị luận.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Phân tích tâm trạng nhân vật Mị qua hai cảnh ngộ: tâm hồn bị chết khi Mị ở làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra và khi tâm hồn Mị sống lại trong đêm tình mùa xuân; cảm nhận về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật.
Tâm trang của Mị khi tưởng mình cũng là con trâu, con ngựa
- Khi sống ở nhà thống lí, Mị đã bị bóc lột sức lao động đến cùng cực, chịu khổ nhục triền miên…
- Mị bị giam hãm trong không gian chật hẹp và tù đọng, trong thời gian ngưng đọng như không dĩ vãng, không hiện tại và không tương lai.
- Mị tê liệt ý thức về bản thân, tưởng mình như con trâu, con ngựa…chỉ biết đi làm như một cái máy.
- Tâm trạng Mị thay đổi trong đêm tình mùa xuân.
- Sự tác động của nhiều yếu tố như tiết trời mùa xuân, men rượu và tiếng sáo đã làm chuyển biến tâm hồn Mị. Mị đã lén “uống ực từng bát” rượu, rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy…nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Rồi âm thanh của tiếng sáo như tiếng ai mời gọi. Mị muốn đi chơi và đã sửa soạn đi chơi thực sự…Như thế là lòng ham sống đã thức dậy trong Mị.
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy---------
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm Đề thi thử THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Đề số 35. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Chúc các em đạt kết quả tốt.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---