SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC ĐỀ THI THỬ THPT QG
TRƯỜNG THPT NGUYỄN VIẾT XUÂN NĂM HỌC: 2019 -2020
MÔN: Ngữ Văn
I. ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong dòng đời vội vã có nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Nhưng đã là cuộc đời thì đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn có nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh cần chúng ta chia sẻ, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác. Đó chính là sự cho và nhận trong cuộc đời này.
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.
Cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình yêu thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi.
(Trích- Lời khuyên cuộc sống, nguồn Internet)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn bản (0,5 điểm)
Câu 2: Nội dung chính của đoạn văn bản là gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng “Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình”?(1,0 điểm)
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm “Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác” hay không? ”?(1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần đọc - hiểu : “Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi”
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã có những lần miêu tả dòng Sông Đà:
Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “ Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
(Nguyễn Tuân - Người lái đò sông Đà, Ngữ văn 12, Tập 1)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp dòng Sông Đà trong đoạn văn trên, từ đó nhận xét về cái tôi tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân.
..............HẾT.............
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Nội dung chính: Bàn về mối quan hệ giữa cho và nhận của con người trong cuộc sống.
Câu 3:
Vì: đó là sự “cho” đi xuất phát từ tấm lòng, từ tình yêu thương thực sự, không vụ lợi, không tính toán hơn thiệt. Khi đó cái ta nhận lại sẽ là niềm vui, hạnh phúc thực sự.
Câu 4:
- Học sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng cần có cách lí giải hợp lí, lôgic, đúng chuẩn mực.
- Đồng tình hoặc không đồng tình.
- Lí giải hợp lí, lôgich, đúng chuẩn mực.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân- hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
Mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao thác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
Giải thích
- Cho : là sự san sẻ, giúp đỡ, quan tâm, yêu thương người khác xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng.
- Nhận: là sự đền ơn, là được đáp lại những điều tốt đẹp.
=> Câu nói nhấn mạnh mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống con người, đặc biệt là phải biết cho đi nhiều hơn.
Bàn luận
- Con người cho đi nhiều sẽ nhận lại được nhiều điều tốt đẹp hơn. Cái cho đi đa dạng phong phú cả giá trị vật chất lẫn tinh thần.
- Cho đi một cách chân thành những gì tốt đẹp nhất mà không hề hi vọng nhận lại bạn đã đem đến niềm vui và hạnh phúc, giảm bớt sự khốn khó, bất hạnh cho người khác đồng thời đem đến sự thanh thản, hạnh phúc cho chính mình.
- Phê phán những con người sống ích kỉ, cá nhân, vụ lợi, chỉ mong đợi nhận được của người khác mà không hề biết cho đi.
Bài học
- Đây là lời khuyên về lối sống đẹp, biết yêu thương, sẻ chia.
- Cần luôn cố gắng rèn luyện hoàn thiện bản thân mình giàu có về vật chất và tinh thần để có thể cho đi nhiều hơn.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy-------
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn trường THPT Nguyễn Viết Xuân. Để xem được đầy đủ nội dung bài thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho các em. Đồng thời, tài liệu này giúp giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để đạt được kết quả cao trong kì thi THPT QG sắp tới. Chúc các em đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---