Đề thi HSG môn Sinh học 12 năm 2020 - Trường THPT Phan Chu Trinh có đáp án

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO PHÚ YÊN   KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG

TRƯỜNG THPT PHAN CHU TRINH                LỚP 12 THPT, NĂM HỌC 2020-2021

        ĐỀ CHÍNH THỨC                                               Môn thi: SINH HỌC

  (Đề thi có 01 trang)                                     Thời gian : 180 phút ( không kể thời gian giao đề)

ĐỀ

Câu 1. Tại sao virut kí sinh ở thực vật không tự xâm nhập được vào trong tế bào? Virut kí sinh ở thực vật lan truyền theo những con đường nào? Để phòng bệnh cho cây trồng cần có những biện pháp gì? (2 điểm).

 Câu 2. Tại sao năng suất quang hợp của cây C4 cao hơn nhiều lần so với cây C3 . Hãy nói rõ nguyên nhân làm giảm năng suất cây C3. ( 2 điểm )

Câu 3. Ở người mắc bệnh về gan, da và mắt thường có màu gì? Giải thích tại sao lại có màu như vậy? Những người mắc bệnh này cần có chế độ ăn kiêng như thế nào? ( 3 điểm).

Câu 4. Nhịp tim là gì? Nhịp tim của một số loài động vật như sau: voi 25 – 40 nhịp/phút, bò 50 – 70 nhịp/ phút, mèo 110-130 nhịp/phút, chuột 720- 780 nhịp/phút. Cho biết mối liên quan giữa nhịp tim với khối lượng cơ thể? Tại sao có sự khác nhau về nhịp tim ở các loài động vật? (4 điểm)

Câu 5. Có 5 tế bào sinh dục sơ khai phân bào liên tiếp với số lần như nhau ở vùng sinh sản, môi trường cung cấp 1240 nhiễm sắc thể đơn. Tất cả tế bào con đến vùng chín đều giảm phân đã đòi hỏi môi trường cung cấp thêm 1280 nhiễm sắc thể đơn. Hiệu suất thụ tinh của giao tử là 20% và tạo ra 128 giao tử. Biết không có hiện tượng trao đổi chéo xảy ra trong giảm phân. Hãy cho biết:

   a. Bộ nhiễm sắc thể của loài? Cho biết đó là loài gì? ( 2điểm)

   b. Tế bào sơ khai là đực hay cái? Giải thích? ( 2điểm) .

 Câu 6. Vì sao ruột của động vật ăn cỏ dài hơn ruột của động vật ăn thịt? ( 2 điểm )

 Câu 7. Giải thích tại sao các động vật sống trên cạn không thải được các chất thải nitơ là NH3 mà thải dưới dạng urê? ( 3 điểm ).

ĐÁP ÁN

Câu 1. Tại sao virut kí sinh ở thực vật không tự xâm nhập được vào trong tế bào? Virut kí sinh ở thực vật lan truyền theo những con đường nào? Để phòng bệnh cho cây trồng cần có những biện pháp gì? (2 điểm)

  - Vì tế bào thực vật có thành xenlulozơ nên rất bền vững và không có thụ thể. (0,5 điểm)

   - Đường lây truyền: chủ yếu nhờ vết tiêm chích của côn trùng hoặc các vết xước... (0,5 điểm)

  - Biện pháp phòng bệnh: vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng, tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh và chọn giống cây sạch bệnh. (1 điểm).

Câu 2. Tại sao năng suất quang hợp của cây C4 cao hơn nhiều lần so với cây C3 . Hãy nói rõ nguyên nhân làm giảm năng suất cây C3.

 -  Tại vì cây C4 có quá trình cố định CO2 hỗ trợ ở tế bào nhu mô giậu cùng với quá trình cố định CO2 ở tế bào bao bó mạch làm tăng năng suất quang hợp, cây Ccường độ quang hợp cao hơn , điêm bù CO 2  thấp hơn, điểm bão hòa ánh sáng cao hơn, nhu cầu nước thấp hơn, thoát hơi nước thấp hơn. Còn cây C3 chỉ thực hiện chu trình Calvin, lại có quá trình hô hấp sáng làm giảm lượng nguyên liệu, giảm sản phẩm tạo thành và không tạo ATP nên hiệu quả quang hợp giảm thấp hơn so với cây C4..( 2điểm).

Câu 3. Ở người mắc bệnh về gan, da và mắt thường có màu gì? Giải thích tại sao lại có màu như vậy? Những người mắc bệnh này cần có chế độ ăn kiêng như thế nào? ( 3 điểm).

 - Người mắc bệnh về gan, da và mắt thường có màu vàng. (1điểm)

  - Nguyên nhân là do các sắc tố mật có bản chất là bilirubin ( là sản phẩm phân hủy của hêmôglobin), chất này làm cho phân có màu vàng. Nếu ống dẫn mật bị tắc hoặc gan bị bệnh thì máu có nhiều bilirubin, làm cho da và mắt có màu vàng. (1,5 điểm)

  - Ăn kiêng những thức ăn giàu lipit.(0,5 điểm)

Câu 4. Nhịp tim là gì? Nhịp tim của một số loài động vật như sau: voi 25 – 40 nhịp/phút, bò 50 – 70 nhịp/ phút, mèo 110-130 nhịp/phút, chuột 720- 780 nhịp/phút. Cho biết mối liên quan giữa nhịp tim với khối lượng cơ thể? Tại sao có sự khác nhau về nhịp tim ở các loài động vật? (4 điểm)

- Nhịp tim là số lần co bóp tim trong một phút. (1 điểm).

- Động vật càng nhỏ tim đập càng nhanh và ngược lại động vật càng lớn tim đập càng chậm. (1 điểm).

-  Có sự khác nhau về nhịp tim giữa các loài động vật như trên là do tỉ lệ giữa diện tích bề mặt cơ thể và thể tích cơ thể khác nhau ( tỉ lệ S/V). Động vật càng nhỏ thì tỉ lệ S/V càng lớn, tỉ lệ S/V càng lớn thì nhiệt lượng mất vào môi trường xung quanh càng nhiều, chuyển hóa tăng lên, tim đập nhanh hơn để đáp ứng đủ nhu cầu ôxi cho quá trình chuyển hóa. ( 2 điểm)

Câu 5. Có 5 tế bào sinh dục sơ khai phân bào liên tiếp với số lần như nhau ở vùng sinh sản, môi trường cung cấp 1240 nhiễm sắc thể đơn. Tất cả tế bào con đến vùng chín đều giảm phân đã đòi hỏi môi trường cung cấp thêm 1280 nhiễm sắc thể đơn. Hiệu suất thụ tinh của giao tử là 20% và tạo ra 128 giao tử. Biết không có hiện tượng trao đổi chéo xảy ra trong giảm phân. Hãy cho biết:

   a. Bộ nhiễm sắc thể của loài? Cho biết đó là loài gì? ( 2điểm)

   b. Tế bào sơ khai là đực hay cái? Giải thích? .

   a.     2n   x ( 2k – 1) x 5 = 1240

          2n   x ( 2k) x 5 = 1280

          2n = 8, ruồi giấm. ( 2 điểm )

   b. 2n   x ( 2k) x 5 = 1280, k = 5.

    Số tế bào con tạo ra là 160. (0,5 điểm)

    Số giao tử tham gia thụ tinh (128x100): 20 = 640.( 0,5 điểm )

     Số giao tử hình thành từ mỗi tế bào con là: 640 : 160 = 4  => tế bào sơ khai đực. ( 1 điểm ).

Câu 6. Vì sao ruột của động vật ăn cỏ dài hơn ruột của động vật ăn thịt? ( 2 điểm )

   - Động vật ăn cỏ: thức ăn nghèo chất dinh dưỡng, chủ yếu là xenlulozơ, thức ăn cứng, khó tiêu hóa

 ( tiêu hóa ở miệng xảy ra qua loa) nên ruột phải dài để quá trình tiêu hóa và hấp thụ được triệt để.

(1 điểm)

  - Động vật ăn thịt : thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và giàu chất dinh dưỡng , tiêu hóa cơ học ở miệng thực hiện mạnh ( tạo điều kiện cho tiêu hóa hóa học ở giai đoạn sau)  nên ruột ngắn, khối lượng cơ thể giảm, dễ di chuyển săn mồi. ( 1 điểm )

Câu 7. Giải thích tại sao các động vật sống trên cạn không thải được các chất thải nitơ là NH3 mà thải dưới dạng urê? (3 điểm).   

 -  NH3   là sản phẩm của chuyển hóa prôteein được tiến hành trong gan, là một chất hòa tan trong nước, rất độc, dù ở nồng độ rất thấp cũng có thể giêt chết tế bào, nên cần thải nhanh NH3 dưới dạng dung dịch, càng loãng càng tốt. Thải 1gam nitơ dưới dạng NH3 cần tới 300- 500ml nước nên chỉ có những động vật sống trong môi trường nước ngọt mới thải được NH3 qua mang và phần nhỏ qua nước tiểu rất loãng. ( 1,5 điểm)

 - Các động vật sống trên cạn không đủ nước để pha loãng và thải NH3 nên được cơ thể chuyển thành urê hay axit uric, chất ít độc, tốn ít nước. Quá trình chuyển hóa này tiến hành ở gan và tiêu tốn năng lượng. Vì vậy, thải urê hay axit uric là hình thức giữ nước đối với các động vật sống trên cạn. (1,5 điểm)

Trên đây là toàn bộ nội dung Đề thi HSG môn Sinh học 12 năm 2020 - Trường THPT Phan Chu Trinh có đáp án, để theo dõi nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác vui lòng đăng nhập vào hệ thống Chúng tôi chọn chức năng xem online hoặc tải về máy!

Ngoài ra các em học sinh có thể tham khảo các đề thi cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập thật tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?