SỞ GD&ĐT HÀ NỘI ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I – NĂM HỌC 2017 – 2018
TRƯỜNG THPT TRUNG GIÃ Môn: Ngữ Văn – LỚP 12
Thời gian 90 phút (không kể giao đề)
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Về nước sau 10 năm học tập và sinh sống ở Anh, chỉ có vài ngày, anh bạn tôi đã phải thốt lên: “Toàn người ăn, người chơi thế này thì lấy ai xây dựng đất nước?”. Vào lúc 8 – 9 giờ sáng, cao điểm nhất của giờ làm việc, nam thanh nữ tú ngồi la liệt lướt điện thoại. Người gác chân thủng thẳng, người thẩn thơ gạt tàn thuốc, nhâm nhi cà phê. Đến chiều cũng vào giờ hành chính, các quán cà phê vẫn cứ tấp nập người. Sau 16 giờ, các quán nhậu từ sang trọng đến bình dân đều đông nghẹt. Khách hàng trẻ người Việt đã trở thành “cỗ máy in tiền” cho các quán cà phê, đồ ăn nhanh…Thậm chí, những thương hiệu gà rán, đồ ăn nhanh mà bạn tôi nói rằng bên nước ngoài ế ẩm lắm thì vào Việt Nam lại trở thành “hàng hót”. Người trẻ kéo nhau vào giết thời gian, đồng thời thể hiện độ sành điệu.
Trong cuộc giao lưu, với câu hỏi làm sao để trở nên giàu có của các bạn trẻ, chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia chua chát trả lời rằng, trước khi bàn đến việc to tát, các bạn hãy dồn sức vào công việc nhỏ, hãy bớt thời gian cà phê, ăn nhậu, thời gian lên mạng vô bổ,… Lười mà thích chơi sang, sự lãng phí không chỉ chuyện những chai bia, điện thoại xịn, xe đẹp mà rất nhiều người Việt đang phung phí cả những thứ quí giá nhất của đời người là thời gian, sức khỏe và trí tuệ”
(Theo Dantri.com.vn.)
Câu 1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ chính của văn bản trên?
Câu 2. Văn bản trên đã nhắc đến những điều đáng trách nào của một bộ phận giới trẻ?
Câu 3. Trong văn bản trên, lời khuyên đưa ra cho những người trẻ tuổi muốn làm giàu là gì?
Câu 4. Thế hệ trước đã đổ bao xương máu để xây dựng nên “Quê hương ta như một thiên đường”. Vậy thế hệ trẻ hiện nay đã sống xứng đáng với sự hy sinh đó hay chưa? ( Trình bày khoảng 5 dòng)
PHẦN II: LÀM VĂN (7.0 đ)
1. Từ văn bản phần đọc – hiểu anh/chị hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 từ) trình bày nhận thức và trách nhiệm của mình trước hiện tượng lãng phí thời gian và trí tuệ của giới trẻ hiện nay.
2. Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh:
…“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
(Sách Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2008)
---------HẾT---------
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I: ĐỌC – HIỂU:
Câu 1. PCNN: Báo chí
Câu 2. Điều đáng trách của một bộ phận giới trẻ: Lười mà thích chơi sang: Cà phê, ăn nhậu lướt mạng vô bổ…
Câu 3. Lời khuyên đưa ra cho những người trẻ tuổi muốn làm giàu: Hãy dồn sức vào công việc nhỏ, hãy bớt thời gian cà phê, ăn nhậu, thời gian lên mạng vô bổ.
Câu 4. Thế hệ trẻ hiện nay đã sống xứng đáng với sự hy sinh đó hay chưa?
– Sống chưa xứng đáng với cha anh.
– Hãy sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn.
– Hãy tích cực học tập và không ngừng sáng tạo trong lao động để làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, tổ quốc….
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1: * Làm rõ hiện tượng:
– Thế nào là lãng phí? Hiện tượng gây nên sự tiêu hao, tốn kém không cần thiết thời gian, trí tuệ.
– Biểu hiện: Ăn chơi, tiệc tùng, sa vào những trò chơi vô bổ mà lười học tập, lười lao động,…
* Nhận thức về hiện tượng
– Lãng phí thời gian: Hàng ngày ở các quán nét, các quán cà phê, gián mắt trên điện thoại…
– Lãng phí trí tuệ: Lười học tập, lười suy nghĩ, quen hưởng thụ…
* Tuổi trẻ phải làm gì trước hiện tượng lãng phí thời gian và trí tuệ của một số bộ phận giới trẻ hiện nay?
– Chung sức cùng xã hội chống lại hiện tượng lãng phí
– Mỗi thanh niên chúng ta cần biết đầu tư vào những việc có ích như không ngừng học tập sáng tạo, sống vì gia đình, vì cộng đồng, đừng sống hoài, sống phí những năm tháng tuổi trẻ.
– Chống lãng phí không phải là của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể mà của cả cộng đồng.
⇒ Mỗi chúng ta hãy biết sống giản dị, tiết kiệm thời gian, trí tuệ để làm giàu cho chính bản thân, gia đình và đất nước.
2.a. MB:
– Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”
– Giới thiệu đoạn thơ: vị trí, nội dung…
– Trích dẫn đoạn thơ
b. TB:
* Hình tượng “sóng” và “em”trong bài thơ
* Khổ 5: nỗi nhớ trong tình yêu
– Nhà thơ mượn “sóng” để nói lên nỗi nhớ trong tình yêu: Nỗi nhớ bao trùm cả không gian và thời gian…
– Mượn sóng để nói lên nỗi lòng dường như chưa đủ, nhân vật trữ tình tách ra để trực tiếp bộc bạch nỗi nhớ “lòng em…”
– Cách thể hiện mới mẻ của Xuân Quỳnh…
* Khổ 6: ước nguyện thủy chung trong tình yêu
Dùng cách nói ngược (xuôi – Bắc, ngược – Nam) )→ tác giả khẳng định dù cuộc đời có nghịch lí, ngang trái thì em vẫn hướng về một phương, “phương anh”. “Phương anh”, đó là tâm trạng, là nơi hướng về của một ty đắm say.
* Đánh giá chung
– Thể thơ năm chữ với âm điệu nhịp nhàng được dùng một cách sáng tạo, thể hiện nhịp của sóng biển, nhịp lòng của thi sĩ
– Hình tượng ẩn dụ độc đáo
– Giọng thơ tha thiết, sâu lắng
– Đoạn thơ đã thể hiện rõ phong cách thơ XQ. Đó là vẻ đẹp trong tâm hồn của người phụ nữ đang yêu..
c. KB:
– Khẳng định lại về hai khổ thơ
– Khái quát chung về bài thơ, liên hệ…
* Lưu ý: Trên đây chỉ là định hướng của cá nhân nên giáo viên linh hoạt khi cho điểm để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh.
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Tài liệu Đề thi HK 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017, Trường THPT Trung Giã. Để tham khảo thêm nội dung của Đề thi HKI môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017, Trường THPT Trung Giã, các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.