SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP HCM ĐỀ THI GIỮA KÌ II NĂM HỌC 2018-2019
TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI Bài thi: NGỮ VĂN- KHỐI 10
Thời gian làm bài: 60 phút, không kể thời gian phát đề
Đề:
“Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ còn ghi.”
(….)
(Trích Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi, SGK Ngữ Văn 10, tập 2, tr 17 )
Cảm nhận của anh/chị về đoạn văn trên. Từ vấn đề được tác giả đặt ra trong đoạn văn trên, anh/chị có suy nghĩ gì về vai trò của yếu tố văn hóa đối với việc khẳng định độc lập dân tộc, đặc biệt trước làn sóng du nhập văn hóa nước ngoài vào Việt Nam.
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
------------------------HẾT-----------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học
- Nắm vững kĩ năng phân tích thể loại Cáo; biết cách kết hợp viết đoạn văn liên hệ thực tế, vận dụng tốt các thao tác lập luận, văn viết có cảm xúc.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Song trên cơ sở phân tích, so sánh và bình luận làm nổi bật được những nôi dung chính trong đoạn văn:
- Cảm nhận về đoạn văn (8 điểm)
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận
- Cảm nhận đoạn văn:
- Đây là đoạn văn Nguyễn Trãi khẳng định chân lý độc lập dựa trên:
- Tư tưởng nhân nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân / Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
- ⇒ “Nhân nghĩa” là “yên dân trừ bạo”, là tiêu trừ tham tàn bạo ngược, bảo vệ cuộc sống yên ổn của dân
- ⇒ Tuy nhiên Nguyễn Trãi đã chắt lọc cái hạt nhân cơ bản, tích cực của việc làm nhân nghĩa: chủ yếu để yên dân, trước nhất là trừ bạo.
- ⇒ Nguyễn Trãi đã đem đến một nội dung mới cho tư tưởng nhân nghĩa, lấy ra từ thực tiễn dân tộc để dưa vào tiền đề: nhân nghĩa phải gắn liền với chống xâm lược.
- Chân lý khách quan về sự tồn tại độc lập chủ quyền của dân tộc:
- ⇒ Nguyễn Trãi đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định độc lập, chủ quyền của dân tộc: cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời và thêm nữa là lịch sử riêng, chế độ riêng với hào kiệt đời nào cũng có.
- ⇒ Nêu chân lí khách quan về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của dân tộc Đại Việt để tăng thêm sức thuyết phục, Nguyễn Trãi đã dùng biện pháp so sánh: so sánh ta với Trung Quốc, đặt ta ngang hàng với Trung Quốc, sử dụng các từ ngữ mang tính hiển nhiên, vốn có: “từ trước”, “vốn”, “đã lâu”, “đã chia”, “bao đời”…..
- ⇒ Nguyễn Trãi đã phát biểu một cách hoàn chỉnh quan niệm của mình về quốc gia, dân tộc.
- Nêu nguyên lí nhân nghĩa, chân lí khách quan, Nguyễn Trãi đưa ra những chứng minh đầy tính thuyết phục về sức mạnh của nhân nghĩa, của chân lí: Lưu Cung bị thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô, Ô Mã, kẻ bị giết, người bị bắt. Tác giả lấy chứng cứ còn ghi để chứng minh cho sức mạnh của chính nghĩa, đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc.
- Đánh giá:
- ⇒ Đây là đoạn văn tiêu biểu và kết tinh học thuyết về quốc gia, dân tộc của Nguyễn Trãi.
- ⇒ Đoạn văn thể hiện nghệ thuật lập luận chặt chẽ, sắc bén của Nguyễn Trãi: đi từ chân lý khách quan đến thực tế lịch sử để khẳng định tính đúng đắn, hợp lý của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
- ⇒ Đoạn văn thể hiện tính nhân văn sâu sắc
- Đây là đoạn văn Nguyễn Trãi khẳng định chân lý độc lập dựa trên:
- Liên hệ thực tế
- Chuyển ý
- Học sinh nêu lên được quan điểm của bản thân và có lý lẽ thuyết phục:
- Đồng ý: Phải kiên quyết bảo vệ nền văn hóa lâu đời của dân tộc vì đó là yếu tố để khẳng định độc lập quốc gia, không chấp nhận việc du nhập văn hóa nước ngoài.
- Không đồng ý: Trong thời đại toàn cầu hóa, cần cởi mở cho nhiều nền văn hóa khác nhau vào Việt Nam để mọi người có cơ hội học hỏi, tiếp thu từ đó dễ dàng hòa nhập với thế giới.
- Ý kiến khác: Vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa các nước phù hợp với Việt Nam vừa bảo vệ bản sắc văn hóa Việt, hòa nhập mà không hóa tan.
- Rút ra bài học cho bản thân
- Lưu ý:
- Khi làm bài, học sinh kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật
- Chấm điểm khuyến khích đối với những bài viết sáng tạo.