Đề thi giữa HK2 lớp 10 năm 2018-2019 môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP HCM                               ĐỀ THI GIỮA KÌ II NĂM HỌC 2018-2019

TRƯỜNG THPT NGUYỄN CHÍ THANH                                     Bài thi: NGỮ VĂN

                                               Thời gian làm bài: 60 phút, không kể thời gian phát đề

 

ĐỀ BÀI 

Đọc đoạn văn sau và thực hiện theo yêu cầu:

“Than ôi! Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?

Ngô Tử Văn là một chàng áo vải. Vì cứng cỏi cho nên dám đốt cháy đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và được giữ chức vị ở Minh ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.”

(Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10, trang 60, tập II, NXBGD 2006)

Câu 1. Nêu nội dung chính của văn bản. (1.0 điểm)

Câu 2. Văn bản có nhắc đến hành động đốt cháy đền tà của Ngô Tử Văn, hãy nêu cụ thể những chi tiết liên quan đến ngôi đền này. (2.0 điểm)

Câu 3. Qua văn bản, nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm như thế nào với nhân vật Ngô Tử Văn? (1.0 điểm)

Câu 4. Câu văn nào trong văn bản có ý bác bỏ quan niệm “đổi cứng ra mềm” của những kẻ sĩ cơ hội, cầu an? Cách bác bỏ thuyết phục người đọc nhờ dựa trên cơ sở nào? (2.0 điểm)

Câu 5. Sau khi đọc truyện có bạn học sinh cho rằng: “Trong thực tế, không nên sống “cứng cỏi” theo kiểu Ngô Tử Văn vì như vậy chỉ mang lại sự thiệt thòi cho bản thân.” Anh/ chị có đồng ý với ý kiến đó không? Hãy viết đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) trình bày quan điểm của mình. (4.0 điểm)

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

------------------------HẾT-----------------------

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Câu 1: Nội dung chính:

  • Lời răn về nhân cách của kẻ sĩ: phải sống cương trực, ngay thẳng, cứng cỏi.

Câu 2: Những chi tiết liên quan đến ngôi đền:

  • Ngôi đền vốn trước đây là đền thờ thổ công.
  • Sau bị tên Bách hộ họ Thôi là bộ tướng của Mộc Thạnh tử trận gần đấy chiếm lấy, rồi làm yêu làm quái trong dân gian.

Câu 3: Nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm: ca ngợi, khâm phục sự cứng cỏi và lòng can đảm của nhân vật Ngô Tử Văn.

Câu 4:

  • Câu văn trong văn bản có ý bác bỏ quan niệm “đổi cứng ra mềm” của những kẻ sĩ cơ hội, cầu an: Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.
  • Cách bác bỏ thuyết phục người đọc dựa trên cơ sở:
    • Lí lẽ: Than ôi! Người ta vẫn nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời.
    • Dẫn chứng thực tế: hành động của Ngô Tử Văn được ngợi ca

Câu 5: “Trong thực tế, không nên sống “cứng cỏi” theo kiểu Ngô Tử Văn vì như vậy chỉ mang lại sự thiệt thòi cho bản thân.” Anh/ chị có đồng ý với ý kiến đó không? Hãy viết đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) trình bày quan điểm của mình.    

  • Yêu cầu về kĩ năng (1.0 điểm):
    • Biết cách viết đoạn văn nghị luận. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, chính tả.
    • Đảm bảo dung lượng
  • Yêu cầu về kiến thức (3.0 điểm): Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí, tập trung bày tỏ quan điểm cá nhân.
  • Gợi ý
    • Dẫn đề (0.5 điểm)
    • Đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến trên (0.5 điểm)
    • Đưa ra được quan điểm của cá nhân thông qua lí lẽ, dẫn chứng (1.5 điểm)
    • Rút ra bài học cho bản thân/chốt lại vấn đề (0.5 điểm)
    • Lưu ý: Quan điểm cá nhân phải tích cực, dựa trên đạo đức văn hóa và lối sống của người Việt Nam.
  • Lưu ý:
    • Bài viết cẩu thả, bôi xóa nhiều: -1.0 điểm toàn bài
    • Trả lời không tròn câu: -0.5 điểm toàn bài

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?