Đề thi chọn đội tuyển HSG Quốc gia môn Ngữ văn lớp 12 năm 2019

ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA LỚP 12

NĂM HỌC 2018-2019

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1 (8 điểm)

NGỌC TRAI VÀ NGHỊCH CẢNH

Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt vào bên trong cơ thể một con trai.

Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát.

Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp...

(Theo Bùi Xuân Lộc, Lớn lên trong trái tim của mẹ, NXB trẻ, 2005)

Anh/chị hiểu như thế nào về câu chuyện trên? Nó cho Anh/chị bài học gì trong cuộc sống?

Câu 2 (12 điểm)

Bàn về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng: “Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc một “vấn đề nhân sinh”. Hãy phân tích tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) và “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) để làm sáng tỏ nhận định trên.

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1 (8 điểm)

Đây là dạng đề mở, thí sinh có quyền tự do trình bày suy nghĩ của mình theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên, cần đạt được một số yêu cầu căn bản sau:

  • Về hình thức:
    • Thí sinh có thể sử dụng các thao tác tạo lập văn bản khác nhau nhưng cần phải phù hợp và nhuần nhuyễn. Đồng thời thí sinh cũng được tự do huy động các chất liệu khác nhau thuộc các lĩnh vực: sách vở, đời sống, hoặc những trải nghiệm của bản thân để làm bài. Tuy nhiên bài làm phải xác định rõ vấn đề thuộc về thực tế đời sống chứ không phải trong tác phẩm văn học.
    • Bài viết đúng là bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
  • Về nội dung:
    • Bài làm cần đạt được những ý cơ bản sau:
      • Hiểu được ý nghĩa của câu chuyện:
        • Hạt cát và ngọc trai đã được nhân hóa lên trở thành ý nghĩa biểu tượng:
          • Hạt cát là biểu tượng cho khó khăn và những điều bất thường... có thể đến với con người bất cứ lúc nào.
          • Con trai đã tiết ra chất dẻo... là biểu tượng cho con người phải biết khắc phục ứng phó vượt qua hoàn cảnh.
        • → Từ câu chuyện trên đã nêu lên vấn đề về cách sống, ta phải biết vươn lên trong cuộc sống mới tồn tại được. Phải học cách sống như con trai: mạnh dạn đối mặt với khó khăn gian khổ, trải nghiệm những thử thách, học biết cách sống đối đầu và dũng cảm.
      • Bàn bạc, đánh giá:
        • Câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đối với mọi người:
          • Hạt cát đã làm cho con trai đau đớn nhưng nó không bất lực, không đầu hàng, không gục ngã, nó đã biết tiết ra chất dẻo để tự khắc phục đau đớn của mình.
          • Khó khăn trở ngại vẫn thường xảy ra trong cuộc sống.
          • Hạt cát tượng trưng cho những khó khăn, gian nan, và vất vả mà con người đã gặp trên đường đời.
          • Không quan trọng mức độ khó khăn, mà quan trọng bạn có đủ nghị lực, tự tin, sức mạnh để vượt qua nó không (Con trai đã cố gắng nỗ lực, không tống được hạt cát thì nó đối phó bằng cách tiết ra chất dẻo bọc quanh hạt cát...)
          • Quy tắc thành công thực sự rất đơn giản: Nỗ lực và kiên trì.
          • Chủ động đón nhận nghịch cảnh và chiến thắng nó thì cuộc sống con người mới thật có ý nghĩa.
          • (Học sinh bàn bạc, đánh giá lấy dẫn chứng chứng minh)
          • Phê phán: Những người không nỗ lực, kiên trì, không đủ tự tin, sức mạnh để vượt qua chông gai, thử thách của cuộc sống... (Học sinh lấy dẫn chứng để chứng minh).
      • Bài học được rút ra:
        • Trong cuộc sống con người khó có thể gặp mọi sự đều thuận buồm xuôi gió, bình yên, tốt lành.
        • Nên có ý thức sống và phấn đấu, đừng bao giờ đầu hàng, hãy can đảm đối đầu khắc phục.
        • Khẳng định lối sống tích cực: Động viên, cổ vũ con người nỗ lực vươn lên...
        • (Học sinh có thể lấy những dẫn chứng, cứ liệu khác nhau để minh hoạ, miễn là  phải phù hợp và biết cách trình bày cho tự nhiên, chân thực; không rơi vào lan man, công thức, khẩu hiệu, sáo rỗng).
  • Cho điểm:
    • Điểm 8: Bài viết đảm bảo các yêu cầu trên, có thể mắc 1-2 lỗi nhỏ.
    • Điểm 6: Bài viết đảm bảo 2/3 yêu cầu trên, có thể viết tốt ý 2; ý 3 chưa nói được chính xác, sắc sảo.
    • Điểm 4: Có hiểu đề , bước đầu  đã có  giải thích, phần bàn luận viết không thuyết phục, không sâu, thiếu trọng tâm.
    • Điểm 2: Hiểu sơ sài, viết lan man.
    • Điểm 0: Không hiểu đề, viết lạc đề.

Câu 2 (12 điểm)

Bài làm cần đạt được những yêu cầu cơ bản sau:

  • Về hình thức
    • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, sử dụng kết hợp các thao tác nghị luận giải quyết một vấn đề văn học theo yêu cầu của đề bài. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
  • Về nội dung
  • Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần đạt  những ý cơ bản sau:
    • Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn ý kiến bàn về truyện ngắn.
    • Nêu cách hiểu của bản thân về ý kiến: “Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật, nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc một “vấn đề nhân sinh”.
      • Nguyễn Kiên khẳng định: “Truyện ngắn chỉ là một lát cắt, một mảnh nhỏ của cuộc sống”. Nhưng để có một lát cắt thật đẹp và thật ngọt, phải là một nghệ sĩ có tài năng thực thụ.
      • Người cầm bút phải có một năng lực quan sát tinh tế, khả năng nắm bắt cuộc sống để có thể nhận ra: “Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của nhân vật”. Bởi cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đôi khi những cái tầm thường che lấp cả những điều đẹp đẽ, tinh khôi, đáng trọng. -> Đôi mắt tinh tường của người nghệ sĩ có nhiệm vụ lặn sâu dưới cuộc đời để tìm kiếm những vẻ đẹp khuất lấp ấy.
      • Truyện ngắn tuy ngắn, không phải ở dung lượng mà chính là ở “cái nhìn tự sự ở dưới cuộc đời”. Cái nhìn ấy sắc sảo, luôn hướng về con người, luôn luôn nói lên “một vấn đề nhân sinh”. Con người và các mối quan hệ của con người đều là đề tài cho văn chương, đều được các nghệ sĩ tài năng đề cập đến.
      • Văn học nghệ thuật không chỉ là tấm gương đời sống mà còn là tấm gương tâm hồn của người nghệ sĩ. Cầm bút để trải lòng cất lên tiếng đàn hồn đa thanh điệu. Cầm bút trước hết là để thỏa mãn những trăn trở, những lo lắng, băn khoăn về cuộc đời về con người. Cầm bút trước hết là đi tìm sự đồng cảm, được đối thoại.
      • Nhận định vừa đúng đắn, thiết thực, thể hiện sự hiểu biết, tình yêu của tác giả đối với thể loại truyện ngắn - loại văn “vỏ mỏng lõi đầy”. Nêu lên chức năng quan trọng nhất của văn học: Phản ánh cuộc sống với tâm điểm con người.
    • Chứng minh:
      • Học sinh phân tích tác “Vợ nhặt” - Kim Lân, “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu  để chứng minh. Phần chứng minh cần đảm bảo yêu cầu sau:
        • Chiếc thuyền ngoài xa: Viết về cuộc sống và con người khi chiến tranh đã đi qua, nhà văn nhận ra những di chứng, căn bệnh thời hậu chiến. Cuộc sống đói nghèo, đau thương... thách thức con người.
          • Nhân vật Phùng: Nhà văn khai sáng Phùng và bạn đọc vấn đề đau đớn về “nhân sinh”. Cuốc sống đa đoan, con người đa sự, không thể nhìn sự vật, hiện tượng đánh giá.
          • Người đàn bà hàng chài: Nhà văn muốn đối thoại với bạn đọc, phơi bày nỗi lòng của người phụ nữ ta nhận ra nguyên nhân giết chết hạnh phúc gia đình là cuộc đời, nghèo khó, bất hạnh. Con người phải mưu sinh cuộc sống.
          • Cảnh ngộ đáng thương của người đàn bà hàng chài tác giả đặt ra vấn đề triết lý nhân sinh: sự cảm thông cho số phận con người và kiếm tìm con đường giải thoát tội cho họ.
        • Vợ nhặt: Tác giả chọn nhân vật chính Tràng và thị- những người nghèo khổ, xấu xí. → Dụng ý: Nhà văn muốn cho bạn đọc nhìn thấy phẩm chất cao đẹp, tình người đôn hậu có thể xuất phát từ những nơi tưởng như không thể.
        • → Vấn đề nhân sinh: Quyền sống, quyền con người không chỉ trong thời chiến mà cho tất cả mọi thời.
    • Đánh giá khát quát:
      • Ý kiến nêu vấn đề đặc trưng của truyện ngắn. Ngoài việc phản ánh cuộc sống như “Thư kí trung thành”, văn chương giáo dục cho chúng ta vấn đề nhân sinh.
  • Thang điểm:
    • Điểm 12: Bài viết đảm bảo các ý trên, kiến thức lí luận chắc chắn, biết phân tích tác phẩm để làm sáng tỏ phần lí luận. Văn viết lưu loát, phần phân tích, cảm thụ viết tốt, giàu cảm xúc. Bố cục mạch lạc, chỉ mắc 1-2 sai sót nhỏ. Đối với những bài có phát hiện sáng tạo, khám phá mới mẻ, có năng lực văn chương thì tuy chưa đáp ứng đầy đủ về mặt ý (có ý nói chưa sâu) nhưng vẫn có thể cho điểm tối đa.
    • Điểm 10: Hiểu đề, có kiến thức lí luận. Bố cục mạch lạc, văn viết lưu loát. Có thể phần phân tích tác phẩm viết chưa thật nhuần nhuyễn, cảm xúc nhưng sát với phần lí luận đã trình bày và bước đầu đã có phát hiện, cảm thụ riêng về tác phẩm.
    • Điểm 8: Hiểu đề. Giải thích được nhận định của đề bài nhưng chưa sâu, chưa toàn diện. Đã  phân tích  tác phẩm làm rõ nhận định.
    • Điểm 5: Đáp ứng được nửa yêu cầu trên. Bài viết có bố cục rõ ràng. Phần phân tích tác phẩm có thể viết còn đơn giản, chưa có sự sắc nét.
    • Điểm 4: Bài viết có bố cục rõ ràng nhưng chưa hiểu rõ nhận định trong đề bài. Ở phần minh hoạ, phân tích chưa thuyết phục.
    • Điểm 2: Không hiểu rõ đề, viết sơ sài. Diễn đạt kém.
    • Điểm 0: Không hiểu đề. Viết lạc đề.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?