SỞ GD &ĐT PHÚ YÊN ĐỀ THAM KHẢO THPT QUỐC GIA
TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ NĂM HỌC: 2019 - 2020 MÔN: Ngữ Văn
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
Có lẽ các bạn sẽ không bao giờ bị thất bại như tôi đã trải qua, nhưng trong cuộc đời, thất bại là không thể tránh khỏi. Không thể sống mà không thất bại trong một việc gì đó, trừ phi ta sống dè dặt tới mức có thể coi như chưa sống - trong trường hợp đó, cả cuộc đời ta đã là một sự thất bại rồi.
Thất bại mang lại cho tôi một an bình về nội tâm mà tôi không bao giờ có khi thi đỗ những bài thi. Thất bại dạy cho tôi những điều về bản ngã của mình mà tôi không thể nào học được bằng cách nào khác. Tôi khám phá ra là tôi mạnh mẽ và kỷ luật hơn là mình tưởng; và cũng biết được rằng mình có nhiều người bạn đáng giá ngàn vàng. Ý thức được chuyện mình vượt qua những khó khăn để trở nên khôn ngoan và kiên cường hơn có nghĩa là từ rày về sau mình có thể bình tâm hiểu rằng mình có khả năng tồn tại. Các bạn không thể hiểu được bản thân mình hay bản chất những mối quan hệ của mình cho đến khi chúng được thử thách trong nghịch cảnh. Hiểu được bản thân mình và bản chất các mối quan hệ của mình là một phần thưởng lớn, bất chấp những giọt nước mắt đã phải chảy để có được nó, và nó đáng giá hơn bất cứ những thành tích nào mà tôi đã đạt được.
(Trích Bài phát biểu của nhà văn J. K. Rowling tại đại học Harvard, trong lễ chào mừng các sinh viên tốt nghiệp, hè năm 2008)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Đoạn trích trên bàn về vấn đề gì?
Câu 2. Chỉ ra những điều thất bại mang lại được tác giả nêu trong đoạn trích.
Câu 3. Theo anh/chiị, vì sao nhà văn lại nói về vấn đề thất bại trong lễ tốt nghiệp của sinh viên?
Câu 4. Anh/chị có nghĩ rằng trải qua nghịch cảnh, ta có thể hiểu được bản thân mình không? Tại sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về quan điểm được nêu trong đoạn trích: Trong cuộc đời, thất bại là không thể tránh khỏi.
Câu 2 (5.0 điểm)
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả sự thức tỉnh tâm hồn của Mị. Vào đêm tình mùa xuân: “Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra” và trong đêm A Phủ bị trói đứng: “Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo Mị cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...”.
(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ Văn 12 tập 2, tr. 7-8; 13-14)
Phân tích tâm trạng Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó nhận xét ngắn gọn về giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của tác phẩm.
..............HẾT..........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Đoạn trích bàn về sự thất bại.
Câu 2: Những điều mà thất bại mang lại được nêu trong đoạn trích:
- Mang lại cho tôi một an bình về nội tâm;
- Dạy cho tôi những điều về bản ngã của mình;
- Giúp tôi khám phá ra là tôi mạnh mẽ và kỷ luật hơn là mình tưởng;
- Giúp tôi biết được rằng mình có nhiều người bạn đáng giá ngàn vàng.
Câu 3:
Học sinh có thể lí giải theo hướng:
- Nhà văn muốn cho các sinh viên thấy rằng, dù họ là những người trẻ, có tri thức ưu tú, đầy nhiệt huyết,... nhưng cũng có thể gặp thất bại.
- Tuy nhiên, thất bại thực ra cũng có những lợi điểm của nó. Vì vậy, chúng ta không nên quá sợ hãi sự thất bại, mà hãy mạnh mẽ, rút ra kinh nghiệm và bài học từ thất bại để có thể thành công.
Câu 4:
HS có thể trả lời có hoặc không hoặc vừa có vừa không nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
a. Yêu cầu về hình thức
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Trong cuộc đời, thất bại là điều không thể tránh khỏi.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề trong cuộc sống thất bại là điều không thể tránh khỏi. Có thể theo hướng sau:
- Giải thích vấn đề: trong cuộc đời, không thể tránh khỏi thất bại.
- Bàn luận vấn đề:
- Thất bại là điều không ai mong muốn. Nhưng trong thực tế, rất ít người đi đến thành công mà không trải qua ít nhất một lần thất bại.
- Thất bại có thể do chủ quan hoặc khách quan, nhỏ hoặc lớn,...
- Trước thất bại, con người cần phải kiên cường đối đầu, bình tĩnh suy nghĩ, trau dồi tri thức, đúc kết kinh nghiệm để thành công.
- Phê phán người dễ chán nản, thoái chí trước những khó khăn thất bại.
- Bài học nhận thức và hành động.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy----------
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn của Trường THPT Ngô Gia Tự. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi THPTQG sắp tới.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
đề tham khảo THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn Trường THPT Lê Trung Kiên
đề thi thử THPT QG môn Ngữ Văn của Trường THPT Vĩnh Bảo
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn--