TRƯỜNG THPT QUANG HÀ ĐỀ ÔN THI THPT QG LẦN 2
NĂM HỌC: 2019 – 2020
MÔN: NGỮ VĂN
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Mỗi người trên thế giới đều là khách bộ hành, mỗi ngày đều bước đi một cách chủ động hoặc bị động trên con đường mình đã chọn...
Cuộc đời không chỉ là con đường đi khó, đôi khi chúng ta còn gặp pải những hố sâu do người khác tạo ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh. Bất luận gian khổ thế nào, chỉ cần chúng ta còn sống, chúng ta còn phải đối mặt. Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn...
Trước muôn vàn lối rẽ, không ai có được bản đồ trong tay, cũng không phải ai cũng có kim chỉ nam dẫn đường, tất cả đều phải dựa vào phán đoán và lựa chọn của bản thân. Nếu bạn rẽ nhầm lối, khoảng cách với xuất phát điểm sẽ bị rút ngắn; ngược lại, nếu rẽ đúng, con đường phía trước sẽ bằng phẳng, rộng
(Trích « Bí quyết thành công » của Bill Gates, Khẩm Sài Nhân, NXB Hồng Đức)
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.
Câu 2 (0,75 điểm): Chỉ ra hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: «Cuộc đời không chỉ là con đường đi khó, đôi khi chúng ta còn gặp phải những hố sâu do người khác tạo ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh. »
Câu 3 (0,75 điểm): Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói : « Nếu bạn rẽ nhầm lối, khoảng cách với xuất phát điểm sẽ bị rút ngắn; ngược lại, nếu rẽ đúng, con đường phía trước sẽ bằng phẳng, rộng rãi».
Câu 4 (1,0 điểm): Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/ chị ?
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm).
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về chủ đề: Cuộc sống không bao giờ hết những thử thách.
Câu 2: (5.0 điểm)
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…“
mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ….”
(“Đất Nước”, trích trường ca “Mặt đường khát vọng”, SGK Ngữ văn 12, tập I, NXB Giáo dục, năm 2008, trang 118,119)
Hãy trình bày cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ trên. Qua đó, hãy lý giải vì sao khi nhận xét về Nguyễn Khoa Điềm có ý kiến cho rằng: “Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng…”. (Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập I, NXB Giáo dục, năm 2008, trang 118)
.............HẾT...........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHÀN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phong cách ngôn ngữ: chính luận
Câu 2:
Các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu là:
- So sánh: Cuộc đời – con đường đi khó
- Ẩn dụ: những hố sâu do người khác tạo ra, sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh- tượng trưng cho những cạm bẫy do con người tạo ra hoặc khó khăn do thiên nhiên gây ra.
- Liệt kê: những hố sâu do người khác tạo ra, sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh.
Tác dụng: Tạo nên cách diễn đạt hình ảnh ấn tượng,gợi nhiều suy nghĩ về những khó khăn thách thức trong cuộc sống.
Câu 3:
Câu nói khẳng định: trong cuộc đời nếu ta chọn sai hướng đi thì con đường đi tới thành công sẽ rất dài, rất nhiều gian nan, thử thách. Ngược lại, nếu có những quyết định, lựa chọn đúng đắn sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp, nhanh chóng đi đến thành công.
Câu 4:
Học sinh có thể rút ra nhiều thông điệp ý nghĩa, nhưng cần phù hợp với nội dung văn bản. Sau đây là gợi ý:
- Cuộc sống có muôn vàn khó khăn thử thách, chúng ta không thể chọn cách trốn tránh mãi được mà cần phải đối mặt, đương đầu để vượt qua.
- Trước muôn vàn ngã rẽ của cuộc đời, chúng ta cần suy nghĩ chín chắn, thận trọng, trách nhiệm và quyết đoán để có những lụa chọn đúng đắn.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1:
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cuộc sống không bao giờ hết những thử thách
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ các ý:
Giải thích vấn đề: Thử thách là những yếu tố gây khó khăn, cản trở đến việc thực hiện một công việc, một kế hoạch, một mục tiêu nào đó mà buộc con người ta phải vượt qua. Trong cuộc sống, thử thách luôn luôn tồn tại như một quy luật tất yếu trong sự vận động và phát triển của mỗi cá nhân cũng như của toàn xã hội.
=> Khái quát nội dung vấn đề: Quan điểm trên là một sự nhận thức về quy luật vận động của cuộc sống, nó vừa như một sự đúc kết, trải nghiệm, vừa như một sự nhắc nhở, cảnh báo đối với mọi người.
Phân tích, bàn luận
- Con người luôn luôn phải đối diện với những thử thách trong cuộc sống, lao động, học tập và trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Không có ai sống mà không phải đối diện với những thử thách trong cuộc đời.
- Con người cần phải có những thử thách để phát triển. Thử thách là một đòi hỏi tất yếu, là động lực để con người phấn đấu và vươn lên trong cuộc sống.
- Những thử thách trong cuộc sống có thể do khách quan hoặc chủ quan mang lại, nó có thể là hữu hình và cũng có thể vô hình. Thử thách xuất hiện ở mọi mặt đời sống và tồn tại dưới mọi hình thức.
- Xét về mức độ và phạm vi thì thử thách có thể là nhỏ hoặc lớn, có thể là đối với cá nhân, cũng có thể là đối với cộng đồng xã hội, với quốc gia dân tộc, thậm chí là đối với nhân loại.
- Con người cần phải biết đương đầu và vượt qua thử thách thì mới có thể tồn tại, phát triển và hướng tới thành công. Ngược lại, nếu không biết đương đầu và vượt qua thử thách thì con người sẽ thất bại và không thể tồn tại để phát triển được.
- Để vượt qua thử thách, con người cần có sức mạnh và luôn luôn rèn luyện để có sức mạnh, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, con người cần phải có niềm tin, ý chí, nghị lực và luôn trau dồi tri thức, kinh nghiệm.
- Trong thực tế cuộc sống, có rất nhiều người đã vượt qua những thử thách để đến với thành công, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ngược lại, có không ít người đã đầu hàng trước thử thách, có khi chỉ là thử thách rất nhỏ và chấp nhận thất bại, thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của cộng đồng xã hội.
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy---------
Trên đây là trích dẫn một phần Đề ôn thi THPT QG lần 2 năm 2020 môn Ngữ Văn - Trường THPT Quang Hà ( Đề số 2). Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Chúc các em đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---