SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM
TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN NĂM HỌC: 2019 - 2020
MÔN: Ngữ Văn 12
I.PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
(…)Tại Việt Nam đang thiếu vắng văn hoá nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp. Nền văn hoá của chúng ta tôn vinh thành công, nhưng không dung thứ, thậm chí vô cùng tàn nhẫn đối với thất bại.
Trước hết, chúng ta không có thói quen luôn khuyến khích, động viên với những ai có ý định bước ra khỏi vùng an toàn để dấn thân vào hành trình mới.
Thứ hai, văn hoá chúng ta không coi trọng việc gìn giữ, nuôi dưỡng và tôn vinh “gene mạo hiểm”, tất nhiên là mạo hiểm có hiểu biết. Theo thống kê từ các đại học Mỹ, du học sinh Việt Nam ít tham gia những môn thể thao mạo hiểm nhất, ví dụ leo núi và nhảy dù. Cho dù đây là những môn học rất hấp dẫn, luôn thu hút sự tham gia du học sinh từ những quốc gia khác. Tỷ lệ những người tham gia các môn thể thao mạo hiểm ở Việt Nam luôn ở hàng thấp nhất thế giới.
Tôi mới gặp một trong những "cá mập" nổi tiếng giới khởi nghiệp. Là người sáng lập một tập đoàn giáo dục lớn đã có lịch sử phát triển hơn 20 năm và gặt những thành công không thể phủ nhận nhưng anh vẫn luôn nhận mình là "doanh nhân khởi nghiệp". Trong câu chuyện kéo dài xuyên đêm giữa chúng tôi về những dự định lớn lao, anh bảo “Thách thức lớn nhất tôi phải đối mặt là sự thiếu vắng nhân sự lãnh đạo cấp cao”. Bởi những người có năng lực mà anh gặp phần lớn đều không dám từ bỏ "vùng an toàn" - công việc quen thuộc và thu nhập cao, ổn định; hoặc họ chỉ tính toán, thu vén lợi ích ngắn hạn thay vì dấn thân trong hành trình chinh phục những mục tiêu mới và hạnh phúc vì ý nghĩa của việc mình làm.
Chúng ta hầu hết có xu hướng tìm kiếm một hành trình êm đềm trong sự nghiệp. Song, sự ưa thích mạo hiểm có hiểu biết mới thật sự là một bộ gene quí giá, đối với bất cứ cá nhân nào, gia đình, dân tộc nào. Nếu không phải chúng ta thì ai có trách nhiệm nuôi dưỡng, gìn giữ và truyền lại thế hệ sau tố chất đó?
Cuối cùng, tất cả những người đã dấn thân vào khởi nghiệp đều hiểu rằng cái giá của thất bại vô cùng lớn. Đó không phải chỉ là sự tổn thất về vật chất, tiền bạc, mà chính là sự tra tấn tinh thần từ sự khinh thị, chê bai, những lời đàm tiếu của những người xung quanh, cả người thân trong gia đình, họ hàng lẫn các mối quan hệ xã hội. Có nhiều ngày, tôi chỉ đọc thấy những ý kiến phê phán, chỉ trích, miệt thị, đay nghiến với những người chưa thành công mà không thấy những suy nghĩ tích cực, điểm tốt, sự động viên, ủng hộ và đặt niềm tin vào những người từ bỏ vùng an toàn để làm điều mới.
(…)
Không cải thiện thái độ ấy, chúng ta phần lớn sẽ náu mình trong những vùng an toàn, hàng ngày kéo lê cuộc đời như một thói quen. Không phải vì ta muốn, không phải vì thiếu năng lực, mà là vì ta sợ.
(Bộ gene khởi nghiệp, Nguyễn Đăng Quang, https://vnexpress.net/goc-nhin)
Câu 1. Trong văn bản, cái giá của thất bại đối với người đã dấn thân vào khởi nghiệp là gì?
Câu 2. Tác giả đưa ra những dẫn chứng nào để chứng minh cho luận điểm: Việt Nam đang thiếu vắng văn hoá nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng 01 biện pháp tu từ trong câu: Có nhiều ngày, tôi chỉ đọc thấy những ý kiến phê phán, chỉ trích, miệt thị, đay nghiến với những người chưa thành công mà không thấy những suy nghĩ tích cực, điểm tốt, sự động viên, ủng hộ và đặt niềm tin vào những người từ bỏ vùng an toàn để làm điều mới.
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: văn hoá chúng ta không coi trọng việc gìn giữ, nuôi dưỡng và tôn vinh “gene mạo hiểm”, tất nhiên là mạo hiểm có hiểu biết hay không? Vì sao?
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thái độ sống chỉ biết náu mình trong những vùng an toàn, hàng ngày kéo lê cuộc đời như một thói quen được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 điểm)
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về, nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng,
(Tràng giang - Huy Cận, Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ. Từ đó, bình luận ngắn gọn về tính cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang - Huy Cận.
.........HẾT........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I.PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Trong văn bản, “cái giá của thất bại” đối với người “đã dấn thân vào khởi nghiệp” là vô cùng lớn. “Đó không phải chỉ là sự tổn thất về vật chất, tiền bạc, mà chính là sự tra tấn tinh thần từ sự khinh thị, chê bai, những lời đàm tiếu của những người xung quanh, cả người thân trong gia đình, họ hàng lẫn các mối quan hệ xã hội”.
Câu 2:
Để chứng minh cho luận điểm: “Việt Nam đang thiếu vắng văn hóa nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp”, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng là:
- Theo thống kê từ các đại học Mĩ, cho thấy du học sinh Việt Nam ít tham gia những môn mạo hiểm nhất, ví dụ leo núi và nhảy dù.
- Tỉ lệ những người tham gia các môn thể thao mạo hiểm ở Việt Nam luôn ở hàng thấp nhất thế giới
Câu 3
- Biện pháp tu từ: Liệt kê “ý kiến phê phán, chỉ trích, miệt thị, đay nghiến”, suy nghĩ tích cực, điểm tốt, sự động viên, ủng hộ và đặt niềm tin”.
- Tác dụng: Diễn tả đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh của việc từ bỏ “vùng an toàn”, cùng những khó khăn mà người khởi nghiệp phải đối mặt. Qua đó, giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của việc khởi nghiệp, có cái nhìn bao dung hơn với những người khởi nghiệp.
Câu 4:
Học sinh có thể đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần với quan điểm: văn hoá chúng ta không coi trọng việc gìn giữ, nuôi dưỡng và tôn vinh “gene mạo hiểm”, tất nhiên là mạo hiểm có hiểu biết.
- Gợi ý đồng tình: Đối với một xã hội đang không ngừng đòi hỏi sự tiến bộ như hiện nay thì việc mạo hiểm để đổi mới, cải thiện cuộc sống là điều cần thiết. Vậy nên Nhà nước ta luôn khuyến khích và đầu tư hỗ trợ cho những người tài năng đặc biệt là giới trẻ để họ được thể hiện mình cũng là đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Và đương nhiên, những thất bại gây thiệt hại lớn thì không thể tiếp tục thực hiện mà buộc phải nhường lại cho những kế hoạch khả thi hơn. Và việc của những người khởi nghiệp là phải biết làm mới chính mình, có kế hoạch tốt hơn sau thất bại và đặc biệt là không được nản lòng, như vậy thì mới có thể thành công.
- Không đồng tình: đưa ra lập luận phù hợp
- Có phần đồng tình/ có phần không đồng tình: kết hợp 2 lí giải trên.
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1:
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: thái độ sống chỉ biết náu mình trong những vùng an toàn, hàng ngày kéo lê cuộc đời như một thói quen được gợi ở phần Đọc hiểu.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (ví dụ: Nhà triết học người Mỹ Elbert Hubband từng nói: “Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm”. Chính vì luôn sợ hãi thất bại nên đa số chúng ta không dám làm những việc mạo hiểm để phát triển bản thân.) để nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
- “Vùng an toàn” là nơi con người sống trong một môi trường quen thuộc, không áp lực nặng hay mang tính mạo hiểm và luôn kiểm soát được mọi vấn đề. Nói cách khác, khi sống trong “vùng an toàn”, chúng ta luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Chúng ta có thể thấy tình trạng này ở những người bắt đầu khởi nghiệp như sinh viên mới ra trường, họ còn quá ít kinh nghiệm nên thường không dám làm những việc liều lĩnh, thiếu sự an toàn. Hay những người có năng lực đã có cho mình những thành công như mong muốn, họ thường có lối sống an phận không muốn mạo hiểm đánh đổi những gì mình đang có vào những việc không nắm chắc thành công dù nó có thể cho họ những trải nghiệm quý giá.
-Tuy nhiên, nếu ở lâu trong “vùng an toàn”, bản thân sẽ sợ hãi khi phải bước qua nó. Vùng an toàn sẽ khiến bản thân trở nên nhàm chán, lỗi thời, bị tụt lại trước thế giới hiện thực, cũng để vụt mất những điều thú vị bên ngoài. Vì vậy, để làm mới mình và phát huy năng lực của bản thân, thoát khỏi vùng an toàn là bước đầu tiên trong quá trình trải nghiệm. Hãy dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn bằng cách tự đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định, vượt qua nỗi sợ hãi trước sự chỉ trích khi thất bại, nỗ lực cải thiện chính mình ngày một tốt hơn. Chỉ khi bản thân thật sự bước ra khỏi vùng an toàn trải
nghiệm, chinh phục những thách thức từ cuộc sống thì mới hiểu rõ bản thân hơn và biết mình muốn gì, ước mơ gì và có thêm động lực chinh phục mục tiêu đã dặt ra, từ đó cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn.
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp:
- Về nhận thức: hiểu được giá trị của việc thoát ra khỏi vùng an toàn là thái độ sống tích cực;
- Về hành động: học tập và rèn luyện, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2:
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
- Phân tích bức tranh Tràng giang và tâm trạng của nhân vật trữ tình
- Nhận xét về tính cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang - Huy Cận.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
1.Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích.
2. Phân tích đoạn thơ
a. Nội dung.
- Đoạn thơ đã làm nổi bật không gian sông nước mênh mông với hình ảnh những con sóng trùng điệp, lan xa, xô đẩy nhau về phía chân trời.
- Những hình ảnh cổ điển: một dòng tràng giang phẳng lặng, một con thuyền lặng lẽ trôi, một cành củi khô nhỏ bé.
- Cảm giác buồn của con người hiện đại, của cõi nhân thế:
+ Sóng gợn tràng giang nhưng lại buồn điệp điệp (điệp từ điệp điệp – từ cái hữu hình của sóng trên tràng giang mà nhận ra cái vô hình là nỗi buồn của con người).
+ Thuyền và nước bên nhau nhưng giữa thuyền và nước là sự xa cách hững hờ. Thuyền và nước theo hai chiều đối nghịch (về – lại), nổi lên giữa cuộc chia li là sầu trăm ngả.
+ Cành củi bé nhỏ giữa tràng giang mênh mông, nhà thơ còn cố tình làm rõ: củi – một cành – khô (cành củi khô ở đây ý nói: không còn sức sống, phải trôi nổi theo cái vô định của dòng nước). Cành củi ở đây không chỉ là cành củi mà còn là cảm nhận về thận phận bé nhỏ của con người.
- Từ tương quan đối lập giữa không gian bao la, vô định với hình ảnh cõi nhân gian nhỏ bé, đơn côi Huy Cận đã làm nổi bật cảm giác cô đơn, lẻ loi của con người trong trời đất.
b. Nghệ thuật
- Sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại; những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng: con thuyền, cành củi khô,… góp phần diễn tả hình ảnh của cõi nhân sinh nhỏ bé.
- Biện pháp đảo ngữ, đối lập, điệp từ, nhân hóa,… làm nổi bật nỗi buồn, cảm giá cô đơn của con người.
3. Nhận xét về tính cổ điển và hiện đại trong bài thơ Tràng giang - Huy Cận.
- Cổ điển:
+ Thể thơ bảy chữ (Thất ngôn)
+ Bút pháp tả cảnh ngụ tình
+ Từ ngữ: Hán việt hàm súc cô động , thi liệu hán học
+ Hình ảnh ước lệ tượng trưng
- Hiện đại:
+ Nỗi buồn của nhân vật trữ tình – Huy Cận cũng chính là nỗi buồn của thời đại
+ Cảnh vật gần gũi quen thuộc của quê hương Việt nam
+ Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước thâm kín của Huy Cận
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo đúng nguyên tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu…
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi và thang điểm đề KSCL năm 2020 môn Ngữ Văn 12 của trường THPT Liễn Sơn. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong bài kiểm tra của mình.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---