SỞ GD &ĐT HÀ TĨNH ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG
TRƯỜNG THPT HƯƠNG KHÊ NĂM HỌC: 2018 - 2019
MÔN: Ngữ Văn 12
PHẦN I- ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Chúng ta không bao giờ được quên rằng, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi. Vì điều quan trọng là chúng ta sẽ thấy được năng lực thực sự của bản thân, vốn có để thay đổi bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến hoàn cảnh nghiệt ngã thành sự mạnh mẽ của bản thân. Khi chúng ta không còn khả năng để thay đổi hoàn cảnh- như mắc phải bệnh nan y, chẳng hạn ung thư giai đoạn cuối- nghĩa là chúng ta được thử thách để thay đổi chính mình.
Cho phép tôi trích dẫn một ví dụ để làm rõ luận điểm trên: Có lần, một bác sĩ đa khoa đã nhờ tôi tư vấn về chứng trầm cảm. Ông không thể vượt quan nỗi đau mất vợ đã hai năm trước, bà ấy là người yêu ông nhất đời. Giờ thì tôi có thể làm điều gì giúp ông? Tôi nên nói điều gì? Và tôi sẽ không nói điều gì với ông ngoại trừ câu hỏi: “Bác sĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu như ông chết trước và vợ ông ở lại?”. “Ồ”- ông thốt lên- “điều đó thật khủng khiếp đối với bà ấy, làm sao bà ấy có thể chịu đựng nổi!”. Tôi đáp lời ông: “Ông thấy đó, bác sĩ, bà ấy đã không phải chịu nỗi đau đó và ông đã là người gánh chịu thay cho bà- vì vậy, việc giờ đây ông phải sống và nhớ thương bà ấy có ý nghĩa sâu sắc của nó”. Ông ấy không nói gì mà chỉ nắm tay tôi rồi thanh thản rời khỏi văn phòng. Theo cách nào đó, một người sẽ không còn cảm thấy đau khổ nữa ngay vào thời khắc họ tìm thấy ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình, chẳng hạn như sự hy sinh.
Có khi chúng ta bị tước đi cơ hội làm việc hay cơ hội hưởng thụ cuộc sống, nhưng dù là gì thì chúng ta cũng không thể tránh được sự đau khổ. Bằng cách can đảm chấp nhận đau khổ, xem đó như là một thử thách cần vượt qua, cuộc sống sẽ có ý nghĩa đến tận giây phút cuối cùng, và nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa này cho đến khi sự việc kết thúc. Nói cách khác, ý nghĩa cuộc sống là một ý nghĩa vô điều kiện, bởi vì nó bao hàm cả ý nghĩa về nỗi đau không thể tránh được.
(Trích “Đi tìm lẽ sống”, Victor E.Frankl, NXB Trẻ 2011)
Câu 1: Vì sao tác giả cho rằng “Chúng ta không bao giờ được quên rằng, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi”?
Câu 2: Theo tác giả, làm thế nào để con người vượt lên trên những đau khổ của bản thân?
Câu 3: Việc trích dẫn ví dụ về “một bác sĩ đa khoa đã nhờ tôi tư vấn về chứng trầm cảm” có tác dụng gì?
Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả ““Khi chúng ta không còn khả năng để thay đổi hoàn cảnh- như mắc phải bệnh nan y, chẳng hạn ung thư giai đoạn cuối- nghĩa là chúng ta được thử thách để thay đổi chính mình”? Vì sao?
PHẦN II-LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm):
Anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi”.
Câu 2: (5 điểm)
Trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” khi miêu tả dòng sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân viết: “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…”
Trong một đoạn khác tác giả lại viết: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của sông Gâm sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa…”
(Nguyễn Tuân – Ngữ văn 12, chương trình chuẩn, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr.187 và tr.191).
Anh/chị hãy cảm nhận hình tượng con sông Đà trong hai đoạn trích trên, từ đó bình luận về sự độc đáo trong phong cách của Nguyễn Tuân.
...........HẾT............
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I- ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1:
“Chúng ta không bao giờ được quên rằng, chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi” vì: điều quan trọng là chúng ta sẽ thấy được năng lực thực sự của bản thân, vốn có để thay đổi bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến hoàn cảnh nghiệt ngã thành sự mạnh mẽ của bản thân. Khi chúng ta không còn khả năng để thay đổi hoàn cảnh- như mắc phải bệnh nan y, chẳng hạn ung thư giai đoạn cuối- nghĩa là chúng ta được thử thách để thay đổi chính mình.
Câu 2:
Theo tác giả, để vượt lên trên những đau khổ củ bản thân, chúng ta cần:
- Tự thay đổi chính mình
- Cần tìm một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình.
- Can đảm chấp nhận đau khổ, xem nó như là một thử thách cần vượt qua.
Câu 3:
Việc trích dẫn ví dụ trong đoạn văn từ “Cho phép tôi trích dẫn một ví dụ… chẳng hạn như sự hy sinh” có tác dụng:
- Làm rõ luận điểm: “Chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả đối diện với một tình huống vô vọng” và “Theo cách nào đó, một người sẽ không còn cảm thấy đau khổ nữa ngay vào thời khắc họ tìm thấy ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình, chẳng hạn như sự hy sinh”.
- Làm cho đoạn văn tăng thêm sức thuyết phục nhờ lập luận chặt chẽ, lí lẽ và dẫn chứng cụ thể, thuyết phục.
Câu 4:
- HS nêu lên quan điểm riêng của mình, có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng phải phù hợp với đạo đức và pháp luật, có cách lý giải hợp lý, thuyết phục.
- Gợi ý: Những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống đến với mỗi con người đều có một ý nghĩa riêng, nó không phải để triệt đường sống mà là để chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, hoàn thiện mọi khả năng của bản thân để trở nên tốt đẹp hơn.
PHẦN II-LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm):
Yêu cầu chung:
a. Thí sinh biết cách tạo lập một đoạn văn (200 chữ) theo các cách: diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, song hành, móc xích. Các câu trong đoạn đảm bảo có sự gắn kết chặt chẽ; được tự do thể hiện chính kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc và phù hợp với chuẩn mực của xã hội.
b. Diễn đạt trôi chảy, trình bày sạch đẹp; không xuống dòng khi chưa kết thúc đoạn.
Yêu cầu cụ thể:
a. Đảm bảo đúng cấu trúc viết một đoạn văn nghị luận; nêu được vấn đề; triển khai được vấn đề và kết luận được vấn đề trong một đoạn văn hoàn chỉnh; có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận; đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi
c. Triển khai vấn đề dưới một đoạn văn; vận dụng phù hợp các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân
c.1. Giải thích
- Giải thích một số từ then chốt: ý nghĩa của cuộc đời, tình huống vô vọng, số phận
- Hiểu nội dung ý kiến: Ý kiến đề cập đến cách tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống, bác bỏ quan niệm sai lầm là khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi, nghĩa là chúng ta sẽ không tìm được ý nghĩa của cuộc đời.
c 2. Bàn luận
- Thấy được sự đúng đắn, sâu sắc của ý kiến
- Vì sao nói: Chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi?
- Khó khăn, thử thách, bất hạnh…( tình huống vô vọng, số phận không thể thay đổi) là điều mà chúng ta hay gặp phải trong cuộc sống. Bởi bản chất cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió mà luôn có trở ngại, chông gai.
- Khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi không có nghĩa là không thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, đặt dấu chấm hết cho số phận mà trong hoàn cảnh này chúng ta sẽ thấy được năng lực thực sự của bản thân, vốn có thể thay đổi bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến hoàn cảnh nghiệt ngã thành sự mạnh mẽ của bản thân, được thử thách để thay đổi chính mình. Như vậy, tình huống vô vọng hay số phận không thể thay đổi là môi trường để tôi luyện bản lĩnh, nghị lực, cách để ta cảm nhận rõ hơn ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
- Nói cách khác, ý nghĩa của cuộc sống không chỉ dừng lại ở việc con người cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui mà còn là sự can đảm chấp nhận đau khổ, cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa của sự đau khổ, hy sinh…
------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy----------
Trên đây là trích dẫn một phần Đề KSCL lần 1 năm 2019 môn Ngữ Văn 12 của Trường THPT Hương Khê. Để xem được đầy đủ nội dung, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi sắp tới.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn