SỞ GD &ĐT PHÚ YÊN ĐỀ KIỂM TRA NĂNG LỰC
TRƯỜNG THPT LÊ LỢI NĂM HỌC: 2019 - 2020 MÔN: Ngữ Văn
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
(1) Tôi nói nửa đùa nửa thật: “Cậu có xem phim Khiêu vũ với bầy sói chưa? Làm thế nào để sống với bầy “sói” mà không bị “sói” ăn thịt, và cũng không bị ... trở thành sói, mà “vẫn là mình”, đấy là cái khó nhất! Chắc phải có khả năng khiêu vũ với bầy sói rồi”. (...) Chắc chắn đó là điều không hề dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Khó đến mức để tồn tại, nhiều người đã phải chấp nhận thỏa hiệp, đến mức ngay cả những người khó tính nhất cũng buộc phải chấp nhận vì không còn giải pháp nào khác. Nhưng câu hỏi đặt ra là: thỏa hiệp đến mức nào để mình vẫn là chính mình?
(2) Vì trong tất cả các tội, có lẽ phản bội chính mình là tội nặng nhất. Và trong tất cả các đánh mất, khó có đánh mất nào lớn hơn là đánh mất chính mình! (...) Nhưng có một điều rõ ràng là khi ta bị hạn chế về chuyên môn hay hạn chế về năng lực làm việc thì không có nhiều lựa chọn trong công việc, vậy tự do cũng ít đi, và khả năng giữ được mình cũng khó hơn. Như vậy, trở thành một chuyên gia ưu tú trong một công việc hay một nghề nào đó cũng là cách để mình có thể trở thành một con người tự do.
(3) Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta cũng có những cách khác và sẵn sàng hi sinh nhiều thứ để có thể thoát khỏi tình trạng “đánh mất mình”. Chẳng hạn, Abraham Lincoln, một trong những tổng thống được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã từng làm luật sư trước khi trở thành một chính khách vĩ đại, và ông từng viết về nghề của mình như vậy: “Hãy quyết tâm sống chân thật trong mọi sự; nếu bạn thấy mình không thể trở thành một luật sư trung thực, thì hãy cố gắng sống trung thực mà không cần phải làm luật sư”.
(Giản Tư Trung, Đúng việc, NXB Tri Thức, 2017, tr.101-104)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả, “khi ta bị hạn chế về chuyên môn hay hạn chế về năng lực làm việc” thì sẽ dẫn đến điều gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Việc tác giả viện dẫn trường hợp của Abraham Lincoln và câu nói nổi tiếng của ông nhằm mục đích gì? (1,0 điểm)
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm “trở thành một chuyên gia ưu tú trong một công việc hay một nghề nào đó cũng là cách để mình có thể trở thành một con người tự do”? Vì sao? (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “trong tất cả các đánh mất, khó có đánh mất nào lớn hơn là đánh mất chính mình!”.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cho đoạn trích:
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm vẫn vỗ
(Trích Sóng - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr.156)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó nêu ý kiến về cách thể hiện tình yêu của các bạn trẻ trong xã hội ngày nay.
........HẾT..........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2:
Theo tác giả, “khi ta bị hạn chế về chuyên môn hay hạn chế về năng lực làm việc” thì sẽ dẫn đến:
- Không có nhiều lựa chọn trong công việc.
- Tự do cũng ít đi.
- Khả năng giữ được mình cũng khó hơn.
Câu 3:
Việc tác giả viện dẫn trường hợp của Abraham Lincoln và câu nói nổi tiếng của ông nhằm mục đích:
- Dẫn trường hợp của Abraham Lincoln: Minh chứng cụ thể để tăng tính thuyết phục. (0,5 điểm)
- Câu nói của Abraham Lincoln: Một trong những cách không “đánh mất mình” là sẵn sàng hi sinh nhiều thứ. (0,5 điểm)
Câu 4:
- Đồng tình/không đồng tình/vừa đồng tình vừa không đồng tình (0,25 điểm).
- Lí giải: sâu sắc, hợp lí, thuyết phục (0,75 điểm).
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Đánh mất chính mình là đánh mất to lớn nhất
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ đánh mất chính mình là đánh mất to lớn nhất. Có thể theo hướng sau:
Giải thích
- Đánh mất chính mình là thay đổi hoàn toàn nhân cách, phẩm chất, mục đích cao đẹp của mình, biến mình thành một con người khác.
Bàn luận
- Có thể đánh mất những giá trị vật chất mà bản thân có, nhưng phải giữ lại nhân cách, phẩm chất, mục đích cao đẹp cho mình vì đó là giá trị lớn nhất cần có của mỗi người.
- Khi đánh mất chính mình sẽ bị lệ thuộc vào người khác, không dễ đạt được mục đích mà mình mong muốn; chấp nhận “sống chung” với cái ác, cái xấu;
- Phê phán những ai dễ dàng thỏa hiệp với cái xấu, cái ác; dễ bỏ cuộc, chấp nhận đánh mất chính mình.
Bài học nhận thức và hành động
- Cần phải kiên định giữ vững phẩm chất của mình; không quá cố chấp nếu biết mình sai.
d. Chính tả, ngữ pháp
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy----------
Trên đây là trích dẫn một phần đề và thang điểm đề kiểm tra năng lực môn Ngữ Văn lớp 12 của trường THPT Lê Lợi. Để xem được đầy đủ nội dung đề kiểm tra, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong bài thi THPT QG của mình.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---