Đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 9 - Phòng GD&ĐT Tây Hoà

PHÒNG GD&ĐT TÂY HOÀ                                                                              ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

                                                                                                                         NĂM HỌC: 2018 - 2019

                                                                                                                           MÔN: Ngữ Văn 9

Câu 1. (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Cả làng đã im ắng. Bà như chiếc bóng giở về. Ít khi tôi thấy bà nói chuyện nói trò với ai ngoài các cháu ra. Ít khi tôi thấy bà đôi co với ai. Dân làng bảo bà hiền như đất. Nói cho đúng, bà hiền như chiếc bóng. Nếu ai lành chanh lành chói, bà rủ rỉ khuyên. Bà nói nhiều bằng ca dao, tục ngữ. Những chị mồm năm miệng mười, sau khi bà khuyên chỉ còn mồm một mồm hai.

Người ta bảo: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Bà như thế thì chúng tôi hư làm sao được.

(Trích Bà nội, Duy Khán, Ngữ văn 9, tập 1, trang 161)

a) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. (1,0 điểm)

b) Em có đồng tình với quan niệm: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” hay không? Vì sao? (1,0 điểm)

c) Thông điệp chính mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc qua đoạn văn trên. (1,0 điểm)

Câu 2. (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn và thực hiện các yêu cầu sau:

Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ…

(Trích Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, Tập hai, trang 114)

a) Phép liên kết chủ yếu nào được dùng trong đoạn văn trên? (1,0 điểm)

b) Đoạn văn trên đã sử dụng thành phần biệt lập nào? Nêu ý nghĩa của thành phần biệt lập đó. (2,0 điểm)

Câu 3. (4,0 điểm)

Suy nghĩ của em về đoạn thơ sau:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, Tập 2, trang 58-59)

.............HẾT..............

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1. (3,0 điểm)

a. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là tự sự.

b. Nêu rõ cách hiểu của em về quan niệm “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”: Nếu đồng tình thì lý giải vì sao đồng tình. Nếu không đồng tình lý giải vì sao. (Lý giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, lẽ sống và có ý nghĩa tích cực)

c. Đảm bảo nội dung chính của thông điệp: Cách sống mẫu mực và những lời dạy bảo của người bà là bài học cho (con) cháu học tập và noi theo.

Câu 2. (3,0 điểm)

a. Phép liên kết chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích là phép lặp từ ngữ: nổ

b. Đoạn văn trên sử dụng thành phần biệt lập tình thái: có thể, nhất định

  • Có thể: Thái độ không chắc chắn về những quả bom sẽ nổ
  • Nhất định: thái độ tin tưởng chắc chắn những quả bom sẽ nổ.

Câu 4. (4,0 điểm)

Đảm bảo kiểu bài nghị luận về đoạn thơ; có đủ: Mở bài, thân bài và kết bài.

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc về kiểu bài nghị luận văn học. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung đoạn trích: Tình cảm chân thành, tha thiết của nhà thơ cũng như của nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu qua hai khổ cuối bài thơ “Viếng Lăng Bác”.

Thân bài

Phân tích hai khổ thơ

Khổ thơ thứ ba: Cảm xúc, suy nghĩ của nhà thơ khi ở trong lăng:

  • Cụm từ “giấc ngủ bình yên” diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm của không gian trong lăng Bác.
  • Hình ảnh ẩn dụ vầng trăng gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong và hình ảnh trời xanh gợi lên ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo, vĩnh hằng như tình cảm, công lao của Bác đối với dân tộc. Bác còn sống mãi với non sông đất nước như vầng trăng, bầu trời xanh mãi vĩnh hằng theo tháng năm. Người đã hóa thành thiên nhiên, đất nước, đi vào tâm hồn dân tộc. (...).

Khổ thơ cuối:

  • Khổ thơ diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ. Muốn ở mãi bên lăng Bác, nhưng tác giả cũng biết rằng đến lúc phải trở về miền Nam, chỉ ước muốn tấm lòng mình mãi mãi ở lại (bằng cách hóa thân, hòa nhập vào những cảnh vật) bên lăng Bác.
  • Điệp từ “muốn làm” được lặp đi lặp lại ba lần trong đoạn thơ nhấn mạnh ước muốn và sự lưu luyến của tác giả khi sắp rời xa lăng Bác.
  • Hình ảnh cây tre lại xuất hiện ở cuối bài khép bài thơ lại một cách khéo léo (kết cấu đầu cuối tương ứng, tạo ấn tượng và dòng cảm xúc được trọn vẹn, tình cảm của tác giả đối với Bác trước sau như một, ...).

Kết bài

Khái quát giá trị nghệ thuật, nội dung 2 khổ thơ và bày tỏ tình cảm của em đối với Bác.

 

Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề kiểm tra HK2 môn Ngữ Văn lớp 9 của Phòng GD&ĐT Tây Hoà . Để xem được đầy đủ nội dung đề kiểm tra, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi sắp tới. 

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn - Trường THCS Nguyễn Tri Phương

                                       ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn--

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?