Đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 12 - Trường THPT Thuận Thành 3

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH                                                   ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

TRƯỜNG  THPT THUẬN THÀNH 3                                                            NĂM HỌC: 2018 -2019
                                                                                                                           MÔN: Ngữ Văn

                                                                                                                         ( Đề gồm 02 trang )

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoaṇ trích dưới đây và thực hiện theo yêu cầu:

Chắc có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng luôn đi tìm cho mình một câu trả lời về đất nước. Đất nước vốn là khái niệm trừu tượng, mà thoạt đầu con người khó có thể cắt nghĩa cho thật gãy gọn, rõ ràng. Nhưng những người thân như ông bà, cha mẹ, anh em… thì lại vô cùng cụ thể và được mỗi người cảm nhận trong những mối quan hệ cũng vô cùng cụ thể. Đó là mối quan hệ gắn bó máu thịt hình thành ngay từ khi ta cất tiếng khóc chào đời và sẽ đi theo ta suốt cuộc đời với biết bao biến cố, thăng trầm, buồn vui, hi vọng…

Từ cái nôi gia đình, mỗi người đều có một tuổi thơ gắn liền với kỉ niệm về cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre, mái trường, thầy cô, bè bạn. Theo thời gian, những kỉ niệm ấy dần dần trở thành sợi dây tình cảm neo giữ tình yêu của mỗi con người với gia đình, quê hương… Và có thể nói, chính tình yêu đối với gia đình và quê hương sẽ khơi nguồn cho tình yêu đất nước.

Câu 1.  Nêu nội dung và xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2. Hãy tìm câu chủ đề của đoạn văn. Từ đó, cho biết đoạn văn được triển khai theo phương pháp nào?

Câu 3. Tại sao tác giả lại nói: Đất nước vốn là khái niệm trừu tượng, mà thoạt đầu con người khó có thể cắt nghĩa cho thật gãy gọn, rõ ràng.

Câu 4. Từ văn bản trên, anh (chị) hãy nêu suy nghĩ về trách nhiệm của thanh niên với đất nước. (Trình bày khoảng 6 đến 8 dòng).

Phần II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Anh, chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến nêu trong phần đọc hiểu: Gia đình và quê hương là chiếc nôi nâng đỡ cuộc đời con.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ , nhà văn Tô Hoài đã ba lần nói tới “ nắm lá ngón”:

Những ngày Mị mới về làm dâu nhà thống lý Phá Tra: Mị ném nắm lá ngón xuống đất. Nắm lá ngón Mị đã đi tìm hái trong rừng, Mị vẫn giấu trong áo. Thế là Mị không đành lòng chết. Khi đã chấp nhận trở lại làm dâu nhà thống lý: Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn nghĩ đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Trong đêm tình mùa xuân: Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa.

                                                             (Vợ chồng A Phủ-Tô Hoài, Ngữ văn 12,tập 2, NXB Giáo dục)

Phân tích tâm lí nhân vật Mị qua 3 lầnxuất hiện hình ảnh nắm lá ngón trên. Từ đó, anh/chị hãy làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật Mị.

................HẾT..............

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1(0.5 điểm)

– Nội dung chính: Bàn về vấn đề tình yêu đất nước được bắt nguồn từ tình yêu gia đình, yêu quê hương.

– Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận.

Câu 2 (0.5 điểm)

– Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn.

– Đoạn văn triển khai theo phương pháp quy nạp.

Câu 3 (1,0 điểm)

– Tại sao tác giả lại nói: Đất nước vốn là khái niệm trừu tượng, mà thoạt đầu con người khó có thể cắt nghĩa cho thật gãy gọn, rõ ràng. Bởi:

+ Đất nước là nhữg gì hiện hữu quanh ta, là tất cả từ vật chất đến tâm hồn.

+ Khái niệm về đất nước được mỗi người hiểu theo một khía cạnh khác nhau. Với người này là sông, đồng, bể… với người khác là cha, mẹ, ông, bà…

+ Thoạt đầu chính ta cũng khó mà định nghĩa cho trọn vẹn về khái niệm đất nước.

+ Trong trái tim của mỗi người dân đất Việt có dòng máu Lạc Hồng đang chảy và ngân vang muôn điệu về dòng giống Rồng tiên cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ

Câu 4 (1.0 điểm)

Học sinh có thể trình bày suy nghĩ riêng của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay với đất nước viết đoạn văn đảm bảo các ý:

– Vì sao thế hệ trẻ lại cần phải có trách nhiệm với đất nước.

– Trách nhiệm đó là gì?

– Để thực hiện trách nhiệm đó cần phải làm gì?

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

1.Yêu cầu về kỹ năng: (0,5 điểm)

-Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ

+ Hiểu đúng yêu cầu của đề , có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận

2.Yêu cầu về kiến thức:

a. Nêu vấn đề

– Nguồn cội yêu thương của mỗi con người chính là gia đình và quê hương, đó là điều không thể thiếu trong cuộc đời của bất kì ai, nguồn cội ấy sẽ là chiếc nôi bình yên nâng đỡ suốt cuộc đời mỗi người.

b. Giải thích

– Gia đình là nơi có mẹ, có cha, có những người thân yêu ruột thịt của chúng ta. Đó là nơi bao bọc, che chở, nâng đỡ mỗi con người trên bước đời trưởng thành.

– Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi con người khi chào đời. Nơi đó có mọi người ta quen biết thân thiết, có cánh diều vi vu, có những kỉ niệm thơ mộng bên bạn bè, người thân…

– Chiếc nôi nâng đỡ nghĩa là từ thuở còn nằm trong nôi, mỗi người đều được ươm ủ trong những câu hát ru àơi đầy yêu thương của me,̣ của bà. Không những thế “chiếc nôi” ấy còn là sư ̣bao boc̣, chở che cho con người sau hành trinh̀ dài lưu lạc khi tìm về chốn cũ thân thương…

Như vâỵ: gia đình và quê hương chính là nguồn cội, là nơi bắt đầu để hình thành nên tình yêu thương trong mỗi người.

c. Bàn luận

– Gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là “chiếc nôi” của trẻ thơ. Ở nơi ấy có đầy ắp tình thương và niềm tin trao gửi. Ở nơi ấy, đứa trẻ được lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc, chở che. Một gia đình trong đó cha mẹ luôn thương yêu, chăm sóc và tôn trọng nhau sẽ để lại dấu ấn tuyệt đẹp trong đời sống tâm lí của trẻ.

– Gia đình và quê hương là bến đỗ bình yên cho mỗi con người. Dù ai đi đâu, về đâu cũng sẽ luôn tự nhắc nhở phải nhớ về quê hương bởi nó theo bước hành trình của ta suốt cuộc đời.

– Mỗi người chỉ có một cội nguồn, vì vậy mà chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý tình cảm của gia đình, quê hương, bên cạnh đó cần phát huy những giá trị đẹp đẽ của quê hương, gia đình bởi đó chính là cội nguồn yêu thương của mỗi con người.

– Nguồn cội của mỗi con người là gia đình và quê hương, rộng hơn nữa đó không chỉ là nơi ta sinh ra và lớn lên, mà đó còn là Tổ quốc. Chúng ta phải biết yêu quý, trân trọng để giúp cội nguồn ấy đẹp hơn trong mắt ta cũng như trong mắt mọi người.

d. Bài học nhận thức và hành động

– Gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là “chiếc nôi” của trẻ thơ. Ở nơi ấy có đầy ắp tình thương và niềm tin trao gửi. Ở nơi ấy, đứa trẻ được lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc, chở che.

– Mỗi con người trong cuộc đời đều cần có nơi tìm về sau mỗi lần thất bại hay mỗi khi bị gục ngã để được chắp cánh thêm niềm tin, để tiếp tục sống và vươn lên – nơi ấy là gia đình!

– Mỗi con người trong cuộc đời đều cần có nơi tìm về sau mỗi lần thất bại hay mỗi khi bị gục ngã để được chắp cánh thêm niềm tin, để tiếp tục sống và vươn lên. Nơi ấy là gia đình, là những người thân yêu. Ơi gia đình mến thương, hãy thực sự là chiếc nôi hạnh phúc để: Vương vấn bước chân ta đi. Ấm áp trái tim quay về, để nâng đỡ con trẻ vượt qua khó khăn, thử thách trên mỗi chặng đường đời.

– Có thái độ phê phán trước những hành vi: Phá hoại cơ sở vật chất. Những suy nghĩ chưa tốt về quê hương: chê quê hương nghèo khó, chê người quê lam lũ, lạc hậu, không muốn nhận quê hương mình...

Câu 2 (5,0 điểm)

1. Yêu cầu kĩ năng:

Biết cách làm bài phân tích, đôí sánh các tác phẩm văn học, kết cấu bài viết chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

2.Yêu cầu về kiến thức:

a. Giới thiệu chung

+ Tô Hoài là một trong những nhà văn ưu tú của văn đàn Việt Nam. Có lẽ do sự trải nghiệm và dồi dào vốn sống mà ông có thể viết nên những trang văn hay dù chỉ mới học hết bậc tiểu học. Nhưng tác phẩm của ông thường là truyện ngắn và bút kí viết về thiên nhiên và đời sống thôn quê.

+ Năm 1952, trong chuyến đi dài tám tháng sống cùng đồng bào Tây Bắc, Tô Hoài đã cho ra tập truyện “Tây Bắc”, đặc sắc với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”

+ Giới thiệu nhân vật, chi tiết: hình tượng “nắm lá ngón” gắn với nhân vật Mị là một trong

những chi tiết nghệ thuật đặc trưng, mang nhiều tầng ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng độc giả.

b. Phân tích

*Giới thiệu chung về nhân vật Mị

-Nhan sắc: Trai đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị

-Tài năng: Thổi sáo, thổi lá

-Phẩm chất tốt đẹp: Hiếu thảo, chăm lao động, không tham giàu sang phú quý, khao khát tự do -> Mị xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của cường quyền, thần quyền vùi giập, đẩy vào ngã rẽ tối tăm.

*Phân tích hình ảnh nắm lá ngón trong 3 lần xuất hiện gắn với nhân vật

- Lần thứ nhất

+ Bối cảnh xuất hiện: Khi mới về làm dâu nhà thống lí Phá Tra, nỗi đau đớn tủi cực khiến Mị sống không bằng chết, sống như một xác người trong kiếp cầm súc và rồi “có áp bức có đấu tranh”. Cô tìm về cha già, tay cầm nắm lá ngón.

+ Nội dung, ý nghĩa:

“Lá ngón” xuất hiện lần đầu tiên như một lối thoát đen. Đây là lối thoát ngắn và hữu hiệu nhất. Nhưng lại là lối thoát cho những ai muốn chấm dứt hiện tại nghiệt ngã chứ không phải lối thoát cho người muốn sang trang mới. Rõ ràng, đây là sự phản kháng quyết liệt nhưng vô vọng – một hình thức phản kháng bị động. Sự xuất hiện của “lá ngón” lúc này mang tầm ý nghĩa tố cáo cao độ: Sự dã man của xã hội ép buộc con người lương thiện đi tìm cái chết. lá ngón cũng là hiện thân cho nỗi thống khổ của nhân dân, cho những tích tụ đắng cay, đầy đau đớn và uất hận.

-Lần thứ 2

+ Bối cảnh xuất hiện: Khi Mị chấp nhận quay trở về nhà thống lý , tiếp tục sống kiếp làm dâu gạt nợ. Dần dà ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi, ý thức phản kháng mất đi, Mị không còn nghĩ đến chuyện ăn lá ngón tự vẫn nữa

+ Nội dung, ý nghĩ:

 Lá ngón phai mờ tượng trưng cho sự ham sống đã nguội lạnh.

Mị buông xuôi không bởi cô chấp thuận, cô đông thuận mà sự thả trôi kia là kết cục của cuộc tự đấu tranh trong đơn độc, dai dẳng cuối cùng kết thúc bằng sự mỏi mệt và tuyệt vọng đổ ập xuống đôi bờ vai yếu ớt.

-Lần thứ 3: Bối cảnh xuất hiện: đêm tình mùa xuân với tiếng sáo làm hồi sinh sức sống trong Mị

+ Nội dung, ý nghĩa: lá ngón lại lần nữa xuất hiện với tầng ý nghĩa giải thoát, giải thoát khỏi địa ngục trần gian. Địa ngục trần gian ở đây không đơn giản là nỗi đau xác thịt và linh hồn khi bị hành hạ, mà địa ngục thật sự khi phải sống trong lầm than với những hồi ức ngọt ngào cứ hiện hữu. “Lá ngón” nâng tầm ý nghĩa lên một nấc nữa, đó là “sự tự ý thức”. Đánh dấu sự trở lại của ý thức sống, đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn tưởng chừng như đã “chết đi trong cõi sống”

**Đánh giá chung về chi tiết “nắm lá ngón”

+ Cho thấy đầy đủ chân dung nhân vật Mị- một cô gái miền núi với số phận đau khổ và sức sống mãnh liệt

+ Góp phâng chuyển tải đầy đủ tư tưởng, nội dung mà tác giả muốn gửi gắm

+ Giá trị hiện thực: Phơi bày thực trạng xã hội phong kiến miền núi lúc bấy giờ

+ Giá trị nhân đạo:

-  Bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho những số phận dưới ách thống trị của phong kiến miền núi

-  Lên án, phê phán những thế lực tàn bạo đã trà đạp lên con người

- Tin tưởng vào bản chất người luôn tiềm tàng trong mỗi con người, khát vọng sống mãnh liệt

c. Tổng kết

 

Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi  kiểm tra HK2 môn Ngữ Văn lớp 12 của Trường THPT Thuận Thành 3 . Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi học kì sắp tới. 

                                       ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?