Đề kiểm tra HK2 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018, Trường THPT Phạm Công Bình

       SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                            ĐỀ THI HỌC KÌ II NĂM HỌC 2017-2018

TRƯỜNG THPT PHẠM CÔNG BÌNH                                         Bài thi: NGỮ VĂN

                                                                     Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“(1) Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái... Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết, chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành. Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém. (2) Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cành khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội.  Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm... chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận... và làm  cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên. (3) Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh mình, đang diễn ra hàng ngày..., để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự... nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng.  Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta... Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo. [...]”

(Văn Như Cương, Thư gửi các bậc cha mẹ học sinh trường THPT Lương Thế Vinh,
dẫn theo http://tuoitre.vn)

Câu 1. Chỉ ra phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản? (0.5 điểm)

Câu 2. Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong phần (3) của văn bản? (0.5 điểm)

Câu 3. Trong phần (1) và (2), theo tác giả, các bậc cha mẹ cần dạy cho con cái mình những đức tính nào? Vì sao những đức tính đó lại cần thiết với đứa trẻ? (1.0 điểm)

Câu 4. Theo anh/ chị, quan điểm: “Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút” có đúng không? Vì sao? (1.0 điểm)

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Hãy viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ bàn luận về tác động của mạng xã hội đối với thế giới trẻ được gợi ra từ phần (3) của văn bản trong phần Đọc - hiểu.

Câu 2. (5.0 điểm)

“…Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mởi trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

Hắn chắp hai tay sau lưng, lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn, hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà...”.

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục, 2008)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhận vật Tràng trong đoạn trích trên. Liên hệ với tâm trạng nhân vật Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở (Truyện Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục 2008) để bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.

------------------------HẾT-----------------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Câu 1.

  • Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản: phong cách sinh hoạt.

Câu 2.

  • Những biện pháp tu từ được sử dụng trong phần (3) của văn bản:
    • Phép điệp: Hãy, để chúng, thế giới ảo.
    • Liệt kê: nói chuyện, trao đổi, tâm sự
    • Tương phản- đối lập: thế giới có thật - thế giới ảo

Câu 3.

  • Theo tác giả, cha mẹ cần dạy cho con cái mình hai đức tính quan trọng: lòng biết ơn và lòng nhân ái (lòng thương người, tính đôn hậu).
  • Vì lòng biết ơn cha mẹ là động lực cho đứa trẻ học hành, tu dưỡng. Còn lòng nhân ái giúp đứa trẻ biết sẻ chia, trở nên tốt đẹp và cao thượng hơn. Hai đức tính này giúp đứa trẻ tích cực trau dồi tri thức và rèn luyện nhân cách.

Câu 4.

  • Quan điểm của tác giả: “Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút” có phần chính xác. Bởi vì, khi đứa trẻ muốn điều gì đều được đáp ứng ngay chúng sẽè coi đó là điều tất yếu, xứng đáng được hưởng, không cần phải cố gắng và biết ơn.
  • Nhưng cũng có trường họp những đứa trẻ nhận được điều gì từ cha mẹ dù nhiều hay ít, vẫn luôn thấu hiểu tình yêu thương và sự cố gắng mà cha mẹ dành cho chúng.
  • Vậy nên, trẻ có lòng biết ơn hay không, chủ yếu phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ khi đáp ứng những yêu cầu của con cái.

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ bàn luận về tác động của mạng xã hội đối với giới trẻ được gọi ra từ phần (3) của văn bản trong phần Đọc- hiểu.

  • Giải thích:
    • Mạng xã hội được hiểu là những trang thông tin giải trí sử dụng mạng Internet để kết nối mọi người.
    • Mạng xã hội ngày một phát triển, tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
  • Phân tích:
    • Vì sao giới trẻ lại chịu ảnh hưởng lớn từ mạng xã hội?
      • Giới trẻ chủ yếu thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên nên rất nhạy bén với công nghệ.
      • Lứa tuổi trẻ rất thích giao lưu, kết bạn, mở mang các mối quan hệ cộng đồng
    • Chứng minh:
      • Học sinh tự lấy dẫn chứng để làm rõ tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến giới trẻ. Chẳng hạn:
        • Nhiều bạn trẻ nổi lên như một hiện tượng nhờ vào những phát ngôn trên mạng xã hội, tạo cơ hội giao lưu, làm quen, mở mang kiến thức và thậm chí là có thu nhập tốt.
        • Lại có nhiều bạn học sinh vì mạng xã hội mà dẫn đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực như: bỏ học, tự vẫn,..
    • Bàn luận:
      • Mạng xã hội thực sự là một phát minh hữu ích của nhân loại, nối liền những khoảng cách không gian.
      • Tuy nhiên, làm sao để mạng xã hội hạn chế được những mặt trái thì còn là vấn đề cần sự chung tay của cả  
    • Biện pháp:
      • Quản trị mạng cần giám sát chặt chẽ hơn.
      • Gia đình vừa quản lí, vừa định hướng cho con em cách sử dụng mạng xã hội hợp lí.
      • Tự bản thân học sinh cần có những nguyên tắc cho mình khi sử dụng mạng xã hội.
    • Liên hệ: Rút ra bài học cho bản thân.
  • Học sinh viết không đúng hình thức đoạn văn trừ 0.25 điểm

Câu 2. Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích. Liên hệ với tâm trạng nhân vật Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở để bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.

a. Mở bài

  • Giới thiệu Kim Lân và truyện ngắn Vợ nhặt.
  • Nêu vấn đề cần nghị luận

b. Thân bài

  • Khái quát về tác phẩm, đoạn trích, tư tưởng nhân đạo
    • Nêu ngắn gọn nội dung truyện ngắn Vợ nhặt.
    • Vị trí đoạn trích
    • Giải thích khái niệm tư tưởng nhân đạo: Sự quan tâm của nhà văn đến cuộc đời, số phận nhân vật
  • Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng trong đoạn trích:
    • Về nội dung:
      • Sung sướng, hạnh phúc, hãnh diện.
      • Có sự thay đổi trong suy nghĩ:
        • Yêu thương, gắn bó với gia đình.
        • Thấy có trách nhiệm phải lo lắng cho vợ con.
      • Niềm tin vào tương lai tươi sáng.
    • Về nghệ thuật:
      • Đặt nhân vật vào tình huống độc đáo để nhân vật bộc lộ phẩm chất, tính cách.
      • Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, đậm chất nông thôn và có sự gia công sáng tạo của nhà văn.
      • Cách kể chuyện tự nhiên, hâp dẫn, dựng cảnh sinh động với nhiều chi tiết đặc sắc.
  • Tâm trạng nhân vật Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở
    • Khái quát diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở:
      • Lần đầu tiên hắn tỉnh rượu, tỉnh ngộ để nhận thức về cuộc đời mình trong quá khứ, hiện tại, tương lai; khao khát được trở lại làm người lương thiện...
        • Liên hệ:
        • Bình luận:
          • Qua diễn biến tâm trạng của Chí Phèo, Nam Cao thể hiện niềm thương cảm trước bi kịch con người, tin tưởng vào sự thức tỉnh lương tâm của người nông dân trước cách mạng.
          • Trong đoạn trích Vợ nhặt, cùng tả tâm trạng nhân vật vào buổi sáng, Kim Lân đã phát hiện ta sự thay đổi và trưởng thành trong nhận thức, tình cảm và hành động của nhân vật Tràng từ lúc “nhặt” được vợ. Qua đó, tác giả có cái nhìn trân trọng, ca ngợi người nông dân dù trong hoàn cảnh hết sức bi đát vẫn có ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình.
        • So sánh:
          • Giống nhau: Cả hai nhà văn dù ở 2 thời kì cách mạng khác nhau nhưng đều gặp ở tư tưởng nhân đạo: khám phá sức sống, khát vọng hạnh phúc, nâng niu trân trọng, ca ngợi vẻ đẹp của tâm hồn con người.
          • Khác nhau: Tuy nhiên số phận mỗi nhân vật lại hoàn toàn khác nhau. Nhân vật Chí Phèo tuy thức tỉnh để khao khát hoàn lương nhưng cuối cùng rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Nhân vật Tràng cuối cùng đã được đổi đời, tìm thấy hạnh phúc đích thực của cuộc đời...
      • Đánh giá: Đó là tư tưởng nhân đạo mới mẻ, sâu sắc; góp phần nâng cao giá trị nội dung của văn xuôi hiện đại Việt Nam, hướng người đọc có tình cảm yêu thương, tin tưởng vào sức mạnh của con người trên con đường đi tìm hạnh phúc

c. Kết bài:

  • Kết luận về nội dung, nghệ thuật thể hiện nhân vật Tràng qua đoạn trích. Cảm nghĩ của bản thân về tư tưởng nhân đạo của 2 nhà văn.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?