SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG ĐỀ THI HỌC KÌ II NĂM HỌC 2017-2018
TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc các đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Nghiên cứu công việc chính yếu của giáo viên Phần Lan, người ta phát hiện ra điều thú vị này - cũng là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công của giáo dục nước này: dạy học là quá trình khơi gợi lòng đam mê tự học nơi học sinh. Khi học sinh yêu thích công việc học hành của chúng thì rõ ràng giáo viên không cần phải ra sức nhồi nhét kiến thức vào đầu chúng. Sự nhồi nhét ấy nếu có, chẳng khác nào như khi ta tiếp tục đổ nước vào cốc nước đã đầy, càng đổ càng tràn ra ngoài mà thôi. Mọi trường chuyên, lớp chọn, mọi hình thức kiểm tra, đánh giá hóa ra không còn quan trọng là vì vậy.
Việc học tập của học sinh bây giờ trở thành quá trình tự giác, thành niềm vui thích.
Vậy làm thế nào để học sinh đam mê việc học? Giả sử bạn được yêu cầu giặt cái áo của mình. Thật không gì chán bằng. Nhưng nếu giáo viên yêu cầu bạn tìm cách giặt áo làm sao cho sạch nhất. Lúc này bạn bắt đầu vắt óc suy nghĩ. Vâng, cũng là một công việc giặt áo nhưng hai phương pháp khác nhau. Vấn đề của giáo viên là tìm ra phương pháp giảng dạy để kích thích học sinh ham học.
( Theo báo Giáo dục và Thời đại, số 269, 2014, tr. 5)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ trong câu văn: “Sự nhồi nhét ấy nếu có, chẳng khác nào như khi ta tiếp tục đổ nước vào cốc nước đã đầy, càng đổ càng tràn ra ngoài mà thôi”. (0,5 điểm)
Câu 3. Nêu nội dung chính của văn bản? (1,0 điểm)
Câu 4. Anh (chị) có đồng tình với ý kiến: “Khi học sinh yêu thích công việc học hành của chúng thì rõ ràng giáo viên không cần phải ra sức nhồi nhét kiến thức vào đầu chúng”? Vì sao? (1,0 điểm)
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Từ đó, liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu trùng đài (trích Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ văn 11) để chỉ ra nét tương đồng trong quan niệm về nghệ thuật của các tác giả.
------------------------HẾT-----------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI
Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Câu 1.
- Phương thức biểu đạt chính: Phương thức nghị luận
Câu 2.
- Biện pháp tu từ so sánh.
Câu 3.
- Nội dung chính của văn bản: Dạy học là quá trình khơi gợi lòng đam mê tự học nơi học sinh.
Câu 4.
- Học sinh trình bày quan điểm riêng và có những lí giải thuyết phục. Có thể theo hướng: đồng tình với ý kiến: “Khi học sinh yêu thích công việc học hành của chúng thì rõ ràng giáo viên không cần phải ra sức nhồi nhét kiến thức vào đầu chúng”? Vì: Khi yêu thích công việc học hành thì học sinh sẽ biết tự tìm cách học, cách hiểu vấn đề, được thỏa sức đam mê, sáng tạo, khám phá... thay vì nhồi nhét kiến thức vào đầu chúng.
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hình tượng nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu và nét tương đồng trong quan niệm về nghệ thuật của 2 nhà văn khi liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng.
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và nhân vật Phùng.
- Cảm nhận về nhân vật Phùng:
- Học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật:
- Trước vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương - một cảnh “đắt” trời cho, Phùng đã rung động, bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Phùng háo hức ghi vào ống kính điêu luyện của mình hết một phần tư cuốn phim...
- Niềm hân hoan của khám phá và sáng tạo tràn ngập tâm hồn khiến Phùng chìm đắm trong những suy tưởng về sự thống nhất giữa cái đẹp và cái thiện, tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện cũng như cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn...
- Phùng còn là một nghệ sĩ có tấm lòng nhân ái, đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người:
- Khi chứng kiến cảnh bạo lực của gia đình hàng chài, Phùng hết sức bất ngờ, kinh ngạc, bức xúc... Phùng đã xông vào can thiệp để bảo vệ người đàn bà.
- Qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện, Phùng thấu hiểu, cảm thông với chị. Đến khi trở lại thành phố, mỗi khi nhìn ngắm tấm ảnh mình mang về, Phùng không khỏi bị ám ảnh bởi hình ảnh và thân phận người đàn bà hàng chài. Phùng cũng thay đổi hẳn nhận thức của bản thân về cuộc đời và nghệ thuật...
- Nghệ thuật thể hiện:
- Phùng vừa là một nhân vật trong truyện, vừa là người kể chuyện, điều đó tạo nên tính chân thực cho câu chuyện và đời sống nội tâm nhân vật, vì thế, cũng được khắc họa sâu sắc.
- Nhân vật được đặt trong hoàn cảnh đặc biệt: liên tiếp có những phát hiện đầy nghịch lí, qua đó, tính cách nhân vật càng được bộ lộ một cách rõ nét.
- Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật:
- Liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu trùng đài” để chỉ ra nét tương đồng trong quan niệm về nghệ thuật của các tác giả.
- Nhân vật Vũ Như Tô:
- Là một kiến trúc sư tài ba, là hiện thân cho niềm khát khao, say mê sáng tạo cái đẹp; là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn và có lí tưởng nghệ thuật cao cả tô điểm đất nước, xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công
- Tuy nhiên, lí tưởng nghệ thuật của Vũ Như Tô là lí tưởng nghệ thuật cao siêu, chỉ mang thuần túy cái đẹp mà xa rời cuộc sống của nhân dân. Vũ Như Tô chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sĩ say mê cái đẹp mà không đứng trên lập trường của nhân dân, lập trường của cái thiện. Trong cái nhìn của nhân dân, ông bị coi là hiện thân của cái ác. Cuộc nổi loạn nổ ra, Vũ Như Tô vẫn kiến quyết không bỏ trốn vì vẫn tin vào việc làm chính đại quang minh của mình.... Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô rơi vào trạng thái đớn đau, tuyệt vọng...
- Nét tương đồng trong quan niệm về nghệ thuật của các tác giả: Qua nhân vật Vũ Như Tô (đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài) và nhân vật Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa), hai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu đều đặt ra những vấn đề có ý nghĩa về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống:
- Nghệ thuật chân chính phải bắt nguồn từ cuộc sống. Nếu nghệ thuật xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng thì chỉ đem lại bi kịch thảm khốc như của Vũ Như Tô hay cái nhìn phiến diện về cuộc sống của nghệ sĩ Phùng.
- Nghệ thuật là chính cuộc đời và luôn vì cuộc đời.
- Nhân vật Vũ Như Tô:
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.