Đề kiểm tra HK2 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018, Trường THPT Trần Hưng Đạo

   SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                                      ĐỀ THI HỌC KÌ II NĂM HỌC 2017-2018

TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO                                     Bài thi: NGỮ VĂN

                                                                         Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần 1: Đọc - Hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

…Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

À ơi!

Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi

Ngủ đi, ngủ đi!

Cho cánh cò, cánh vạc

Cho cả sắc trời

Đến hát

Quanh nôi.

(Trích Con cò - Chế Lan Viên)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 2. Xác định phép tu từ ẩn dụ và nêu tác dụng của phép tu từ đó.

Câu 3. Xác định thể thơ và cách hiệp vần của đoạn thơ.

Câu 4. Nêu nội dung chính của đoạn thơ.

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của những lời hát ru.

Câu 2. (5,0 điểm)

Anh/chị hãy phân tích hình tượng nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

------------------------HẾT-----------------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - Hiểu (3,0 điểm)

Câu 1.

  • Phương thức biểu đạt: biểu cảm
  • Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật

Câu 2.

  • Ẩn dụ: hình ảnh con cò chỉ người mẹ.
  • Tác dụng: Làm nổi bật sự tảo tần, tình yêu thương của người mẹ.

Câu 3.

  • Thể thơ tự do.
  • Hiệp vần: vần chân “con - con”, “thôi - đời” …

Câu 4.

  • Nội dung:
    • Hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ và tình yêu của mẹ luôn ở bên con.
    • Ca ngợi tình yêu thương con vô hạn của mẹ.

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1.

  • Yêu cầu chung
    • Câu này kiểm tra năng lực viết đoạn nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập đoạn văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài.
    • Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp.
  • Yêu cầu cụ thể
    • Nội dung: Nêu được ý nghĩa của những lời ru. Gợi ý: lời ru thường có âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng nên giúp con ngủ ngon hơn; lời ru còn thể hiện tình cảm yêu thương của mẹ….
    • Hình thức: Viết đúng kĩ năng đoạn văn, diễn đạt tốt, đủ số chữ.

Câu 2.

  • Yêu cầu chung:
    • Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
    • Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
  • Yêu cầu cụ thể:
    • Giới thiệu: tác giả, tác phẩm, nhân vật.
    • Phân tích nhân vật
      • Hoàn cảnh xuất thân
      • Số phận bất hạnh của Mị:
        • Bị bắt làm con dâu trừ nợ
        • Bị bóc lột tàn tệ
        • Bị đánh đập dã man
        • Bị trói buộc bằng thần quyền
        • Bị đầy ải trong môi trường sống tăm tối, ngột ngạt
      • Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mãnh liệt của Mị
        • Tâm hồn giàu khát vọng….
        • Sức sống mãnh liệt của những khát vọng tình yêu, hạnh phúc trong đêm tình mùa xuân
        • Khả năng phản kháng để giải phóng trong đêm đông cứu A Phủ
    • Nghệ thuật: miêu tả tâm lí nhân vật, cách sử dụng ngôn từ tài hoa…
      • Đánh giá về nhân vật, tác phẩm, tác giả
  • Lưu ý chung
    • Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
    • Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
    • Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
    • Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
    • Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?