ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HK2 NĂM 2020 MÔN NGỮ VĂN 10 – TRƯỜNG THPT THÁI PHIÊN
CẤU TRÚC ĐỀ KIỂM TRA
Thời gian làm bài: 90 phút
Đề bài gồm có 2 phần:
I. Đọc hiểu (3.0 điểm).
- Đề đọc hiểu gồm 4 câu cho 3 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng.
- Nếu nhận biết 0,5 điểm thì phần thông hiểu là 1,5 điểm. Nếu nhận biết 1,0 điểm thì thông hiểu là 1,0 điểm
- Phần vận dụng 1,0 điểm không yêu cầu viết đoạn văn, HS có thể gạch ý để làm bài, nội dung căn cứ từ ngữ liệu đọc hiểu (1,0 điểm).
Phạm vi ra đề:
- Có thể lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa hoặc ngoài chương trình.
- Câu hỏi yêu cầu là kiến thức học sinh đã học.
II. Làm văn (7.0 điểm)
Các tác phẩm VH, đoạn trích của VHVN học ở học kì II theo giới hạn của Tổ chuyên môn.
NỘI DUNG ÔN TẬP
I. GIỚI HẠN CÁC BÀI ÔN TẬP KIỂM TRA HỌC KÌ:
1. Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu)
2. Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi)
3. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia (Thân Nhân Trung)
4. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ)
5. Trao duyên (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
6. Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
II. ĐỀ MINH HỌA
ĐỀ 1
I. ĐỌC – HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
(1) Có thể nói Ba-sô và Nguyễn Trãi đều là những nhà thơ của thiên nhiên. Thơ của hai ông thể hiện một tình yêu thiên nhiên và một triết lí về thiên nhiên vô cùng sâu sắc. Ba-sô và Nguyễn Trãi đều thực hiện những cuộc hành trình đến với thiên nhiên. Trên con đường đó, họ cố gắng vứt đi những cái phiền toái, hư ngụy của cuộc đời thế tục để đến với tự nhiên và cũng là đến với bản nguyên trong mỗi con người… Cuộc đời Ba-sô là một cuộc du hành dài đi đến khắp những miền đất xa xôi của Nhật Bản. Bước chân của Nguyễn Trãi cũng đã in dấu trên nhiều miền đất Việt Nam qua cuộc kháng chiến lâu dài chống quân Minh xâm lược.
(2) Thiên nhiên trong thơ Ba-sô và Nguyễn Trãi có vũ trụ lớn lao: trăng sao, núi sông, hồ biển…và cũng có những vật nhỏ bé bình thường: con quạ, con ếch, con cá, con mực, chấy rận, hoa dã quỳ, hoa thu (ha-gi)…và con cò, con vện, rau muống, rau mùng tơi, hoa đào, hoa xoan…Trong mỗi một sinh vật nhỏ bé như vậy, hai thi sĩ đều thấy nó như có linh hồn, sống bình đẳng và cảm thông được với con người.
(3) Thi nhân như Ba-sô, Nguyễn Trãi là những thi sĩ vĩ đại của thiên nhiên, không chỉ ở chỗ hai ông đã sáng tạo ra những câu thơ tuyệt đẹp về phong cảnh thiên nhiên mà còn ở chỗ hai ông là những người dẫn đạo cho một cuộc hành hương lớn lao trở về với thiên nhiên, trở về với cội rễ, với nguồn sống bất tận của con người.
(Trích Ba-sô – Nguyễn Trãi – Nguyễn Du, những hồn thơ đồng điệu, Đoàn Lê Giang)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Điểm gặp gỡ trong thơ của thi sĩ Ba-sô và Nguyễn Trãi là gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra biện pháp tu từ có trong câu sau và phân tích tác dụng của phép tu từ đó: Cuộc đời Ba-sô là một cuộc du hành dài đi đến khắp những miền đất xa xôi của Nhật Bản. (1,0 điểm)
Câu 4. Anh/chị cảm nhận được gì về thiên nhiên trong thơ Ba-sô và Nguyễn Trãi? Thái độ của tác giả đối với các nhà thơ? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Cảm nhận của em về đoạn trích sau:
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
(Trích Đại cáo bình Ngô - Nguyễn Trãi, Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2017, tr.17)
ĐỀ 2
I. ĐỌC – HIỂU (3.0 time)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Ngày xưa, có một người nhà giàu, sinh được năm người con. Vì được nuông chiều nên họ sinh ra lười biếng và ỷ lại.
Khi đã trưởng thành, mỗi người đều có một cơ ngơi, nhưng vẫn luôn ganh tị lẫn nhau về những của cải mà cha mẹ cho. Người cha cố gắng khuyên can họ nhưng vô ích, vì vậy ông rất đau lòng.
Ít lâu sau, người cha lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, ông gọi năm người con đến và bảo gia nhân đem ra một bó đũa.
Năm người con ngơ ngác không hiểu người cha có ý định gì. Ông cầm lấy bó đũa và bảo từng người hãy bẻ đi. Người con nào cũng gắng hết sức mình nhưng không sao bẻ nổi.
Sau đó người cha lại bảo "Các con hãy bẻ từng chiếc một xem sao". Lập tức năm người con bẻ một cách dễ dàng.
Lúc đó người cha mới nói: "Các con ạ, bó đũa ví như năm anh em các con đó, nếu mỗi người các con đều chung tay gánh vác mỗi người một việc thì không kẻ thù nào làm các con gục ngã được. Còn nếu các con chỉ biết đến bản thân mình thì sẽ trở nên lẻ loi và bị thất bại trong cuộc đời. Nếu các con đoàn kết và thương yêu lẫn nhau thì cha mới có thể yên tâm mà nhắm mắt".
Nghe xong, năm anh em mới hiểu lời người cha dạy, họ rất hối hận với những việc đã làm. Từ đó họ sống hoà thuận và đoàn kết, thương yêu lẫn nhau.
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Người cha trong câu chuyện trên yêu cầu 5 đứa con mình làm gì? Kết quả ra sao? (0,5 điểm)
Câu 3. Bài học được rút ra từ câu truyện trên là gì? (1,0 điểm)
Câu 4. Theo em, thế nào là đoàn kết và nêu lợi ích của sự đoàn kết? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Cảm nhận của em về vai trò của hiền tài và ý nghĩa của việc dựng bia đề danh trong đoạn trích sau:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn cho là chưa đủ. Lại nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỉ. Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất.
Nay thánh minh lại cho rằng, chuyện hay việc tốt tuy có một thời lừng lẫy, nhưng lời khen tiếng thơm chưa đủ lưu vẻ sáng lâu dài, cho nên lại dựng đá để đặt ở cửa Hiền Quan, khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua. Há chỉ là chuộng văn suông, ham tiếng hão mà thôi đâu.
Ôi, kẻ sĩ chốn trường ốc lều tranh, phận thật nhỏ mọn mà được triều đình đề cao rất mực như thế, thì họ phải làm thế nào để tự trọng tấm thân mà ra sức báo đáp ?
(Trích Hiền tài là nguyên khí của quốc gia – Thân Nhân Trung, Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2010, tr.31,32)
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy---------
Trên đây là trích dẫn một phần Đề cương ôn tập HK2 năm 2020 môn Ngữ Văn 10 - Trường THPT Thái Phiên. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Chúc các em đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---