Đề cương hướng dẫn ôn thi THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Trường THPT Chuyên Lê Khiết

                                                   NỘI DUNG HƯỚNG DẪN ÔN TẬP THI THPT QUỐC GIA

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU:

1. Lý thuyết chung về các mức độ tư duy của câu hỏi Đọc – hiểu

Ngữ liệu của đề Đọc – hiểu là một đoạn trích hoặc văn bản không có trong sách giáo khoa. Đề thi thường đánh giá được ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

1.1. Nhận biết: Mức nhận biết thường xoay quanh các yêu cầu

  • Nhận diện thể loại/ phương thức biểu đạt/ phong cách ngôn ngữ của văn bản.
  • Nội dung chính của văn bản, ý nghĩa của cụm từ, câu, đoạn cụ thể trong văn bản…
  • Chỉ ra chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ/ thông tin…nổi bật trong văn bản.
  • Chỉ ra cách thức liên kết của văn bản/ đoạn trích.

1.2. Thông hiểu: Một số yêu cầu thường gặp về thông hiểu

  • Khái quát chủ đề/ nội dung chính/ vấn đề chính mà văn bản/ đoạn trích đề cập;
  • Nêu cách hiểu về một hoặc một số câu văn trong văn bản/ đoạn trích
  • Hiểu được quan điểm/ tư tưởng tác giả.
  • Hiểu được ý nghĩa/ tác dụng/ hiệu quả của việc sử dụng phương thức biểu đạt/ từ ngữ/ chi tiết/ hình ảnh/ biện pháp tu từ…trong văn bản/ đoạn trích.

1.3. Vận dụng: Đánh giá khả năng vận dụng của HS, có thể yêu cầu

  • Nhận xét/ đánh giá về tư tưởng/ quan điểm/ tình cảm/ thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản/ đoạn trích.
  • Nhận xét về một giá trị nội dung/ nghệ thuật của văn bản/ đoạn trích.
  •  Rút ra bài học về tư tưởng/ nhận thức
  •  Rút ra thông điệp cho bản thân.
  •  Nêu quan điểm/ ý kiến đánh giá của bản thân và lí giải vì sao.

1.4. Vận dụng cao: là mức độ cao hơn vận dụng, chỉ độ khó của yêu cầu thực hành tổng hợp, kết hợp cả kĩ năng đọc hiểu và viết; đòi hỏi phải có sự sáng tạo; phải vận dụng được khả năng phân tích, tổng hợp để rút ra những kết luận, nhận xét, đánh giá theo quan điểm của mình. Hình thức đánh giá mức độ vận dụng cao chù yếu là yêu cầu Học sinh viết đoạn văn/ bài văn hoàn chỉnh.

Học sinh cần nắm chắc các dạng câu hỏi ở mỗi mức độ tư duy, từ đó có ý thức rèn luyện phương pháp làm bài để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia.

2. Bài tập thực hành

2.1. ĐỀ 1

Đọc văn bản dưới đây:

(1) Chưa bao giờ một đại dịch lại có thể phơi bày cùng lúc cả hai bộ mặt: cao cả, nhân văn và phi nhân tính của con người một cách rõ ràng đến như vậy. Trong đại dịch, rất nhiều y bác sĩ, cảnh sát, chiến sĩ, lãnh đạo, người dân thể hiện lòng yêu thương, bảo vệ, chăm sóc người bệnh và đồng loại. Một y tá ở Vũ Hán, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chỉ kịp cúi gập vĩnh biệt người mẹ vừa qua đời ở quê nhà, rồi lại gạt nước mắt đến với những bệnh nhân nguy kịch. Nhiều y bác sĩ đã về hưu, bất chấp hiểm nguy, tình nguyện quay trở lại tuyến đầu chống dịch và có người đã biến lần tình nguyện đó thành chuyến đi cuối cùng, họ không bao giờ quay trở về nhà nữa. Có một bộ trưởng y tế tự vào khu cách ly sống cùng người bị cách ly, để cảnh tỉnh người dân nước mình đừng xua đuổi đồng loại -chỉ vì họ muốn trở về từ vùng dịch. Nhiều nhà hảo tâm chia bớt một phần tài sản, chi tiền nghiên cứu vác xin, cứu trợ thuốc men, vận chuyển người từ tâm dịch; nhiều người khác đã chia nhau từng hộp khẩu trang, san sẻ lương thực, "sạc pin tinh thần" cho nhau đi qua những ngày khủng khiếp của beehj dịch.

(2) Nhưng ở chiều ngược lại, chiếc mặt nạ ngày thường cũng rơi xuống, lộ rõ bộ mặt vô cảm và tàn nhẫn của con người. Đó là hình ảnh những cuộn giấy vệ sinh phải xích để khỏi bị lấy trộm, ở một đất nước có tính kỷ luật, nhường nhịn và bình tĩnh nhất thế giới - Nhật Bản. Đó là chuyện một băng đảng cầm vũ khí ở Hồng Công, chặn xe cướp sạch giấy vệ sinh đang chở đến siêu thị trong cơn khan hàng giữa đại dịch. Đó là những người nhiễm virus, cố tình gian dối, vô trách nhiệm trong khai báo tiền sử đi lại, khiến cả đất nước còn nghèo, thêm nhiều lần nữa phải oằn mình gánh đỡ sức nặng của cuộc chiến vô tiền khoáng hậu.

(3) Đại dịch nào rồi cũng sẽ hết. Nhưng những mất mát ấy có thể trở nên vô cùng giá trị nếu chúng ta gìn giữ sự nhân văn, cao cả trong mỗi người và phá bỏ những tham lam, ích kỷ, vô cảm trước đồng loại.

               (Theo Tri thức trẻ)

Thực hiện các yêu cầu:     

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra hai biện pháp tu từ và nêu tác dụng của chúng trong đoạn văn thứ (2).

Câu 3. Tác giả đã thể hiện thái độ như thế nào trước sự ứng xử của con người trong dịch bệnh?

Câu 4. Thông điệp có ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra được từ văn bản.

                                                         Gợi ý làm bài

Câu 1: Nghị luận

Câu 2:

  • Biện pháp tu từ:
    •  Điệp ngữ: “Đó là”.
    •  Liệt kê: hình ảnh những cuộn giấy vệ sinh phải xích để khỏi bị lấy trộm; chuyện một băng đảng cầm vũ khí ở Hong Kong, chặn xe cướp sạch giấy vệ sinh; những người nhiễm virus, cố tình gian dối…
  •  Tác dụng: nhấn mạnh các biểu hiện tiêu cực của con người trước dịch bệnh.

Câu 3: Thái độ của tác giả

  •  Ngợi ca, tán dương những con người có tấm lòng cao cả trước hoạn nạn của đồng loại.
  •  Lên án, phê phán những con người có hành động bất lương, vô cảm với cộng đồng xã hội.

Câu 4:

  •  Hãy biết yêu thương, chia sẻ và cùng chung tay trước những khó khăn với cộng đồng xã hội.
  • Cần mạnh mẽ lên án những con người sống sự thiếu trách nhiệm với người khác và với chính bản thân mình.

        -------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy----------

 

Trên đây là trích dẫn một phần Đề cương hướng dẫn ôn thi THPT QG năm 2020 môn Ngữ Văn - Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Để xem được đầy đủ nội dung đề cương, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề  cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi thật tốt để có một kết quả cao.

                                                                                            ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?