Chuyên đề Qui trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm để tạo đệm lót sinh thái trong nuôi lợn

Trường THPT Tôn Đức Thắng

       Tổ: Vật lý – Kỹ thuật

QUI TRÌNH KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHẾ PHẨM ĐỂ TẠO ĐỆM LÓT SINH THÁI TRONG NUÔI LỢN

Sử dụng chế phẩm để xử lý đệm lót sẽ đem lại các lợi ích sau:

1. Làm tiêu hết phân do đó mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt không ô nhiễm. Vì vậy:  

      - Cải thiện môi trường sống cho người lao động

      - Tạo cơ hội phát triển chăn nuôi ngay ở nơi dân cư đông đúc

2. Sẽ không phải dọn phân và rửa chuồng trong suốt quá trình nuôi do đó giảm tối đa nhân công dọn chuồng , lượng nước và lượng điện dùng

3. Giảm rõ rệt tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt là bệnh đường ruột ở lợn và gà đặc biệt là lợn con và gà con; giảm tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp ở lợn và bệnh hen ở gà; giảm tỷ lệ chết và đào thải ở gà (gà đẻ 5%, gà thịt 2%). Vì vậy giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị con vật bị bệnh

4 . Tăng chất lượng đàn lợn và chất lượng của sản phẩm

    Lợn gà con nuôi trên đệm lót sẽ khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt sau này. Lợn gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông da bóng mượt và sạch.

   Thịt chắc, thơm ngon,  giảm tồn dư kháng sinh

5. Hạch toán chung người chăn nuôi sẽ lợi

- Môi trường không ô nhiễm

- Giảm được công việc nặng nhọc trong việc thường xuyên vệ sinh chuồng

- Chi phí chung sẽ ít hơn nên thu nhập tăng lên

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Quy trình kỹ thuật này quy định các điều kiện và khuyến nghị khi sử dụng chế phẩm BALASA N01 làm đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn để đảm bảo hoạt động tốt.

1. Đối tượng vật nuôi

Sử dụng đệm lót sinh thái thích hợp đối với:

- Các giống lợn: Lợn thuần, lợn lai, lợn siêu nạc, lợn rừng.

- Các loại lợn: Nái chờ phối, nái chửa, lợn cai sữa, lợn dưới 60 kg, lợn trên 60 kg (cần những điều kiện đi kèm ở phần sau).

- Mật độ nuôi: Lợn lớn là 1,5 m2 đệm lót cho 1 con, lợn choai là 1,2 m2 đệm lót cho 1 con, lợn nhỏ là 1 m2 đệm lót cho 1 con.

Chú ý: mật độ lợn được xác định trên m2 đệm lót, không phải là m2 chuồng. Phải tuân thủ tuyệt đối đến qui định về mật độ nuôi để đệm lót sử dụng được lâu dài, nếu không đệm lót dễ bị ướt hỏng do lượng nước tiểu nhiều

2. Nền và cấu trúc chuồng

- Chuồng xây mới thì nền là đất nện chặt, không láng xi măng.

- Nếu là chuồng cũ cải tạo có thể (i) phá nền cũ để tạo nền chuồng mới hoặc (ii) giữ nguyên nền xi măng nhưng phải đục lỗ, mỗi lỗ có đường kính 4 cm, cứ cách 30 cm đục 1 lỗ để làm loại đệm lót nổi trên mặt đất.

- Máng ăn và vòi uống nước tự động đặt ở 2 phía đối diện nhau để giúp lợn tăng sự vận động làm đảo trộn chất độn có lợi cho lên men.

- Máng ăn cao hơn bề mặt đệm lót tối thiểu 20 cm để tránh chất độn rơi vào thức ăn.

- Xây máng hứng nước dưới vòi nước tự động để tránh nước chảy vào đệm lót.

- Thiết kế hệ thống phun nước (phun mù) làm mát và giữ độ ẩm đệm lót.

3. Xác định cao trình nền chuồng

Xác định chiều cao nền chuồng so với mặt nước (ao, hồ, mương máng...) để phù hợp với một trong các loại đệm lót sau đây:

- Loại đệm lót dưới mặt đất: Đào xuống dưới đất có độ sâu bằng độ dày của đệm lót. Loại đệm lót này thích hợp ở vùng đất đồi, vùng đất cao có cao trình cao hơn mặt nước xung quanh 1 m (ở tháng có mưa nhiều nhất).

- Loại đệm lót nổi trên mặt đất: Xây tường bao cao hơn hoặc bằng so với độ dày của đệm lót. Loại đệm lót này thích hợp ở vùng đất thấp có cao trình cao hơn mặt nước xung quanh chỉ khoảng 30–40 cm (ở tháng có mưa nhiều nhất).

- Loại đệm lót nửa dưới mặt đất: Đào xuống dưới đất có độ sâu bằng một nửa độ dày đệm lót. Loại đệm lót này thích hợp ở vùng đất đồi, vùng đất cao có cao trình cao hơn mặt nước xung quanh khoảng 60-70 cm (ở tháng có mưa nhiều nhất).

Các loại đệm lót nêu trên phải giữ luôn khô ráo, không bị ngấm nước từ bên ngoài vào làm hỏng, hoặc giảm thời gian sử dụng đệm lót.

4. Độ dầy đệm lót

- Độ dày đệm lót: đệm lót thường có độ dày khoảng 60 cm.

- Một số lưu ý quan trọng:

  + Khi làm đệm lót mới cần tăng độ dày của đệm lót thêm 20% vì độ dày của đệm lót thường bị nén xuống sau khi lên men một thời gian.

  + Bổ sung đệm lót hàng năm nếu bị sụt giảm độ cao.

5. Nguyên liệu và cách phối trộn

Cách lựa chọn nguyên liệu làm đệm lót: Các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, có lượng chất dinh dưỡng nhất định, không độc, không gây kích thích đối với lợn.

Các loại nguyên liệu phù hợp: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc; trấu, vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô nghiền, vỏ hạt bông, thân cây bông, bã mía, xơ dừa. Vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô, vỏ hạt bông có thể để nguyên hoặc cắt, nghiền có kích thước 3- 5 mm.

Tùy thuộc nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để phối trộn các nguyên liệu làm đệm lót theo như hướng dẫn sau

Nguyên liệu trấu và mùn cưa (hoặc vỏ bào).

- Cách phối trộn: Có thể chỉ sử dụng riêng trấu hoặc mùn cưa nhưng  tốt nhất là dùng phối hợp hai loại nhưng không nhất thiết phải theo một tỷ lệ nào mà loại nào có sẵn, dễ kiếm thì dùng với tỷ lệ nhiều hơn.

- Một số lưu ý khi làm đệm lót: Thông thường rải lớp trấu ở dưới, lớp hỗn hợp mùn cưa và trấu ở trên theo tỷ lệ mùn cưa/trấu là 60/40 hoặc 50/50. Làm như vậy sẽ giảm bớt được lượng mùn cưa sử dụng và tạo cho lớp đệm lót phía trên không  bị nén chặt nên không phải cuốc vất vả để làm tơi xốp đệm lót.

Nếu nơi nào có sẵn mùn cưa thì lớp dưới cũng dùng hỗn hợp mùn cưa với trấu.

Nguyên liệu là vỏ lạc, lõi ngô, thân cây ngô, vỏ hạt bông, thân cây bông.

- Cách phối trộn: Sử dụng một loại hoặc phối hợp một vài loại nguyên liệu với nhau.

- Một số lưu ý khi làm đệm lót: Nếu số lượng một loại hoặc vài loại đủ dùng để làm đệm lót thì đem cắt, nghiền thành bột thô có kích thước 3-5cm, nếu số lượng ít thì cần phối hợp với trấu và mùn cưa. Các loại nguyên liệu trên có thể không cần nghiền, khi làm đệm lót thì xếp chúng thành một lớp ở dưới cùng (khoảng 30cm, xem ảnh ở dưới), sau đó đổ trấu lên và cào cho lấp đầy khe hở thành một lớp đệm trấu, tiếp là lớp mùn cưa dầy khoảng 30cm. Cách làm cụ thể như hướng dẫn ở Phần II.

Nguyên liệu là xơ dừa

- Cách phối trộn: Lớp dưới cùng là trấu có độ dầy 30 cm, lớp trên là xơ dừa dầy 30cm. Cách làm như hướng dẫn ở Phần II với nguyên liệu là trấu và mùn cưa.

- Một số lưu ý khi làm đệm lót: nếu phần đệm lót xơ dừa ở trên bị xẹp xuống cần bổ sung thêm để đảm bảo độ dầy của đệm lót.

Sau 1- 2 lứa lợn (4 – 8 tháng) có thể lấy đi lớp đệm lót xơ dừa ở trên để dùng cho trồng trọt, sau đó đầu tư làm lớp đệm lót xơ dừa mới. 

Nguyên liệu là bã mía

- Cách phối trộn: Bã mía là nguyên liệu tương đối dai, không dễ bị nát mủn khi thấm nước, có thể dùng riêng hoặc dùng phối hợp với trấu hoặc mùn cưa.

- Một số lưu ý khi làm đệm lót: Cách làm đệm cũng giống như làm với nguyên liệu là trấu và mùn cưa.

II. CÁCH LÀM ĐỆM LÓT

 Các bước làm đệm lót có độ dày 60cm cho 20 m2 nền chuồng như sau:

1. Nguyên liệu

 - Trấu và mùn cưa: số lượng đảm bảo rải đủ độ dày 60 cm (có thể thay bằng các nguyên liệu khác như đã nêu ở Mục 5, Phần I).

Để đảm bảo rải đủ độ dày 60 cm trên diện tích chuồng là 20 m2 thì lượng mùn cưa cần là 600 kg và lượng trấu cần là 1.600 – 2.000kg. Công thức tính chung cho lượng nguyên liệu dùng để làm 1 m2 đệm lót có độ dầy 60 cm là từ 80 – 100 kg

- Bột ngô: 20 kg (diện tích chuồng có thể lớn hoặc nhỏ hơn thì bột ngô có thể tăng giảm tương ứng nhưng men có thể giữ nguyên hoặc tăng lên).

- Chế phẩm BALASA N01: 1 kg.

2. Công việc chuẩn bị

- Chuẩn bị mặt bằng: Nếu làm đệm lót chìm dưới mặt đất phải đào  nền chuồng sâu xuống 60 cm. Chỉ đào 2/3 diện tích nền chuồng để làm đệm lót, còn lại 1/3 diện tích dùng để láng xi măng hoặc lát gạch để đặt máng ăn và cho lợn nằm khi nhiệt độ bên ngoài cao. Chú ý láng lát nền dốc về phía cửa (có rãnh thoát nước) để dễ làm vệ sinh máng ăn và tắm mát cho lợn bằng thùng ô-doa hay bình phun khi trời nóng mà không sợ bị ướt đệm lót.

- Cách chế 200 lít dịch men: Cho 1 kg chế phẩm BALASA N01, 15 kg bột ngô, 200 lít nước sạch (nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC thì dùng nước ấm) cho vào thùng và khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm trong thời gian 1-2 ngày là có thể dùng được. Chuẩn bị dịch men trước 1-2 ngày.

- Cách xử lý bột ngô: Lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột ngô, xoa cho ẩm đều sau đó để ở chỗ ấm. Chuẩn bị hỗn hợp bột ngô với nước men này trước khi bắt đầu làm đệm lót 5-7 giờ. 

{-- xem đầy đủ nội dung ở phần xem online hoặc tải về --}

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Chuyên đề Qui trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm để tạo đệm lót sinh thái trong nuôi lợn bộ môn Công nghệ lớp 12. Để xem toàn bộ nội dung các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Chúc các em học tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?