CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI TRONG BÀI THI NGỮ VĂN, THI THPT QUỐC GIA
I. KHÁI QUÁT VỀ PHẦN YÊU CẦU VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI TRONG ĐỀ THI THPT THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN
Đề bài viết đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu bàn luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí hay một hiện tượng đời sống xã hội được rút ra từ văn bản Đọc hiểu.
1. Về nội dung đề bài:
Chủ yếu yêu cầu bàn luận về 2 phạm vi đề tài sau:
- Bàn về tư tưởng, đạo lí :
- Nhận thức, tư tưởng, quan niệm (lí tưởng, ước mơ, ý chí,…): Lao động bao giờ cũng là cơ sở cho cuộc sống con người và cho văn hóa - A. Makarenko, Đừng mong đợi thấy thế giới sáng sủa, nếu bạn không thay đôi kính đen - T. Eliot…
- Phẩm chất đạo đức, tính cách: lòng nhân ái, vị tha, dũng cảm, sự khiêm tốn
- Lối sống của con người: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” ; tình mẫu tử; tình thầy trò, lối sống vị tha; lối sống vô cảm;…
- Bàn về hiện tượng trong đời sống xã hội:
- Đó là những hiện tượng thực tế trong đời sống xã hội, liên quan đến cộng đồng; có thể là hiện tượng tích cực hay tiêu cực, hoặc vừa tích cực vừa tiêu cực….
- Ví dụ như: phong trào hiến máu nhân đạo; phong trào tiếp sức mùa thi; nạn bạo hành; tai nạn giao thông; thanh niên với mạng xã hội;….
- (Ngoài ra, có khi, đề yêu cầu bàn về vấn đề có sự kết hợp giữa tư tưởng đạo lí với hiện tượng đời sống).
2. Về hình thức đề bài
- Có khi đề trích dẫn một câu quan trọng trong văn bản ngữ liệu của phần Đọc hiểu. Ví dụ:
- Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: “Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá”.
- Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa câu nói của tiến sĩ Norman Vincent Peale: “Hãy kì vọng, chứ đừng hoài nghi. Vì sự kì vọng sẽ giúp bạn vượt qua bất kì khó khăn, trở ngại nào. Còn sự hoài nghi sẽ chỉ ngăn trở bạn mà thôi” được dẫn ở phần Đọc hiểu.
- Có khi là một cụm từ hay một câu (thể hiện vấn đề cần bàn bạc) do người viết rút ra từ văn bản ngữ liệu của phần Đọc hiểu. Ví dụ:
- Văn bản phần Đọc hiểu gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tính tự lập của con người, nhất là tuổi trẻ? Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ đó.
- Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Nếu không có tiền…
- Nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.
II. CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
1. Yêu cầu chung của đoạn văn
- Về hình thức: Đề bài yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, học sinh cần trình bày trong một đoạn văn (không được ngắt xuống dòng ), dung lượng khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay), có thể viết lên tới 250 chữ; diễn đạt mạch lạc, không mắc nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Về nội dung: Dù dài hay ngắn thì đoạn văn cũng phải đầy đủ các ý chính, bao gồm: nêu vấn đề/hiện tượng à giải thích – trình bày - phân tích - bàn luận về vấn đề/hiện tượng à rút ra bài học.
- Về bố cục và cấu trúc
- Bố cục : đoạn văn gồm 3 phần (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn )
- Cấu trúc: đoạn văn diển ý có thể theo 1 trong 5 cấu trúc (quy nạp, diễn dịch, tổng phân hợp, song hành, móc xích); tuy nhiên cấu trúc tối ưu nhất là tổng phân hợp.
2. Cách viết đoạn văn
2.1. Đọc kĩ đề
Trong đề thi môn Ngữ văn, phần nghị luận xã hội sẽ lấy một ý nhỏ trong văn bản Đọc hiểu để làm đề thi viết đoạn văn 200 chữ. Vì thế HS phải đọc kĩ văn bản ở phần Đọc hiểu để thực hiện tốt 4 câu hỏi đọc hiểu, đồng thời để có cơ sở thực hiện viết đoạn văn nghị luận xã hội. HS phải đọc kĩ văn bản ngữ liệu và đọc kĩ đề bài để nắm được cốt lõi nội dung, từ đó xem đề nghị luận yêu cầu mình bàn về vấn đề gì? Nhất là phải xác định được vấn đề đó thuộc về tư tưởng đạo lí hay hiện tượng đời sống.
2.2. Viết đoạn văn
Viết mở đoạn
- Có thể dùng 1-2 câu để mở đoạn (nêu vấn đề/hiện tượng cần bàn bạc)
- Cụ thể:
- Nêu xuất xứ của vấn đề/hiện tượng (vấn đề/hiện tượng được rút ra từ văn bản nào, của ai?) và sau đó nêu vân đề/hiện tượng cần bàn bạc (là từ ngữ hoặc câu nêu vấn đề/hiện tượng trong đề bài).
- Hoặc người viết có thể viết một câu dẫn dắt; từ đó nêu đó nêu vân đề/hiện tượng cần bàn bạc + Nêu nhận xét, đánh giá chung về vấn đề/hiện tượng.
Viết thân đoạn
- Thân đoạn khoảng 15 – 18 dòng, nhằm trình bày, phân tích, bàn luận về vấn đề/hiện tượng.
- Để tạo nội dung cho thân đoạn, người viết tự đặt và trả lời các câu hỏi xoay quanh về vấn đề/hiện tượng cần bàn luận
- Vấn đề/ Sự việc, hiện tượng đó có nghĩa như thế nào?
- Vấn đề/ Sự việc, hiện tượng đó đúng hay sai/tốt hay xấu? Biểu hiện cụ thể như thế nào?
- Vấn đề/ Sự việc, hiện tượng đó có ý nghĩa, tác dụng như thế nào? Hay có tác hại như thế nào?
- Nguyên nhân là gì? Làm thế nào để phát huy hoặc khắc phục?
Viết kết đoạn:
Kết đoạn thường là vài ba câu đánh giá khái quát về vấn đề, hiện tượng (đúng/sai; tốt/xấu; lợi/hại; tích cực/tiêu cực;…) và nêu bài học của bản thân (Trả lời câu hỏi: Vấn đề/ Sự việc, hiện tượng đó đúng hay sai/tốt hay xấu? Rút ra bài học gì từ Vấn đề/ Sự việc, hiện tượng đó?).
2.3. Lưu ý:
Đoạn văn nghị luận xã hội chỉ là một đoạn văn, các câu trong đoạn nối tiếp nhau, không sang dòng. Chữ đầu đoạn viết lùi vào trong, cuối đoạn là dấu câu kết thúc đoạn.
Cách làm nghị luận xã hội mỗi dạng sẽ khác nhau nhưng nhìn chung đều có các bước:
- Giới thiệu
- Giải thích
- Trình bày, phân tích, bàn luận
- Rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Dành không quá 25 phút để làm phần này
- Bám sát đề bài, tránh lan man vượt quá số chữ quá nhiều
- Dẫn chứng đưa vào bài phải có thực ngoài đời, càng mới càng tốt, không lấy dẫn chứng mơ hồ trong một tác phẩm văn học hoặc một dẫn chứng đã quá cũ thường được nhiều người sử dụng đi sử dụng lại trong nghị luận xã hội
- Quan điểm phải được nêu rõ ràng, lập luận chặt chẽ
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---