CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG ĐỊA LÝ
I. LÝ THUYẾT
1. Ô nhiễm nước và sức khoẻ con người
Ô nhiễm môi trường nước là sự có mặt của một hay nhiều chất lạ trong môi trường nước; cho dù chất đó có hại hay không có hại khi vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sinh vật thì chất đó sẽ trở nên độc hại. Nguồn nước bị ô nhiễm do các chất thải sinh hoạt có chứa rất nhiều vi khuẩn, vi trùng có thể gây ra ở người các bệnh về đường tiêu hoá, bệnh tả, bệnh thương hàn, các bệnh về mắt, ...
Ô nhiễm nước do các kim loại nặng rất nguy hại vì nó có thể tích luỹ trong cơ thể người và gây nên một số bệnh như:
- Asen: Bệnh ung thư.
- Cadimi: Bệnh cao huyết áp, đau xương.
- Chì gây hại cho thận và hệ thần kinh.
- Flo làm hỏng răng và mềm xương.
- Thuỷ ngân gây rối loạn hệ thần kinh ngoại vi.
2. Ô nhiễm không khí và sức khoẻ con người
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi thành phần không khí hoặc có sự hiện diện của những chất lạ trong không khí. Những tác nhân gây hại quan trọng nhất là khí sunphurơ (SO2), ôxit nitơ (NO2), ôxit cacbon (CO), các chất ôxi quang hoá học và các chất lơ lửng.
- Ôxit nitơ có trong không khí chủ yếu do hiện tượng đốt cháy xảy ra. Nó là nguồn gốc chủ yếu tạo ra sự ô nhiễm quang hoá học, với nồng độ cao có thể gây chết người vì nó liên kết với huyết tố cầu nhanh hơn ôxi hàng nghìn lần.
- Ôxit cacbon hình thành chủ yếu do khói thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông. Môi trường có chứa nhiều ôxit cacbon gây nên sự ức chế hô hấp của người, làm cản trở quá trình vận chuyển ôxi trong máu, biểu hiện là nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nặng hơn thì có thể chết ngạt.
- Ô nhiễm không khí làm mỏng tầng ozôn khiến cho các tia cực tím lọt xuống trái đất nhiều hơn, gây hỏng mắt, ung thư da, làm hạn chế khả năng miễn dịch của con người.
- Khói mù quang hoá do ozôn ở tầng thấp trộn lẫn với trên 100 chất khác trong không khí tạo thành một hỗn hợp khí rất độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.
- Mưa axit là một trong những kiểu ô nhiễm nguy hại, xảy ra chủ yếu do không khí trộn lẫn với khí sunphurơ và hơi nước. Mưa axit ảnh hưởng đến sức khoẻ con người qua nước uống. Mưa axit hoà tan các ion kim loại, đặc biệt là AL. Con người uống nước có chứa nhiều AL có thể bị tâm thần lão nhược.
Tác nhân ô nhiễm không khí | Hậu quả đối với sức khoẻ con người |
Khí sunphurơ | Làm hệ hô hấp bị khó chịu và hư hại |
Hyđrôcacbon | Gây ung thư |
Oxit cacbon | Gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, giảm khả năng hấp thụ oxi của máu |
Oxit nitơ | Làm giảm thị lực, gây ngứa mắt, mũi |
Ozôn | Phá hoại chức năng hô hấp, khó chịu cho mắt, mũi, cổ họng, gây ho |
2. BÀI TẬP THAM KHẢO
Câu 1: Dựa vào hình 21.1 (SGK trang 74) và kiến thức đã học, cho biết: Hoạt động nông nghiệp đã làm cảnh quan tự nhiên thay đổi như thế nào?
Trả lời
Hoạt động nông nghiệp đã làm cảnh quan tự nhiên thay đổi:
- Hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra rất đa dạng, bao gồm: trồng cây lương thực (lúa mì, lúa gạo), cây công nghiệp (bông), cây ăn quả (chuối) và phát triển chăn nuôi (nuôi cừu). Các hoạt động này diễn ra trên rất nhiều vùng lãnh thổ của bề mặt đất, tạo ra nhiều cảnh quan thiên nhiên giàu có: cánh đồng lúa trù phú, ruộng bậc thang, rừng chuối...
- Cùng với lịch sử khai thác tự nhiên, phát triển nông nghiệp, con người đã ngày càng mở rộng diện tích cảnh quan nhân tạo, làm biến đổi cảnh quan ban đầu, thường là rừng hoặc đồng cỏ.
Câu 2: Quan sát hình 21.2, 21.3 (SGK trang 75), nhận xét và nêu những tác động của một số hoạt động công nghiệp đối với môi trường tự nhiên.
Trả lời
- Hình 21.2 cho thấy ngành công nghiệp khai thác mỏ, nhất là khai thác lộ thiên thường làm thay đổi diện mạo của cả một khu vực, tạo nên các hố sâu khổng lồ.
- Hình 21.3 là quang cảnh khu công nghiệp luyện kim nhả khói lên trời làm ô nhiễm không khí.
Qua đó có thể thấy, hoạt động công nghiệp có tác động mạnh đến môi trường tự nhiên, làm cho nhiều vùng thay đổi diện mạo, làm cho không khí, nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Câu 3: Dựa vào hình 21.4 (SGK trang 76), hãy cho biết các nơi xuất khẩu và các nơi nhập khẩu dầu chính. Nhận xét về tác động của các hoạt động này tới môi trường tự nhiên.
Trả lời
- Các nơi xuất khẩu và các nơi nhập khẩu dầu chính:
+ Các nơi xuất khẩu dầu chính: Tây Nam Á, Bắc Phi, Trung Phi, Trung Mĩ, LB. Nga, Đông Nam Á.
+ Các nơi nhập khẩu dầu chính: Bác Mĩ, Tây Âu, Đông Âu, Nhật Bản.
- Hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển dầu khí có tác động mạnh mẽ tới môi trường tự nhiên: làm ô nhiễm môi trường không khí, sự cố rỉ tràn dầu làm ô nhiễm biển và đại dương... gây tác động xấu, nguy hại cho con người.
Câu 4: Lựa chọn trong SGK Địa lí 8 hai ảnh về hoạt động nông nghiệp, hai ảnh về công nghiệp hoặc về cảnh thành phố của châu Á, cho biết ảnh thể hiện cảnh quan gì? Các hoạt động này có thể diễn ra ở khu vực nào trên thế giới?
Trả lời
- Hình 8.3 (SGK trang 26): cảnh những người nông dân đang thu hoạch lúa trên đồng ruộng ở In-đô-nê-xi-a. Hoạt động này diễn ra phổ biến ở các vùng trồng lúa nước (Đông Nam Á, Nam Á...).
- Hình 11.4 (SGK trang 39): cảnh thu hái chè trên vùng đồi núi ở Xri Lan-ca. Hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các nước có trồng chè (Ấn Độ, Trung Quốc. Việt Nam...).
- Hình 9.2 (SGK trang 30): khai thác dầu ở I-ran. Hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các khu vực có nhiều dầu mỏ (Tây Nam Á, Đông Nam Á, Bắc Mĩ, LB. Nga...).
- Hình 21.3 (SGK trang 75): khu công nghiệp luyện kim ở Đức. Hoạt động: này diễn ra chủ yếu ở các nước có ngành luyện kim phát triển: Nhật Bản, Trun: Quốc, Hoa Kì, Bra-xin...
---(Hết)---
Trên đây là toàn bộ nội dung Chuyên đề Con người và môi trường địa lý môn Địa Lý 8 năm 2021. Để xem thêm nhiều tài liệu hữu ích khác, các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tốt!