Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 12 năm 2021 Trường THPT Đồng Đậu

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI

MÔN: NGỮ VĂN 12

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

Câu 1. (6,0 điểm)

Alexander là một người thông minh theo học với hiền triết Aristotle. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đã tâm sự với thầy:

- Con sẽ chiến thắng Ai Cập và Thổ Nhĩ Kì.

Aristotle hỏi:

- Rồi sao nữa?

Alexander suy nghĩ:

- Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an.

Aristotle mỉm cười:

- Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn không?

(Theo Hành trình về phương Đông – Blair T. Spalding)

Câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về cuộc sống?

Câu 2. (14,0 điểm)

Nhà thơ nổi tiếng người Đức Bertold Brecht cho rằng: Cái đẹp của thơ không nên chỉ làm nên ánh sáng kỳ bí của ma trơi hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, của đèn màu cầu kỳ nhuộm hàng trăm sắc. Ðẹp nhất là khi anh tạo nên được ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó chính là ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích nhất cho con người.

Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến qua một số tác phẩm thơ ca đã học trong chương trình Ngữ văn THPT.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Câu 1:

- Mỗi con người đều nuôi dưỡng những khát khao, tham vọng cho đời mình và mong ước thực hiện chúng bằng mọi cách. Những tham vọng lớn có thể giúp con người đi đến thành công, mang lại cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.

- Mục đích sau cùng của đời người chính là để đạt đến một ước vọng: hạnh phúc. Hạnh phúc là ở ngay trong hiện tại, rất giản dị, gần gũi xung quanh cuộc sống chúng ta. Khi trạng thái tinh thần thoải mái, trong lòng nhẹ nhàng, thanh thản là lúc con người có được an vui, hạnh phúc. Hạnh phúc có thể được tìm thấy trong từng phút giây ta sống.

- Khi quá mải mê chạy theo tham vọng, con người có thể vô tình bỏ quên những hạnh phúc mình đang có. Họ đã lãng phí, đánh mất thời gian, sức khỏe, quên đi bản thân, gia đình, thậm chí dùng mọi thủ đoạn, đánh đổi nhân cách, mạng sống, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh… để cuối cùng nhìn lại mới thấy tiếc nuối, xót xa, ân hận, có khi phải trả giá đắt cho những tham vọng không cùng.

- Con người luôn gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế… Nhưng đừng để công việc và những ham muốn cuốn mình đi. Hãy tìm những niềm vui bình dị, sống sao để có được cảm giác hạnh phúc cho mình và mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.

- Phê phán những kẻ chạy theo tham vọng cá nhân bằng mọi giá và những kẻ sống vô tâm, lười biếng, không mục đích.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

Câu 1: (8,0 điểm)

NGỌN NẾN

Bất ngờ mất điện, một ngọn nến được đem ra thắp lên và đang lung linh tỏa sáng. Nến hân hoan khi thấy mọi người trầm trồ: "May quá, nếu không có cây nến này, chúng ta sẽ không thấy gì mất!". Thế nhưng khi dòng sáp nóng bắt đầu chảy ra, nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến chợt nghĩ: "Chết thật, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy nhỉ?". Nghĩ rồi nến nương theo một cơn gió thoảng qua để tắt phụt đi. Mọi người trong phòng xôn xao: "Nến tắt rồi, tối quá, làm sao bây giờ?". Cây nến mỉm cười tự mãn vì sự quan trọng của mình. Bỗng có người nói: "Nến dễ tắt, để tôi đi tìm cái đèn dầu...". Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được cây đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên, còn cây nến cháy dở thì người ta bỏ vào ngăn kéo. Thế là từ hôm đó, nến bị bỏ quên trong ngăn kéo, rồi cũng không còn ai nhớ đến nó nữa. Nến hiểu ra rằng, hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến.

(Theo Quà tặng cuộc sống)

Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn chia sẻ những suy nghĩ của mình?

Câu 2 (12,0 điểm)

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng: "Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi"

(Trích "Nhà văn nói về tác phẩm", NXB Văn học, 1998)

Anh/ chị hiểu điều đó thế nào? Bằng hiểu biết của mình về tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên?

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Câu 1: (8,0 điểm) Chia sẻ suy nghĩ từ câu chuyện Ngọn nến

1. Kĩ năng: đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận xã hội, hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.

2. Kiến thức: cần đảm bảo những kiến thức cơ bản sau:

a. Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận.

b. Giải thích

- Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của câu chuyện: ngọn nến ban đầu cũng thấy mình vui sướng vì được cháy sáng nhưng khi bắt đầu tan chảy ra, nó thấy mình thiệt thòi vì vậy mà tìm cách tự tắt sáng đi ->Muốn tỏa sáng nhưng lại không muốn tan chảy -> Đó là thói ích kỉ của con người, sợ mình bị thiệt hơn người khác nên chỉ lo nghĩ cho bản thân mình.

- Cây nến nhận ra một cách muộn màng rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng dù sau đó có tan chảy đi -> Con người cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Dù ở vị trí nào, con người cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho xã hội. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.

=> Câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng một bài học nhân sinh sâu sắc. Từ việc phê phán lối sống ích kỉ người viết nhắn gửi: sống là phải cống hiến, làm được những điều có ích. Đó cũng là cách để tự khẳng định giá trị bản thân.

b. Bàn luận

- Ích kỉ là một thói xấu hay gặp và dễ mắc phải. Con người phải có bản lĩnh, sự nhân hậu để vượt lên trên thói ích kỉ cá nhân để sống có ích, đem lại niềm vui cho nhiều người và chính bản thân mình.

- Điện, đèn, nến: ẩn ý về cá nhân trong quan hệ với cộng đồng, gia đình, xã hội; con người không thể sống tách mình ra khỏi cộng đồng, phải hòa nhập, bổ sung, tương hỗ cho nhau.

- Con người sống ở trên đời ai cũng có ý thức về cái tôi của mình, thậm chí sự tự ý thức về cái tôi để nâng mình lên, để tự khẳng định mình là một nhu cầu chính đáng. Song cần phải phân biệt rõ khát vọng "tỏa sáng" với tham vọng "đánh bóng" bản thân; ý thức khẳng định bản thân khác hẳn với sự ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa.

---(Để xem đầy đủ đáp án của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Câu 1 (4,0 điểm)

Bài thơ "Tây Tiến" (Quang Dũng) và đoạn trích "Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm) đều xuất hiện rất nhiều tên địa danh.

Anh / chị có nhận xét gì về cách sử dụng tên địa danh trong hai văn bản?

Câu 2 (6,0 điểm)

Chẳng ai muốn làm hành khất

Tội trời đày ở nhân gian

Con không được cười giễu họ

Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến

Có cho thì có là bao

Con không bao giờ được hỏiQuê hương họ ở nơi nào.

(...)
Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này

(Trần Nhuận Minh, "Dặn con", rút từ tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ, 1993)

Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vấn đề được gợi ra từ ý thơ của Trần Nhuận Minh.

Câu 3 (10,0 điểm)

Bàn về ngôn ngữ trong thơ, Nguyễn Đình Thi viết:

"Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy."

(Mấy ý nghĩ về thơ, Ngữ văn 12 Nâng cao, tập 1, tr. 52, NXBGD, 2008)

Qua bài thơ "Sóng" (Xuân Quỳnh), anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Câu 1: Về tên địa danh trong hai bài thơ "Tây Tiến" và "Đất Nước" (4,0 điểm)

Trên cơ sở những hiểu biết về hai văn bản "Tây Tiến"(Quang Dũng) và đoạn trích "Đất Nước"(Nguyễn Khoa Điềm), học sinh có thể làm rõ các nội dung sau:

- Nêu những tên địa danh trong từng văn bản (1,0 điểm)

- Nêu ý nghĩa những tên địa danh đó trong việc làm rõ cảm hứng chủ đạo của từng tác phẩm

- Địa danh trong "Tây Tiến" làm sống lại con đường hành quân của người lính Tây Tiến, mỗi tên địa danh xa lạ vừa làm hiện lên không gian núi rừng xa xôi vừa như một nốt nhạc của bản nhạc tình thương nỗi nhớ về một thời binh lửa.

- Địa danh trong "Đất Nước" lại gắn với những trầm tích văn hoá dân tộc, mỗi địa danh trước hết là một danh thắng của Tổ Quốc đồng thời là một huyền thoại về con người, về vẻ đẹp của địa lí, văn hoá, lịch sử dân tộc.

- Đưa tên địa danh vào văn bản là sáng tạo riêng của từng nhà thơ nhằm bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước. (3,0 điểm)

Câu 2: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần ngắn gọn và đảm bảo các ý cơ bản sau:

A. Yêu cầu chung:

- Về hình thức: Viết bài văn nghị luận một vấn đề tư tưởng đạo lí, diễn đạt lưu loát; chữ viết, cách trình bày sạch đẹp.

- Về nội dung: Từ hiểu biết nội dung của khổ thơ, học sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về tình người trong cuộc đời. (6,0 điểm)

B. Yêu cầu cụ thể:

Dẫn dắt - Nêu vấn đề: Lòng tốt trong cuộc đời (0,5 điểm)

1. Nội dung của đoạn thơ:

Đoạn thơ là lời của người cha nói với con, dặn con: Cuộc sống hiện tại của ta cũng tạm gọi là no ấm, đầy đủ hơn nhiều người. Nhưng ai có thể biết trước được cuộc sống trong tương lai của mình giàu sang phú quý hay cơ cực bần hàn. Vậy con hãy đem lòng tốt của mình đến với mọi người, biết đâu sau này nếu có "sa cơ lỡ vận" mọi người lại sẵn lòng giúp đỡ con. (1,0 điểm)

---(Để xem đầy đủ đáp án câu 2 và câu 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

Câu 1: (4 điểm)

Nhiều bạn đọc cho rằng: Mỗi khổ thơ có một câu hỏi tu từ, vì thế, bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử đã gieo vào lòng người những ám ảnh, day dứt rất ấn tượng:

- Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

- Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?

- Ai biết tình ai có đậm đà?

Còn bạn thì sao?

Câu 2: (6 điểm)

HAI BIỂN HỒ

"Người ta bảo ở Palextin có hai biển hồ ... Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống phải cũng bị bệnh. Ai cũng đều không muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galile. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này ...

Nhưng điều kì lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết dần trở nên mặn chát. Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người."

(Trích "Bài học làm người" – Nhà xuất bản Giáo dục, 2010)

Câu chuyện HAI BIỂN HỒ trên đã cho em bài học ý nghĩa nào trong cuộc sống?

Câu 3: (10 điểm)

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng: "Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi" (Trích từ cuốn "Nhà văn nói về tác phẩm", NXB Văn học, 1998)

Anh/ chị hiểu điều đó thế nào? Bằng hiểu biết của mình về tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên?

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

Câu 1: (4 điểm)

1. Về kĩ năng:

- Thể hiện được năng lực cảm thụ văn học, cách thể hiện quan điểm của người viết theo hướng mở của đề bài.

- Ý tưởng sáng tạo, thể hiện được ấn tượng riêng của mình.

- Văn phong trong sáng, lập luận chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt,

2. Về nội dung

Thí sinh có thể viết bài theo nhiều hướng, dưới đây là một số yêu cầu gợi ý:

- Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một thi phẩm xuất sắc trong đời thơ Hàn Mặc Tử. Mỗi khổ thơ chứa một câu hỏi tu từ, với những vị trí, chức năng riêng, hé mở những dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình.

- Câu hỏi tu từ thứ nhất: Vị trí mở đầu bài thơ, như một lời tự vấn, tạo cái cớ rất tự nhiên để giãi bày cảm xúc đắm say, gợi mở kỉ niệm, gọi dậy kí ức.

- Câu hỏi tu từ thứ hai: Có vai trò như để nối kết những hình ảnh rời rạc, chia lìa; tạo mối liên hệ ngầm, thể hiện tâm trạng bất an.

- Câu hỏi tu từ thứ ba: Vị trí kết thúc, hình thức để hỏi nhưng nội dung là câu trả lời. Nó thể hiện sự giằng co giữa lí trí và tình cảm: Tình cảm muốn thổ lộ nhưng lí trí lại ngại ngùng.

- Ba câu hỏi tu từ thể hiện tâm trạng, tiếng nói của chủ thể trữ tình. Đó cũng là kĩ thuật tạo độ vang cho âm điệu da diết, khắc khoải hơn. Đó cũng là cánh cửa để bạn đọc khám phá các tầng ý nghĩa của tác phẩm.

Câu 2: (6 điểm)

1. Về kĩ năng:

- Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội. Khuyến khích bài làm có tính sáng tạo.

- Lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt,...

2. Về kiến thức:

- Bài học rút ra từ câu chuyện:

+ Từ góc nhìn địa lí: Biển Chết là do vị trí hồ không thuận lợi, không có lối thoát nên nước từ thượng nguồn đổ về tích tụ dần một lượng muối lớn, khiến sinh vật không thể sống được dẫn tới hoang vu. Biển hồ Galilê thì ngược lại, nước tràn qua các hồ nhỏ, sông lạch nên luôn trong sạch, mang lại sự sống tươi đẹp.

- Ý nghĩa biểu tượng:

+ Biển chết: tượng trưng cho kiểu người ích kỉ, thiếu lòng vị tha, chỉ biết sống cho riêng mình.

+ Biển hồ Galilê: tượng trưng cho kiểu người có lòng vị tha, nhân ái, luôn sống vì người khác.

+ Bài học: Hãy chọn cho mình lối sống nhân ái, biết cảm thông, chia sẻ để luôn đón nhận niềm vui và để cuộc sống luôn tươi đẹp.

- Phân tích, chứng minh, bàn luận về bài học cuộc sống:

+ Câu chuyện đã đem đến bài học thật ý nghĩa, đánh thức trái tim con người ý thức về mối quan hệ giữa "cho" và "nhận" trong cuộc sống.

+ Phê phán lối sống ích kỉ, cách ứng xử thiếu lòng vị tha của một bộ phận người, đặc biệt là tuổi trẻ trong XHngày nay. (Dẫn chứng từ cuộc sống thực tế)

- Bài học nhận thức và hành động.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

Câu 1 (4,0 điểm).

CÁI LẠNH

“Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.

Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng.

Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về.

Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm:“Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”

Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính:“Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ  nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó”.

Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù:“Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!”

Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khá trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ:“Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước”.

Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những khúc củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt.

Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng. Họ không chết vì cái lạnh bên ngoài mà chết vì sự buốt giá trong sâu thẳm tâm hồn.”

(Theo “Lời nói của trái tim”, NXB Văn hóa Sài Gòn)

Suy nghĩ của anh (chị) từ ý nghĩa của câu chuyện trên?

Câu 2 (6,0 điểm).

"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”.

(Trích: “Tiếng nói của văn nghệ” - Nguyễn Đình Thi)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm"Vội vàng" của Xuân Diệu và “Chí Phèo” của Nam Cao.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

Câu 1:

- Cái hang lạnh và sâu: hoàn cảnh ngặt nghèo thử thách con người, là môi trường để bộc lộ bản chất người.

- Que củi, thanh củi, khúc củi: tượng trưng cho những điều quý giá mà mỗi người sở hữu.

- Đống lửa: là điều kiện để chống lại cái lạnh, duy trì sự sống và là biểu tượng cho hơi ấm của tình người, của sự đoàn kết, chia sẻ.

- Hành động khư khư cầm thanh củi trên tay: sự ích kỉ, nhỏ nhen, muốn sở hữu và giữ chặt thứ mình có.

- Khuôn mặt da đen và da trắng: là sự khác nhau về chủng tộc; không đi chung nhà thờ: không cùng một tôn giáo, đức tin; người phụ nữ, người với bộ quần áo nhàu nát, người đàn ông nhà giàu và tên khố rách áo ôm... chỉ những con người khác biệt, đối lập về giới tính, hoàn cảnh và địa vị; mình sẽ cho thanh củi nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước: đây là suy nghĩ đầy toan tính …những biểu hiện trên cho thấy sự kì thị, tị nạnh, đố kị, không hợp tác.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 5 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Đồng Đậu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?