TRƯỜNG THPT TRƯỜNG XUÂN | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Chúng ta thường đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để có được ngoại hình đẹp, nhà cửa khang trang, xe cao cấp, quần áo giày dép đắt tiền. Nhưng còn nền tảng cho hạnh phúc thực sự của chúng ta, điều không thể nhìn thấy bằng mắt thường – “những mối quan hệ tốt”, chúng ta đã đầu tư được bao nhiêu rồi?
Cho dù gặp khó khăn trong cuộc sống, chỉ cần bạn biết rằng bên cạnh mình có người hiểu được giá trị con người bạn và ủng hộ bạn bằng sự quan tâm chân thành thì bạn có thể nhận được hạnh phúc và dũng khí to lớn để sống tiếp.
Ngược lại, cho dù bạn có điều kiện vật chất tốt đến mức nào đi chăng nữa, nếu những mối quan hệ của bạn bắt đầu xấu đi thì bạn sẽ bắt đầu khổ sở, dễ mắc chứng trầm cảm, thậm chí nếu cảm thấy quá khó khăn và mệt mỏi, bạn có thể nghĩ đến cả cái chết.
Nếu bạn đang nỗ lực để có được ngoại hình đẹp, nhà cửa khang trang, xe cao cấp, quần áo giày dép đắt tiền, vậy chẳng phải bạn cũng nên nỗ lực thật nhiều để tạo được mối quan hệ tốt? Những mối quan hệ tốt không thể tự nhiên hình thành nếu bạn không đầu tư một chút cố gắng. Vậy làm sao để được sống trong những mối quan hệ tốt đẹp?
(Trích Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, Hae Min, Nxb Hội nhà văn, 2017, tr.60)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào là những mối quan hệ tốt?
Câu 3. Theo tác giả, vì sao những mối quan hệ tốt là nền tảng cho hạnh phúc thực sự?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Những mối quan hệ tốt không thể tự nhiên hình thành nếu bạn không đầu tư một chút cố gắng? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về việc làm sao để được sống trong những mối quan hệ tốt đẹp?
Câu 2:
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (đoạn trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài). Từ đó trình bày suy nghĩ về sức sống con người Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2:
- Mối quan hệ tốt đẹp là khi giữa con người với con người có thể thấu hiểu, lắng nghe để biết được quan điểm, cảm xúc của đối phương. Mối quan hệ tốt là khi đôi bên tôn trọng nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc gặp khó khăn.
Câu 3:
- Những mối quan hệ tốt là nền tảng cho hạnh phúc thực sự vì: Cho dù gặp khó khăn trong cuộc sống, chỉ cần bạn biết rằng bên cạnh mình có người hiểu giá trị con người bạn và ủng hộ bạn bằng sự quan tâm chân thành thì bạn có thể nhận được hạnh phúc và dũng khí to lớn để sống tiếp.
Câu 4:
- Đồng ý với quan điểm trên.
- Vì: bất cứ điều gì trong cuộc sống này cũng vậy nếu ta không bỏ công sức thì sẽ không có thành quả. Mọi sự may mắn không phải vô tình có được mà là do những tích lũy nhỏ bé trước kia của bạn tạo thành. Bởi vậy, mối quan hệ tốt đẹp không thể ngẫu nhiên mà có nếu ta không bỏ sức vun đắp.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Mối quan hệ tốt đẹp: là khi giữa con người với con người có thể thấu hiểu, lắng nghe để biết được quan điểm, cảm xúc của đối phương. Mối quan hệ tốt là khi đôi bên tôn trọng nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc gặp khó khăn.
=> Một mối quan hệ tốt đẹp là điều bất cứ ai cũng cần có trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng biết cách để được sống trong những điều tốt đẹp ấy.
* Bàn luận vấn đề
- Làm thế nào để được sống trong những điều tốt đẹp?
+ Luôn lắng nghe để thấu hiểu nhau. Lắng nghe và không phán xét sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách với nhau.
+ Tôn trọng người đối thoại với mình. Tôn trọng là nền tảng cho một mối quan hệ vững chắc do đó bạn nên tôn trọng bản thân mình cũng như những người khác.
+ Quan tâm, chăm sóc mọi người mà trước hết là những người bên cạnh mình, những người thân như ông bà, bố mẹ,…
- Lợi ích khi được sống trong những điều tốt đẹp:
+ Bản thân cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.
+ Luôn được mọi người quan tâm, giúp đỡ.
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Bên cạnh những người luôn tích cực cải thiện mối quan hệ xã hội của mình thì lại có những cá nhân sống cô lập, tách mình ra khỏi xã hội hoặc chỉ nhằm phấn đấu phục vụ lợi ích cá nhân quên đi những người xung quanh. Những người như vậy thường sẽ không tìm thấy hạnh phúc thực sự, luôn sống trong sự cô đơn.
- Mỗi chúng ta là một tế bào của xã hội, không ai có thể tách mình ra khỏi cộng đồng ấy. Bởi vậy phải có lối sống tích cực, hòa mình vào cộng đồng. Luôn thấu thiếu, cảm thông và tôn trọng những người xung quanh để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.
- Em đã làm gì để tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp?
Câu 2:
1. Mở bài
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.
2. Thân bài
2.1. Giới thiệu nhân vật Mị
* Chân dung, lai lịch:
- Nhan sắc: trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị
=> Mị xinh đẹp như bông hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc.
- Tài năng: Thổi lá hay như thổi sáo. Hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:
+ Hiếu thảo: Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố
+ Tự tin vào khả năng lao động: Con đã biết cuốc nương làm ngô
+ Khao khát tự do: Bố đừng bán con cho nhà giàu
=> Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.
* Số phận bi kịch: Bị biến thành con dâu gạt nợ:
- Nguyên nhân:
+ Do món nợ truyền kiếp.
+ Vì bị A Sử lừa bắt về do hủ tục cướp vợ của người dân tộc thiểu số.
- Thân phận bi kịch:
+ Mới về làm dâu xuất hiện ý thức phản kháng
+ Lâu rồi, quen dần cũng trở nên trơ lì, chai sạn về cảm xúc.
2.2. Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân: Trong đêm tình mùa xuân, sức sống tiềm tàng của Mị đã trỗi dậy.
* Nguyên nhân thức dậy sức sống tiềm tàng:
- Khung cảnh ngày xuân:
+ Màu sắc rực rỡ: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ.
+ Âm thanh náo nhiệt, tưng bừng: tiếng trẻ con chờ tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà …
- Tiếng sáo: có sự dịch chuyển, vận động:
+ Từ xa đến gần (Từ ngoài vào trong, từ khách thể nhập vào chủ thể):
- Lấp ló ngoài đầu núi vọng lại.
- Văng vẳng ở đầu làng.
- Lửng lơ bay ngoài đường.
- Rập rờn trong đầu Mị.
+ Từ hiện tại đến quá khứ (Từ cõi thực đến cõi mộng).
+ Tiếng sáo rủ bạn đi chơi đầy háo hức ⟶ tiếng sáo gọi bạn yêu trong tuyệt vọng.
=> Dìu hồn Mị bềnh bồng sống lại với những khát khao yêu thương hạnh phúc của ngày xưa, dẫn Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ.
- Hơi rượu:
+ Uống cả hũ rượu
+ Uống ực từng bát
=> Say lịm mặt ngồi đấy ⟶ Lãng quên hiện tại ⟶ Sống lại quá khứ.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới:
Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Chúng ta đã từng nói đến việc làm sao trở thành những công dân toàn cầu. Danh từ công dân toàn cầu rất dễ làm cho những ai đó lầm tưởng về một siêu nhân trong khía cạnh nào đấy. Nhưng bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian. Có thể sẽ có những công dân kêu lên đầy bất lực: Ta chỉ là một sinh linh nhỏ bé làm sao ta có thể yêu thương và che chở cho cả một thế gian rộng lớn nhường kia! Việc yêu thương và che chở cho cả thế gian có phải là một ước mơ hay một nhân cách hão huyền không? Không. Đó là một hiện thực và đó là một nguyên lí. Khi một con người yêu thương chân thực mảnh đất con người đó đang đứng dù chỉ vừa hai bàn chân thì người đó đã yêu cả trái đất này. Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn thì bạn yêu mọi cái cây trên thế gian. Khi bạn yêu thương một con người bên cạnh thì bạn đang yêu cả nhân loại. Và khi tất cả những con người dù nhỏ bé đến đâu yêu thương người bên cạnh thì tình yêu thương ấy sẽ ngập tràn thế gian này.
… Hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù ích kỉ, những vô cảm và giá lạnh bằng những hành động cụ thể của mỗi con người đang sống trong thế gian này. Đấy là tiếng kêu khẩn thiết và đầy tình thương yêu và trách nhiệm của biết bao con người đang sống trong thế gian này.
(Trích Cần một ngày hòa giải để yêu thương, dẫn theo http://www.tuanvietnamnet, ngày 7/9/2010)
Câu 1. Theo văn bản, phẩm chất cốt lõi của một công dân toàn cầu là gì?
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 3. Văn bản trên sử dụng thao tác lập luận nào khi bàn về bản chất duy nhất của công dân toàn cầu?
Câu 4. Anh/chị thử đưa ra một định nghĩa khác về công dân toàn cầu.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
Thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để trở thành công dân toàn cầu?
Anh( chị) hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi trên.
Câu 2.
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
(Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr22)
Làm sao được tan ra
Thành trăng con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
(Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr 156)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là: “Một người biết yêu thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian”.
Câu 2:
Học sinh có thể lựa chọn các biện pháp tu từ khác nhau miễn là đúng với nội dung bài: So sánh, Điệp ngữ, Câu hỏi tu từ:
- So sánh: Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không?
- Điệp cấu trúc:
+ Có bao giờ chúng ta yêu thế gian…? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại …?
+ Khi một con người yêu thương chân thực mảnh đất con người đó đang đứng ... Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn…. Khi bạn yêu thương một con người bên cạnh …
- Câu hỏi tu từ: Có bao giờ ?...
- Tác dụng: Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của tình yêu thương.
Câu 3:
Thao tác lập luận được sử dụng khi bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu”: Bác bỏ.
Câu 4:
- Công dân toàn cầu là những người có thể sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể vượt qua những ranh giới về không gian, thời gian, văn hóa,…Nhưng những công việc mà họ làm phải mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu.
- Công dân toàn cầu là công dân có kiến thức nền tảng về các vấn đề văn hóa nhân loại, có thể giao lưu học tập, làm việc ở bất cứ quốc gia nào, có khả năng hòa nhập với người dân trên khắp thế giới, có năng lực giải quyết các vẫn đề chung của toàn nhân loại: bảo vệ môi trường, chống chiến tranh, đẩy lùi dịch bệnh…
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giải thích
- Công dân toàn cầu: Công dân toàn cầu là những người có thể sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể vượt qua những ranh giới về không gian, thời gian, văn hóa,…Nhưng những công việc mà họ làm phải mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu
2. Phân tích, bàn luận vấn đề
- Cần làm những gì để trở thành công dân toàn cầu:
+ Để trở thành một công dân toàn cầu chúng ta cần phải xây dựng nền tảng tri thức phổ thông vững chắc, có hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
+ Có những kĩ năng thiết yếu như: kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kĩ năng tự học, sáng tạo…trong đó năng lực tiếng Anh, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông là điều quan trọng nhất.
+ Bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức mạng tính cốt lõi: lòng tự trọng, tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương, khát vọng thay đổi, …
+ Công dân toàn cầu có thể hòa nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình. Đây là một thách thức lớn với giới trẻ trong xu hướng hội nhập với thế giới.
- Phê phán những người vì chưa hiểu đúng về khái niệm công dân toàn cầu mà sẵn sàng đánh mất bản sắc dân tộc, biểu dương những con người lao động không mệt mỏi để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân loại..
3. Bài học liên hệ:
- Công dân toàn cầu là ước mơ của người Việt trẻ cũng như mọi công dân trên thế giới này. Trở thành công dân toàn cầu là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phấn đấu để thực hiện mong muốn đó bằng những hành động, việc làm thiết thực.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Xuân Diệu là cây bút xuất sắc của phong trào Thơ mới. Ông được giới trẻ tấn phong là ”ông hoàng của thơ tình yêu” bởi đã đem vào thơ tình một quan niệm đầy đủ, toàn diện, một cách thể hiện mới mẻ, phong phú đặc biệt là sự diễn đạt chân thực và táo bạo về tình yêu. Xuân Diệu đem đến cho thơ hiện đại Việt Nam một giọng điệu thiết tha, sôi nổi.
- Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938). Thi phẩm đầu tay này ngay lập tức vinh danh Xuân Diệu như một đại biểu tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới.
- Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ các nhà thơ trường thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
- Sóng (1967) là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
2. Phân tích
2.1. Đoạn thơ trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và giàu khát vọng.
- Mở đầu đoạn thơ, ta thấy sự lên tiếng trực tiếp của cái tôi khao khát đến mãnh liệt: tôi muốn – điệp từ lặp lại hai lần.
- Nắng, gió là hiện tượng của tự nhiên nhưng ở đây tác giả lại muốn tắt nắng, buộc gió ⟶ muốn đoạt quyền tạo hóa, thay đổi tự nhiên.
- Mục đích: cho màu đừng nhạt, hương đừng bay ⟶ giữ lại hương sắc cho cuộc đời, muốn vĩnh cửu hóa cái đẹp.
- Điệp từ đừng ⟶ cầu xin khẩn thiết, cầu xin tạo hóa dừng lại những khả năng vô biên để cuộc sống mãi mãi tươi đẹp như hiện tại.
=> Xuân Diệu vô cùng nhạy cảm trước bước đi của thời gian cho nên thi sĩ khát vọng chiếm lấy quyền năng của tạo hóa để vũ trụ ngừng quay, thời gian ngừng trôi , để thi nhân tận hưởng những phút giây đẹp nhất của đời người. Đây cũng chính là một khát vọng rất nhân văn.
- Thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu góp phần diễn tả tự nhiên khát vọng của nhà thơ, cả đoạn thơ giống như một lời bộc bạch.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:
Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon.
Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo nên những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.
(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2017)
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Nêu quan niệm của tác giả về tuổi trẻ.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta?
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
Từ nội dung phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc chăm sóc “sức khỏe tinh thần” trong đời sống mỗi cá nhân.
Câu 2.
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài (trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, tr.13, Nxb Giáo dục, 2016). Từ đó, liên hệ chi tiết thị Nở mang bát cháo hành cho Chí Phèo (trích Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, tập 1, tr.150, Nxb Giáo dục, 2016) để thấy được nét độc đáo trong cái nhìn, tình cảm của hai tác giả đối với người phụ nữ.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Thao tác lập luận: bình luận
Câu 2:
- Quan niệm của tác giả về tuổi trẻ:
+ Là trạng thái tâm hồn.
+ Gắn liền với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
+ Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm.
Câu 3:
- Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn
+ Thời gian hình thành tuổi tác: theo quy luật cuộc sống, cùng với sự chảy trôi của thời gian con người lớn lên về tuổi tác, già đi về mặt hình thức.
+ Thái độ tạo nên tâm hồn: Tuổi tác, thời gian không kiến tạo nên thế giới tinh thần chúng ta. Cái tạo nên nó chính là thái độ, tức là những ý nghĩ, tình cảm, là cách nhìn, cách ứng xử, cách lựa chọn lối sống của mỗi cá nhân trong cuộc đời.
=> Thái độ sống tiêu cực sẽ khiến tâm hồn trở nên già cỗi, tàn lụi.
=> Ngược lại, thái độ sống tích cực sẽ làm cho tâm hồn trở nên lành mạnh, khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng.
Câu 4:
Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm.
- Đồng tình với quan điểm Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.
- Vì:
+ Đây là những trạng thái tâm lí tiêu cực. Một khi xuất hiện thường xuyên, trở thành thói quen nó sẽ thao túng, nhấn chìm đời sống tâm hồn ta trong bóng tối, khiến đời sống bên trong ta luôn u ám, tẻ nhạt, rơi vào sự bế tắc, không lối thoát.
=> Lo lắng sợ hãi khiến ta luôn cảm thấy bất an trước cuộc đời, khiến ta mất đi sức sống, sức trẻ, mất đi niềm vui sống.
=> Việc mất lòng tin vào bản thân khiến ta không tìm được điểm tựa tinh thần vững chắc, từ đó đánh mất tiềm lực bản thân, luôn trong trạng thái mặc cảm, hoang mang, hoài nghi chính mình.
+ Tất cả những trạng thái tâm lý đó khiến ta không nhận thức được về giá trị bản thân, về ý nghĩa sự tồn tại của mình, thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa, không còn cảm giác hào hứng sống nữa. Đó là lúc ta chết về mặt tinh thần. Cuộc đời còn gì thú vị khi đời sống bên trong bị hủy hoại?
+ Để tránh cho đời sống tâm hồn không bị hủy hoại chúng ta cần có ý nghĩ, tình cảm, cách nhìn, cách lựa chọn lối sống đúng đắn, tích cực.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
* Giải thích: chăm sóc “sức khỏe tinh thần”
- Là khái niệm dùng để chỉ sự quan tâm, chăm chút đến đời sống tâm hồn bên trong để nó luôn ở trạng thái lành mạnh, khỏe khoắn.
- Một tinh thần khỏe mạnh được biểu hiện qua nhiều khía cạnh, chẳng hạn như: lối suy nghĩ tích cực, tự tin, luôn lạc quan, yêu đời; luôn hướng thiện; có những ước mơ, khát vọng chính đáng, đẹp đẽ...
=> Việc ta chăm sóc “sức khỏe tinh thần” cho chính mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
* Bàn luận
- Vì sao việc chăm sóc “sức khỏe tinh thần” rất quan trọng?
+ Thể xác và tinh thần là hai mặt song song tồn tại đảm bảo cho sự sống của mỗi con người. Cuộc đời của chúng ta chỉ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc khi có sự hài hòa, thống nhất giữa hai yếu tố đó.
+ Tâm hồn con người không tự nhiên mà có, không tự nhiên khỏe mạnh. Cũng như thể chất, nó cần có sự quan tâm, “chăm sóc” đúng đắn, hợp lí, khoa học.
+ Ở góc độ nào đó có thể khẳng định: “sức khỏe tinh thần” quyết định sức khỏe thể chất. Khoa học đã chứng minh một tâm hồn khỏe mạnh sẽ đem đến một thân thể tráng kiện, có thể giúp người bệnh chiến thắng, đẩy lùi bệnh tật.
+ Không chăm sóc tâm hồn để nó “tàn lụi ngay khi sống” là thái độ vô trách nhiệm, vô cảm cần phê phán. Sống như vậy ta tự đánh mất giá trị, tự đẩy mình vào kiếp "sống mòn", sống một "đời thừa", vô nghĩa.
- Ý nghĩa của việc nhận thức vấn đề:
+ Giúp ta ý thức được vị trí quan trọng của đời sống tinh thần, tránh bỏ bê nó.
+ Từ đó, có sự quan tâm, chăm sóc bằng các phương pháp khoa học đúng đắn để tâm hồn luôn “khỏe mạnh”.
+ Khi có một đời sống tâm hồn "mạnh khỏe" trong một cơ thể cường tráng, chúng ta sẽ làm được rất nhiều điều có ích cho bản thân, gia đình, xã hội; sẽ nhận được sự yêu mến, tôn trọng, sự giúp đỡ nhiệt tình khi cần thiết từ những người xung quanh; có nhiều cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực... Cuộc sống vì vậy trở nên vui vẻ, ý nghĩa, đáng sống hơn.
- Muốn đời sống tinh thần luôn khỏe mạnh ta cần phải làm gì?
+ Tránh cung cấp cho nó những "độc tố" trong nghĩ suy, cảm xúc, trong cách nhìn đời sống, như: tránh lo lắng, sợ hãi, mất niềm tin, bi quan, chán nản,...Làm như vậy ta giúp tâm hồn thoát khỏi tình trạng nảy sinh "bệnh tật" bởi những "chủng vi rút" có hại kia hoành hành, xâm lấn.
+ Cần "bồi bổ" cho nó những "vitamin, khoáng chất" cần thiết, khoa học trong suy nghĩ, tình cảm, trong cách nhìn đời, như: thường trực thái độ tự tin, lạc quan, yêu đời; luôn nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích cực; sống thuận theo tự nhiên, biết buông xả phiền não,... Bằng cách đó, tâm hồn ta sẽ luôn tràn đầy sinh lực.
- Phản đề:
+ Quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần không có nghĩa ta bỏ bê thể chất để mặc nó ốm yếu, bệnh tật.
+ Việc chăm sóc "sức khỏe tinh thần" chỉ trở nên có ý nghĩa, hiệu quả khi kết hợp song song với việc chăm sóc thể chất.
=> Thí sinh cần liên hệ với thực tế, dẫn chứng để làm rõ hơn quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề đang nghị luận.
* Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp.
Câu 2:
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
- Tô Hoài là gương mặt nổi bật của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đây là cây bút thường viết về đề tài Tây Bắc với phong cách giàu chất thơ, ngôn ngữ giàu chất tạo hình, tinh tế, thể hiện sự hiểu biết phong phú về phong tục tập quán.
- Vợ chồng A Phủ (Truyện Tây Bắc - 1953) tiêu biểu cho phong cách văn xuôi của tác giả, được viết vào năm 1952 sau chuyến đi kéo dài tám tháng của nhà văn cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Truyện kể về cuộc sống tủi nhục của những người lao động miền núi trong xã hội thực dân phong kiến, đồng thời phản ánh sức sống tiềm tàng và ý thức phản kháng mãnh liệt của họ.
- Mị là nhân vật chính của truyện, điển hình cho số phận và tâm hồn của người dân Tây Bắc. Để làm bật nổi hình tượng này, Tô Hoài đã dụng công xây dựng nhiều chi tiết đặc sắc, nổi bật trong số đó là chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài.
2. Phân tích
2.1. Chi tiết Mị cắt dây trói cứu A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài
* Giới thiệu chung:
- Chi tiết trong tác phẩm tự sự: Chi tiết là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Chi tiết được lựa chọn đưa vào truyện ngắn phải độc đáo, giàu ý nghĩa nghệ thuật, đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên nét độc đáo trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
- Vị trí và vai trò: Đây là chi tiết kết thúc đoạn trích, có vai trò quan trọng trong việc khắc họa nhân vật và bộc lộ tư tưởng chủ đề tác phẩm, tài năng tác giả.
* Diễn biến tâm lí và hành động của Mị.
- Chứng kiến cảnh A Phủ bị trói mấy đêm liền, Mị vẫn dửng dưng vô cảm. Mị thản nhiên thổi lửa hơ tay "nếu A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi".
- Tuy nhiên, dòng nước mắt của A Phủ đã khiến Mị nhớ về tình cảnh của mình trong đêm mùa xuân năm trước.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Trường Xuân. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !