Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Lạc Long Quân

TRƯỜNG THPT LẠC LONG QUÂN

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

"Tôi học được rằng mọi thứ chỉ thay đổi khi chính tôi thay đổi.

Đừng nói: “Nếu đã có thể thì tôi đã làm rồi,” mà hãy nói: “Nếu có thể thì tôi sẽ làm.” Đôi khi, việc bạn chọn cái nào không quan trọng. Quan trọng là bạn phải chọn! Bạn không thể tiến lên nếu không chịu đưa ra quyết định.

Chúng ta thường thay đổi bản thân vì một trong hai lý do: niềm cảm hứng hoặc nỗi tuyệt vọng. Nếu không thích hiện tại thì hãy thay đổi nó! Bạn đâu phải một cái cây. Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu thay đổi cuộc đời là làm bất cứ điều gì xuất hiện ở danh sách “Tôi nên làm” trong tâm trí bạn. Mọi dạng thức sống đều nỗ lực vươn tới cực hạn ngoại trừ con người. Một cái cây sẽ mọc cao đến chừng nào? Cao đến hết mức có thể. Trong khi đó, con người lại được trao đặc quyền chọn lựa. Bạn có thể chọn là tất cả hoặc ít hơn. Vậy sao không nỗ lực đến cực hạn trước các thức thức và xem mình có thể làm được những gì.

Đôi khi quá trình ra quyết định giống như một cuộc chiến nội tâm. Đích đến của bạn không thể thay đổi sau một đêm, nhưng hướng đi đến đó thì có thể đấy! Sự thiếu quyết đoán là kẻ đánh cắp những cơ hội".

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, đâu là điều kiện giúp con người tiến lên?

Câu 2. Theo anh / chị, vì sao "Đôi khi quá trình ra quyết định giống như một cuộc chiến nội tâm"?

Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về câu nói: "Sự thiếu quyết đoán là kẻ đánh cắp những cơ hội"?

Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan niệm của tác giả khi ông cho rằng: con người thường thay đổi bản thân khi có niềm cảm hứng hoặc nỗi tuyệt vọng không? Lí giải vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Mọi thứ chỉ thay đổi khi chính bạn thay đổi.

Câu 2 (5 điểm)

Trong “Vợ nhặt” của Kim Lân và “Chí Phèo” của Nam Cao, ta thấy có một sự gặp gỡ thú vị, rằng những kẻ khờ khạo nhất lại chính là những kẻ sống “NGƯỜI” nhất.

Bằng hiều biết của anh / chị về hai hình tượng nhân vật Tràng và Thị Nở, hãy bàn luận về nhận định trên.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Theo tác giả, điều kiện giúp con người tiến lên là đưa ra quyết định

2. Theo anh / chị, vì sao "Đôi khi quá trình ra quyết định giống như một cuộc chiến nội tâm"?

- Trong cuộc đời, có những quyết định có thể làm thay đổi hướng đi của cuộc đời, vì vậy chúng ta sẽ phải cân nhắc, tính toán xem quyết định đó là đúng hay sai, có pù hợp với mình hay không

- Khi đưa ra quyết định, chúng ta cũng sẽ bị tác động bởi rất nhiều luồng dư luận, do vậy, chúng ta phải xem xét xem đó có thực sự là điều mình mong muốn

=> Do vậy, đó thực sự là một cuộc chiến nội tâm

3. Anh / chị hiểu như thế nào về câu nói: "Sự thiếu quyết đoán là kẻ đánh cắp những cơ hội"?

- Thiếu quyết đoán có nghĩa là việc chúng ta không dám mạnh dạn đưa ra quyết định. Thay vào đó, chúng ta lại lưỡng lự, chần chừ, do dự.

- Chính sự do dự này có thể sẽ làm cho cơ hội thuận lợi trôi qua, mà một khi cơ hội đã trôi qua thì chúng ta không thể lấy lại được.

4. Anh / chị có đồng tình với quan niệm của tác giả khi ông cho rằng: con người thường thay đổi bản thân khi có niềm cảm hứng hoặc nỗi tuyệt vọng không? Lí giải vì sao?

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn có lí giải phù hợp. Tham khảo:

- Đồng tình.

- Vì:

+ Khi có niềm cảm hứng, chúng ta cảm thấy mình có đủ tự tin để thực hiện một sự thay đổi. Niềm cảm hứng đem đến động lực, sức mạnh để con người sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, tạo lập những cái mới.

+ Khi có nỗi tuyệt vọng, con người thường rơi vào hai trạng thái, hoặc là bi quan, muốn vứt bỏ tất cả, dẫn đến thay đổi theo hướng tiêu cực; hoặc là cố gắng vùng vẫy, để rồi đứng lên, thay đổi mình theo hướng tích cực để chiến thắng hoàn cảnh.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Mọi thứ chỉ thay đổi khi chính bạn thay đổi.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Sự thay đổi là một cánh cửa mà bạn chỉ có thể mở nó từ bên trong, có nghĩa là, trên đời này, chỉ có một thứ bạn có thể thay đổi, đó chính là con người bạn. Bạn không thể thay đổi được người khác, cũng không thể bắt buộc hoàn cảnh thay đổi theo bạn. Những con người xung quanh bạn chỉ có thể thay đổi nếu họ thực sự muốn thay đổi mà thôi.

- Bạn trở thành người như thế nào, cuộc sống của bạn ra sao, hoàn cảnh xung quanh trở nên tích cực hay tiêu cực phần lớn đều xuất phát từ chính cách nhìn của bạn.

- Do vậy, nếu muốn mọi thứ trở nên tích cực, thì chính bạn phải thay đổi theo hướng tích cực.

- Ngược lại, khi bạn thay đổi theo hướng tiêu cực, thì mọi thứ cũng có chiều hướng trở nên đen tối, bế tắc hơn.

- Cần phê phán những con người luôn muốn thay đổi người khác nhưng lại không chịu thay đổi chính bản thân mình.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng một trong hai nỗi đau: nỗi đau do kỷ luật hoặc nỗi đau do hối tiếc. Sự khác biệt là kỷ luật nhẹ tựa lông hồng còn hối tiếc nặng tựa núi cao. Kỷ luật là cây cầu kết nối giữa mục tiêu và thành quả.

Một kỷ luật này luôn dẫn đến một kỷ luật khác. Khẳng định mà thiếu kỷ luật là sự khởi đầu của ảo tưởng. Bạn không cần phải thay đổi quá nhiều để tạo ra sự khác biệt lớn lao. Một vài kỷ luật đơn giản có thể tác động lớn đến cuộc sống của bạn chỉ trong 90 ngày thôi, chưa nói đến 12 tháng hay 3 năm.

Một chút thiếu kỷ luật là đủ để bắt đầu bào mòn lòng tự trọng của bạn. Mọi kỷ luật đều tác động lẫn nhau. Người ta hay nhầm lẫn thế này: “Tôi chỉ buông thả ở mỗi chỗ này thôi.” Không đúng. Mọi sự buông thả đều gây ảnh hưởng đến những điều khác. Đừng suy nghĩ ngây thơ như vậy.

Kỷ luật là nền móng của mọi thành công. Thất bại là điều không thể tránh khỏi nếu thiếu kỷ luật. Kỷ luật mang trong mình tiềm năng tạo ra những phép màu trong tương lai”.

(Trích “Triết lý cuộc đời” – Jim Rohn – Thủy Hương dịch)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, một trong hai nỗi đau mà con người phải chịu đựng là gì?

Câu 2. Theo anh / chị, vì sao “kỷ luật nhẹ tựa lông hồng còn hối tiếc nặng tựa núi cao”?

Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về quan niệm: “Khẳng định mà thiếu kỷ luật là sự khởi đầu của ảo tưởng”?

Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “Kỷ luật là nền móng của mọi thành công” không? Lí giải vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Theo anh / chị, kỷ luật bản thân có làm cho con người đánh mất tự do không? Trả lời bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ).

Câu 2 (5,0 điểm)

Miếng ăn và cái đói trong mối quan hệ với nhân cách con người qua hai hình tượng nhân vật người vợ nhặt (“Vợ nhặt” – Kim Lân) và người đàn ông hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu).

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu

Câu 1. Theo tác giả, một trong hai nỗi đau mà con người phải chịu đựng là: nỗi đau do kỷ luật hoặc nỗi đau do hối tiếc.

Câu 2.

“kỷ luật nhẹ tựa lông hồng còn hối tiếc nặng tựa núi cao” vì:

- Kỉ luật nhẹ tựa lông hồng vì: Khi rèn luyện kỉ luật bản thân, con người có thể tiến hành từng bước, từ những cái nhỏ nhất; và mỗi lần bạn hình thành được một kỉ luật, nó sẽ đem đến cho bạn niềm vui sướng bởi bạn đang chiến thắng chính mình.

- Hối tiếc nặng tựa núi cao vì: hối tiếc có nghĩa là bạn đã bỏ lỡ một điều gì đó có ý nghĩa tốt đẹp đối với bản thân; và hối tiếc cũng có nghĩa là bạn không thể quay trở lại để mà thay đổi mọi chuyện; bạn sẽ phải gánh lấy hậu quả và cần phải có sự nỗ lực to lớn đề khắc phục hậu quả đó.

Câu 3.

- Khẳng định có nghĩa là khi bạn đang quyết tâm thực hiện một điều gì đó

- Thiếu kỉ luật có nghĩa là bạn không khép mình vào khuôn khổ, không tuân thủ kế hoạch để thực hiện ý định bạn đã vạch ra

=> Do vậy, bạn sẽ không bao giờ có thể hoàn thành được mục tiêu đã định.

Câu 4.

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn lí giải phù hợp. Tham khảo:

- Đồng tình

- Lí giải:

+ Chỉ có kỉ luật mới đưa bạn vào khuôn khổ, giúp bạn bắt tay vào thực hiện những điều quan trọng, cần thiết và nói không với những hoạt động vô bổ

+ Và khi bạn bản thân hành động, khi đó bạn mới có thể tiến tới để đạt được mục tiêu, do vậy, có được thành công.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Kỷ luật bản thân là đưa mình vào khuôn khổ, làm những việc cần làm vào những lúc cần thiết; không lười biếng, sa vào những hành động vô bổ.

- Nếu nhìn bề ngoài, ta dễ nghĩ rằng đưa bản thân vào kỉ luật thì sẽ mất tự do; tuy nhiên đấy là cách hiểu sai, người ta đang đánh đồng tự do với tùy tiện, dễ dãi.

- Nhìn từ bản chất, chính kỉ luật mới đem đến tự do cho con người: khi ép mình vào kỉ luật, người ta sẽ hình thành được cho mình những thói quen tốt, chiến thắng được bản thân từng ngày, hoàn thành được những mục tiêu mà mình đã đặt ra; chính điều này đem đến sự tự tin, niềm vui sướng để con người cảm thấy tự hào về bản thân, cảm thấy mình sống có ý nghĩa và được người khác tôn trọng.

- Tất nhiên kỉ luật ở đây không phải là khắc kỉ, là hành xác. Kỉ luật phải thực hiện từng bước, phù hợp với thể trạng, tâm lí và hoàn cảnh của từng người.

- Thực hành kỉ luật là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực; nhưng phần thưởng sẽ thật xứng đáng. Khổng Tử nói: “Thất thập tòng tâm sở dục, bất dụ củ”, có nghĩa là nếu bạn thực hành kỉ luật hằng ngày, đến tuổi 70, bạn có thể hành động theo ý muốn của lòng mình mà không vi phạm vào quy củ.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Mở bài: Miếng ăn và cái đói trong mối quan hệ với nhân cách con người qua hai hình tượng nhân vật: người vợ nhặt (“Vợ nhặt” – Kim Lân) và người đàn ông hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu).

Thân bài:

* Nêu những nét khái quát về hai tác giả và hai tác phẩm

* Miếng ăn và cái đói trong mối quan hệ với nhân cách con người qua hình tượng người vợ nhặt:

Tính cách người vợ nhặt thay đổi rất rõ ràng dưới sự tác động của miếng ăn và cái đói

- Lần đầu gặp Tràng, khi chưa bị cái đói dày vò, thị là một cô gái tuy có táo bạo nhưng vẫn hồn nhiên, vui vẻ.

- Lần thứ hai gặp Tràng, Thị đã bị cái đói làm cho biến dạng về cả nhân hình lẫn nhân tính. Về mặt nhân tính:

+ Thị có thái độ rất sỗ sàng: từ đâu sầm sập chạy tới, đứng trước mặt Tràng, sưng sỉa, cong cớn

+ Nói năng đanh đá, chua ngoa: vừa gặp Tràng thị đã ngay lập tức mắng Tràng: “Điêu, người thế mà điêu! Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống thế mà mất mặt”.

+ Thị trơ trẽn đòi ăn: ăn gì thì ăn chứ không ăn giầu; không biết xấu hổ khi ăn: ngồi sà xuống, ăn một chặp hết bốn bát bánh đúc, chẳng truyện trò gì.

+ Thị liều lĩnh khi chấp nhận theo không Tràng về nhà, dù chỉ qua một câu nói đùa.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Những tình yêu thật thường không ồn ào

chúng tôi hiểu đất nước đang hồi khốc liệt

chúng tôi hiểu điều ấy bằng mọi giác quan

bằng chén cơm ăn mắm ruốc

bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc

bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân

 

có những thằng con trai mười tám tuổi

chưa từng biết nụ hôn người con gái

chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời

câu nói đượm nhiều hơi sách vở

khi nằm xuống

trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời

hạnh phúc nào cho tôi

hạnh phúc nào cho anh

hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

(Thử nói về hạnh phúc, Thanh Thảo, 1972)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Trong đoạn trích, hoàn cảnh khốc liệt của đất nước được tác giả thể hiện thông qua những hình ảnh nào?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung những dòng thơ sau:

có những thằng con trai mười tám tuổi

chưa từng biết nụ hôn người con gái

chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời

câu nói đượm nhiều hơi sách vở

khi nằm xuống

trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời

Câu 4. Theo anh/chị, giữa hạnh phúc… cho tôi và hạnh phúc…cho đất nước, điều gì quan trọng hơn? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sự cần thiết của tinh thần cống hiến ở tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 (5,0 điểm): Nêu cảm nhận về vẻ đẹp của dòng sông Hương qua đoạn trích sau:

“Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy cỏ dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng Nam Bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về hướng đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam của thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch, và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong – Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do

Câu 2. Trong đoạn trích, hoàn cảnh khốc liệt của đất nước được tác giả thể hiện thông qua những hình ảnh: “chén cơm ăn mắm ruốc”, “giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc”, “những nắm đất mọc theo đường hành quân”.

Câu 3. Trình bày:

- Thể hiện sự hi sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước của những người lính trẻ. Họ “nằm xuống” để đất nước vươn lên khi tâm hồn vẫn hồn nhiên, vô tư, trong sáng và đầy mơ mộng..

- Bộc lộ niềm trân trọng, tự hào xen lẫn tiếc thương của nhà thơ dành cho thế hệ mình trong những năm chống Mĩ đầy ác liệt.

- Nêu rõ sự lựa chọn của bản thân, trả lời câu hỏi hạnh phúc nào thực sự quan trọng với chính mình.

- Trình bày được cách hiểu của bản thân về quan niệm hạnh phúc đã lựa chọn.

- Lí giải hợp lí, thuyết phục chủ kiến của mình.

Câu 4.

* Nếu lựa chọn hạnh phúc …cho tôi:

- Hạnh phúc… cho tôi là sự tự ý thức sâu sắc về hạnh phúc của bản thân, là sự lựa chọn đặt hạnh phúc riêng tư cá nhân lên trên hạnh phúc chung.

- Khẳng định sự lựa chọn coi trọng hạnh phúc cá nhân là một quan niệm sống sâu sắc. Bởi lẽ, đời người ngắn ngủi, hữu hạn nên chúng ta cần trân trọng những khoảnh khắc phút giây được sống để làm cho chính mình hạnh phúc. Hơn nữa khi bản thân ta hạnh phúc, ta sẽ làm cho những người xung quanh ta hạnh phúc, ta sẽ góp sức làm nên hạnh phúc cho mọi người, hạnh phúc cho đất nước.

* Nếu lựa chọn hạnh phúc cho đất nước:

- Hạnh phúc …cho đất nước là sự tự ý thức sâu sắc về hạnh phúc của quê hương đất nước, là sự lựa chọn đặt hạnh phúc chung, hạnh phúc lớn của dân tộc lên trên hạnh phúc riêng tư cá nhân.

- Khẳng định sự lựa chọn hạnh phúc cho đất nước là một quan niệm sống đẹp. Bởi lẽ, sự lựa chọn ấy thể hiện một lí tưởng sống cao cả, sẵn sàng cống hiến cho quê hương đất nước. Và khi có được lí tưởng ấy, mỗi người sẽ coi việc tự nguyện hi sinh cho tổ quốc là niềm hạnh phúc và giá trị sống của chính mình.

II. LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tinh thần cống hiến của giới trẻ hôm nay.

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý sau:

- Thể hiện nhiệt huyết, lí tưởng sống, ý thức trách nhiệm với xã hội, với Đất nước của tuổi trẻ

- Kiến tạo lẽ sống đẹp, bồi đắp những giá trị sống, hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ.

- Góp phần dựng xây và nâng cao tầm vóc quốc gia, kết nối sức mạnh cộng đồng, tiếp thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp.

- Khẳng định lại tinh thần cống hiến là giá trị sống không thể thiếu ở tuổi trẻ. Những năm tháng thanh xuân trở nên tươi đẹp và có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết cống hiến.

d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt

Câu 2

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận về vẻ đẹp của dòng sông Hương qua đoạn trích

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

Dẫn dắt vấn đề:

+ Giới thiệu về tác giả - tác phẩm.

+ Giới thiệu đoạn trích “Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến […] giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”

Phân tích

* Khái quát về bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” Đoạn trích dẫn trên đây là phần đầu đoạn trích sách giáo khoa: vẻ đẹp của sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế.

* Mở đầu đoạn trích là hình ảnh sông Hương chảy qua cánh đồng Châu Hóa, dưới góc nhìn nhân cách hóa, tác giả ví von sông Hương như một “người gái đẹp”:

- “phải nhiều thế kỷ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”.

- Hình ảnh được nhân cách hóa, liên tưởng thú vị tới truyện cổ tích “Nàng công chúa ngủ trong rừng”.

- Hai chữ “mơ màng” gợi tả hình ảnh một giấc ngủ đẹp và đầy quyến rũ của dòng sông.

- Hình ảnh cánh đồng hoa dại gợi tả một không gian trong trẻo, thơ mộng nhuốm màu cổ tích.

-> toát lên vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên của dòng sông, để từ đó, ngòi bút của nhà văn cuốn hút người đọc vào thuỷ trình đầy mê hoặc của Hương giang.

* Dưới góc nhìn địa lý, hội họa, sông Hương hiện lên với dòng chảy quanh co; dưới góc nhìn nhân cách hóa, sông Hương giống “như một cuộc tìm kiếm có ý thức”.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Lạc Long Quân. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?