TRƯỜNG THPT CHÂU PHÚ | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
…Lãng phí thời gian là mất tuyệt đối. Mất tiền có thể kiếm lại được tiền, mất xe có thể sắm lại được xe nhưng mất thời gian thì chịu, đố ai có thể tìm lại được. Thời gian là một dòng chảy thẳng; không bao giờ dừng lại và cũng không bao giờ quay lui. Mọi cơ hội, nếu bỏ qua là mất. Tuổi trẻ mà không làm được gì cho đời, cho bản thân thì nó vẫn xồng xộc đến với tuổi già. Thời gian là một dòng chảy đều đặn, lạnh lùng, chẳng bao giờ chờ đợi sự chậm trễ. Hãy quý trọng thời gian, nhất là trong thời đại trí tuệ này, nền kinh tế trí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá. Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã có thể sản xuất một tấn thép; con tầu tốc hành của các nước phát triển trong vài giờ đã có thể vượt qua được vài ngàn kilômét. Mọi biểu hiện đủng đỉnh rềnh ràng đều trở nên lạc lõng trong xu thế hiện nay. Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước…
(Phong cách sống của người đời – nhà báo Trường Giang. http://www.chungta.com)
Câu 1. Xác định đề tài của văn bản trên?
Câu 2. Tác giả đã triển khai lập luận (trình bày văn bản) theo cách nào?
Câu 3. Chỉ ra dẫn chứng mà tác giả dùng để minh họa cho lí lẽ: nền kinh tếtrí thức đã và đang làm cho thời gian trở nên vô giá.
Câu 4. Tại sao tác giả viết: Giải trí là cần thiết nhưng chơi bời quá mức, để thời gian trôi qua vô vị là có tội với đời, với tương lai đất nước? (trình bày 3 – 4 câu).
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN
Câu 1.
Từ thông điệp của văn bản trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói của Steve Jobs:
Tương lai được mua bằng hiện tại.
Câu 2:
Bàn về thơ Tố Hữu, Xuân Diệu từng khẳng định: “Tố Hữu đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.” (SGK Văn học 12 – NXB Giáo dục 2000 – Tr.151). Anh (chị) hãy phân tích đoạn trích sau để làm sáng tỏ nhận định trên.
…Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng…
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, SGK Ngữ Văn 12, tập I, NXB GD)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Đề tài: Vai trò, tầm quan trọng của thời gian với cuộc sống con người hiện đại.
Câu 2:
- Trình bày theo cách: diễn dịch.
Câu 3:
- Dẫn chứng: Chưa đầy một giờ, công nghệ Nhật Bản đã sản xuất ra một tấn thép; con tàu tốc hành của các nước phát triển trong vài giờ đã có thể vượt qua được vài ngàn kilomet.
Câu 4:
- Bởi: Giải trí giúp chúng ta cân bằng lại cuộc sống, cân bằng lại tâm trạng sau những giờ lao động mệt nhọc để ta bắt đầu tiếp công việc. Còn chơi bời lại là sự ăn chơi quá mức, không lo đến tương lai, công việc, để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. Bởi vậy, giải trỉ trong một thời gian nhất định sẽ giúp ta làm việc tốt hơn, còn chơi bời là tiêu tốn thời gian một cách vô ích nên sẽ làm hại tương lai bản thân và đất nước
PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề:
* Giải thích vấn đề:
- Tương lai là những diễn biến, sự kiện diễn ra ở phía trước, cái mà ta không thể đoán trước, biết trước được
- Hiện tại là bây giờ, thời điểm này, lúc này, không gian và thời gian mà chúng ta đang hít thở, đang sống.
- Vậy tại sao lại nói Tương lai được mua bằng hiện tại?
+ Cuộc sống của mỗi chúng ta không phải ngẫu nhiên mà có, cứ vậy mà diễn ra mà nó là cả một quá trình, là mối quan hệ nguyên nhân, kết quả.
+ Tương lai ngày mai sẽ là kết quả của những cố gắng, nỗ lực của chúng ta trong thời điểm hiện tại.
=> Câu nói hoàn toàn chính xác. Chỉ khi chúng ta cố gắng, nỗ lực ở hiện tại thì kết quả ở tương lai mới tốt đẹp.
* Bàn luận vấn đề:
- Bất cứ một kết quả nào cũng là hệ quả của cả một quá trình mà trong đó sự chuẩn bị là điều quan trọng nhất. Sự chuẩn bị cho tương lai chính là những việc làm của hiện tại. Nếu chúng ta không hành động – không học tập, không lao động thì ở tương lai chúng ta sẽ không có gì cả.
- Để không lãng phí thời gian, chuẩn bị tốt cho tương lai chúng ta cần:
+ Phân bố thời gian hợp lí cho việc học tập và giải trí.
+ Có mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho mỗi giai đoạn và phải hoàn thành được các mục tiêu đó.
+ Có ý chí, quyết tâm thực hiện, không ngại khó khăn, gian khổ.
- Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp với yêu cầu của đề, có phân tích ngắn gọn.
- Bên cạnh đó còn không ít những bạn trẻ còn ham chơi, hoang phí thời gian, chưa xác định được mục tiêu cuộc đời, chỉ biết lao vào các cuộc chơi và hưởng thụ. Làm như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tương lai bản thân mà còn anh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
* Liên hệ bản thân:
- Em đã làm những gì để chuẩn bị cho tương lai của mình?
* Kết thúc vấn đề: Để tương lai không vượt ra khỏi tầm tay, ngay từ hôm nay các bạn trẻ phải biết quý trọng thời gian, lao động, làm việc hăng say, tích lũy tri thức kinh nghiệm. Chỉ có như vậy, tương lai của các bạn mới thực sự tốt đẹp.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản, là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam.Thơ.
- Con đường thơ của Tố Hữu song hành cùng con đường cách mạng nên thơ ông mang đậm cảm hứng sử thi.
- Thơ Tố Hữu hấp dẫn người đọc bởi tiếng thơ trữ tình – chính trị ngọt ngào, đằm thắm. Bàn về thơ Tố Hữu, Xuân Diệu cũng từng khẳng định: “Tố Hữu đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.”
- Việt Bắc (1954) là đỉnh cao thơ Tố Hữu và là một thành tựu xuất sắc của thơ chống Pháp, tiêu biểu cho phong cách thơ độc đáo của ông…
2. Phân tích:
* Giải thích ý kiến:
- Thơ chính trị: là thơ viết về đề tài có tính chất lịch sử, về những sự kiện có ý nghĩa lớn lao với đất nước, dân tộc. Thơ Tố Hữu là thơ chính trị bởi hồn thơ của ông luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
- Trữ tình: trữ tình là kiểu văn bản biểu hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả trước cuộc sống. Thơ là thể loại văn học phù hợp để biểu hiện tình cảm, cảm xúc, tuy nhiên cũng có thơ tự sự, truyện thơ.
=> “Tố Hữu đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình.” nghĩa là những vấn đề lịch sử được Tố Hữu diễn tả một cách đầy cảm xúc trong thơ của ông.
* Biểu hiện cụ thể trong đoạn thơ trên:
- Chất chính trị:
+ Đoạn thơ trích trong bài thơ Việt Bắc. Việt Bắc được sáng tác trong hoàn cảnh sau: chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, tháng 10/1954 các cơ quan trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc về Hà Nội. Sự kiện lịch sử lớn lao này đã được Tố Hữu ghi lại trong bài thơ Việt Bắc nổi tiếng. Cuộc chia tay lịch sử giữa những người cán bộ cách mạng với Việt Bắc được hình tượng hóa bằng một cuộc chia tay đầy lưu luyến, nghĩa tình giữa kẻ ở người đi.
+ Đoạn thơ đã tái hiện khung cảnh Việt Bắc trong chiến đấu, trong chiến thắng với không gian núi rừng rộng lớn; những hình ảnh hào hùng, mạnh mẽ, sôi động, rung chuyển cả núi rừng trước chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử, cả nước cùng ra trận, quyết tâm cao. Không khí chiến thắng lan tỏa khắp nơi nơi. Niềm tự hào chiến thắng bao trùm lên mọi câu chữ.
+ Những con đường Việt Bắc – những con đường ra mặt trận sống động, bừng dậy khí thế hào hùng, mạnh mẽ; những cuộc chuyển quân rầm rập trong đêm như làm rung chuyển cả núi rừng, khuấy động trời đất.
+ Tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện hiện diện đậm nét:
- Những đoàn quân chủ lực hành quân nối tiếp vô tận ra mặt trận với khí thế khẩn trương, đông đảo trùng trùng, điệp điệp. Lí tưởng sống cao đẹp như thăng hoa bay bổng giữa không gian rừng đêm “Ánh sao đầu sung bạn cùng mũ nan”.
- Những đoàn dân công tiếp lương tải đạn suốt ngày đêm, nối tiếp bước chân của những đội chủ lực vào mặt trận với khí thế hùng hực, ý chí quyết tâm mạnh mẽ, không gì lay chuyển “Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
+ Chiến thắng huy hoàng xua tan màn đêm tăm tôi của kiếp nô lệ, báo hiệu một tương lai tươi sáng cho cả dân tộc.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Tuổi trẻ - tự bản thân nó đã là một tài sản, tự bản thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị dúi xuống bùn, cơ hội để nó vẫn tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. Lúc đó là lúc phép thử còn màu nhiệm, con tốt đó trong tay có thể còn phong Hậu; bạn có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn gợi nhiều thôi thúc. Còn khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại, nếu bạn bị dúi xuống bùn thì rất có thể bạn sẽ tặc lưỡi nằm đó một mình, hoặc sẽ cố gắng vùng vẫy sao cho người khác cũng vấy bẩn lêm luốc giống với bạn.
Tuổi trẻ có một thứ vốn ngầm rất đáng quý mà không phải ai cũng biết: sự cô đơn. Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức. Hạnh phúc làm cho con người ta mềm yếu, người ta vui tươi với mọi thứ, người ta quên mất việc phải làm, người ta còn bắt đầu tặc lưỡi nhiều hơn với những thói quen xấu. Tình yêu là một giống dây leo khó chiều. Nó cần được thử thách và bị tấn công. Nếu bạn mớm cơm cho nó hàng ngày, chăm sóc nó quá no đủ, nó sẽ chết yểu.
(Theo Kênh14.vn)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Vì sao tác giả lại cho rằng: Tuổi trẻ - tự bản thân nó đã là một tài sản?
Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: …khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại?
Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị của tuổi trẻ.
Câu 2:
Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp tình người qua chi tiết: Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và Mị cắt dây cởi trói thả A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài).
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Tác giả cho rằng “Tuổi trẻ - tự bản thân nó đã là một tài sản” vì:
- Khị bị dúi xuống bùn, cơ hội để nó vẫn tỏa sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi.
- Khi vấp ngã, tuổi trẻ có thời gian hậu thuẫn và chân trời vẫn còn nhiều thôi thúc.
Câu 3:
- Có thể hiểu ý kiến đó là: Khi lớn tuổi con người ta thích sự ổn định, ngại thay đổi, không còn nhiều nhiệt tình, thời gian của họ ngày một ít dần. Bởi vậy, khi gặp những sóng gió trong cuộc sống người ta dễ dàng buông xuôi chấp nhận.
Câu 4:
- Đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Giải thích
- Tuổi trẻ là gì? Tuổi trẻ – đầu tiên, đó là những người trẻ tuổi. Họ có đầy đủ cả những ưu điểm về thể chất lẫn tinh thần. Họ đang trong thời gian sung sức nhất, chưa nhiều trải nghiệm, nên họ muốn được thử, được dấn thân. Họ dám theo đuổi đam mê của mình, và nếu như họ có khả năng, có kiên trì, họ sẽ thành công.
2. Bàn luận vấn đề
- Giá trị của tuổi trẻ:
+ Tuổi trẻ là tuổi dám thử, dám trải nghiệm. Đây là thời gian sung sức nhất, năng động nhất, bởi trong giai đoạn này, những người trẻ luôn sống trong bầu nhiệt huyết cháy bỏng.
+ Tuổi trẻ với đầy mơ ước hoài bão, họ có năng lực, sự sáng tạo, nếu kiên trì nhất định sẽ đạt được thành công.
+ Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, tiếp bước cha anh, đưa tổ quốc vươn ra thế giới.
- Tuổi trẻ cần làm gì?
+ Xác định đúng mục tiêu, mục đích học tập.
+ Không ngừng nỗ lực, phấn đấu.
+ Tự tin thể hiện mình để khẳng định bản thân.
- Chứng minh: Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn
- Bàn luận:
+ Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều bạn trẻ chìm đắm trong thế giới ảo, với những trò chơi vô bổ mà không biết rằng mình cần làm gì để những năm tháng tuổi trẻ thực sự có ý nghĩa. Họ như những người thừa trong xã hội vì lối sống vô trách nhiệm của bản thân.
+ Không chỉ vậy, có những người còn sống ích kỷ, đề cao cái tôi để rồi không có lấy một tình bạn đẹp. Đó thậm chí còn là những con người chỉ biết nhận mà không biết cho đi.
- Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
* Giới thiệu về tác giả Nam Cao, tác phẩm Chí Phèo và chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo.
- Nam Cao là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông xoay quanh người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Ông luôn dành cho những con người mang bi kịch về cả đời sống vật chất và tinh thần đó niềm cảm thương sâu sắc.
- Chí Phèo là một trong những tác phẩm tiêu biểu làm nên tên tuổi của ông. Ban đầu truyện có tên là Cái lò gạch cũ, khi lần đầu thành sách (1941), nhà xuất bản tự ý đổi tên thành Đôi lứa xứng đôi. Đến khi in lại trong tập Luống cày (1946), Nam Cao đổi tên thành Chí Phèo.
- Chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo là một chi tiết đặc sắc mang nhiều ý nghĩa.
* Giới thiệu về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ, chi tiết Mị cởi trói giải thoát cho A Phủ.
- Tô Hoài là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta. Ông cũng là nhà văn luôn hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có.
- Vợ chồng A Phủ (1952) là một trong những thiên truyện đặc sắc của Tô Hoài. Tác phẩm được in trong tập “Truyện Tây Bắc”.
- Chi tiết Mị cắt dây trói cứu A Phủ trong thiên truyện là chi tiết thấm đẫm tình người.
2. Phân tích
2.1. Phân tích chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo
* Giới thiệu chung về nhân vật Chí Phèo và Thị Nở
* Phân tích chi tiết Thị Nở đem bát cháo hành cho Chí Phèo:
- Hoàn cảnh: Chí Phèo ốm dậy sau một cơn say triền miên. Chí Phèo chỉ có một mình, không ai chăm sóc.
- Ý nghĩa chi tiết:
+ Thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Thị dành cho Chí và cũng là khát khao được yêu thương của Thị Nở.
+ Đánh thức cảm giác khao khát được yêu thương, đánh thức khao khát được làm người lương thiện – đánh thức nhân tính trong Chí.
+ Biểu hiện của tình yêu giữa hai con người bất hạnh trong xã hội cũ.
2.2. Phân tích chi tiết Mị cởi trói cứu A Phủ:
- Hoàn cảnh (tình huống gặp gỡ)
+ A Phủ: trong khi đi chăn bò cho nhà thống lí Pá Tra do mải bẫy nhím nên để hổ vồ mất một con bò, nên bị bắt tội, bị trói đứng.
+ Mị: Sau đêm tình mùa xuân, Mị rơi vào trạng thái tê liệt về tinh thần. Hàng đêm ngồi cạnh bếp lửa (cạnh chỗ A Phủ bị trói hơ chân hơ tay).
- Ý nghĩa chi tiết:Thể hiện sự thức tỉnh của nhân vật Mị với tình người sâu sắc.
+ Mị thức tỉnh khi nhìn thấy “giọt nước mắt lấp lánh” của A Phủ “bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Những giọt nước mắt đó đã chạm đến tâm can Mị. Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nhớ về những kí ức đau khổ, Mị thương mình và xót người.
+ Mị từ cõi vô thức dần sống lại ý thức, nhận ra dấu hiệu của cái chết đang đến gần, Mị càng thương A Phủ hơn, thương người lấn át cả thương mình và quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ
=> Hành dộng của Mị là hành động thấm đẫm tình người. Tình người ở đây là sự đồng cảm với nỗi đau, thấu cảm với cảm xúc và hoàn cảnh của nhau. Tình người chính là sức mạnh dẫn đến kết quả: cắt dây cởi trói A Phủ.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
PHẦN ĐỌC – HIỂU
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
… “Tiến sĩ Alan Phan, người có hơn 25 năm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt đầu tiên đưa một công ty lên sàn chứng khoán, nhận xét: “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa”. Tại các nước phương Tây hoặc Nhật Bản, hình ảnh chúng ta thường thấy trên xe buýt, tàu điện ngầm hay ngay cả trên đường phố là hình ảnh các bạn trẻ say sưa với cuốn sách trên tay.
Mỗi lần theo dõi các cuộc tranh luận của giới trẻ Việt Nam về các vấn đề “hot” trên các diễn đàn, mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rõ sự thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa cũng như trình độ… ngụy biện thầy của các bạn trẻ. Các bạn không tự trang bị được cho mình một nền tảng kiến thức, tư duy độc lập, lập luận thuyết phục cũng như kĩ năng, văn hóa tranh biện. Tâm lý bầy đàn luôn thể hiện rõ nhất ở những sự kiện như vậy. Sự kiện cô bạn trẻ Huyền Chip và cuốn “Xách ba-lô lên và đi”, một trong những sự kiện nóng và được giới trẻ tranh luận nhiều nhất trong năm 2013, là một ví dụ điển hình. (…)
Trước mỗi sự kiện truyền thông đưa ra, các bạn trẻ không thể phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, đâu là chiêu PR. Một bộ phận những con cừu ngoan ngoãn, họ chỉ biết bám đuôi nhau và gật đầu. Bộ phận còn lại nghe cái gì cũng kêu “bậy” dù chẳng có dẫn chứng, cơ sở nào để phản biện lại.
Họ đang bị cuốn theo “cơn lốc thông tin” cũng như sự dắt mũi của một bộ phận giới truyền thông thiếu đạo đức và liêm sỉ, đang nhồi sọ người đọc với những tin tức dạng “sốc, hiếp, giết”, kiếm tiền dựa trên sự ngu muội của người khác.”
(Thái độ của người Việt trẻ với văn hóa đọc – Hiếu Minh tổng hợp, vanhoagiaoduc.vn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn ngữ liệu trên.
Câu 2. Xác định 02 phép liên kết được sử dụng trong đoạn đầu của ngữ liệu.
Câu 3. Theo anh/chị, thông điệp ý nghĩa nhất mà tác giả nhắn gửi qua văn bản trên là gì?
Câu 4. Từ ý nghĩa của văn bản, anh/chị hãy nêu ngắn gọn tác dụng của việc đọc sách đối với con người.
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 từ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập trong ý kiến của Alan Phan:
“Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên họ thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa.”
Câu 2:
Cảm nhận về hai đoạn thơ sau đây:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
(Tố Hữu, Việt Bắc, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi son sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Xuân Quỳnh, Sóng, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
- Phép nối: Còn (… “Tiến sĩ Alan Phan, người có hơn 25 năm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt đầu tiên đưa một công ty lên sàn chứng khoán, nhận xét: “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa”).
- Phép lặp: học sinh sinh viên (… “Tiến sĩ Alan Phan, người có hơn 25 năm làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới, người Việt đầu tiên đưa một công ty lên sàn chứng khoán, nhận xét: “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa”).
Câu 3:
- Thông điệp: Hãy là một người đọc có văn hóa. Khi tiếp cận bất cứ thông tin nào cũng cần nhìn nó trên nhiều bình diện, nhiều chiều khác nhau, để tránh cách nhìn nhận phiến diện, một chiều.
Câu 4:
Tác dụng của sách với con người:
- Sách giúp ta có thêm tri thức, mở rộng hiểu biết, thu thập thông tin một cách nhanh nhất.
- Sách bồi đắp tinh thần, tình cảm cho mỗi người, để chúng ta trở thành người có văn hóa, ứng xử văn minh.
- Sách là người bạn động viên,chia sẻ làm vơi đi nỗi buồn (dẫn chứng)
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề: văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam
* Giải thích vấn đề.
- “Ở các nước Âu – Mỹ, thời gian rảnh học sinh sinh viên họ thường ngồi trước computer đọc tin tức, tìm thông tin hay đọc sách. Còn học sinh sinh viên Việt Nam, họ đang bận “ngồi đồng” chém gió tại các quán cà phê, trà sữa.”
=> Nhận xét của tác giả đã nêu lên một thực trạng đáng buồn về văn hóa đọc ở Việt Nam. Học sinh, sinh viên Việt Nam không hình thành thói quen đọc sách từ bé, vốn kiến thức ít ỏi, văn hóa đọc thấp, dễ bị sa đà vào những câu chuyện, trò chơi vô bổ trên mạng xã hội. Đây là thực trạng đáng buồn và cần có biện pháp để thay đổi.
- Văn hóa đọc: là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Ứng xử, giá trị và chuẩn mực này cũng gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc của mỗi người đối với sách.
- Văn hóa đọc là một nét đẹp, phát triển mạnh ở các nước Âu – Mỹ và Nhật Bản.
- Văn hóa đọc ở Việt Nam lại là một thực trạng đáng buồn, các bạn trẻ chưa ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách, chưa hình thành văn hóa đọc.
* Bàn luận vấn đề:
- Thực trạng văn hóa đọc sách ở Việt Nam?
+ Người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm, tức là chưa đầy một cuốn, bi đát hơn, nông dân Việt đã nói không với sách. Trong khi đó Malaysia và Singapore là 10 – 20 đầu sách/người/năm.
+ Các bạn trẻ thay vì nghiền ngẫm những cuốn sách kinh điển đem đến giá trị nhân văn, thẩm mĩ lại yêu thích những câu chuyện tình nhạt nhẽo của các cuốn tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc.
=> Đây quả là thực trạng đáng báo động với người Việt trẻ về văn hóa đọc.
- Nguyên nhân:
+ Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe nhìn lên ngôi, văn hóa đọc ngày càng bị lấn át, lép vế, giới trẻ ngày càng rời xa với thói quen đọc sách mỗi ngày.
+ Cuộc sống bận rộn, con người bị cuốn đi bởi dòng chảy cuộc sống, luôn mong muốn đọc những tin tức nhanh, cập nhật.
+ Quan trọng nhất là do học sinh sinh viên không hình thành cho bản thân thói quen đọc sách từ nhỏ, không xác định được ý nghĩa, vai trò to lớn của sách đối với cuộc sống.
- Giải pháp:
+ Hình thành thói quen đọc sách cho bản thân.
+ Đọc sách có chọn lọc.
+ Cơ quan chức năng cần tổ chức thêm những ngày hội văn hóa đọc, để tuyên truyền cho mọi người hiểu về vai trò của việc đọc sách. Xây dựng thêm các thư viện ở làng xã.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Châu Phú. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !