TRƯỜNG THPT BA CHÚC | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
(1) Chứng ái kỉ hay còn gọi là bệnh tự yêu mình (tên tiếng Anh narcissistic personality disorder) được xem là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác. Các chuyên gia đang cảnh báo về “đại dịch ái kỉ” sẽ bùng phát nhất là khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay.
(2) Danny Bowman, 19 tuổi, sống ở Anh, bị nghiện chụp ảnh selfile và có hôm cậu dành đến 10 tiếng trong ngày để chụp được 200 tấm ảnh củ mình trên iPhone. Cậu luôn giữ điện thoại trong tay để có thể chụp ảnh minhg bất cứ lúc nào và đăng lên Facebook, mong muốn nhận được lời khen từ bạn bè, tuy nhiên nó suýt nữa lấy đi sinh mạng của anh. Tuy nhiên, dù đã thử ở mọi góc cạnh, Danny nhận ra mình vẫn không có được gương mặt hoàn hảo cho tấm ảnh hoàn hảo. Thậm chí, một số phản hồi còn chê bai cậu. Trong một phút tuyệt vọng, Danny đã tự tử, nhưng may mắn được mẹ cứu kịp. Tiến sĩ, David Veal, một nhà tâm thần học phụ trách chữa trị cho Danny, cho biết trường hợp của Danny khiến ta không thể phủ nhận tính nghiệm trọng của vấn đề. “Đây không đơn thuần là sự phù phiếm nữa. Nó là một căn bệnh tâm lí dẫn tới tỉ lệ tự tử rất cao”.
(3) Việc gắn liền đời sống mình với mạng xã hội không còn xa lạ với giới trẻ Việt ngày nay. Điều này liệu có góp phần tạo nên một thế hệ trẻ tự yêu mình, ít hòa nhập với xã hội,…?
(Bệnh ái kỉ, nguy cơ tiềm ẩn từ mạng xã hội – Báo điện tử Tinhta.net, 24/12/2015)
Câu 1. Đoạn văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?
Câu 2. Theo tác giả, như thế nào được gọi là bệnh ái kỉ?
Câu 3. Theo anh/chị vì sao các chuyên gia đưa ra cảnh báo: “đại dịch ái kỉ” sẽ bùng phát nhất là khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay.
Câu 4. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất từ văn bản là gì?
Phần II. Làm văn
Câu 1:
Anh/ chị hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình của đại dịch ái kỉ của con người trong xã hội hiện đại được gợi ra từ phần Đọc hiểu.
Câu 2:
Từ bài thơ Sóng hãy nêu quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng đã đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
Câu 2:
- Theo tác giả, bệnh ái kỉ có nghĩa là: Chứng ái kỉ hay còn gọi là bệnh tự yêu mình (tên tiếng Anh narcissistic personality disorder) được xem là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác.
Câu 3:
- Vì chứng ái kỉ gắn liền với lối sống xa hoa, chú trọng hình ảnh, danh tiếng. Ngày nay trong xã hội hiện đại, khi công nghệ thông tin phát triển dẫn đến những hình ảnh đời tư, danh tiếng con người càng dễ dàng được xác lập một cách nhanh chóng. Điều đó sẽ thúc đẩy hơn việc ái kỉ trở thành đại dịch.
Câu 4:
- Thông điệp tâm đắc: Ái kỉ trở thành căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại. Bởi vậy chúng ta cần có những hành động để ngăn chặn bệnh dịch này.
Phần II. Làm văn
Câu 1:
1. Giải thích
- Chứng ái kỷ (bệnh tự yêu bản thân mình): một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác. Tâm lý tự yêu bản thân, ảo tưởng về bản thân là một căn bệnh nguy hiểm với con người.
- Cùng với sự phát triển của internet là hàng loạt các trang mạng xã hội ra đời như twitter, zalo, facebook… kéo theo trào lưu sống ảo, đăng các thông tin, dòng trạng thái hay ảnh cá nhân để “khoe” với cộng đồng mạng.
2. Bàn luận vấn đề
- Biểu hiện chứng ái kỷ:
+ Sống thu mình vào thế giới ảo tự cho rằng suy nghĩ và hành động của mình là đúng đắn;
+ Luôn cho rằng bản thân mình là quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm, chú ý của mọi người.
- Nguyên nhân chứng ái kỉ:
+ Nguyễn nhân của chứng bệnh này là do lối sống hưởng thụ, chú trọng hình ảnh, danh tiếng. Nó là một trong những biểu hiện của lối sống “tôi là trung tâm”.
+ Nó cũng xuất phát từ việc người sử dụng mạng xã hội chưa có những nhận thức đúng đắn, dẫn đến tình trạng lạm dụng.
+ Ngoài ra, do cha mẹ ít có thời gian quan tâm, để ý đến con cái nên không quản lí được thời gian sử dụng mạng xã hội của con cái.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Chúng ta thường tự nhủ mình không hề phán xét mà chỉ quan sát người khác thôi. Nhưng đó chẳng khác nào một lời nói dối. Tập trung chú ý vào thất bại, sự hèn hạ của người khác đồng nghĩa với việc ta đang thổi phồng chúng lên quá mức, từ đó, làm tổn thương họ.
Tất nhiên, điều ngược lại cũng có tác dụng tương tự. Nếu lựa chọn nhìn vào điểm tốt vốn dĩ luôn tồn tại trong người khác, chúng ta sẽ củng cố thêm điểm tốt ấy cho họ, cho bản thân chúng ta cũng như cho cả cộng đồng; chúng ta sẽ giúp những điều tốt đẹp, dù nhỏ bé nhất, lan tỏa khắp nơi. Chúng ta luôn có quyền lựa chọn nhìn vào điểm tốt trong mọi người. Đó là lối tư duy ta nên rèn luyện vì lợi ích của xã hội.
Thật may mắn vì chúng ta có thể cảm nhận được lợi ích của sự chuyển biến này ngay lập tức. Đôi khi ta cần phải quyết định lại; nhưng mỗi khi lựa chọn nhìn nhận điều tốt đẹp ở người khác, thay vì chú tâm vào khuyết điểm, chúng ta sẽ cảm thấy mình trở nên tốt bụng hơn, khoan dung hơn. Và điều đó sẽ tiếp sức cho hy vọng. Sự tự tin, hạnh phúc và lòng nhiệt thành của ta càng tăng lên bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy thanh thản bấy nhiêu.
Một vài người còn tin rằng, khi nhìn nhận điều tốt đẹp ở người khác là chúng ta đã làm trọn ý nguyện của Thượng đế, bởi lẽ đó chính là cách Thượng đế nhìn nhận con người. Dù ý tưởng này phù hợp với niềm tin của bạn hay không cũng chẳng quan trọng. Lời khuyên mấu chốt tôi muốn đề cập ở đây là cần ý thức được rằng, tâm trạng của mình sẽ thay đổi khi ta cư xử hòa nhã và nhiệt tình với mọi người xung quanh, thay vì hạ thấp họ bằng phán xét. Bạn nên biết con người luôn cảm nhận được sự phán xét dù họ có thể không nhìn thấy hay nghe thấy. Nói một cách đơn giản, thái độ phán xét khiến thế giới của chúng ta nhỏ hẹp. Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung.
(Theo Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay – Karen Casey, NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh)
Câu 1. Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của văn bản trên.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao chúng ta nên nhìn vào điểm tốt của người khác?
Câu 3. Tác giả cho rằng: Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung. Anh/chị có đồng ý không? Tại sao?
Câu 4. Trong xã hội hiện đại, nhiều bạn trẻ có thói quen chê bai, chỉ trích người khác trên các trang mạng xã hội. Lời khuyên nào anh/chị muốn dành cho những bạn này?
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Từ phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời cho câu hỏi: Phải chăng sự phán xét giam hãm bạn?
Câu 2.
Cảm nhận anh/chị về hình tượng Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong lần đến nhà Bá Kiến ở đoạn cuối truyện (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ Văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2016), cho biết thông điệp mới mẻ của Tô Hoài về cuộc sống, con người.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phong cách ngôn ngữ: Chính luận.
Câu 2:
Chúng ta nên nhìn vào điểm tốt của người khác vì:
- Chúng ta sẽ cảm thấy mình trở nên tốt bụng, khoan dung hơn.
- Tiếp cho chúng ta hi vọng.
- Sự tự tin, hạnh phúc và lòng nhiệt thành của ta càng tăng lên bao nhiều thì chúng ta càng cảm thấy cuộc sống thanh thản bấy nhiêu.
- Nhìn nhận điều tốt đẹp của người khác là chúng ta làm trọn ý nguyện của Thượng đế.
Câu 3:
“Phương pháp dễ dàng nhất để thay đổi tư duy của chúng ta là nhờ đến tình yêu thương và lòng bao dung”.
- Đồng ý với quan điểm của tác giả.
- Vì:
+ Với tấm lòng bao dung, độ lượng chúng ta sẽ nhìn nhận khuyết điểm của người khác một cách nhẹ nhàng hơn, không chỉ trích, lên án họ.
+ Đồng thời với tấm lòng bao dung còn giúp chúng ta tập trung vào những ưu điểm, bỏ qua những khuyết điểm, động viên họ để họ không ngừng cố gắng.
+ Bên cạnh đó dùng tấm lòng bao dung đối đãi với người xung quanh sẽ đem lại sức mạnh lan tỏa lơn, khiến cho cả cộng đồng tin tưởng và yêu thương nhau nhiều hơn. Từ đó sẽ làm thay đổi tư duy của mọi người.
Câu 4:
- Nên có thái độ khoan hòa, bao dung hơn với mọi người xung quanh.
- Chúng ta không phải người trong cuộc nên không có quyền phán xét câu chuyện của họ.
- Suy nghĩ theo nhiều chiều hướng khác nhau, tìm hiểu kĩ vấn đề trước khi đưa ra bất cứ một quan điểm, một đánh giá nào với mọi người.
- Chê bai, chỉ trích người khác không phải là cách thể hiện quan điểm, thể hiện cái tôi của bản thân mà đó chính là cách hạ nhục người khác, đồng thời cũng làm mất đi giá trị của chính mình.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Phán xét là gì? Là cách nhìn nhận xem xét, đánh giá về một con người, sự vật, hiện tượng nào đó xung quanh mình.
=> Những lời phán xét tiêu cực như một nhà tù giam hãm tâm hồn mỗi chúng ta.
* Bàn luận vấn đề
- Vì sao phán xét lại giam hãm con người? Khi phán xét người khác tự bản thân bạn sẽ chỉ nhìn nhận đến những vấn đề tiêu cực, không có tâm trí làm việc.
- Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng phán xét người khác:
+ Suy nghĩ theo nhiều chiều hướng khác nhau, tìm hiểu kĩ vấn đề trước khi đưa ra bất cứ một quan điểm, một đánh giá nào với mọi người.
+ Trước mọi vấn đề nên có cái nhìn bao dung, độ lượng.
+ Dùng cả tri thức và tình cảm để nhìn nhận bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống.
+ Cảm thông, tha thứ trước những sai lầm, tội lỗi của người khác.
* Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng phù hợp có phân tích ngắn gọn.
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Phán xét người khác là một hành động xấu, khiến hình ảnh bản thân trong mắt mọi người ngày càng trở nên xấu xí. Cần phải có sự thay đổi.
- Nhục mạ, nói xấu người khác chứng tỏ bản thân là một kẻ có nền tảng văn hóa yếu kém.
- Liên hệ bản thân.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam, là nhà văn có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.
- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu Mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.
2. Phân tích
2.1. Giới thiệu nhân vật
a. Vẻ đẹp nhân vật Mị:
- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị”. Mị xinh đẹp như bông hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc.
- Tài năng: thổi lá hay như thổi sáo, có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ:
+ Hiếu thảo:“ Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”
+ Tự tin vào khả năng lao động: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô”
+ Khao khát tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”
=> Xứng đáng được hưởng hạnh phúc nhưng lại bị xã hội của tiền quyền, cường quyền và thần quyền vùi dập, đẩy vào ngã rẽ tăm tối.
b. Phân tích vẻ đẹp nhân vật Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ: vẻ đẹp của sức phản kháng mạnh mẽ, của lòng thương người
* Tình huống gặp gỡ:
- A Phủ: trong khi đi chăn bò cho nhà thống lí Pá Tra do mải bẫy nhím nên để hổ vồ mất một con bò -> bị trói đứng.
- Mị: Sau đêm tình mùa xuân Mị rơi vào trạng thái tê liệt về tinh thần. Hàng đêm ngồi cạnh bếp lửa (cạnh chỗ A Phủ bị trói) hơ tay hơ chân.
=> Hai người gặp gỡ nhau.
* Sự thức tỉnh của Mị:
- Nguyên nhân: Giọt nước mắt A Phủ “giọt nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã đánh thức lòng yêu thương con người trong Mị.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ 01 đến 04:
Trì hoãn là hiện tượng tâm lí và hành vi khá phổ biến của con người. Mỗi người đều có thói quen trì hoãn cái này cái kia; bình thường thì chỉ là tật xấu nhưng nghiêm trọng sẽ trở thành “bệnh”. Nhưng dù có nghiêm trọng hay không, trì hoãn sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống và công việc.
Sự nguy hại của trì hoãn nằm ở chỗ, trên thực tế nó là một “bệnh mãn tính dạng ẩn”; trong thời gian ngắn sẽ thấy không ảnh hưởng quá nhiều, nhưng về lâu về dài thì nguy hại khôn lường. Quan trọng hơn, rất nhiều người mắc bệnh trì hoãn mà không biết. Họ luôn tìm được những lời giải thích tưởng chừng rất hợp lý cho hành vi trì hoãn của mình, đến khi phát hiện ra thì đã bước vào giai đoạn cuối và rất khó điều trị tận gốc.
Trì hoãn là sát thủ của thời gian. Nó sẽ rút ngắn độ dài của tuổi thọ chúng ta, khiến chúng ta hao mòn năm tháng, tuổi xuân trong sự chờ đợi vô vọng và nỗi hối hận căm hờn vô bờ bến.
Trì hoãn là kẻ cắp của sinh mệnh. Nó sẽ đánh cắp sự nhiệt tình, cơ hội, mài mòn ý chí chiến đấu của mỗi người trong vô thức, khiến cuộc sống dậm chân tại chỗ.
(Trích Tuổi trẻ không trì hoãn, Thần Cách, Đỗ Mai Dung dịch, Nxb Thế giới, tr.06, 2017)
Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính của đoạn trích.
Câu 2. Nêu một biện pháp tu từ cú pháp được sử dụng ở đoạn trích.
Câu 3. Theo tác giả, thói quen trì hoãn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nào đối với cuộc sống con người?
Câu 4. Theo anh/chị, những nguyên nhân nào dẫn tới thói quen trì hoãn của con người?
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1.
Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) về chủ đề: Sống là không chờ đợi.
Câu 2.
Đọc kĩ đoạn trích sau:
[…] Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biển bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố phường với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh. Tôi đã đến Lê-nin-grat, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng mặt trời mùa xuân, mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê-téc-bua cũ để ra bể Ban-tích. […] Hai nghìn năm trước, có một người Hi Lạp tên là Hê-ra-clít, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi qua nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố… Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng.
(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.199-200, 2014).
Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng dòng sông trong đoạn trích trên.
Từ đó, liên hệ với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử) để nhận xét về vẻ đẹp của sông Hương – xứ Huế trong cảm nhận của hai tác giả.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Thao tác lập luận: Phân tích
Câu 2:
- Biện pháp tu từ cú pháp: Điệp cấu trúc
Câu 3:
Theo tác giả, những ảnh hưởng tiêu cực của thói quen trì hoãn là:
- Khiến tuổi xuân trôi qua lãng phí, hao mòn bởi sự chờ đợi.
- Đánh cắp sự nhiệt tình, làm mất đi cơ hội, mài mòn ý chí.
- Khiến cuộc sống dậm chân tại chỗ.
Câu 4:
Thí sinh đưa ra được những nguyên nhân hợp lí. Cụ thể:
- Cuộc sống có nhiều thứ hấp dẫn cuốn ta theo: Phim ảnh, games, mạng xã hội, các hình thức giải trí…
- Bản thân chưa có nhận thức đầy đủ về tác hại của sự lãng phí thời gian, hoặc chưa đủ kiên trì, bản lĩnh, sự quyết tâm để vượt thắng sự cám dỗ của những thứ vô bổ.
- Chưa biết cách lập kế hoạch cho cuộc sống hoặc lập kế hoạch không phù hợp, không khoa học.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Yêu cầu về kĩ năng: đảm bảo cấu trúc đoạn văn; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi cơ bản về diễn đạt, chính tả; đảm bảo tương đối dung lượng như yêu cầu của đề.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Đoạn văn cần đảm bảo những ý chính sau:
- Xác định đúng vấn đề cần bàn luận: Sống không trì hoãn, tận dụng từng giây phút cuộc đời để sống có ích.
- Bàn luận:
+ Xã hội, cuộc sống luôn vận động không ngừng. Bạn trì hoãn, bạn chờ đợi, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
+ Sống tích cực, chủ động, tận dụng mọi thời gian, cơ hội mình có để hoàn thiện bản thân, đóng góp cho xã hội.
+ Sống không chờ đợi không có nghĩa là sống vội, sống ẩu, sống vô trách nhiệm, chạy theo các quan điểm sống hời hợt.
Bài học: Hình thành nhận thức đúng đắn, tích cực về cuộc sống. Rèn luyện bản lĩnh, tích lũy tri thức và bồi dưỡng tâm hồn… để có một cuộc sống tích cực, lành mạnh, hữu ích.
Câu 2:
Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương qua đoạn trích. Liên hệ với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để nhận xét về vẻ đẹp của sông Hương - xứ Huế.
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.
b. Xác định đúng luận đề: Vẻ đẹp sông Hương đoạn chảy qua kinh thành Huế. Liên hệ với bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để thấy vẻ đẹp sông Hương xứ Huế.
c. Triển khai luận đề: Triển khai thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích.
2. Phân tích:
2.1. Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương qua đoạn trích
- Khái quát vẻ đẹp của sông Hương phía thượng nguồn và đoạn chảy qua vùng trung du.
- Đoạn chảy qua kinh thành Huế, vẻ đẹp của sông Hương được cảm nhận dưới nhiều góc độ:
+ Sông Hương được nhân hóa để thành một thiếu nữ với tâm trạng “vui tươi, yên tâm” khi gặp người tình mong đợi. Nó vừa e ấp kín đáo vừa tha thiết mãnh liệt “như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu”
+ Nhìn bằng con mắt của hội họa: sông Hương cùng những chi lưu tạo nên những đường nét thật mềm mại, tinh tế và cổ kính.
+ Cảm nhận bằng âm nhạc: sông Hương như điệu slow du dương, sâu lắng và ngập tràn tình cảm.
- Đoạn văn nhẹ nhàng với ngòi bút tinh tế, lối viết giàu cảm xúc, kết hợp giữa miêu tả và tự sự. Các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa… được sử dụng hiệu quả. Tất cả cho thấy một cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự tài hoa và chân thành yêu sông Hương - xứ Huế.
2.2. Liên hệ với bài “Đây thôn Vĩ Dạ”
- Bức tranh sông Hương trong cảm nhận của Hàn Măc Tử:
+ Điệu chảy nhẹ nhàng trong nỗi buồn sâu lắng: dòng nước buồn thiu.
+ Dòng sông trăng đầy huyền ảo, mơ hồ, lãng mạn, chở khát vọng vượt thoát đau thương.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Ba Chúc. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !